Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-11-2016

Miến Điện : bà Aung San Suu Kyi đang ở đâu sau một năm cầm quyền ?

aung san suu kyi obama



Bà Aung San Suu Kyi hội đàm với tổng thống Mỹ Barack Obama, tại Nhà Trắng, ngày 14/09/2016.
REUTERS/Carlos Barria

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hôm 08/11/2016 vừa qua đã che khuất mọi sự kiện khác trên thế giới khiến người ta quên mất rằng cũng vào đúng ngày đó cách đây một năm, cuộc bầu cử tự do đã diễn ra thành công ở Miến Điện sau hơn nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân sự.

Một năm dưới chính phủ mới thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, Bà Aung San Suu Kyi, người đóng vai trò « trên cả tổng thống » đã làm được gì ?

Nhật báo Le Monde có bài của tác giả Bruno Philip nhìn lại thành quả một năm của chính quyền dân chủ ở Miến Điện với tâm điểm là bà Aung San Suu Kyi.
Bài phân tích có tiêu đề : « Miến Điện, bản tổng kết nhợt nhạt của Aung San Suu Kyi ».
Tác giả đặt câu hỏi : « Còn lại gì ở « Quý bà », người đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 1991 vì lòng can đảm và quyết tâm đấu tranh ? »

Theo tác giả, một năm sau cuộc tuyển cử lịch sử tháng 11/2015 đem lại chiến thắng vang dội cho đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (LND) của bà Aung San Suu Kyi, bản tổng kết của chính phủ được bầu một cách dân chủ đầu tiên ở Miến Điện « rất nhợt nhạt, nhất là trên phương diện dân chủ ».

Trong khi mà quân đội dường như trong những tuần qua đang mở cuộc trấn áp dữ dội nhằm vào người thiểu số Hồi giáo Rohingya, trong khi mà các đảng viên của bà Ang San Suu Kyi vẫn tiếp tục bị bỏ tù hay bị đưa ra tòa vì những chỉ trích giới quân nhân, và trong khi chính phủ vẫn bất lực không chấm dứt được các cuộc giao tranh giữa quân đội và các nhóm nổi dậy sắc tộc thiểu số ở miền bắc, thì bà Aung San Suu Kyi vẫn lặng thinh.

Bài báo cho rằng có thể bà Aung San Suu Kyi, với quyền hành tập trung gần như một nguyên thủ quốc gia, đang còn có nhiều việc phải lo với các chuyến công du nước ngoài.
Thời gian qua, bà ngược xuôi tới Mỹ, Nhật rồi qua Trung Quốc, Ấn Độ. Ở đâu bà cũng được tiếp đón long trọng và mang về cho đất nước hàng tỷ đô la tiền viện trợ.
Về phương diện ngoại giao quả là không tồi, theo tác giả bài viết.

Thế nhưng trên bình diện nhân quyền và tự do ngôn luận thì bà không làm được như vậy. Người ta cũng hiểu là lên nắm quyền, đảng LND không thể ngày một ngày hai thay đổi được đất nước đã có hơn nửa thế kỷ nằm dưới ách độc tài quân sự được.

Hơn nữa, quân đội vẫn là một thế lực lớn, chiếm 25% ghế Quốc hội. Họ vẫn nắm trong tay các bộ chủ chốt như Quốc Phòng, Nội Vụ và Biên Giới.
Những người bênh vực bà Aung San Suu Kyi thì lý giải rằng nếu bà chọn đối đầu với quân đội thì sẽ làm phá vỡ những thỏa thuận nhằm đưa tiến lên Miến Điện trên con đường đổi mới.

Kiểm duyệt vẫn gắt gao

Thế nhưng, theo tác giả Bruno Philippe, về phương diện các quyền tự do, tình hình đã trở nên đáng ngại khiến người ta phải đặt câu hỏi việc bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền có thực sự làm thay đổi đất nước hay không.

Tình trạng kiểm duyệt vẫn còn rất gắt gao. Bằng chứng là đầu tháng 11/2016, một đảng viên kỳ cựu của LND, Myon Yan naung Thein, từng 2 lần bị ngồi tù dưới chế độ độc tài quân sự, là lãnh đạo nhóm cố vấn thân cận với đảng cầm quyền, nhưng vẫn bị bắt, chỉ vì một bài viết đăng trên Facebook chỉ trích giới quân nhân.
Nhiều nhà báo và nhà đấu tranh ủng hộ chế độ mới cũng vẫn bị bỏ tù theo những điều luật mập mờ về truyền thông có từ thời trước, nhưng vẫn không bị hủy bỏ.
 Việc kiểm duyệt báo chí, đã được chính quyền tổng thống Thein Sein gỡ bỏ, nay vẫn được tiến hành một cách gián tiếp.

Bài viết dẫn trường hợp của nhà báo Fiona McGregor, người Xcotland, làm việc cho tờ báo Myanmar Times, mới đây đã bị sa thải vì viết bài về các vụ hãm hiếp phụ nữ Hồi giáo.
Từ đó, tờ nhật báo này cũng ngừng hẳn việc đưa tin về các vụ việc tương tự.
Các lãnh đạo nhóm nổi dậy thiểu số không chịu ký ngừng bắn năm 2015 cũng là vì họ nghi ngại thiện chí của bà Aung San Suu Kyi.

Để kết thúc bài báo, tác giả trích dẫn bức thư ngỏ của cố vấn pháp lý của tổ chức Human Right Watch, bà Linda Lakhdhir, đăng trên trang mạng của báo The Irrawaddy, chất vấn « quý bà Rangoon » rằng :
 «  Với cương vị người từ lâu nay vẫn bảo vệ quyền tự do phát biểu, bà phải tỏ rõ quan điểm của mình. Hy vọng những đồng sự của LND không cố sử dụng những điều luật có từ thời độc tài để bịt miệng những người chỉ trích mình…. »

Donald Trump đắc cử báo hiệu tiến trình « phi toàn cầu hóa »

Trở lại với sự kiện đang làm náo động làng báo thế giới. Dư âm của cuộc bầu Mỹ vẫn chưa thể hết được.
 Các báo Pháp ra hôm nay tiếp tục có nhiều trang bài bàn về hệ lụy của việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất với câu hỏi : « Donald Trump thắng có nghĩa là hồi kết của quá trình toàn cầu hóa chăng ? ».
Một câu hỏi chính đáng bắt nguồn từ thực tế Donald Trump đã đặt chủ trương bảo hộ ở trung tâm chiến dịch tranh cử. Ông ta thậm chí còn dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tuy nhiên, Le Monde cũng dành nhiều bài viết cho thấy, việc quay trở lại xu hướng bảo hộ kinh tế quốc gia đã trở nên phổ biến.
Ngay đầu năm 2016, chính phủ các nước trong nhóm G20 đã đưa ra 350 biện pháp cản trở tự do thương mại.

Bên cạnh đó, Le Monde cũng muốn chỉ ra rằng, quá trình toàn cầu hóa dường như đang hụt hơi, hiện tượng di dời sản xuất ra bên ngoài cũng giảm nhiều và thời kỳ vàng son của tự do mậu dịch cũng đã xa dần.

Hết toàn cầu hóa đến phi toàn toàn cầu hóa ?

Xã luận của Le Monde đặt câu hỏi phải chăng chúng ta đang ở giai đoạn đầu của  tiến trình « phi toàn cầu hóa » ?
Câu hỏi này rộ lên sau Brexit và ngay khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ.

Nhiều đảng chủ trương bảo hộ và đảng cực hữu ở châu Âu đã diễn giải thành công của Trump ở Mỹ như là một tín hiệu báo hồi kết cho hiện tượng toàn cầu hóa.
Le Monde phân tích, Trump đã khai thác thực tế mà ở châu Âu cũng như Mỹ người ta đã biết từ hai chục năm nay.
 Toàn cầu hóa với đặc trưng là gỡ bỏ rào cản thuế quan và tự do di chuyển vốn, đã rút ngắn khoảng cách bất bình đẳng giữa bắc và nam bán cầu, hay nói cách khác là giữa các nước giàu và nghèo.

Nhiều nơi, đặc biệt là châu Á đã được hưởng lợi nhiều từ quá trình toàn cầu hóa. Thế nhưng, đồng thời với quá trình toàn cầu hóa đó là hiện tượng các công xưởng của thế giới mọc lên ở khắp nơi, đặc biệt là ở Trung Quốc, khiến lãnh thổ kinh tế của châu Âu và Mỹ bị tàn phá.
Tuy nhiên, đa số các quốc gia liên quan vẫn làm ngơ vì họ cũng có lợi.

Nhưng toàn cầu hóa không phải là nguyên nhân duy nhất. Cuộc cách  mạng công nghệ cũng có phần trách nhiệm không nhỏ, nếu không muốn nói là còn lớn hơn.
Chính nó đã gây ra làn sóng di dời công ăn việc làm ra nước ngoài, bởi giờ đây những dây chuyền sản xuất công nghiệp lớn có thể chia nhỏ ra và đem rải ở nhiều nước.
Công nghệ số đã thúc đẩy và đơn giản hóa hoạt động toàn cầu của các dịch vụ. Cuộc cách mạng này không thể ngừng lại được mà chỉ có tiếp tục mở rộng hơn.

Xã luận báo Le Monde nhấn mạnh, « ảo tưởng của những người như Donald Trump muốn trở lại ngày xưa với lời hứa hùng hồn rằng « tôi sẽ hồi hương việc làm » chỉ là dối trá.
Cứ thử đánh thuế vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc hay Mêhico như ông Trump hứa hẹn xem, một cuộc chiến tranh thương mại sẽ nổ ra và kết cục của nó là hàng triệu việc làm ở Mỹ bị mất ».

Theo quan điểm của Le Monde thì toàn cầu hóa đang có vấn đề, nhưng nếu cứ mù quáng đặt cược vào « phi toàn cầu hóa » thì hệ lụy cũng khôn lường.

Các cuộc thăm dò dư luận trong bầu cử có vấn đề

Nước Pháp cũng đang bước vào mùa bầu cử tổng thống, nhìn vào những gì diễn ra ở Mỹ để ngẫm đến mình có lẽ cũng cần thiết.
Nhật báo Libération dành phần lớn các trang báo cho chủ đề thăm dò dư luận, một phần không thể thiếu ở các cuộc bầu cử tự do.

Libération chạy tựa trang nhất : « Thăm dò dư luận: Hoài nghi lớn ».
Tờ báo ghi nhận : « Các cuộc thăm dò dư luận đã dự báo Trump thất cử và Brexit thất bại : Sau hai thất thố lớn đó, các viện thăm dò dư luận đang bị nhiều chỉ trích.
 Trong khi đó, ngay tại nước Pháp các ứng viên bầu cử sơ bộ chọn người ra ứng cử tổng thống ở cánh hữu dường như cũng đang bị các cuộc điều tra dư luận gây nhiễu ».

Và tờ báo đặt câu hỏi : Có nên tin cậy vào các cuộc thăm dò dư luận ?
Libération nhắc lại, « các cuộc thăm dò dư luận chỉ là bức ảnh chụp chứ không phải là tiên tri….. Nhưng không thể không thừa nhận là trong nền dân chủ vốn chuộng thăm dò dư luận như của chúng ta, đó là dữ liệu chính và đôi khi là trọng tâm của tranh luận rộng rãi.
 Đó cũng là nguyên vật liệu mà truyền thông đặc biệt ưa thích ».

Sai lầm kép của thăm do dư luận bầu cử Mỹ 2016

Với những gì vừa xảy ra ở bầu cử tổng thống Mỹ, tại sao chiến thắng của Trump không dự báo được ?
  Libération giải thích : « Tính phức tạp của hệ thống bầu cử Mỹ, nơi một vài bang dao động (Swing States) cũng đủ thay đổi kết quả bầu cử.
Nhìn kỹ thì thấy trên 50 bang của Mỹ, Trump đã thắng ở 5 bang mà các cuộc thăm dò dư luận dự báo ông thất bại, đó lại là những bang dao động.

Tờ báo nhận định, cần phải có thêm thời gian để phân tích các dự liệu và hiểu cụ thể các cuộc thăm dò dư luận bị nhầm ở chỗ nào.
Nhưng ngay lúc này có thể đã thấy hai vấn đề : đánh giá thấp phiếu trắng có lợi cho Trump.
Ngược lại, các cuộc thăm dò lại đánh giá quá cao vào tỷ lệ tham gia bỏ phiếu của giới trẻ và cử tri da đen thiên về ủng hộ Clinton. »

Tái chiếm Mossoul, một tháng chưa thể xong

Một thời sự khác không thể bị che lấp bởi những sự kiện bầu cử Mỹ hay bầu cử Pháp, đó là chiến sự Mossul - Iraq.
Chiến dịch tái chiếm Mossul từ quân thánh chiến đã kéo dài một tháng nay xuất hiện trên trang nhất nhiều tờ báo như Le Figaro, La Croix.

Le Figaro ghi nhận : « Mossul : Một tháng tấn công, các cuộc giao tranh ngày càng khốc liệt ». Báo La Croix thì chạy tựa lớn : « Mossul, cuộc di tản » đề cập đến thảm cảnh 500.000 thường dân đã phải di tản khỏi thành phố để tránh bom rơi đạn lạc.

Nhiều nhân chứng đã kể lại nỗi kinh hoàng sống với Daech.
Một người tị nạn cho la Croix biết: « Có 6.000 - 7.000 người dân Mossul đã bị hành quyết.
Có 3 nơi hành hình chính trong Mossul. Thi thể trôi đầy sông, giờ vẫn còn.

Những người bị phát hiện chỉ điểm cho quân đội Irak thì bị đè nát dưới các khối bê tông … ». Trận chiến này càng kéo dài thì lại càng chồng chất thêm nỗi thống khổ cho thường dân Mossul.

Switch mode views: