Khám phá trở lại "ngân sách, đòn bẩy cho tăng trưởng"
- Thứ Ba, 03 tháng Giêng năm 2017 17:55
- Tác Giả: Thanh Hà
Đã đến lúc thế giới cần « phối hợp tăng ngân sách nhà nước để tiếp sức cho kinh tế ». Ảnh minh họa.REUTERS/Jason Lee
Tăng trưởng èo uột trên thế giới, chính sách kích cầu của tân chính quyền Mỹ gia tăng áp lực, buộc Châu Âu nhẹ tay với biện pháp thắt lưng buộc bụng, nới lỏng ngân sách nhà nước trong các khoản chi tiêu.
Trước Donald Trump và Bruxelles, quỹ IMF và tổ chức OCDE đã khuyến khích trở lại các nước thành viên tăng chi tiêu công cộng để tạo đà cho tăng trưởng.
Một loạt bầu cử tại Pháp, Đức, thay đổi chính quyền ở Mỹ … trong năm 2017 ảnh hưởng lớn đến chính sách kinh tế toàn cầu.
Các ngân hàng trung ương từ Âu sang Á đã hạ lãi suất xuống thấp đến sàn mà vẫn không đủ sức vực dậy các hoạt động kinh tế : Đó là những động lực chính khiến nhiều định chế tài chính đa quốc gia vốn rất dè dặt với các biện pháp dùng ngân sách nhà nước để kích cầu, nay đồng loạt thay đổi chiến lược.
IMF trên tuyến đầu
Tháng 9/2016 tại thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF bất ngờ khuyến khích cộng đồng quốc tế sử dụng « ngân sách nhà nước để hỗ trợ tăng trưởng, xoa dịu những tác động tiêu cực trong ngắn hạn do các biện pháp cải tổ sâu rộng nhưng cần thiết gây nên ».
Cũng IMF tại thượng đỉnh Hàng Châu hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong hai năm 2016 và 2017, nêu ra một số yếu tố đe dọa sự thịnh vượng chung của nhân loại, như là Brexit và khủng bố.
Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, chính sách tiền tệ vô cùng dễ dãi trong thời gian gần 10 năm liên tiếp của các ngân hàng trung ương, từ Mỹ đến Nhật Bản, Châu Âu đã « cho thấy những giới hạn » của liều thuốc này.
Trong bối cảnh đó IMF cho rằng đã đến lúc phải sử dụng đến đòn bẩy thứ nhì để tìm lại tăng trưởng, đẩy lui thất nghiệp : tăng chi ngân sách.
Paris, Washington và cả Bắc Kinh tán đồng kêu gọi của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, nhưng Berlin tỏ ra thận trọng với kết luận của định chế tài chính đa quốc gia này.
Cũng trong thông cáo được công bố ở Hàng Châu, IMF đích danh khuyến khích Úc Canada, Mỹ và Đức huy động ngân sách cho các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
OCDE : ngân sách quốc gia, « vũ khí » để chinh phục tăng trưởng
Hai tháng sau Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đến lượt Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE dóng tiếng chuông báo động : đã đến lúc thế giới cần « phối hợp tăng ngân sách nhà nước để tiếp sức cho kinh tế ».
Báo cáo cuối tháng 11/2016 của OCDE nhấn mạnh : « Sau 5 năm liên tiếp cắt giảm chi tiêu, tỷ lệ nợ công so với tổng sản phẩm nội địa của các nước thành viên đã ổn định ».
Cùng thời kỳ, các ngân hàng trung ương đã hạ lãi suất chỉ đạo xuống mức thấp nhất, giảm bớt chi phí tài chính cho các quốc gia.
Do vậy theo OCDE các nền kinh tế này giờ đây có điều kiện để tăng ngân sách, trong ít nhất là ba hay bốn năm mà không ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ công so với GDP.
Cuối tháng 7/2016 chính phủ Pháp đi vay tín dụng 10 năm với lãi suất 0,1 % : mức thấp chưa từng thấy.
« Cuộc cách mạng » trong Liên Hiệp Châu Âu
Nhưng thay đổi bất ngờ nhất xuất phát từ trung tâm quyền lực của Liên Hiệp Châu Âu.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker cũng như ủy viên Châu Âu đặc trách về hồ sơ kinh tế, Pierre Moscovici đã liên tục kêu gọi 19 nước sử dụng đồng euro « tăng ngân sách Nhà nước ».
Nhìn chung cho cả khối, Bruxelles dự trù bơm thêm 50 tỷ euro trong tài khóa 2017. Đây là một tín hiệu mạnh của Liên Hiệp Châu Âu và Eurozone sau nhiều năm liên tục đòi các nước thành viên « thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu công công, giải quyết bớt nợ công » .
Trả lời trên đài RFI Pháp ngữ, chuyên gia kinh tế Eric Heyer, giám đốc nghiên cứu thuộc cơ quan Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp – OFCE không ngạc nhiên về thái độ của giới lãnh đạo Châu Âu, bởi chính sách khắc khổ đã thất bại.
« Nhìn chung, khủng hoảng kinh tế trong khu vực đồng euro đã chứng minh rằng, chính sách khắc khổ sẽ không tác hại đến đà tăng trưởng, không gây ra thất nghiệp khi được áp dụng trong một số điều kiện.
Những điều kiện đó là : thứ nhất chỉ một số ít các quốc gia sử dụng liều thuốc này.
Thứ hai là người ta chỉ có thể cắt giảm chi tiêu, thanh toán bớt nợ khi một nền kinh tế vẫn tạo thêm của cải, vẫn có đà cho các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.
Liên quan đến trường hợp cụ thể của châu Âu : từ sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 tới nay, cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn khu vực Eurozone đồng loạt kêu gọi các thành viên thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Pháp, Ý, Đức, và cả những nước điêu đứng nhất như Hy Lạp, Bồ Đào Nha … đua nhau giảm chi tiêu công cộng, tiết kiệm trong các chương trình giáo dục, trợ cấp xã hội …
Chính sách khắc khổ đó được đưa ra vào thời điểm tăng trưởng của nhiều thành viên khu vực đồng euro ở số âm.
Không có tăng trưởng, các hoạt động kinh tế bị đình trệ, nhà nước không thu được thuế, thì đương nhiên là thâm hụt ngân sách phải tăng lên. Thêm vào đó là số người bị mất việc trên toàn châu Âu không ngừng gia tăng.
Tôi không muốn nói là chúng ta cứ việc "vung tay quá trán" tiêu xài một cách vô trách nhiệm.
Nhưng sử dụng chính sách khắc khổ để chống khủng hoảng cũng như khi dùng thuốc để chữa bệnh, ta phải "sử dụng đúng thuốc, đúng liều và đúng thời điểm".
Thêm một điểm nữa là để khắc phục hậu quả khủng hoảng kinh tế, nếu dùng biện pháp thắt lưng buộc bụng, thì kèm theo đó phải là chính sách tiền tệ nới lỏng, tức là lãi suất thấp để khuyến khích tiêu thụ và đầu tư ».
Giới hạn của chính sách « tiền rẻ »
Có điều chính sách « tiền rẻ » ở Mỹ và đặc biệt là Châu Âu cũng có giới hạn.
Viện thống kê Eurostat chờ đợi tăng trưởng của toàn khối trong năm 2017 thấp hơn so với năm 2016. Bản thân nước Đức, đầu tàu của Eurozone cũng không hy vọng GDP tăng quá 1,4 % trong năm nay, nhất là 2017 là năm bầu cử tại Đức.
Đảng liên minh đang cầm quyền của thủ tướng Angela Merkel- thành trì của chính sách « khắc khổ »- chưa nắm chắc phần thắng trong tay.
Nạn khủng bố thách thức nền kinh tế số 1 của Liên Hiệp Châu Âu.
Ủy ban Châu Âu trong một thông cáo gần đây nhìn nhận : tiếp tục chính sách khắc khổ sẽ « thu hẹp tiềm năng tăng trưởng » của khu vực đồng euro.
Tháng 11/2016 Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã công bố mức thâm hụt ngân sách nhà nước và cả ba đã « vượt quá ngưỡng quy định ».
Nhưng không một ai bị « phạt » hay bị khiển trách.
Trên hồ sơ nhạy cảm nhất của châu Âu là Hy Lạp : ngày càng có nhiều quốc gia giữ khoảng cách với lập trường quá cứng rắn của Berlin trước một con nợ như Athens.
Bởi lẽ giới quan sát lo ngại rằng, chính sách một chiều từ phía các chủ nợ của Hy Lạp lại càng đẩy tinh thần bài châu Âu lên cao, tạo đà cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa.
Tháng 6/2016 cử tri Anh đã nói « không » với Liên Hiệp Châu Âu sau ủng hộ Brexit.
Chưa đầy 6 tháng sau đến lượt 60 % cử tri Ý bất tín nhiệm thủ tướng Matteo Renzi vì các biện pháp cải tổ đòi hỏi người dân phải hy sinh quá nhiều.
Tại Áo, đảng cực hữu bài châu Âu suýt giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống. Các phong trào dân túy lớn mạnh tại Pháp và cả Đức hai cột trụ trong đại gia đình Châu Âu.
Trong bối cảnh đó chuyên gia kinh tế Eric Heyer, cơ quan Quan Sát Tình Hình Kinh Tế Pháp – OFCE ghi nhận việc các giới chức tại Bruxelles « gài số lùi » là điều dễ hiểu, nhất là từ trước tới nay, các giới chức tài chính, ngân hàng châu Âu đã áp đặt ngưỡng nợ công/GDP không được vượt quá 60 % và bội chi ngân sách phải được giữ ở dưới mức 3 % tổng sản phẩm nội địa, mà quên rằng, cần tách bạch « các khoản chi tiêu thông thường với những dự án đầu tư mang tính trường kỳ, và đó là những khoản đầu tư cần thiết cho tăng trưởng mai sau ».
Theo ông Heyer, vấn đề đặt ra không chỉ là thâm hụt ngân sách.
« Câu hỏi đặt ra là chúng ta có định nghĩa chính xác hay khôngvề cái gọi là ‘thâm hụt ngân sách nhà nước’.
Nếu như ngân sách bị bội chi vì các khoản đầu tư cộng cộng vào cơ sở hạ tầng, vào giáo dục, thì đó là những khoảng chi tiêu để xây dựng nền tảng vững chắc cho tăng trưởng trong những thế hệ mai sau.
Các khoản đầu tư cho tương lai đó, đòi hỏi các thế hệ sau này phải đóng góp, và đó là điều dễ hiểu.
Ngược lại nếu như hiện tại chúng ta tăng chi tiêu công cộng, chỉ để khuyến khích tiêu thụ, để rồi gánh nặng nợ công dồn lại cho con, em chúng ta sau này, thì khoản thâm hụt ngân sách đó ‘độc hại’ cho tăng trưởng chung của một nền kinh tế.
Chính vì vậy mà cả Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lẫn Tổ Chức Hợp Tác và Pháp Triển Kinh Tế OCDE và thậm chí là cả Bruxelles bắt đầu phân biệt rõ ràng, giữa một bên là những khoản chi tiêu chỉ nhắm tới ngắn hạn và bên kia là những khoản đầu tư cho tương lai.
Theo tôi, Eurozone đã nhận thấy rằng, góm cả hai loại chi tiêu này vào làm một, và quy định là thâm hụt ngân sách phải được giữ dưới ngưỡng 3 % GDP là vô lý.
Nếu thực sự đem 3 % GDP đầu tư vào các công trình xây dựng thì đó là một khoản rất lớn, một đòn bẩy quý giá để đem lại tăng trưởng.
Nhưng để thực sự đòn bẩy này có hiệu quả mong muốn, thì nhiều quốc gia phải cùng tăng ngân sách để tiến hành chính sách kích thích tiêu thụ và đầu tư.
Vì vậy cả OCDE lẫn IMF đều cho rằng đã tới lúc Liên Hiệp Châu Âu cần dùng lại bài thuốc cổ điển : tăng ngân sách nhà nước để đầu tư vào các công trình dài hơi, đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế của tương lai, như năng lượng sạch, vào những phương tiện cho phép nâng cao năng suất trong mọi ngành nghề, vào công nghệ kỹ thuật số và cả những hệ thống giao thông cổ điển trên bộ, trên biển … ».
Trong trường hợp của khu vực đồng euro, thách thức lớn là tới nay, 19 nước sử dụng chung một đồng tiền không có được một chính sách đầu tư xuyên suốt cho toàn khối.
Đây chính là điều khiến đầu tư công cộng của Eurozone kém hiệu quả.
Related news items:
Tin mới
- Thế giới lưỡng cực, mô hình đã lỗi thời - 05/01/2017 23:32
- Thế giới trong quan điểm của Donald Trump - 05/01/2017 20:31
- Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp: Bắc Kinh ép người Tây Tạng không được dự - 05/01/2017 20:09
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-01-2017 - 05/01/2017 19:20
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-01-2017 - 05/01/2017 04:33
- Bunker 42 » : Căn cứ quân sự bí mật dưới lòng thủ đô Nga - 05/01/2017 00:42
- Bắc Triều Tiên : Thách thức quốc tế đầu tiên của Trump - 04/01/2017 23:43
- Hướng dẫn viên du lịch người Hoa bôi bác Việt Nam - 04/01/2017 17:19
- Tàu sân bay TQ thị uy ở Biển Đông, mẫu hạm Mỹ vắng mặt trên biển - 04/01/2017 14:15
- Thủ tướng Israel bị thẩm vấn vì nghi án hối lộ - 03/01/2017 18:02
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 03-01-2017 - 03/01/2017 16:05
- Nga muốn tập trận với Philippines tại Biển Đông - 03/01/2017 15:27
- Trả đũa tin tặc Nga hay không ? Câu hỏi khó cho Mỹ - 03/01/2017 03:07
- Daech nhận là thủ phạm vụ khủng bố đầu Năm Mới tại Thổ Nhĩ Kỳ - 02/01/2017 23:46
- Matxcơva tuyển mộ đội quân tin tặc như thế nào ? - 02/01/2017 23:12
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-01-2017 - 02/01/2017 22:54
- Pháp lần đầu tiên xử một vụ “tài sản bất chính” của lãnh đạo nước ngoài - 02/01/2017 18:39
- Biển Đông: Bắc Kinh thúc đẩy quân sự hóa đội tàu cá - 02/01/2017 17:35
- Hồng Kông: Biểu tình phản đối ý đồ bãi nhiệm 4 dân biểu - 02/01/2017 16:55
- Hoa Kỳ có thể bố trí nhiều vũ khí mạnh ở Biển Đông - 02/01/2017 16:47