Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-01-2016

Miến Điện: Kinh tế hồi sinh, hàng "Made in France" được chuộng

MYANMAR-BEER

Cuộc sống sôi động tại Phố 19, còn được biết dưới tên "Phố Bia", ở Rangoon, ngày 08/12/2015.
REUTERS/Soe Zeya Tun

Lược nhìn trang nhất báo ngày đầu tuần 04/01/2016, chủ đề nổi bật là chính trường Pháp.
Bên cạnh thời sự Pháp, tình hình Trung Đông sôi bỏng sau vụ Ả Rập Xê Út cho hành quyết giáo sĩ Hồi giáo hệ phái Shia Cheikh Nimr Baqr al-Nimr đã rất thu hút báo giới Pháp.

Về Châu Á, đáng chú ý là sự kiện Miến Điện đang xây dựng lại kinh tế, được báo Le Figaro rất quan tâm.

Le Figaro điểm qua những nét cho thấy kinh tế Miến Điện đang hồi sinh : Theo số liệu 2014-2015, GDP là 63 tỷ đô la, GDP theo đầu người là 1.370 đô la, tăng trưởng 8,5% và 9,3% cho năm 2016.

Tác giả bài báo cũng phấn khởi thông báo, từ đầu tháng 12 vừa qua Miến Điện đã rời khỏi danh sách các nước không có thị trường chứng khoán. Giới tài chính Miến Điện đã rất tự hào cho là họ có một ước mơ và nó đã trở thành hiện thực.
Theo bài báo thị trường chứng khoán mới toanh này mở ra ở Rangoon nhưng các nhà đầu tư phải đợi đến tháng 3 năm nay thì giá các cổ phiếu đầu tiên mới được niêm yết.

Thị trường mới này là niềm tự hào, nhưng nhiều người cũng lo ngại là thị trường không được điều hành tốt sẽ thu hút đồng tiền dơ bẩn ở một nước mà nạn tham nhũng lan tràn và là quốc gia thứ nhì thế giới sản xuất thuốc phiện.
Theo số liệu thống kê vào tháng 10/2015, riêng đá quý đã mang về cho Miến Điện 28 tỷ đô la mỗi năm nhưng chỉ có giới lãnh đạo và buôn lậu là hưởng lợi nhiều.

Theo Le Figaro những số liệu kể trên cho thấy kinh tế Miến Điện đang được xây dựng lại qua một loạt cải tổ, nhưng vấn đề là hạ tầng cơ sở, điện lực còn yếu kém, thị trường chứng khoán ra đời nhưng hệ thống ngân hàng còn rất yếu.

Nhìn chung Miến Điện vẫn còn là một nước trong diện kém phát triển nhất cho dù có nhiều thuận lợi, từ tài nguyên thiên nhiên cho đến tiềm năng thị trường 52 triệu dân, và đà hội nhập mạnh mẽ vào trong vùng với thế đứng thành viên ASEAN và quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc.

Tờ báo có vẻ tiếc là công nghiệp Miến Điện vẫn còn thô sơ và lại không có nhiều nhà đầu tư. Hiện nay, theo Le Figaro, chỉ có hai nhà đầu tư chủ yếu là Trung Quốc và Thái Lan.
 Trung Quốc khai thác thủy điện, hầm mỏ, xây dựng, Thái Lan khai thác khí đốt và địa ốc.

Sức hút của hàng Made in France

Kinh tế vươn lên, phong cách sống cũng thay đổi. Le Figaro với vẻ tự hào đã ghi nhận là hàng "Made in France" đang thu hút Miến Điện .
Tác giả bài báo đã đến gặp một nữ doanh nhân có tiếng ở Miến Điện, bà Su Su Tin đứng đầu khoảng một chục công ty. Bà khẳng định:

“Ngày nay tôi có thể làm giàu hơn thế nữa qua giao dịch với Trung Quốc và Thái Lan, hai nước đầu tư hàng đầu ở đây, nhưng tôi muốn đầu tư dài hạn, thay đổi phong cách, mang lại những sản phẩm chất lượng cao cho người ở đây. Kinh tế đang thay đổi.”

Theo Le Figaro bà Su Su Tin đã nhập vào Miến Điện, từ các loại nước uống, rượu mà bà thích mỗi khi đến Pháp, cho đến mỹ phẩm vì theo bà, người Miến Điện rất quan tâm đến việc chăm sóc da dẻ của mình.

Le Figaro ghi nhận là từ khi kinh tế thay đổi, từ năm 2011, các trung tâm thương mại đồ sộ mọc lên ở Rangoon và sản phẩm Pháp, hàng loại sang, đã đổ vào đây.
Người Miến Điện giờ đây không xa lạ với hàng Pháp, thậm chí còn rất ưa chuộng. Đi ra phố bắt gặp một tiệm bánh mì Pháp không phải là điều hiếm hoi.

Đối với giới doanh nhân như bà Su Su Tin, kinh tế mới bắt đầu phát triển, và lãnh đạo Miến Điện giờ đây phải hiểu là đất nước này cần đến lãnh vực tư nhân để kinh tế có thể phát triển mạnh hơn.

Cộng đồng kinh tế ASEAN : một cái vỏ rỗng

Trong địa hạt kinh tế Đông Nam Á, nhật báo Pháp Les Echos đã đặc biệt chú ý đến sự kiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN chính thức ra mắt vào ngày 31 tháng 12 vừa qua, một cộng đồng mà tờ báo Pháp xem là một phác thảo của một thị trường chung kiểu Châu Âu.
Tuy nhiên, nhận xét chung của tờ báo Pháp khá nghiêm khắc: Đó mới chỉ là một cái vỏ rỗng mà các nước Đông Nam Á phải nhất trí được với nhau để lấp đầy.

Về ý nghĩa của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Les Echos cho đấy là “một lá chắn” đang được dựng lên để chống lại thế lực hùng mạnh của Trung Quốc.
Trọng lượng của 10 nước Đông Nam Á không phải là nhỏ, vì đó là một thị trường trên 620 triệu người, rất có triển vọng, vì trong năm 2013, vào lúc GDP thế giới chỉ tăng 3%, thì GDP của ASEAN tăng 4,9%.

Vấn đề là để biến Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành một khối thực thụ, có rất nhiều điều cần phải làm, từ việc giảm các rào cản phi thuế quan, cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông vận tải giữa các nước thành viên, cho đến việc thành lập một chính sách tích cực hơn và mang tính cưỡng chế đối với các thành viên không tuân thủ các cam kết.

Theo Les Echos, đó là những công trình không dễ thực hiện.
Vấn đề khó khăn nhất được tờ báo Pháp nêu lên tuy nhiện lại là sự kiện khối ASEAN thiếu vắng một tầm nhìn chính trị rõ rệt.

Không giống như Liên Hiệp Châu Âu, được xây dựng trên một trục Pháp-Đức vững chắc với một dự án thực thụ, ASEAN hiện thiếu một đầu tàu và một tầm nhìn chính trị.

Thêm vào đó là sự khác biệt kích thước đáng kể giữa các thành viên. Giữa Indonesia, chiếm 40% dân số cũng như GDP của ASEAN và Cam Bốt một nước thuộc diện nhỏ, các mục tiêu của các chính phủ chắc chắn là khác nhau.

 GDP bình quân theo đầu người cũng khác xa nhau: 915 đô la ở Miến Điện, so với 53.000 đô la ở Singapore.
Tóm lại, đối với Les Echos, nếu việc tự do hóa trao đổi hàng hoá tương đối đơn giản, việc giảm bớt các hàng rào phi thuế quan hoặc củng cố hợp tác hải quan sẽ rất gay gọ.

Hồng Kông : 5 vụ mất tích bí ẩn

Về Châu Á hôm nay, Les Echos và Le Figaro cũng chú ý đến "Sự biến mất kỳ bí của một số người trong nhà sách ở Hồng Kông" tựa của Les Echos.
 Le Figaro nhìn thấy có bàn tay của Bắc Kinh cho nên đã chạy tít "Bắc Kinh bị nghi ngờ làm cảnh sát ở Hồng Kông".

Những người "biến mất" nói trên làm việc trong một nhà sách - Causeway Bay - phát hành sách chỉ trích đảng Cộng sản, cho nên người ta nghi là họ bị cảnh sát Trung Quốc bắt giữ.

Phóng viên của Le Figaro đi ngang qua nhà sách hôm thứ Bẩy thấy cửa hé mở, đèn sáng, nhưng không có ai và đến ngày hôm qua, Chủ nhật, cửa đã đóng chặt.
Theo bài báo một số nhân viên làm việc tại đây đã biến đâu mất, không ai biết.
Chủ nhà sách thì không thấy bóng dáng từ hôm thứ Tư. Vợ ông cho biết đã nhận được một cú điện thoại của ông với số ở Thẩm Quyến.

Ông nói đang giúp trong một vụ điều tra và như thế sẽ được khoan hồng.
Giọng nói kỳ lạ như là có nhiều người giám sát và điều khác lạ nữa là ông nói tiếng Quan thoại thay vì tiếng Quảng Đông như lúc bình thường.

Sự vụ gây hoang mang không ít trong dân chúng. Theo Le Figaro lãnh đạo an ninh Hồng Kông tỏ vẻ không hài lòng cho biết là đang chờ trả lời các đồng nhiệm Trung Quốc về trường hợp mất tích trên vì ngoài cảnh sát Hồng Kông không cảnh sát nào khác có thể hoạt động tại đây.

2016: Cuộc chạy nước rút của Tổng thống Pháp Hollande

Năm nay 2016 được xem là năm chạy nước rút đối với Tổng thống Hollande, trước cuộc bầu cử tổng thống 2017.
 Libération cũng như Les Echos rất chú ý đến những gì mà ông Hollande sẽ phải thực hiện.

Les Echos nhìn thấy lãnh vực quan trọng nhất mà Tổng thống Pháp phải tập trung sức lực - công ăn việc làm - và loan báo trong hàng tựa “Ông Hollande chuẩn bị kế hoạch”.
 Tờ báo tiết lộ : 1 tỷ euro để đào tạo 500.000 người thất nghiệp trong những ngành nghề tương lai, bên cạnh còn tiền thưởng cho việc tạo công việc làm mới trong các công ty vừa và nhỏ.

Báo Libération nhìn rộng hơn nói đến “những lá bài cuối cùng” của ông Hollande.
Ông sẽ phải tránh những cạm bẫy nào, giữ lại trong tay những con chủ bài nào, hầu trau chuốt bảng tổng kết nhiệm kỳ của ông và tập hợp lại phe cánh của của mình.

Le Figaro thì chú ý đến cánh hữu, người có triển vọng trong các cuộc thăm dò : Alain Juppé.
 Trong tuần này người được xem như đối thủ lợi hại nhất của ông Hollande sẽ tiết lộ chương trình của ông.
Tờ báo chạy hàng tít lớn : Alain Juppé khởi động vòng bầu cử sơ bộ bên phía hữu.

Căng thẳng Iran-Ả Rập Xê Út phá hoại cuộc chiến chống Daech

Bên cạnh thời sự Pháp đầu năm, tình hình Trung Đông sôi bỏng sau vụ Ả Rập Xê Út cho hành quyết giáo sĩ Hồi giáo hệ phái Shia Cheikh Nimr Baqr al-Nimr đã rất thu hút báo giới Pháp.

 Le Figaro và Libération đều chạy tựa trang nhất, nhấn mạnh trên sự tức giận của người hệ phái Shia.

Sự phẫn nộ, bức xúc đã làm dấy lên những cuộc biểu tình bạo động chống Ả Rập Xê Út cho đến tận Pakistan, và đặc biệt ở Iran, nơi mà đại sứ quán Ả Rập Xê Út bị đốt cháy, khiến Ả rập Xê Út cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran.

Le Figaro nhìn diễn biến mới này với con mắt rất bi quan : nó đào sâu thêm hận thù giữa hai hệ phái Shia và Sunni và cuộc chiến tương tàn diễn ra hầu như khắp vùng, Irak, Syria, Liban, Bahrein.

Tờ báo đặt sự kiện trong bối cảnh quốc tế nổ lực chống tổ chức Nhà nước Hồi Giáo và lấy làm tiếc là mới một tuần trước Giáng sinh, một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc đạt đồng thuận đã tạo hy vọng về một giải pháp cho Syria : Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Iran đã đồng ý gác qua một bên tranh chấp bất đồng để cùng phương Tây chống lại Daech.

Nhưng bây giờ tờ báo tự hỏi với một đồng minh như Ả Rập Xê Út, thật ra chỉ quan tâm đến việc tiêu diệt hệ phái Shia thì có thể thắng được Daech hay không ?

Diều hâu Ả Rập Xê Út tung hoành?

Libération phân tích hành động của Ryad hành quyết đến 47 người, và cho là Ả Rập Xê Út ‘vung đao’để trị hệ phái Shia và thách thức Daech.

Tờ báo nhìn thấy là trong vụ hành quyết quy mô lớn chưa từng thấy từ năm 1980 này, có một số yếu tố đáng lưu ý: Giờ đây lớp diều hâu đang nắm quyền ở Ryad, cắt đứt hẳn với đường lối nhút nhát, thận trọng trước đây.
 Hành động trên cũng là một thách thức đối với Iran.

Vụ hành quyết còn có mục tiêu là ngăn chặn mọi sự xích lại gần nhau giữa người hệ phái Shia và Sunni có thể diễn ra trong khuôn khổ cuộc chiến chống Daech ở Irak, Syria, hay Yemen.

Lãnh đạo Ryad ngoài ra còn muốn cho thấy là họ cũng triệt để, tàn khóc không kém gì Daech đối với những kẻ chống đối.
Libération cũng lo ngại cho tương lai trong vùng vì giờ đây không chỉ Iran phô trương cơ bắp mà cả Ả Rập Xê Út, và Ryad đã bất chấp quan điểm của Mỹ.

Switch mode views: