Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người thắng và kẻ bại

TonyAbbot-KevinRudd


Chiến thắng của liên đảng Tự do-Quốc gia do ông Tony Abbot lãnh đạo kết thúc 6 năm cầm quyền của Đảng Lao động của ông Kevin Rudd.
 

Thế là cuộc bầu cử tại Úc đã kết thúc vào tối Thứ bảy 7 tháng 9 với kết quả là Liên đảng (bao gồm đảng Tự Do và đảng Quốc Gia) đã chiến thắng một cách vang dội.

Thật ra, kết quả ấy không có gì đáng ngạc nhiên. Hầu như mọi người đã biết điều đó từ cả… mấy năm trước, một phần, nhờ các cuộc điều tra dư luận (poll) được tổ chức khá thường xuyên, và, theo kinh nghiệm từ lịch sử, khá chính xác, ở đó, Liên Đảng hầu như luôn luôn dẫn đầu.

Phần khác, những mâu thuẫn trong nội bộ đảng Lao Động từ khi lên nắm chính quyền lần đầu vào năm 2007 và, đặc biệt, từ lần thứ hai vào năm 2010, làm dân chúng Úc chán ngán và mất hết niềm tin vào Lao Động, từ đó, giới lãnh đạo đảng Lao Động nói gì, đưa ra  chính sách gì, dù hay ho đến mấy, người ta cũng không nghe nữa.
 
Chính vì kết quả hầu như đã được biết trước từ lâu như vậy nên cuộc tranh cử kỳ này khá nhàm chán. Phe thua, biết trước mình thua, nên tranh cử một cách khá tiêu cực, chỉ nhắm giảm thiểu mức thua.

Phe thắng, biết mình thắng, nên tranh cử một cách rất dè dặt, chỉ cốt tránh sai lầm khiến dân chúng bất mãn. Bởi vậy, cả hai bên hầu như đều tránh né việc công bố các chính sách lớn có thể gây tranh cãi. Họ chỉ tập trung vào những lời hứa hẹn nho nhỏ.

Liên Đảng chỉ công bố việc hạch toán các chi tiêu của mình vào những ngày cuối cùng của cuộc tranh cử. Không ai có thì giờ để phân tích hay tranh luận.
 
Bản thân tôi, thành thực mà nói, không hề thấy chút hứng thú nào trong việc theo dõi cuộc tranh cử. Ngay cả các cuộc tranh luận giữa các nhà lãnh đạo hai bên, tôi cũng chỉ theo dõi một cách khá ơ hờ. Một phần, tôi không thích cả hai; phần khác, những gì họ nói cũng chả có gì lạ.
 
Điều duy nhất tôi cảm thấy thích thú là những giờ phút cuối cùng của cuộc bàu cử khi kết quả đã được phân định rõ rệt. Mà hình như lần bầu cử nào cũng thế, tôi cũng đều theo dõi những giờ phút cuối cùng ấy một cách không những say mê và còn đầy ngưỡng mộ. Theo tôi, văn hoá dân chủ ở các quốc gia Tây phương thể hiện rõ nhất là ở những thời điểm ấy. Có thể gọi đó là văn hoá chiến thắng và văn hoá chiến bại.
 
Ngay cả khi cuộc kiểm phiếu chưa kết thúc hẳn, nhưng biết trước là mình không thể thắng được, việc đầu tiên mà thủ lãnh của bên thua cuộc làm là điện thoại cho thủ lãnh bên thắng cuộc để, thứ nhất, nhìn nhận mình thua; và thứ hai, chúc mừng người chiến thắng.

Theo thông lệ, người chiến thắng chỉ xuất hiện trước ống kính và công bố chiến thắng của mình sau khi đã nhận được cú điện thoại của người thua cuộc. Khi người thua cuộc, vì lý do nào đó, chưa nhìn nhận mình thua cuộc, người ta vẫn kiên nhẫn chờ.
 
Trong bài diễn văn chính thức sau cuộc bầu cử, người thua cuộc bao giờ cũng chúc mừng người chiến thắng, thừa nhận người chiến thắng đã chiến thắng một cách xứng đáng, và kêu gọi các đảng viên trong đảng mình chấp nhận cái kết quả đáng buồn và ngoài ý muốn đó. Sau đó, mới là việc cám ơn những người dân đã bỏ phiếu cho mình. Và cũng cám ơn các nhân viên cũng như gia đình đã ủng hộ mình.
 
Bài phát biểu của người chiến thắng cũng vậy. Bao giờ cũng dành một phần để ca ngợi người thua cuộc. Trong thời gian tranh cử cũng như trước đó, người ta không đồng ý với nhau về nhiều vấn đề, lúc nào cũng tranh luận và tìm mọi cách để đả kích nhau, nhưng khi cuộc bầu cử kết thúc, chuyện ai thắng ai thua đã rõ ràng, người ta lại quay sang ca tụng nhau.

Một trong những nội dung quan trọng trong bài diễn văn chấp nhận thắng cử là, sau khi cám ơn những người bỏ phiếu cho mình, thủ lãnh bên chiến thắng bao giờ cũng hứa hẹn một điều: chính phủ do họ lãnh đạo sẽ phục vụ cho toàn dân, cho mọi người, chứ không phải cho những người đã bỏ phiếu cho họ.
 
Mà không phải trong chính trị. Trong các giải thể thao cá nhân cũng vậy. Sau trận chung kết, người thua, khi lên nhận giải nhì, cũng đều dành những lời khen ngợi nồng nhiệt cho người đã đánh bại mình.

Đến lượt người thắng, khi lên nhận giải nhất, cũng hết lời khen ngợi đối thủ, người bị mình đánh bại. Nghe hai người ca tụng nhau, người ta khó tưởng tượng là trước đó, họ đã tranh đấu với nhau một cách gay gắt và quyết liệt đến độ nào.
 
Việc nhìn nhận thất bại và khen ngợi đối thủ của mình như vậy, thật ra, không phản ánh tư cách của những người chơi thể thao hay làm chính trị. Những điều họ phát biểu có thể chỉ là những khuôn sáo. Tuy nhiên, tôi thích cái khuôn sáo ấy và cho đó là một “thủ tục” rất cần thiết trong sinh hoạt dân chủ. Chúng thể hiện thái độ tuân thủ các luật lệ trong trò chơi, hoặc trò chơi thể thao hoặc trò chơi dân chủ.
 
Trong các trò chơi thể thao, khi tranh giải, người ta chơi hết sức, nhưng khi có kết quả, người thua vẫn nhận mình thua. Không ai phân bua tại thế này hay tại thế kia và tìm cách phủ nhận tài năng của người chiến thắng.

Người chiến thắng cũng vậy, khi trận đấu chấm dứt thì mọi tranh chấp cũng chấm dứt, người ta lại xem đối thủ là bạn hoặc ít nhất, đồng nghiệp. Và người ta đối xử với nhau nếu không tương ái thì cũng đầy tương kính.
 
Trong chính trị cũng vậy. Chính trị là trò chơi của quyền lực. Quyền lực vừa là mục tiêu người ta nhắm tới và cố đạt cho được đồng thời cũng là phương tiện để người ta hành xử.

Khi tranh giành quyền lực, người ta không từ bất cứ thủ đoạn nào trong chừng mực luật pháp cho phép. Nhưng khi đã có kết quả kẻ thắng người bại thì ai nấy đều chấp nhận. Không ai lấy cớ dân chúng ngu dốt không phân biệt đúng sai, tốt xấu, hay dở để đòi xoá ván bài, làm lại từ đầu.

Luật lệ của trò chơi chính trị trong các chế độ dân chủ là tôn trọng quyết định của dân chúng. Cho dù đa số dân chúng có nhầm lẫn chăng nữa thì lá phiếu của họ vẫn phải được tôn trọng. Thậm chí không ai dám chê bai những người bỏ phiếu cho đối thủ của mình là nhầm lẫn.

Nói chung, dưới chế độ dân chủ, người dân bao giờ cũng có lý: Lý của những người muốn bảo vệ quyền lợi, trước hết, của chính họ. Và bởi vì dân chúng có lý khi chọn lựa, người chiến thắng trong các cuộc bầu cử cũng có cái lý cho việc chiến thắng: ngay cả khi các chính sách của họ đưa ra không hoàn hảo hoặc bất khả thi, ít nhất họ cũng hơn những người thất bại ở một điểm: họ biết cách thuyết phục quần chúng.
 
Có thể nói văn hoá dân chủ chủ yếu dựa trên hai nền tảng chính: Một, tôn trọng quyết định của đa số; và hai, mọi quyết định của đa số đều có lý. Ngay cả giới bình luận chính trị cũng chấp nhận những điều đó.

Đọc các bài bình luận sau bầu cử, hầu như bao giờ cũng thấy người ta tập trung phân tích lý do tại sao người thua bị thua và lý do tại sao người thắng thắng nhưng không bao giờ, tuyệt đối không bao giờ, đổ lỗi cho quần chúng, những người đã bỏ phiếu cho người chiến thắng ngay cả khi người ấy, theo ý kiến riêng của nhà bình luận, hoàn toàn không xứng đáng. Phê phán dân chúng, trong trường hợp tương tự, là vi phạm nguyên tắc dân chủ. Là chà đạp lên văn hoá dân chủ. Thực chất là phản-dân chủ.
 
Ở Việt Nam, một trong những lý do chính nhà cầm quyền thường đưa ra để từ chối việc chế độ đa đảng và việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do là trình độ dân chúng còn thấp. Tự bản thân nó, luận điệu ấy đã phản dân chủ: Dân chúng, ngay cả khi ít học, vẫn biết bảo vệ quyền lợi của họ khi chọn người để đại diện cho mình và điều hành đất nước.

Hơn nữa, luận điệu ấy còn là một cách tự phủ định chính mình: đã cầm quyền trên cả nửa thế kỷ với bao nhiêu cuộc “cách mạng” ồn ào mà vẫn không nâng được trình độ dân trí lên cái mức có thể bỏ phiếu một cách đúng đắn nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình là sao? Chả lẽ trong chừng ấy năm, họ chỉ làm được một việc duy nhất là ngu dân ư?
 
Thật ra, luận điệu ấy chỉ phản ánh sự thiếu tự tin của những người cầm quyền. Mà thiếu tự tin cũng phải.

Có thể nói, cùng với viễn kiến, khả năng thuyết phục quần chúng là những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá một người lãnh đạo. Thiếu viễn kiến, người ta, may lắm, có thể là một nhà quản trị giỏi nhưng không phải, không thể là một người lãnh đạo giỏi.

Thiếu khả năng thuyết phục quần chúng, ngay cả khi có viễn kiến thật hay, người ta, may lắm, chỉ là một nhà tham mưu, đứng sau màn để hoạch định kế hoạch chứ không thể đóng vai một lãnh tụ. Vừa thiếu viễn kiến vừa thiếu khả năng thuyết phục quần chúng, người ta chỉ có thể trở thành những tên độc tài.


Switch mode views: