Châu Âu làm được gì để chống Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông ?
- Thứ Hai, 07 tháng Ba năm 2016 19:21
- Tác Giả: Trọng Nghĩa
Hình ảnh vệ tinh cho thấy hòn đảo trong Trường Sa, đánh dấu nơi có thể Trung Quốc đặt trạm radar. (Ảnh do Viện CSIS phổ biến ngày 23/02/2016).
REUTERS/CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe/
Cuối tháng Hai vừa qua, một nhóm học giả, chuyên gia hoạch định chính sách và quan chức chính phủ, trong đó có nhiều người đến từ châu Âu, đã họp lại tại Rangoon (Miến Điện) để thảo luận về các thách thức chiến lược tại vùng Đông Nam Á, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Trong một bài viết đăng trên trang web tạp chí Mỹ Forbes vào hôm qua, 06/03/2016, chuyên gia Úc John Lee, giám đốc Học Viện An Ninh Khu Vực tại Canberra đã nêu bật những gì mà châu Âu có thể làm được, đặc biệt là trong việc ngăn không cho Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, khuấy động tình hình ổn định trong khu vực.
Đối với chuyên gia Úc này, điểm cần ghi nhận đầu tiên là châu Âu thường không được chú ý mỗi khi quốc tế bàn về các vấn đề địa lý chiến lược vùng châu Á.
Lý do rất dễ hiểu. Ngoại trừ Anh Quốc và Pháp là hai nước có tiềm lực triển khai lực lượng tại các chiến trường xa xôi, các nước còn lại chỉ có thể quanh quẩn chung quanh lục địa châu Âu mà thôi.
Ngay cả Anh và Pháp, hai nước này cũng không có nhiều cơ sở trong vùng Đông Nam Á, nơi mà Trung Quốc đang muốn lao vào tranh giành vai trò cường quốc khu vực số một, chống lại siêu cường đang tại vị là Hoa Kỳ.
Thế nhưng, đối với với chuyên gia John Lee, không phải là châu Âu hoàn toàn không thể làm được gì cho việc cải thiện tình hình khu vực.
Vấn đề là phải biết biến những gì thường được xem là nhược điểm của châu Âu, thành thế mạnh.
Nhược điểm nổi bật nhất là sự hiện diện khiêm tốn của châu Âu về mặt chiến lược và quân sự trong khu vực.
So với các cường quốc khác như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và trong chừng mực nào đó là Ấn Độ, thì trên hai phương diện này, trọng lượng của châu Âu chẳng là bao.
Thế nhưng, chính vì là bên không có quyền lợi chiến lược và quân sự trong vùng mà châu Âu có thể được công nhận là một tiếng nói vô tư, không thiên vị (ít ra là về hình thức).
Liên Hiệp Châu Âu, trong tư cách là một khối, hay một nước nào đó, có thể tranh thủ điều này để đề ra, hay đứng ra bảo trợ cho một sáng kiến đa phương, để lên án mọi hành vi sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép nhằm giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Châu Âu cũng có thể lên án các quốc gia xây dựng đảo nhân tạo và các cấu trúc khác trong vùng biển tranh chấp, và khiển trách bất kỳ quốc gia nào không chịu dùng luật pháp quốc tế để biện minh cho đòi hỏi chủ quyền của mình, không chịu để cho các cơ quan luật pháp quốc tế phân xử.
Đối với chuyên gia John Lee, châu Âu đã chấp nhận tất cả các nguyên tắc nêu trên, nhưng Liên Hiệp Châu Âu hay từng thành viên một, vẫn chưa thực sự đứng ra bảo vệ các nguyên tắc đó, đặc biệt là trước mặt Trung Quốc.
Dĩ nhiên là cho đến nay, nhiều nước đã có đề cập đến các vấn đề trên với Bắc Kinh, nhưng không thành công.
Mỗi khi bị chỉ trích, Trung Quốc thường phản bác ngược lại rằng các nước phê phán đi theo lập trường của Mỹ và đồng minh muốn ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thế nhưng, đối với nhà nghiên cứu John Lee, châu Âu đang có một lợi thế có thể nói là độc nhất vô nhị để phê phán lập trường của Trung Quốc.
Châu Âu không có tranh chấp lãnh thổ với các nước trong vùng, tổ chức NATO chỉ có nhiệm vụ đối với châu Âu, và không một nước châu Âu nào muốn mình bị coi là tay sai hoặc bù nhìn của Mỹ - điều mà Bắc Kinh thường dùng để gán cho Nhật Bản và Philippines.
Bắc Kinh do vậy khó có thể cáo buộc châu Âu có động cơ xấu khi phản đối hành động của Trung Quốc tại Biển Đông.
Tin mới
- Từ Kennedy tới Obama, một nửa thế kỷ liên lạc ngầm với Cuba - 23/03/2016 20:17
- MÙA ĐẢO CHÍNH ĐÃ BẮT ĐẦU - 23/03/2016 16:20
- Bắc Kinh bắt bí Mỹ để Hội Đồng Bảo An giảm trừng phạt Bình Nhưỡng - 22/03/2016 18:47
- Chính sách xuyên suốt của Barack Obama : Đối thoại hiệu quả hơn quân sự - 21/03/2016 16:11
- Hệ Thống Siêu Quyền Lực tại Hoa Kỳ - 20/03/2016 02:36
- Khủng bố Paris : Bốn tháng đào tẩu của nghi can số một - 19/03/2016 23:01
- Số phận Syria trong tay Nga, Mỹ - 15/03/2016 22:43
- Bình Nhưỡng hung hăng nhưng Bắc Kinh vẫn ủng hộ - 15/03/2016 20:35
- Bình Nhưỡng đã có đầu đạn hạt nhân thu nhỏ ? - 12/03/2016 17:14
- Năm năm sau Fukushima, Nhật tìm cách tránh tái diễn thảm họa - 10/03/2016 19:19
Các tin khác
- Vị thẩm phán tối cao thứ chín - 07/03/2016 03:44
- Mỹ thay đổi chiến lược và những biến loạn - 27/02/2016 20:52
- Giới chuyên gia nghi ngờ về hiệu quả trừng phạt Bắc Triều Tiên - 27/02/2016 19:19
- Bầu cử Iran: Cuộc trắc nghiệm cho chính sách mở cửa - 26/02/2016 23:31
- Hưu chiến tại Syria : Cả Nga lẫn Mỹ đều hoài nghi về hiệu quả - 26/02/2016 23:22
- Căng thẳng gia tăng tại Biển Đông, Việt Nam phô trương sức mạnh quân sự - 22/02/2016 18:17
- CỬ TRI MỸ GỐC VIỆT NÊN CHỌN LỰA AI TRONG CUỘC BẦU TỔNG THỐNG LẦN NÀY ? - 21/02/2016 20:57
- Thị trường phi cơ và thiết bị trinh sát biển khởi sắc tại Đông Nam Á - 20/02/2016 17:26
- Tên lửa ở Hoàng Sa: Trung Quốc ‘ngụy biện’ về nguyên do gây căng thẳng - 19/02/2016 17:36
- Tên lửa Trung Quốc ở Biển Đông làm gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung - 18/02/2016 17:48