Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-11-2016

 Hồng Kông nhượng cho Trung Quốc quyền tự do báo chí

jack ma



Jack Ma, chủ nhân của South China Morning Post
Ảnh Tyrone siu/Reuters

« Hồng Kông nhượng lại cho Trung Quốc quyền tự do báo chí » là hàng tựa đầy cay đắng trên Libération.

Nhật báo « South China Morning Post » (hay "Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng"), thành lập năm 1913, từ hàng chục năm nay, đã nổi tiếng như là biểu tượng tự do báo chí tại Hồng Kông.

Tuy nhiên, kể từ khi được nhượng lại cho tỉ phú Trung Quốc Jack Ma – ông chủ tập đoàn Alibaba - cuối năm ngoái, báo đã không còn đăng bài chỉ trích Bắc Kinh.

Một cựu phóng viên của nhật báo Hồng Kông cho biết trong năm vừa qua, « những ngòi bút chỉ trích nhất » đã bị đuổi việc.
Kể từ năm ngoái, ban giám đốc bắt đầu kiểm soát chặt các bài viết về chính trị. Tháng 3/2016, báo đóng cửa toàn bộ các tài khoản Sina Weibo, Tensen Weibo, và WeChat tại Hoa Lục.

Và cũng kể từ đó, Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng đăng nhiều bài viết « hoàn toàn tương phản với tinh thần của tờ báo », như công khai ủng hộ việc đàn áp các luật sư nhân quyền, và mới đây là chống lại các dân biểu có quan điểm đòi hỏi nhiều tự trị hơn cho Hồng Kông…

Trong khi đó, báo lại không đưa tin rộng rãi về vụ bê bối Panama Papers, có liên quan đến các khoản tài sản lớn của nhiều lãnh đạo đương quyền tại Trung Quốc hay thân nhân của họ tại nước ngoài.

Theo Clément So, một giảng viên đại học Trung Quốc ở Hồng Kông, tỉ phú Jack Ma muốn biến Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng trở thành một « phương tiện truyền thông chiến lược, để chinh phục thị trường », đặc biệt với việc đầu tư mạnh cho ấn bản Anh ngữ.

South China Morning Post là công cụ của Bắc Kinh

Nhà chính trị học Hồng Kông Willy Lam, nguyên là một cây viết của Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, đi xa hơn với nhận định : tỉ phú Jack Ma muốn sử dụng nhật báo nổi tiếng này để tiếp tay cho chính quyền Trung Quốc « bịt miệng phương tiện truyền thông độc lập cuối cùng tại Hồng Kông ».

Quan điểm của ban lãnh đạo mới là giới thiệu ra bên ngoài hình ảnh về một đất nước Trung Quốc phồn thịnh, nơi tình trạng đàn áp giới ly khai, thiểu số tôn giáo, xã hội dân sự bị bỏ quên.

Mới đây, hiệp hội các phóng viên Hồng Kông ra một bản báo cáo mang tên « Một quốc gia, hai ác mộng » (một cách chơi chữ để đối lại quan điểm tuyên truyền của Bắc Kinh và « một quốc gia, hai chế độ », nơi thành phố Hồng Kông được hứa hẹn sẽ được hưởng quyền tự trị rộng rãi).

Báo cáo cho biết trong hiện tại Bắc Kinh, thông qua chính quyền đặc khu hay các doanh nghiệp kiểm soát gần 1/3 phương tiện truyền thông của Hồng Kông.

Tổ chức Phóng Viên không Biên Giới (RSF) nói đến « bàn tay vô hình của Bắc Kinh ». Trong bảng xếp hạng tự do báo chí của tổ chức này, Hồng Kông tụt từ thứ 18 tụt xuống hạng 69 (trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2016).

Trump sẽ chôn vùi chính sách « xoay trục » của Obama ?

Le Figaro có bài : « Phải chăng ông Trump sẽ hoàn thành việc chôn vùi chiến lược ‘‘xoay trục’’ sang châu Á của Obama ? », do thông tín viên tại châu Á Cyrille Pluyette phụ trách.

Về quan hệ giữa Hoa Kỳ với các đồng minh và đối tác Đông Nam Á, nhận xét đầu tiên mà phóng viên Le Figaro nhấn mạnh (ý kiến của nhà nghiên cứu Pháp Sophie Boisseau du Rocher) : cho đến nay chiến lược xoay trục của Washington không mấy thuyết phục đối với các nước ASEAN.

Ngoài các cuộc tuần tra thường xuyên tại Biển Đông để bảo vệ tự do hàng hải, và không kể mối liên minh quân sự với Philippines mới được nâng cấp, nhưng đang rơi vào tình trạng bấp bênh với tân tổng thống Duterte, nhìn chung không thể nói đến « sự tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ » tại khu vực này.

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đã liên tục lấn tới, đặc biệt với việc xây dựng nhiều đảo nhân tạo tại Trường Sa.

Trước đà lấn tới của Trung Quốc, ít có khả năng tân tổng thống Mỹ sẽ « từ bỏ hoàn toàn trận địa ».
Theo nhà Hán học Jean-Pierre Cabestan, nếu Trung Quốc lấn lướt quá nhiều, Washington có thể thay đổi cách đối phó. Hoa Kỳ chắc chắn sẽ tiếp tục dựa vào Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc để ngăn chặn Bắc Kinh, và bản thân Washington cũng sẽ tăng cường sức mạnh hải quân tại khu vực tây Thái Bình Dương.

« Cú sốc điện » Donald Trump

Trở lại với các diễn biến chính trị Mỹ, sau chiến thắng của Donald Trump, theo Libération, « các cuộc biểu tình phản kháng lan ra với một qui mô chưa từng có tại Hoa Kỳ : bị đánh động bởi chiến thắng của nhà tỉ phú, nước Mỹ cấp tiến bắt đầu đoàn kết lại…

 Các lãnh đạo chính trị, các nhà tranh đấu hội đoàn, nghệ sĩ hay công dân bình thường : khắp nơi trên đất Mỹ, cất lên những tiếng nói hứa hẹn chống lại tổng thống tương lai.

Phần nổi bật nhất của phong trào hiện nay là các cuộc biểu tình chống Trump nổ ra liên tiếp kể từ thứ Tư 09/11.
Từ New York, đến Los Angeles, Chicago, Las Vegas hay Indianpolis, hàng chục nghìn người tuần hành hô vang ‘‘not my president’’ (không phải tổng thống của tôi) ».

Tuy nhiên, tờ báo thiên tả cũng đặt câu hỏi : « Phải chăng điều thực sự đáng mong muốn là một nửa nước Mỹ này nổi dậy chống nửa kia ? »
Câu trả lời là : « Tất nhiên là không, cho dù hệ thống bầu cử Mỹ là phức tạp và đáng phải làm lại, nhưng Donald Trump đã được bầu lên một cách dân chủ, không thể vì lý do phần lớn giới phân tích, nhà thăm dò dư luận và truyền thông không dự báo được, mà cần phải chống lại ông ta ».

Tuy nhiên, Libération cũng nhấn mạnh : « cũng không phải vì thế mà khuất phục. Không phải ngẫu nhiên mà cụm từ ‘‘kháng chiến’’ bắt đầu lưu hành.
Có thể là chính khát vọng đó sẽ đánh thức thế giới phương Tây… đang quên mất các giá trị cởi mở và tự do của mình ».

Nhật báo Công Giáo La Croix hôm nay cho hồ sơ « Một cú sốc điện đối với phương Tây », dành lời cho các nhà nghiên cứu lý giải nguồn gốc của « cú sốc ».

Một số ý được nhấn mạnh là : « tại Hoa Kỳ và châu Âu, sự thăng tiến xã hội bị đình lại », « quan điểm của người dân không được coi trọng », « nỗi lo bị bỏ rơi của người da trắng », « khoảng cách giàu – nghèo ngày càng trở nên không thể chấp nhận được », « sự trỗi dậy của văn hóa địa phương chống lại văn hóa toàn cầu xa xôi »…

Quyền bầu cử tại Mỹ : Người da đen bị kỳ thị nặng nề

Đi sâu vào chủ đề thể chế bầu cử tại Mỹ, Libération có bài « Nạn kỳ thị đe dọa nền dân chủ Hoa Kỳ », nhấn mạnh đến tình trạng người da đen và/hoặc người nghèo bị gạt khỏi bầu cử.

Tờ báo Pháp đặc biệt chú ý đến tình trạng hàng triệu người Mỹ bị mất quyền bầu cử do các quy định khắc nghiệt của tư pháp tại một số tiểu bang, tước quyền công dân của những người đang bị điều tra, thường là người nghèo, người da đen (12 tiểu bang, đa số ở miền nam, thậm chí còn tước quyền công dân của người từng phạm pháp, từ hai năm sau khi ra tù cho đến mãn đời).

Theo Libération, phần lớn các qui định pháp lý này ra đời ngay sau Nội chiến, có mục tiêu loại người da đen ra khỏi danh sách cử tri.

Luật hình sự của Mỹ cũng hết sức khắc nghiệt, với tỉ lệ tù nhân cao hàng đầu thế giới (hai triệu người), trong đó tỉ lệ người da đen bị giam cầm cao hơn gấp 7 lần so với tỉ lệ trung bình toàn quốc.

Một phần ba trong số những người bị tước quyền bầu cử công dân là người da đen, một tỉ lệ rất cao so với tỉ lệ dân da đen trong tổng dân số.
Cụ thể là cứ 13 người da đen, có một người không được bỏ phiếu.

Thậm chí ở một số tiểu bang như Florida, tỉ lệ này là 1/5. Libération nhận xét, nếu tin rằng 9/10 người da đen sẽ bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ (theo các thăm dò dư luận), có thể thấy số lượng cử tri da đen bị loại làm lệch hẳn cán cân trong hai cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội.

« Tỉ phú Trump » điều khiển « tổng thống Trump » ?

Báo Le Monde và Les Echo đều có bài chú ý đến việc một khi bước vào Nhà Trắng, có rất nhiều khả năng « lợi ích của tổng thống Trump » sẽ mâu thuẫn với « lợi ích của doanh nhân Trump ».
Tỉ phú Trump hiện đang đầu tư vào khoảng 500 doanh nghiệp, có mặt tại khắp thế giới, kể cả Trung Quốc, Nga và Ả Rập Xê Út, là các quốc gia mà Hoa Kỳ « có quan hệ phức tạp ».

Les Echos cho biết, sau khi đắc cử, ông Trump hứa sẽ bàn giao tài sản cho ba con trai.
Tuy nhiên, ba người này cũng vừa được bổ nhiệm vào nhóm phụ trách xây dựng chính phủ mới, có vai trò quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp quyền lực.

Về chính sách của tổng thống tân cử Mỹ, Le Figaro có hồ sơ « Trump điều chỉnh các cam kết nhưng không từ bỏ », nhấn mạnh đến việc ông Trump có thể xem xét lại vấn đề quỹ bảo hiểm y tế Obamacare dành cho người nghèo, nhưng vẫn rất cứng rắn trong vấn đề nhập cư.

« Phương Tây » sẽ ngừng tồn tại ?

Chấn động sau vụ nhà chính trị dân túy đắc cử tổng thống Hoa Kỳ lan rất sâu.
Báo Le Monde đặt câu hỏi : « Phải chăng ‘‘phương Tây’’ sắp chấm dứt tồn tại ?».

 Phương Tây với tư cách là khối các quốc gia dân chủ, có nền kinh tế thị trường, có nghĩa là bao gồm cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, đối cực với khối cộng sản toàn trị Xô viết trước đây, và tiếp tục là ngọn cờ của nền dân chủ toàn cầu sau khi khối cộng sản sụp đổ.

Giờ đây sứ mạng ấy của phương Tây đang bị đe dọa. Một di sản hết sức nặng nề, mà các nước châu Âu khó lòng gánh vác, nếu không có phần đóng góp quyết định của Hoa Kỳ.

Nếu ảo tưởng « toàn cầu hóa » chiến thắng…

Cũng về chủ đề này, mục « Thảo luận » của Le Monde có bài : « Hãy vượt qua sự đối kháng giữa những người theo chủ nghĩa bảo vệ quá khứ và những người toàn cầu hóa » của Bruno Letour.

Theo nhà xã hội học Pháp, hoài niệm về quá khứ hay tin tưởng vào sức mạnh của toàn cầu hóa là hai ảo tưởng lớn của thế giới đương đại ; chiến thắng của Trump đi liền với sự khải hoàn của quan điểm hoài niệm về một quá khứ huy hoàng, nhưng cũng « không có gì cho thấy mọi việc sẽ được cải thiện, nếu ảo tưởng về tương lai sáng lạn của toàn cầu hóa chiến thắng ».

Nhà xã hội học nhấn mạnh là toàn cầu hóa đã đạt giới hạn, không còn « những miền đất hứa » kỳ diệu trên Trái đất, khát vọng sung túc của con người đã vượt quá xa những giới hạn vật chất của Trái đất. « Toàn cầu hóa đã đến hồi kết thúc », nhưng khi quay trở lại mảnh vườn riêng của mình, mọi thứ không còn như trước, các biên giới cũng không còn như trước.

Cuộc khủng hoảng sinh thái như « con voi trong căn phòng » (có nghĩa là đã quá rõ rồi), nhưng rất nhiều người làm như thể nó không tồn tại – giống như Trump và những người ủng hộ ông ta -, để tiếp tục bấu víu lấy các ảo tưởng về một quá khứ huy hoàng, hoặc một tương lai toàn cầu hóa đầy hứa hẹn.

Trump có thể hủy hoại Thỏa thuận khí hậu

Chính sách về khí hậu của tổng thống Hoa Kỳ vẫn còn là một ẩn số. Le Monde hôm nay nhấn mạnh : « Trump có đủ các phương tiện để hủy hoại thỏa thuận về khí hậu ».

Ông Trump vốn là người hết sức chống lại quan điểm cho rằng các hoạt động của con người tác động đến khí hậu.
Theo các nhà quan sát, nếu xem kỹ điều khoản 28 của Thỏa thuận về khí hậu Paris, có thể thấy, Washington hoàn toàn có khả năng rút khỏi hiệp định này trong vòng một năm, chứ không phải là 3 năm, như người ta vẫn nghĩ.

 Cụ thể là, Mỹ có thể rút khỏi Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về khí hậu (CCNUCC), cũng đồng nghĩa với việc có quyền rút khỏi thỏa thuận COP21, với điều kiện báo trước một năm.

Switch mode views: