Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-01-2016

Pháp : Một năm trên khắp mặt trận chống khủng bố

Salah Abdeslam -Mohamed Abrini

Cảnh sát tuần tra tại phi trường Roissy, bên cạnh chân dung của hai nghi phạm Salah Abdeslam và Mohamed Abrini 04/12/2016.
KENZO TRIBOUILLARD / AFP

Nước Pháp đang trong tuần lễ kỷ niệm đợt khủng bố đẫm máu tháng Giêng năm 2015.

 Ngày mai 07/01 đánh dấu đúng một năm hai kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan đột nhập xả súng vào tòa soạn tờ báo trào phúng Charlie Hebdo tại Paris sát hại 11 người.

Hai ngày sau đó 09/01/2015, một kẻ cuồng tín khác tấn công cửa hàng thực phẩm của người Do Thái Hyper Cacher tại Porte de Vincennes, cửa ngõ phía tây Paris và sát hại 4 người.
Trước đó một hôm, cũng chính kẻ tấn công này đã sát hại một nữ cảnh sát tại một địa điểm ngoại ô phía nam Paris.

Chủ đề chính của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay là trở lại với những sự kiện đau thương đã làm thay đổi đời sống chính trị - xã hội của nước Pháp.

 Tờ Le Figaro chạy tựa trang nhất bằng một câu hỏi : Nước Pháp có rút ra bài học từ vụ « Charlie » ?
Tờ báo nhận định : « Sau các vụ khủng bố tháng Giêng năm 2015, dù có chậm một chút, nước Pháp đã trang bị thêm nhiều các công cụ chống khủng bố, nhưng nhiều lỗ hổng vẫn còn, nhất là trong lĩnh vực cảnh sát và tư pháp ».

Le Figaro ghi nhận, từ vụ tấn công Charlie Hebdo và cửa hàng Hyper Cacher và nhất là đến khi xảy ra loạt vụ khủng bố 13/11/2015, chính phủ Pháp mới đưa ra hàng loạt biện pháp an ninh, tăng thêm phương tiện và phạm vi hành động cho các ngành tình báo, cảnh sát quân đội.

Nhiều dự luật cũng đang được chuẩn bị, như luật tước quốc tịch, chưa ra đã gây nhiều tranh cãi.

Cuộc chiến chống Daech của nước Pháp đã nổi lên như là một ưu tiên. Nhưng mọi việc diễn ra không phải dễ dàng, như việc đào tạo lực lượng cảnh sát bổ sung còn cần phải có thêm thời gian, hiệu quả chiến dịch không kích Daech tại Syria vẫn chưa ra đâu vào đâu, công cụ tư pháp vẫn còn thiếu và khó khăn nữa là phải duy trì lực lượng an ninh chạy theo mối đe dọa kéo dài không biết bao giờ chấm dứt.

Cuộc chiến chống Daech trên cả nghìn mặt trận

Le Figaro cũng ghi nhận thấy từ tháng Giêng năm 2015 đến nay, nước Pháp đã gia tăng cuộc chiến với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech) ở bên ngoài cũng như ngay trên lãnh thổ của mình.

Đặc biệt, kể tử sau loạt vụ khủng bố tại Paris hôm 13/11/2015, các mặt trận tấn công Daech đã được mở rộng và đẩy mạnh cường độ đáng kể.

Theo Le Figaro, trên biển, ở nước ngoài và tại chính quốc, quân đội Pháp hiện huy động 20.000 quân cho các mặt trận chống khủng bố thánh chiến, một quy mô lớn chưa từng có kể từ sau chiến tranh Algérie.
Chỉ trong vòng ba ngày sau vụ 13/11/2015, 10.000 binh sĩ đã được triển khai trên khắp cả nước trong khuôn khổ chiến dịch có tên gọi « Sentinelle » để bảo vệ khoảng 700 địa điểm « nhạy cảm ».

An ninh nội địa giờ đang trở thành một thách thức lớn cho quân đội, vốn từ trước đến nay vẫn đảm trách các nhiệm vụ tác chiến bên ngoài lãnh thổ.
 Trong khi đó, quân số của quân đội Pháp những năm gần đây lại đang có xu hướng cắt giảm đều đặn.

Le Figaro đặt câu hỏi : Liệu có thể chiến thắng được Daech trong cuộc chiến tranh lâu dài này ?
 Đây sẽ là một cuộc chiến 30 năm hay thậm chí sẽ là cuộc chiến không hồi kết ?

Obama ra tay kiểm soát sử dụng súng

Một tiêu điểm thời sự quốc tế khác được các báo Pháp dành sự chú ý đặc biệt, đó là việc Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong thẩm quyền còn hạn chế của mình, hôm qua 5/1/2015 đã thông báo một loạt các biện pháp nhằm thắt chặt kiểm soát việc sử dụng vũ khí, trong bối cảnh ở nước Mỹ ngày càng xảy ra nhiều vụ xả súng giết người do các quy định được tự do sở hữu và sử dụng súng trong người dân.

Nhật báo Libération nhận định quyết định của ông Obama trong ngày đầu năm 2016 này như là « một quả pháo lép ».

Thất vọng vì Quốc hội vẫn chần chừ không muốn thông qua các luật kiểm soát súng đạn, ông Barack Obama chủ động dấn một bước, bằng cách ban hành sắc lệnh hạn chế sử dụng vũ khí ở Mỹ, một đất nước hiện tính được có khoảng 310 triệu khẩu súng các loại đang lưu hành trong dân, tức là gần như mỗi đầu dân Mỹ có một khẩu súng, và Mỹ cũng là nơi mà trong vòng 10 năm lượng vũ khí bán ra đã tăng gấp đôi.

Tổng thống Obama hôm qua đã phải rơi nước mắt khi tuyên bố từ Nhà trắng :
 « Chúng ta là đất nước duy nhất có các vụ giết người hàng loạt xảy ra thường xuyên ».

Libération nhận định : « Không có chỗ dựa của lập pháp, phạm vi hành động của ông Barack Obama bị hạn chế ».
Chính vì thế mà các biện pháp do Tổng thống Mỹ đưa ra vẫn có rất ít hiệu quả, chưa đủ để giải quyết vẫn nạn bạo lực do súng đạn.
Tuy nhiên, như nhận định của Libération, với Tổng thống Obama đây là một bước đi mang tính biểu tượng để thúc đẩy hồ sơ cực kỳ khó ở nước Mỹ.

Theo sắc lệnh mới của Tổng thống, giờ đây tất cả những người bán súng được gọi là chuyên nghiệp, đều phải có giấy phép và họ phải kiểm tra khách hàng về tiền sự pháp lý hoặc tâm lý thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu của cơ quan FBI.

Libération cho biết tỷ lệ chết người do súng tại Mỹ cao hơn rất nhiều so với các nước khác.
 Chỉ trong năm 2013 đã có 11.208 người bị và 84.000 người bị thương do súng đạn tại Mỹ, đó là không tính chết các trường hợp tự tử bằng súng.

Thế nhưng, Tổng thống Barack Obama còn chưa kết thúc bài diễn văn thì phe Cộng hòa đã phản ứng. Donal Trump, ứng viên của đảng Cộng hòa đang chạy đua ra tranh cử Tổng thống Mỹ, dọa sẽ hủy các quy định của ông Obama nếu thắng cử.

Libération cho biết, « ngay từ khi ông Obama thông báo cách đây vài tuần rằng ông sẽ hành động, dân «ghiền súng » đã đổ xô đến các cửa hàng để mua trước.
Kết quả là : Trong tháng 12, 1,6 triệu khẩu súng đã  được bán, tức là tăng 33% so với tháng 11 ».

Nga – Ukraina : Cuộc chiến thương mại mới bắt đầu

Chuyển qua tờ le Monde, tờ báo chú ý tới căng thẳng mới đang dấy lên trong những ngày đầu năm 2016 giữa hai nước Nga và Ukraina. Đó là cuộc đọ sức thương mại giữa Kiev và Matxcơva.

Le Monde ghi nhận, thỏa thuận Ukraina là thành viên liên kết của Liên Hiệp Châu Âu, ký từ tháng 6 năm 2014, chính thức bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng năm 2016, cũng đánh dấu bước khởi đầu của một cuộc chiến tranh thương mại giữa Kiev và Matxcơva.

Hiệp định này chính là nguồn cơn gây lên cuộc khủng hoảng Ukraina, bắt đầu từ trong nội bộ rồi lan sang với nước Nga.
Kết quả thì ai cũng nhận thấy là nước Ukraina bị xé nát bởi các cuộc chiến ly khai triền miên nhiều năm qua, bán đảo Crimée bị mất về tay Nga.

Ngay từ những ngày trước khi bước sang năm 2016, chính quyền của Tổng thống Putin liên tiếp gây sức ép về thương mại nhằm gây thiệt hại về kinh tế cho Ukraina.
 Nhưng theo Le Monde, hành động mang động cơ chính trị của Matxcơva chỉ càng đẩy kinh tế Ukraina ngả về phương Tây.

Cuộc đọ sức thương mại hiện nay cùng với các cuộc tranh chấp về khí đốt giữa hai nước cũng như về khoản nợ 3 tỷ euro mà Kiev từ chối hoàn trả cho Matxcơva sẽ là một thách thức lớn cho sự lựa chọn của Ukraina trong thời gian tới.

Kiểm duyệt báo chí nước ngoài theo kiểu Trung Quốc

Nhìn qua châu Á, mục Ý kiến của nhật báo Liberation trở lại sự kiện nhà báo Pháp Ursula Gauthier, thông tín viên của tuần báo « L'Obs » bị trục xuất khỏi Trung Quốc do các bài viết đề cập đến chủ đề nhạy cảm liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ trong vùng Tân Cương.

Bài viết của tác giả Marie Holzman, Chủ tịch hội liên đới với Trung Quốc, có tiêu đề :
 « Ursula Gauthier bị trục xuất, Trung Quốc lộ mặt » . Tác giả bài viết nhận định, vụ Trung Quốc trục xuất nhà báo Ursula Gauthier đã gây xúc động mạnh trên khắp thế giới.

Lý do chỉ vì bà đã dám phạm vào cái giới hạn mà chính quyền Trung Quốc ngầm đặt ra, viết một bài báo về các vụ tấn công bạo lực tại Tân Cương và bà không chấp nhận đánh đồng những vụ việc đó như là hành động khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan giống như thảm họa của nước Pháp hôm 13/11 vừa qua.

Bài báo ghi nhận, ở Trung Quốc việc cấm các nhà báo nước ngoài hành nghề vẫn hay xảy ra, nhưng thường diễn ra kín đáo.
Các nhà báo nạn nhân của chính sách kiểm duyệt không bao giờ bị chỉ tên công khai hay bị tố cáo một cách trực tiếp như trường hợp của nhà báo Ursula Gauthier.

Mỗi khi muốn trục xuất nhà báo nào đó có hoạt động hay bài viết khiến họ không hài lòng thì chính quyền hay dùng bài trì hoãn kéo dài thủ tục gia hạn giấy phép hành nghề.
Những người bị « trừng phạt như vậy » chỉ cần hiểu « luật chơi » của chính quyền, tức là giữ im lặng trong một thời gian về chủ đề bị coi là nhạy cảm, chẳng hạn như về vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, các vụ đàn áp người Tây Tạng hay người Hồi giáo ở Tân Cương… để được cấp visa và giấy phép hoạt động.

Tốt hơn nữa là đừng có la toáng lên là mình bị cấm lưu trú tại Trung Quốc, nếu còn muốn quay trở lại đó làm việc trong tương lai.
Đó là cái trò chơi « công an bắt gián điệp », cách mà chính quyền Trung Quốc từ nhiều năm nay vẫn làm với các nhà báo ngoại quốc mà không ai có thể trách được họ.

Switch mode views: