Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-09-2015

Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục xuống dốc lâu dài

xaydung

Một căn nhà bị đập bỏ để nhường chỗ cho các dự án địa ốc ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, trong khi nhiều căn hộ mới xây vẫn chưa có người mua.
REUTERS/Stringer/Files

Nhà kinh tế Jean-Pierre Petit trên báo Le Monde nhận định « Tại Trung Quốc, thách thức của thị trường sẽ còn kéo dài ».

Cuộc khủng hoảng vừa qua đã làm tăng thêm sự nghi ngại của các nhà đầu tư ngoại quốc và cả người Trung Quốc.

Bản thân tâm trạng ngờ vực này bản thân nó cũng là một nhân tố bổ sung cho viễn cảnh bấp bênh của kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán, trong những năm tháng tới. Tác giả đưa ra năm lý do căn bản.

Trước hết, khủng hoảng đã tạo nên cảm giác chính quyền Trung Quốc có thể không còn kiểm soát được tình hình kinh tế vĩ mô.
Không phải Bắc Kinh thiếu sáng suốt, nhưng đơn giản là các diễn biến mới đây khiến các công cụ của chính quyền trở nên ít hiệu quả.

Tác động hạn chế của các biện pháp tiền tệ và ngân sách do vấp phải những khó khăn rất lớn : trọng lượng khối nợ, sản xuất thừa, nợ xấu ngân hàng tăng, tín dụng đen phát triển…
Nền kinh tế tuột khỏi tầm tay Bắc Kinh vì đã trở nên phức tạp hơn, toàn cầu hóa hơn trước đây.

Thứ hai, các mục tiêu của chính quyền mâu thuẫn lẫn nhau. Các biện pháp tái thúc đẩy ngắn hạn làm tăng thêm sự mất cân bằng : việc giảm lãi suất và tỉ lệ dự trữ bắt buộc chỉ thổi phồng thêm các bong bóng chứng khoán và địa ốc, với nguy cơ gây ra những vụ sụp đổ mới.
Giảm hối suất cũng làm chậm lại các nỗ lực chấn chỉnh của doanh nghiệp và sự chuyển đổi mô hình kinh tế.

Thứ ba, thị trường tỏ ra nghi ngờ sự khả tín của các con số thống kê do Bắc Kinh đưa ra. Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) rõ ràng là không độc lập với quyền lực trung ương, và ai cũng biết rằng chính quyền các địa phương có xu hướng khai lố các hoạt động.

Một số chuyên gia dựa trên các dữ liệu như sản lượng thép và điện, lượng hàng vận chuyển, nguyên vật liệu nhập khẩu, tiêu thụ điện…để khẳng định Trung Quốc đang hard landing (hạ cánh cứng), tỉ lệ tăng trưởng thực sự chỉ từ 0 đến 3% tùy theo cách định nghĩa.

Tác giả hoan nghênh các chuyên gia khác ở Paris, Luân Đôn, cho rằng đánh giá tăng trưởng của một đất nước khổng lồ và phức tạp như thế không dễ dàng. Nhưng dù sao đi nữa, sự hoài nghi về số liệu Trung Quốc sẽ còn tăng lên trong tương lai, vì nguy cơ hard landing đang rất lớn.

Lý do thứ tư : thông tin mù mờ là một nhân tố gây thêm ngờ vực. Sự thay đổi tỉ giá hối đoán vốn gần như bất biến hôm 11/8 là một ví dụ cụ thể, với việc phá giá đồng nhân dân tệ ba lần trong ba ngày liên tiếp, trong khi Nhà nước tuyên bố đây chỉ là một biện pháp kỹ thuật đột xuất.

Cuối cùng, sau 35 năm tăng trưởng hầu như liên tục, Trung Quốc đang lâm vào một tình hình chưa từng thấy. Các nhà đầu tư không quên các thời kỳ hard landing ở Hoa Kỳ hay châu Âu, nhưng khó thể tưởng tượng với Trung Quốc.

Trước đây tỉ lệ tăng trưởng chỉ sụt giảm vào năm 1989 (4,2%, sau vụ thảm sát Thiên An Môn) và năm 1999 (7,6%, sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á), nhưng thời đó Trung Quốc chỉ chiếm 3,2% tổng sản phẩm nội địa toàn cầu, còn nay là 13,5%. Thế nên các nhà đầu tư khó thể đánh giá nổi tác động dây chuyền của cú sốc Trung Quốc lên phần còn lại của thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia mới nổi.

Nhập cư : Sự ích kỷ của một số nước làm mất ý nghĩa Liên hiệp Châu Âu

Nhìn sang châu Âu đang bối rối trước cuộc khủng hoảng di dân, nhật báo Le Monde có bài xã luận mang tựa đề « Châu Âu với những ích kỷ quốc gia ».
Tờ báo chỉ trích, trước những thảm kịch diễn ra ngay trước cửa ngõ, Liên hiệp Châu Âu (EU) đã không có được một hành động chung cho toàn khối.

Đức và Pháp đã thất bại trong việc đạt được một thỏa thuận theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu : phân bổ hạn ngạch 120.000 người tị nạn chiến tranh từ Syria, Irak và Afghanistan hiện đang có mặt ở Hy Lạp, Ý và Hungary, lập ra các cơ quan đăng ký người tị nạn và di dân kinh tế ở các nước biên giới châu Âu, thống nhất các quy định về tị nạn chính trị.

Các nước Trung Âu và Đông Âu đã ngăn trở sự ra đời của thỏa thuận có thể coi là câu trả lời chung của châu Âu về vấn đề nhập cư. Họ nhất quyết không chấp nhận nguyên tắc phân bổ, dù có bàn bạc chung, coi đây là vấn đề chủ quyền. Đức hôm qua đe dọa trừng phạt tài chính, và theo Le Monde, thì Berlin có lý.

Sự bất đồng này không chỉ tượng trưng cho một châu Âu đóng cửa trước những bi kịch diễn ra ngay trước mắt, mà còn đặt lại vấn đề về ý nghĩa của Liên hiệp Châu Âu.
Được cho là có một chính sách ngoại giao chung, bảo vệ các giá trị toàn cầu, là mẫu mực cho dân chủ, EU nay có vẻ chỉ đơn giản là một khối tự do mậu dịch.

 Trước thử nghiệm đầu tiên này, EU phản ứng như một tổ hợp các Nhà nước liên kết với nhau chỉ bằng một hiệp ước thị trường chung. Theo tờ báo, đây là một sự thụt lùi so với tham vọng lúc ban đầu thành lập, và là lời thú nhận cho một sự tê liệt tập thể đầy nguy hiểm.

Dán nhãn tị nạn hay nhập cư ?

Cũng về hồ sơ nhập cư, nhật báo công giáo La Croix kể ra một loạt từ ngữ : người tị nạn, di dân, nhập lậu, lưu vong…Người ta muốn dán một cái nhãn lên mỗi một người trong số nửa triệu con người đi vào không gian Schengen từ đầu năm nay.

Những ai có quyền đi vào châu Âu hoặc không, ai chạy loạn chiến tranh, ai đi tìm việc… một bên là tị nạn chính trị và bên kia là di cư vì lý do kinh tế.

Theo La Croix, có thể hiểu được tầm quan trọng của việc ưu tiên bảo vệ những người đang gặp nguy hiểm đến tính mạng, và do đó cần tách biệt với những đối tượng khác. Tuy nhiên các nguyên nhân di cư trộn lẫn nhau và phức tạp, việc phân biệt người tị nạn và di dân rất tế nhị, nhiều khi may rủi.

Tờ báo cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng mọi hồ sơ. Dù được cho nhập cư hay không, họ cần được đối xử nhân đạo, và phải cân nhắc từng trường hợp cụ thể.

Syria và tên đao phủ ở Damas

Một trong những nguyên nhân gây nên dòng người nhập cư đông đảo, là tình trạng loạn lạc ở vùng Trung Cận Đông. Pháp đã quyết định can thiệp vào Syria, mở đầu là các chuyến bay trinh sát. Libération cho rằng « Tấn công Syria, xin đừng quên tên đao phủ ở Damas ».

Đi vào không phận Syria, được bảo vệ bởi hệ thống phòng không hiện đại do Nga thiết lập, cần phải có sự mặc nhiên chấp nhận của chế độ Damas và một sự phối hợp, ít nhất là gián tiếp.

Người Mỹ đã chơi trò này từ một năm qua, còn Pháp từ chối với lý do không muốn tăng cường sức mạnh cho nhà độc tài Assad.
Ngoại trưởng Laurent Fabius mùa hè 2011 đã nhấn mạnh, ưu tiên là phải lật đổ « con người không có chỗ đứng trên Trái đất này ». Nhưng chiến lược của Pháp đã thất bại.
Một bộ phận cánh hữu đòi hỏi cần chọn lựa giải pháp ít tệ hại nhất, như hồi Đệ nhị Thế chiến đã phải liên kết với Stalin để chống lại Hitler.

Đối với Mỹ và Anh, trước hết cần chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), còn sự ra đi của Bachar Al Assad sau đó có thể đạt được qua tiến trình thương lượng, kể cả với Nga, thậm chí Iran.

 Tổng thống Hollande đã nhận ra thế cờ mới, nhưng thử thách thực sự là xác định được một chiến lược vừa chống lại được cả IS lẫn chế độ tàn bạo đã làm cho hàng triệu người Syria phải bỏ trốn khỏi đất nước.

Nga can thiệp vào Syria để triệt thánh chiến Kapkaz

Cũng về Syria, chuyên gia Thomas Gomart trên trang diễn đàn của Le Figaro phân tích các nguyên nhân khiến điện Kremli tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này.

Bối cảnh hiện nay hoàn toàn khác với hai năm trước : xuất hiện tổ chức Nhà nước Hồi giáo, hàng triệu người tị nạn sang các nước lân cận và hàng ngàn người chạy sang châu Âu, cuộc xung đột Yemen, hiệp định nguyên tử Iran và trừng phạt Nga do vấn đề Ukraina. Nhưng có một thứ không hề thay đổi, đó là sự ủng hộ của Kremli dành cho chế độ Damas.

Cuộc chiến ở Syria và Irak hiện đang giúp Nga xuất khẩu quân thánh chiến trên lãnh thổ mình, vốn thiện chiến hơn số thánh chiến từ châu Âu.
Chuyển từ trợ giúp sang can thiệp quân sự, Nga đã giao phó cho Damas và liên minh chống IS giải quyết giúp lực lượng thánh chiến từ Nga, vùng Kapkaz và Trung Á – điều mà người ta gọi là realpolitik (chính trị thực dụng).

Gian lận bầu cử địa phương Nga

Cũng liên quan đến Nga nhưng trên lãnh vực chính trị, Le Figaro cho biết « Đối lập Nga tố cáo những gian lận trong cuộc bầu cử địa phương », khi đảng Nước Nga Thống nhất của ông Putin tiểp tục thống lĩnh trong cuộc bầu cử hôm 13/9.

Trong số gần 92.000 ghế gồm thống đốc, đại biểu vùng, hội đồng địa phương…tại 84 tỉnh của Liên bang Nga, không có chiếc ghế nào lọt được vào tay Liên minh Dân chủ tập hợp nhiều khuôn mặt và đảng phái đối lập.
Không hề có ảo tưởng về cơ hội thắng cử, đối lập trước đó đã kêu gọi xuống đường tại Matxcơva ngày 20/9.

Hiệp hội Golos chuyên giám sát bầu cử tố cáo vô số dấu hiệu của một « cuộc bầu cử gian trá » : từ hệ thống tài chính « mờ ám », « gian lận trực tiếp » từ thùng phiếu, viết lại biên bản cho đến « gián tiếp » qua việc mua phiếu, gây áp lực lên cấp trên của ứng cử viên, quảng cáo bất hợp pháp.

Ông Ilia Iachine, thân cận với nhà đối lập Boris Nemtsov bị ám sát hồi tháng Hai tại Matxcơva, cho biết đảng RPR-Parnasse của ông ngày nào cũng bị bôi xấu trên ti-vi.
Hàng tuần, thành phố tràn ngập những tờ báo vô danh, còn cuộc tiếp xúc cử tri của ông bị những kẻ khiêu khích xông vào vu cáo các nhà đối lập nhận tiền của Mỹ, muốn làm một « cuộc cách mạng Maidan mới » trên đất Nga.

Tỉ phú Trump khiến phe Cộng hòa Mỹ bối rối

Còn tại Hoa Kỳ, La Croix nhận định « Hiện tượng Trump gây bối rối cho phe Cộng hòa ». Tối nay nhà tỉ phú ồn ào này sẽ có mặt bên cạnh mười ứng cử viên tổng thống Mỹ khác, trong cuộc tranh luận trên truyền hình lần thứ nhì.

Hôm thứ Hai, trước nhiều ngàn người ủng hộ ờ Dallas, Texas, ông Donald Trump thích thú tuyên bố : « Có vẻ như tất cả sẽ cố gắng tấn công tôi. Tôi chẳng quan tâm ».Trên 24 triệu người Mỹ đã theo dõi cuộc tranh luận truyền hình đầu tiên, một con số kỷ lục so với bốn năm trước, ứng cử viên Mitt Romney chỉ thu hút được có 3 triệu khán giả.
Nhưng ngoài sức hút hiện nay, ông Trump chỉ gây lúng túng cho phe Cộng hòa mà thôi, trước hết là trong trường hợp ông thất bại ở cuộc bầu cử sơ bộ.

 Con người siêu ích kỷ này sẽ tiếp tục tranh cử với tư cách cá nhân ?
Cần nhớ rằng năm 1992, một doanh nhân khác là Ross Perot đã tặng món quà hết sức giá trị cho một khuôn mặt Dân chủ ít tên tuổi là Bill Clinton, khi tranh cử bằng tư cách ứng viên độc lập.

Nhưng nếu thành công, cựu chủ nhân cuộc tranh tài Hoa hậu Mỹ quốc cũng vẫn gây quan ngại : liệu ông Trump có thắng nổi phe Dân chủ trong năm tới, khi đến lúc phải đối thoại với toàn bộ cử tri Mỹ chứ không chỉ những người Cộng hòa đang giận dữ ?

Một chuyên gia cho rằng hiện tượng Trump là tin tức tốt lành cho…bà Hillary Clinton. Nhà tỉ phú đang gây lo sợ cho ba giới cử tri : phụ nữ, những người nói tiếng Tây Ban Nha và cánh trung.

Tựa chính báo Pháp : Nhập cư và an sinh xã hội

Vấn đề nhập cư tiếp tục là mối quan tâm chính của báo Pháp. Le Figaro chạy tựa « Bà Angela Merkel đang chơi trò gì ? ».
Chính sách của Thủ tướng Đức về cuộc khủng hoảng di dân, được đánh dấu với những cam kết mạnh mẽ rồi lại thay đổi khiến các nước châu Âu bối rối hoặc tức giận.
Le Monde đề cập đến việc « Berlin đe dọa trừng phạt những nước không muốn đón tiếp di dân » : hôm qua Bộ trưởng Nội vụ Đức đòi giảm ngân khoản của quỹ châu Âu cho các nước phản đối quota nhập cư.

La Croix đưa tít trang nhất « Người tị nạn hay nhập cư, tình thế lưỡng nan trong việc tiếp nhận». Trước số lượng di dân tăng vọt, châu Âu muốn dành ưu tiên cho những người nào đang gặp nguy hiểm nhất, nhưng sự chọn lựa này đặt ra nhiều câu hỏi.

Về thời sự nước Pháp, Libération cho rằng « Ông Hollande thách thức giới công nhân » khi gắn bó với chủ trương tuần làm việc 35 giờ, do dự trước các tiêu chuẩn về phúc lợi xã hội…
Theo cuộc điều tra của tờ báo, thì chính sách của chính phủ đang làm chia rẽ cánh tả Pháp.
Còn nhật báo kinh tế Les Echos chú ý đến « Quỹ an sinh xã hội thâm thủng trầm trọng », khi Viện Thẩm kế dự báo quỹ sẽ không cân bằng được trước năm 2021.

 

Switch mode views: