Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bà Tổng Thống Hillary?

HillaryClinton



Nếu có dịp theo dõi báo Mỹ thường xuyên, người ta sẽ có dịp thấy dạo này báo chí cấp tiến hết sức bận rộn “lăng-xê” một ngôi sao mới, chuẩn bị cho đảng Dân Chủ phe ta tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2024!

Người thừa kế cho TT Obama đã được truyền thông dòng chính chấp nhận, công nhận, và tung hô là bà cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton. Chưa chi thì truyền thông phe ta đã mau mắn chuẩn bị hậu thuẫn bà.

Cả CNN lẫn NBC đều đã loan tin sẽ tung ra hai loạt phim bộ chiếu trong mấy kỳ về đời bà Hillary trong năm 2016, là năm bầu tổng thống lần tới. Cả hai hãng đều khẳng định hai bộ phim sẽ “rất công bằng và trung thực”, không phải có mục đích cổ võ cho bà, nhưng dĩ nhiên không có một người nào bình tâm tin được.

Chuyện truyền thông dòng chính phe đảng như thế nào với TT Obama trong hai kỳ bầu cử năm 2008 và 2012 đã quá lộ liễu không che “mắt thánh” của dân được.

Bà Hillary Clinton là ngôi sao mới của đảng Dân Chủ. “Mới” mà thật ra cũ rích. Tên tuổi bà Hillary đã được thiên hạ nghe đến từ đầu thập niên 90, xấp xỉ hai thập niên rồi, khi ông chồng bà mới vào Tòa Bạch Ốc. Cái tài của bà Hillary là qua bao nhiêu thăng trầm của hai chục năm lặn lội trong chiến trường chính trị Mỹ, tên tuổi bà vẫn được coi như sáng giá nhất, không phải chỉ trong nội bộ đảng Dân Chủ, mà chói loà trên cả chính trường Mỹ, nhờ hàng trăm ngọn đèn sáng rực của truyền thông dòng chính.

Thật ra, đây cũng không phải lần đầu tiên ngôi sao của bà Hillary rực sáng như vậy. Những năm 2006-07, bà Hillary đã được cả nước công nhận như tổng thống kế nhiệm ông tổng thống “cao bồi đáng ghét” Bush, sẽ là người thế thiên hành đạo, cứu tinh của nước Mỹ sau những “tàn phá” của Bush. Cuộc bầu cử cuối năm 2008 được coi như chỉ là một thủ tục hành chính, làm cho có lệ, đúng sách vở như Hiến Pháp đòi hỏi.

Bây giờ, dường như lịch sử lại tái diễn. Bà Hillary lại xuất hiện như là một tổng thống tương lai mà việc bầu bán năm 2016 cũng lại chỉ là một thủ tục hành chính khác thôi.

Ở đây có ba vấn đề ta nên nhìn qua: ý định của bà Hillary, các đối thủ có thể thượng đài với bà, và suy tư của dân Mỹ.

Ý định của bà Hillary thì dĩ nhiên, cho đến nay, bà đã rất ý tứ và kín đáo, không hề lên tiếng nhìn nhận hay phủ nhận những tin bà sẽ ra tranh cử. Bà cho biết sau bốn năm du hành thế giới với cả triệu dặm bay trên trời như ngoại trưởng công du nhiều nhất lịch sử Mỹ, bà rất mệt mỏi và chỉ muốn nghỉ ngơi. Không ai phủ nhận chuyện này và không ai không thông cảm với bà Hillary.

Với cái tuổi của bà mà phải ngồi máy bay tới cả triệu dặm quả là một sự hành hạ thân xác quá đáng. Nhưng có thật là bà đang nghỉ ngơi không? Nếu ta xem báo cho kỹ thì thấy bà Hillary chẳng có nghỉ ngơi gì cả, bù đầu bù cổ đi đọc diễn văn, đi khánh thành cái này dự lễ cái kia, đủ thứ chuyện. Còn bận rộn hơn hồi làm ngoại trưởng nhiều. Có vẻ như chuyện chuẩn bị ra tranh cử năm tới? Chẳng có vẻ vui thú điền viên gì hết.

Không ai không biết tham vọng của bà Hillary. Đã có một quyển sách viết về một “thỏa hiệp” giữa hai ông bà Clinton ngay từ ngày còn trẻ, khi mới lấy nhau: cả hai sẽ dốc toàn lực vào việc đưa ông chồng vào Tòa Bạch Ốc, sau đó, cả hai sẽ lại dốc toàn lực vào việc đưa bà vợ vào tiếp nối, sau một thời gian cho dân Mỹ “nghỉ xả hơi”, một loại giai đoạn chuyển tiếp mà Mỹ gọi là “decent interval” cho bớt lộ liễu.

Kết quả như ta đã thấy, ông chồng trở thành tổng thống năm 1992, sau tám năm thì nhường chức lại cho ông Cộng Hoà Bush, để rồi sau tám năm của Bush, tới phiên bà vợ ra mặt, vào năm 2008. Kế hoạch coi như tuyệt hảo, không sai trật vào đâu được, chẳng may đã bị một anh chính khách dấm dớ Obama chẳng biết ở đâu ra, nhẩy vào phá bĩnh. Nhưng không phải vì vậy mà bà Hillary không còn tham vọng trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Mỹ.

Cuộc đời của bà Hillary là một chuỗi dài những quyết định chính trị có chủ đích chuẩn bị cho hành trình vào Tòa Bạch Ốc.

Thử thách chính trị lớn nhất trong đời bà là khi ông chồng, TT Clinton, dính líu vào vụ lem nhem với cô Monica Lewinsky. Bà đã mau mắn quyết định ngậm đắng nuốt cay, khép nép đứng sau lưng ông chồng bê bối, để bảo vệ cái ghế tổng thống của ông ta, tức là bảo vệ tương lai chính trị của chính bà. Hơn ai hết, bà hiểu là bà chỉ cần lên tiếng một lần là TT Clinton sẽ mất ngay tất cả hậu thuẫn, và mất luôn chức. Và như vậy là tương lai chính trị của bà cũng chìm xuồng theo ngay.

Thái độ thông cảm và tha thứ cho chồng đã khiến không ít người “cảm động và thông cảm” cho những khó khăn của gia đình bà trong vụ cô Monica, và bất mãn trước sự tấn công có vẻ như quá nặng tay của đối lập Cộng Hòa. Các thượng nghị sĩ đã cân nhắc hậu thuẫn của quần chúng đối với TT Clinton trong vụ này, và đã lấy quyết định theo tiếng gọi của lá phiếu: biểu quyết không cất chức TT Clinton để bảo vệ cái ghế của chính mình.

Bây giờ là lúc cơ hội ngàn năm lại xuất hiện, không có lý do gì bà Hillary quay mặt làm ngơ. Trừ phi một biến cố trọng đại bất ngờ xẩy ra, chẳng hạn như tình trạng sức khỏe sa sút bất ngờ, hay một xì-căng-đan vĩ đại nào trong quá khứ bị khui ra, bà Hillary sẽ ra tranh cử tổng thống trong năm 2016. Cho dù chối cãi thế nào thì ý định của bà, ai cũng thấy.

Bà Hillary sẽ phải đối đầu với ai?

Trong nội bộ đảng Dân Chủ, chưa có ai có đủ thế hậu thuẫn chính trị lớn đến mức có thể tranh dành với bà Hillary. Một vài chính khách Dân Chủ rục rịch chuẩn bị ra tranh cử, đáng chú ý nhất là thống đốc Nữu Ước Andrew Cuomo, thị trưởng Chicago Emanuel Rahm, nữ thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của Minnesota, và nửa tá nhân vật khác. Nhưng người ta có cảm tưởng những nhân vật này đang chạy đua để làm phó cho bà Hillary thì đúng hơn.

Một nhân vật sáng giá hơn mấy vị này là PTT Joe Biden. Thông thường, theo luật bất thành văn của chính trị Mỹ, phó tổng thống đương nhiên là “thái tử” được đảng cầm quyền tiến cử làm thừa kế. Nhưng ông phó Biden lại là người không sáng giá lắm, và cũng không có được hậu thuẫn mạnh trong đảng. Năm 2008, ông ra tranh cử tổng thống lần thứ hai mà vẫn chỉ kiếm được có trên 1% hậu thuẫn. Ông “thái tử” này cũng rõ ràng là quá già, sẽ 75 tuổi khi nhậm chức năm 2017 nếu đắc cử, trong khi bà Hillary sẽ chỉ mới 69. Ông còn già hơn cả TT già nhất Reagan, nhậm chức khi 70 tuổi.

Cho dù PTT Biden có ra tranh cử, không ai nghĩ ông sẽ hạ được bà Hillary. Ngay cả ông Biden cũng ý thức được chuyện này. Trong khi ông chuẩn bị tranh cử, ông cũng đã lẳng lặng đánh tiếng ông sẽ chỉ ra tranh cử nếu bà Hillary không ra thôi.

Hậu thuẫn của bà Hillary trong đảng Dân Chủ rất mạnh. Theo thăm dò mới nhất của CNN, tỷ lệ ủng hộ bà là 65% trong nội bộ đảng Dân Chủ, một con số khó có thể cao hơn trong chính trị Mỹ. Ứng viên thứ nhì là PTT Biden, với 10%. Việc bà Hillary nếu ra tranh cử sẽ nắm chắc phần thắng trong nội bộ đảng là chuyện không ai có thể phủ nhận được.

Nhìn về phiá đối lập Cộng Hòa, cho đến nay, chưa ai nhìn thấy được một ngôi sao nào có thể đe dọa thế đứng của bà Hillary. Đảng Cộng Hoà, trong nỗ lực trẻ trung hoá sau vụ thảm bại của thống đốc Romney, đã khua chiêng trống mạnh cho vài chính khách thế hệ mới như các thượng nghị sĩ Rubio Marco, Ted Cruz, Rand Paul, hay cựu ứng viên PTT Paul Ryan, hay thống đốc Chris Christie của New Jersey. Tổng cộng có nửa tá chuẩn ứng viên, nhưng không có một người nào có được tới 20% hậu thuẫn ngay trong đảng Cộng Hòa. Tất cả đều thua bà Hillary xa lắc xa lơ. Nếu có ra tranh cử thì chỉ có thể đưa tên tuổi mình ra để chuẩn bị cho thời kỳ hậu Hillary thôi.

Dĩ nhiên có rất nhiều người, nhất là phụ nữ. Sau khi đảng Dân Chủ đi vào lịch sử với một tổng thống da đen đầu tiên, nhiều người cho rằng đã đến lúc đảng Dân Chủ đi vào lịch sử thêm một lần nữa với một nữ tổng thống đầu tiên.

Trên thế giới, đã có rất nhiều phụ nữ lên nắm quyền trong lịch sử cận đại. Nữ tổng thống như tại Sri Lanka, Liberia, Argentina, Brazil, Indonesia, Philippines và mới đây, Đại Hàn. Nữ thủ tướng như tại Anh, Đức, Sri Lanka, Ấn Độ, Do Thái, Pakistan, Thái Lan, Úc Đại Lợi,... Nhìn vào những bà này, nước Mỹ có vẻ như còn rất hủ lậu. Năm 2008, khi có cơ hội phải chọn giữa một bà và một ông, dân Mỹ đã chọn ông, cho dù ông này là da màu. Đã đến lúc dân Mỹ phải bầu cho một phụ nữ làm tổng thống.

Thế nhưng bà Hillary, bất kể những ưu thế vĩ đại, lại là người cũng có rất nhiều hành trang. Năm 2008, trong cái thế không thể thua được mà bà vẫn thua, mà thua một chính khách vô danh, tay mơ. Chỉ vì chính khách tay mơ đó đã không có những tỳ vết nào.

Bà Hillary qua vụ Monica, có thể đứng khép nép sau lưng chồng để giữ ghế cho chồng và lấy cảm tình cho mình, nhưng lại chứng tỏ là người tính toán rất kỹ, kiềm chế được tình cảm cá nhân và dám làm mọi chuyện để đạt được tham vọng cá nhân. Một người đàn bà sau khi thấy đáng thương, nghĩ cho cùng thấy rất đáng sợ. Bà Hillary cũng là người công khai tuyên bố bà không phải là thứ đàn bà ngồi nhà làm bánh ngọt (cookie) cho con mang đi trường như những bà mẹ tiêu biểu của xã hội Mỹ.

Một thăm dò trong đảng Dân Chủ cho thấy nhiều người muốn bà ra tranh cử nhất, nhưng bà cũng bị nhiều người chống đối nhất. Chứng tỏ bà là một người sẽ gây tranh cãi, ủng hộ rất nhiều mà chống đối cũng rất đông.

Bà Hillary là một phụ nữ nổi danh trong chính trường, trong tư thế đệ nhất phu nhân của tiểu bang, rồi đệ nhất phu nhân của cả nước, rồi thượng nghị sĩ, và cuối cùng là ngoại trưởng. Toàn là những tư thế nổi đình nổi đám, với những trách nhiệm thật lớn lao. Nhưng nếu nhìn kỹ lại, thì bà Hillary, trong suốt quá trình đó, đã không để lại một thành tích đáng kể nào cả.

Trong những năm làm đệ nhất phu nhân Arkansas, bà vẫn tiếp tục đi làm luật sư kiểu bán thời cho một công ty luật lớn nhất tiểu bang. Gia tài bà để lại là một chuỗi những giao dịch có vấn đề lớn, đưa đến việc một công tố viện đặc biệt được bổ nhiệm để điều tra những giao dịch liên quan đến dự án Whitewater. Bà cũng nổi tiếng qua việc đầu tư 1.000 đô đẻ ra ngay 100.000 đô trong vài tuần qua cái mà bà cho là đầu tư đúng chỗ, chứng khoán mua bán gia súc.

Bước vào Tòa Bạch Ốc, TT Clinton trao ngay dự án cải tổ y tế vĩ đại cho bà. Một kế hoạch cải tổ tương tự như kế hoạch sau này của TT Obama. Dự án chết trong trứng nước, vì không có được hậu thuẫn của ngay các dân cử trong nội bộ đảng Dân Chủ. Sau thất bại đó, không còn gì khác ngoài chuyện công khai bênh vực ông chồng trong vụ Monica, và hàng loạt chuyện mờ ám khác như travelgate, filegate,... mà chắc chắc ta sẽ có dịp nghe lại nếu bà ra tranh cử.

Rồi để chuẩn bị cho việc tranh cử tổng thống, bà tranh cử thượng nghị sĩ tại Nữu Ước, thắng cử dễ dàng. Trong suốt tám năm, thành tích đáng kể nhất của thượng nghị sĩ Hillary Clinton là biểu quyết cho TT Bush đánh Afghanistan, rồi sau đó đánh Iraq, một quyết định mà sau này bà đã tìm cách tránh né, mất không biết bao nhiêu thời giờ giảng giải, và cũng là lý do quan trọng nhất khiến bà thua ứng viên Obama. Không có bộ luật quan trọng nào dưới tên bà.

Sau khi TT Obama đắc cử, bà được bổ nhiệm làm ngoại trưởng, với ba trách nhiệm: hàn gắn những quan hệ bị sứt mẻ với các đồng minh Âu Châu vì vụ Iraq, lấy cảm tình khối Ả Rập Hồi Giáo để giảm đe dọa khủng bố, và siết chặt lại giao hảo với Nga và Tầu. Công bằng mà nói, bà đã không đạt được một kết quả đáng nói nào cho dù bay đi công tác cả triệu dặm như đã khoe. Hay nói cho đúng hơn, bà đã “thành công mỹ mãn” trong việc dùng chức vụ và máy bay Nhà Nước để đi tự quảng bá mình cho khắp thế giới biết tên biết mặt.

Quan hệ giữa Mỹ và cả ba khối đều sa sút, tồi tệ hơn dưới thời Bush. Quan hệ Mỹ với ba đồng minh lớn là Anh, Pháp và Đức lạnh nhạt hẳn, hình ảnh nước Mỹ trong khối Ả Rập xấu đi, nhất là tại Ai Cập và Syria. Cho đến nay, vai trò và thế đứng ngoại giao của Mỹ đối với những biến cố đẫm máu tại hai xứ này vẫn là những bí ẩn không ai biết gì. Quan hệ với Trung Cộng và Nga xuống cấp thảm hại qua chuyện hai nước này phớt lờ những kêu gọi, dọa dẫm của Mỹ về vụ anh Snowden xì tin bí mật của Cơ Quan An Ninh NSA, được Tàu cho chạy thoát khỏi Hồng Kông và Nga cho tỵ nạn.

Quan trọng hơn cả là tuy bà đã từ nhiệm, nhưng thảm hoạ Benghazi với đại sứ Mỹ bị giết vẫn chưa giải quyết xong. Hàng trăm câu hỏi, đặc biệt là về vai trò của bà trong vụ này vẫn chưa có câu trả lời.

Rồi cuộc khủng hoảng Syria cũng không hoàn toàn tha bà, mặc dù bà đã hết làm ngoại trưởng từ lâu rồi. Người ta còn nhớ trước đây, bà Hillary đã công khai ca tụng TT Assad là thành phần tiến bộ (progressist), có tư tưởng cởi mở, Mỹ có thể nói chuyện được. Nhưng đó là lời tuyên bố trước khi cuộc nội chiến đẫm máu xẩy ra, chỉ chứng tỏ khả năng nhận định chính trị của bà Hillary không chính xác lắm.

Nhìn vào bức tranh hiển nhiên đen tối đó, câu hỏi là bà Hillary có những thành tích gì có thể biện minh cho việc bầu bà làm tổng thống?

Người ta cũng không thể quên việc dân Mỹ bầu cho bà hay không cũng tùy thuộc một phần rất lớn vào thành quả của TT Obama. Nếu ông này được coi như tốt hay tàm tạm được thì dân Mỹ có nhiều hy vọng tín nhiệm đảng Dân Chủ tiếp tục và bầu cho bà. Nếu TT Obama tiếp tục đi từ khủng hoảng này đến xì-căng-đan khác như trong mấy tháng qua, hy vọng của bà Hillary sẽ giảm nhiều.

Cái tuổi cổ lai hy của bà Hillary cũng sẽ là một vấn đề không nhỏ. Cả ba tổng thống cuối cùng đều vào Tòa Bạch Ốc ở tuổi tứ tuần, bây giờ Mỹ hết người tài rồi sao mà lại phải nhờ đến một bà lão gần 70 tuổi?

Nói cho cùng, bất kể những khó khăn, có rất nhiều hy vọng bà Hillary sẽ vượt qua được và trở thành tổng thống. Lý do quan trọng nhất có thể giúp bà vượt mọi khó khăn và đắc cử không phải là kinh nghiệm hay khả năng hay thành quả gì của bà, mà chính là vì dân Mỹ muốn có một bà tổng thống. Cũng như năm 2008, dân Mỹ muốn chứng minh cho thế giới thấy sự tiến bộ của Mỹ đã bầu cho một ông da đen làm tổng thống, bất kể khả năng hay kinh nghiệm. Năm 2016, dân Mỹ có thể muốn một phụ nữ làm tổng thống, bất kể hành trang nặng nề của bà Hillary.

Một diễn biến bất ngờ: bà Hillary vì lý do nào đó không ra tranh cử. Nhìn vào cả hai đảng, chẳng thấy có người nào sáng giá hơn người nào khác, và chẳng ai tiên đoán được ai sẽ kế nhiệm TT Obama. (29-09-13)


Switch mode views: