Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Một buổi tối cuối năm

dem ngoai o

Vợ của anh, con của cha,

Báo tin mừng cho em và con biết: năm nay anh sẽ vể nước ăn Tết cùng hai mẹ con.  Cha biết giờ này bên nhà con thèm muốn tết năm nay có những thứ con thích như chiếc máy bay không cần dây điều khiển, cứ bấm cái nút là muốn nó bay về phiá nào cũng được. Khi trước, lúc còn ở nhà nhìn thằng bé hàng xóm chơi cái máy bay này, cha nhìn đôi mắt con tất cả sự thèm thuồng, cha biết con thích lắm. Rồi lại còn cái xe thiết giáp mỗi lần mở máy gầm rú ầm ĩ như thật làm con khoái chí reo ầm lên. Thằng bé con hàng xóm thấy vậy mặt mũi nó vênh váo kênh kiệu thu vội đồ chơi đem vào nhà. Cha thấy mặt con tiu nghỉu như muốn khóc. Con nhặt một hòn đá ném mạnh xuống con lạch gần đó. Cha biết con buồn, giận và nhất là tủi thân lắm. Đêm 30 Tết năm đó, cha còn nhớ con lục đục trằn trọc cả đêm trên cái giường nhỏ cạnh bếp. Cha biết con nôn nóng từng giờ chờ sáng mồng một Tết sẽ có bộ quần áo mới (mà cha mẹ sắm từ trước và dấu kỹ để con bất ngờ). Con có biết đâu nhà mình bây giờ nghèo lắm, cũng như bà con hàng xóm, mọi người làm việc quần quật suốt quanh năm vẫn không có đủ cơm ăn áo mặc thì lấy đâu ra tiền mua sắm đồ tết cho trẻ nhỏ. Mà không những mình con buồn, cha thấy mẹ con ngồi bó gối trong góc bếp thỉnh thoảng đưa tay gạt nước mắt. Cha nhớ khi đó cha có nói với hai mẹ con là hãy yên tâm, cha đang tìm đường dây vượt biên sang Mỹ. Cha nói là hy vọng vài ba năm nữa sẽ có tiền bạc và các thứ gửi về cho hai mẹ con. Lúc ấy cha thấy đôi mắt con sáng hẳn lên, mặc dầu vẫn còn long lanh ngấn nước. Con nói như reo: “Có thật vậy không cha?”. “Tất nhiên rồi, con sẽ có cả hỏa tiễn đưa con lên mặt trăng, lên hỏa tinh nữa. Và khẩu súng lục có bao da con đeo xệ bên hông, thỉnh thoảng rút ra bắn pằng pằng trông thật oai hùng…Thôi, giờ con đi ngủ đi. Nhớ nằm mơ thấy cha đem về những gì tốt đẹp nhất mà con hằng mơ ước ngày đêm nhé…”.  

Hình như thư còn dài nhưng Ngọ chỉ nhớ tới đó. Anh nằm vắt tay lên trán trằn trọc mãi không tài nào ngủ nổi. Thực ra những giòng chữ anh viết trong thư chỉ là những giòng chữ thôi, thực tế anh chưa làm gì có tiền để dành dụm, ngày hai bữa lo ăn chưa xong. Tuần nào dư vài chục đồng anh ra chợ trời kiếm những thứ đồ và quần áo rẻ tiền nhất giá 1, 2 đồng hoặc những thứ không có người mua, người bán vứt bỏ anh đem về gói kỹ lại.


***


Mới đấy mà đã mấy năm trời trôi qua. Ngọ nghĩ tới vợ, nhất là thằng con trai độc nhất năm nay lên bẩy tuổi mà gầy nhỏ như đứa trẻ lên năm. Tới giờ này Ngọ vẫn nhớ như in những câu chuyện giữa cha con chồng vợ trước ngày anh ra đi. Vợ anh đi làm thuê cho một gia đình khá giả (có con ở nước ngoài) chỉ đủ cho mẹ con ngày hai bữa ăn. Nếu ốm đau phải vào nhà thương thí nằm vạ, cả một sự tủi nhục khốn đốn. Vì thương vợ con, Ngọ suốt quanh năm chẳng nề hà mưa nắng nhọc nhằn đem sức lao động của mình ra bán, hy vọng dành dụm được một số tiền kha khá đến Tết năm nay đem về…  


***


Người ta chỉ biết tên của anh là Ngọ, vì anh sinh năm Ngọ (ngựa) còn họ anh không ai biết. Cha mẹ anh đặt tên con là Ngọ (ngựa) để mong sau này đời anh sẽ “chạy” nhanh tiến xa trên đường đời như con ngựa đua phi nước đại. Chứ cứ sống vất vả nhọc nhằn giống con ngựa thồ gầy nhom của bác Tư cạnh nhà quanh năm kéo xe thồ chở người chở đồ vật quần quật suốt ngày, có khi cả đêm. Ông bà cha mẹ anh bao đời nay cũng vất vả như con ngựa thồ ngóc đầu lên không nổi nói gì đến phi nhanh tiến xa để đổi đời. Căn lều của Ngọ rộng khoảng bốn thước vuông, “mái” và “tường” vây quanh đều toàn bằng những mảnh ny lông hay tấm “cạc tông” lớn nhỏ chắp lại. Vì không có đủ tiền trả tiền thuê phòng, lúc mới đến thuê tạm, nên Ngọ phải dọn tới đây. Khu đất anh cắm dùi nằm bên một bờ suối nhỏ cạn nước có những cây cao to và những bụi cây rậm rì đứng trên đường nhìn xuống không thấy. Bên kia suối là dẫy nhà dân cư nghèo chen chúc. Trong xóm nhà ni lông này có khoảng hai, ba chục người hầu như toàn dân“hôm mơ lết”, đa số đều nghiện rượu hay sì ke ma túy. Buổi sáng, phần lớn họ tỏa ra các ngã tư đường đeo cái bảng trước ngực xin tiền người lái xe cộ qua lại. Còn số khác đi làm những việc linh tinh không tên nhưng chắc chẳng mấy lương thiện. Tuy cùng cảnh ngộ nhưng họ không thương nhau, thường xẩy ra những trận ẩu đả hay lớn tiếng chửi bới. Có cả mấy mụ đàn bà nạ dòng sống ở đây. Mụ thì lùn béo tròn quay, mụ thì gầy đét như que củi. Bữa nào xin được khá tiền ăn uống no nê sinh rửng mỡ, các mụ mò vào lều những gã đàn ông còn chút sức khỏe hú hí làm tình. Cũng có vài vụ xô xát, nhỏ thôi, vì đánh ghen. Trong cái thế giới người không ra người, ngợm không ra ngợm này, hình như không có tình hàng xóm láng giềng, nhất là tình người. Ở họ mỗi con người là một thế giới đầy thảm kịch bê bối tăm tối. Mỗi kẻ một tâm trạng, một lối sống chẳng ai giống ai. Có lẽ đây là chỗ hội tụ những tệ hại xấu xa nhếch nhác bẩn thỉu nhất xã hôi Mỹ. Mỗi người có một lý lịch đều thuộc loại “siêu”. Kẻ ở tù về tội trộm cắp, đã dăm bẩy lần vào ra trại hoặc trốn trại. Kẻ vừa được phóng thích vì trại tù không còn đủ khả năng tài chánh nuôi tù. Lại có anh dở điên dở khùng, tuy không đến nỗi nghèo khổ quá mức nhưng cứ thích vào các tiệm ăn xong ù té chạy. Có anh đánh bạc thua về đốt nhà và định giết chết cả vợ con. Ở căn lều dưới gốc cây lớn nhất là một cựu chiến binh người Mỹ trắng (có lẽ anh là người da trắng độc nhất ở đây) đã tham chiến ở Việt Nam lúc ngoài 20 tuổi. Anh bị cụt một chân và hư một mắt lúc nào cũng đeo kính đen, dù là buổi tối. Mặt anh đầy sẹo trông rất sợ. Giải ngũ về nước thấy hình hài anh như vậy cô vợ anh bỏ lấy chồng khác mang theo đứa con gái nhỏ. Đi xin chân gác cổng không được, anh chán nản theo bạn bè đi vào con đường sì ke, rượu chè be bét. Tiền lương cựu lính hàng tháng ăn tiêu, hít sì ke, uống rượu mấy ngày hết veo. Túng thì phải tính. Anh đi bán sì ke được ít ngày bị tóm đi tù.  Tù ra lại bán sì ke, lại bị bắt. Dăm lần bẩy lượt như thế chủ cung cấp sì ke không giao “hàng” cho nữa, thế là anh phải ra đứng đường đeo biển kêu đói trước ngực xin thiên hạ bố thí. Còn anh da đen tuổi trên 40 nhưng để râu dài tới ngực như ông già 70. Người anh cao gầy dáng lẻo khẻo đi đứng ngả nghiêng siêu vẹo phải chống gậy. Anh bảo đóng kịch như vậy mới đánh động lòng thương hại của người đời. Lúc nào trên môi anh cũng như cười. Ai nói gì, kể cả mắng nhiếc, anh cũng chỉ nhe hàm răng trắng hếu cười. Hôm nào xin được nhiều tiền, bụng căng phồng thịt cá và rượu là anh cất tiếng hát ông ổng liên tục đến 2, 3 giờ sáng, bất chấp thiên hạ kêu ca phản đối. Nghe giọng anh hát như tiếng kêu than từ cõi mông lung trăm năm trước nơi cội nguồn châu Phi xa xôi vọng lại. Mới đầu người ta khó chịu nhưng lâu dần thành quen rồi trở thành “nghiện”. Tuy bài hát với giọng ca buồn não nuột nhưng ít ra cũng biểu lộ cho đời biết nơi đây còn sự sống, chưa phải thế giới của những người chết trong cõi sống mỗi đêm về. Đêm nào anh đói ăn thiếu rượu không cất tiếng hát nổi là mấy mụ nạ dòng mò sang lều anh bắt hát. Người ta nói trước đây anh chơi kèn trong một hộp đêm bị bệnh lao nên chủ đuổi việc. Bệnh lao là căn bệnh nguy hiểm dễ lây lan không ai dám mướn anh, kể cả chân thuê… chơi với chó khi chủ vắng nhà. Không còn nghề nào nuôi thân anh đành phải ra đứng đường vừa đàn vừa hát xin tiền. Anh nuôi một con chó lông cũng đen xì gầy ngoằng xấu xí như chủ. Anh “nhặt” được nó trong một thùng rác khi nó đang bới rác tìm thức ăn. Anh huýt sáo đưa tay vẫy là nó theo anh về lều. Tối chủ tớ ôm nhau ngủ. Nó thường trực nằm bên cạnh cái mũ dạ đen hình dáng quả dưa bẩn thỉu của chủ đặt dưới đất dùng để người ta thẩy tiền cho nơi ngã tư đường. Cứ tưởng con người này lúc nào cũng lạc quan yêu đời, suốt quanh năm không biết buồn là gì. Môt hôm tình cờ Ngọ đi qua thấy trong lều có tiếng khóc rấm rứt nho nhỏ. Ngọ ngừng lại, một phút chần chừ anh vạch tấm ni lông buớc vào. Ngọ thấy anh bạn da đen đang ngồi bó gối mặt úp vào hai cánh tay khoanh. Khi anh ta ngửng lên đôi mắt đỏ hoe. Lướt nhanh nhìn khách rồi anh ta bất thần đứng bật dậy như nổi giận, chỉ tay ra cửa giọng hằn học quát đuổi khách.                                                                         

Trong “xóm” đặc biệt có một anh nước da đen nhờ nhờ nên không ai biết anh là người nước nào, Trung Đông, Phi Líp Pin, Miên, Thái hay lai giống sắc dân nào đó. Anh không giao thiệp với bất kỳ ai trong xóm. Lúc nào cũng áo quần bảnh bao, bốn mùa đều vận bộ đồ lớn tuy đã cũ, đầu tóc chải mượt, nước hoa rẻ tiền sực nức. Sáng anh đi, tối mịt mới về. Không ai biết anh làm nghề ngỗng gì. Cho đến một buổi tối cảnh sát xông vào lều anh còng tay đem đi. Dư luận đồn ầm lên với bao giả thiết nhưng chẳng ai biết sự thật ra sao. Có người quả quyết anh là “chuyên gia” trộm cắp hay cướp giật ở những chỗ đông người, nhất là nơi chợ búa, nạn nhân hầu hết là các bà các cô.              

Có một anh trông cao ráo khá bảnh trai, tứ thời chỉ có một cái quần jean rách nát bẩn thỉu và một cái áo thung ba lỗ bằng sợi trắng nhưng đã đọng ghét bẩn đen sì. Anh đeo trước ngực tấm bảng lớn chửi Nhà Nước không cho anh đi lính để anh thất nghiệp. Lý do không cho đi lính vì anh thuộc lưỡng giới, tức “ái nam ái nữ. Anh xin tiền mọi người để giải phẫu thành nữ giới.


  Đa số những người dựng lều ở đây đều thuộc sắc dân thiểu số. Người Mễ, người da đen, da vàng chiếm đa số. Hầu như tất cả đều hành nghề xin ăn. Họ ít thân mật với nhau, mạnh ai nấy sống. Chỉ riêng có Ngọ không hành nghề ăn xin hay bất cứ một nghề tai tiếng nào. Anh nguyện sống một đời lương thiện. Anh thường tự hào mình là con Rồng cháu Tiên, là con ngựa thần của Đức Thánh Gióng ngày xưa. Nước Việt Nam vốn dĩ đã nghèo nhưng cái vùng thôn quê hẻo lánh xa xôi hoang dã, nơi Ngọ sinh ra đời lại còn nghèo thê thảm hơn, có thể nói nhất nước. Hơn nửa dân làng đã bỏ đi nơi khác kiếm ăn, thường là tìm đường, tìm đủ mọi cách trốn sang Mỹ - vì đây là vùng đất hứa, là thiên đường - nếu không có số giầu thì cũng không đến nỗi phải chết đói. Vì nước Mỹ không để ai chết đói, dù muốn cũng không được, người ta nói vậy. Sau khi lấy vợ và sinh con, khổ quá hết chịu đựng nổi Ngọ quyết định vượt biên sang Mỹ. Anh cậy cục mãi mới được thằng bạn thân thương tình cho trả trước  ba chỉ vàng để lên tầu vượt biển, sang đó làm có tiền trả sau. Ngọ chẳng muốn rời xa quê cha đất tổ chút nào, gặp bước đường cùng mới phải tính nước liều đi thôi. Anh chẳng có họ hàng hay người quen thân tại Mỹ, lại không có một nghề chuyên môn nhưng vẫn tràn trề hy vọng làm lại cuộc đời mới với một tương lai tươi sáng. Căn nhà tranh vách đất của cha mẹ Ngọ để lại tuy nhỏ nhưng cũng có chỗ tránh mưa nắng. Nay vợ chồng anh phải cầm cố lấy ba chỉ vàng đưa chủ tầu vượt biên. Người cầm nhà  thương tình cho vợ con anh ở lại lấy một số tiền lời tượng  trưng và hẹn sau ba năm nếu không có tiền trả họ sẽ lấy nhà. Nhờ Trời chuyến tầu Ngọ vượt biển gặp may mắn, không một rủi ro tai nạn nào, chỉ dăm bẩy ngày đã tới đảo Bi Đông. Sau hơn năm sống trên đảo, Ngọ được gọi phỏng vấn cho vào nước Mỹ. Anh cho là nhờ hồng phúc ông bà tổ tiên phò trợ nên mới hên thế. Vào đất Mỹ lêu bêu mấy tháng trời chưa biết làm ăn gì Ngọ tình cờ gặp một người cùng quê sang đây mấy năm trước nhường cho chân rửa chén bát trong một tiệm ăn chủ nhân người Việt Nam. Ông chủ là người biết thương người nên Ngọ lỡ làm vỡ một vài cái tô (vì tay chân vụng về và chưa quen việc) ông ta cũng mắng lấy lệ rồi bỏ qua nhưng với bà chủ lại khác. Tới ngày lãnh tiền, bà tính ra bao nhiêu cái tô, cái đĩa Ngọ làm bễ trừ vào tiền công. Tiền đền còn nhiều hơn tiền công nên Ngọ sau nhiều lần bị sỉ vả đã bị đuổi ra khỏi nhà hàng. Họ cũng là người Việt cũng là dân vượt biên sang đây sao không thông cảm cho kẻ cùng cảnh ngộ tha phương cầu thực, Ngọ buồn rầu ngẫm nghĩ và tủi thân. Đang lúc lấn bấn vì sinh kế, buổi sáng hôm đó Ngọ đang đi lang thang nơi công viên nhỏ có một người vẫy tay gọi. Theo lối ăn mặc thì là một bà người Việt Nam đã lớn tuổi, khoảng trên dưới 70. Bà vừa nói tiếng Mỹ pha lẫn tiếng Việt, vì bà tưởng Ngọ là người Mễ nên tay nói nhiều hơn miệng, nhưng Ngọ nói ngay mình là người Việt. Bà già vui ra mặt, ân cần hỏi han và cho biết mình cần người làm cỏ và dọn dẹp vườn trồng cây sửa soạn cho cái Tết sắp đến. Ngọ mừng lắm nhận lời. Căn nhà bà già khá lớn ở dưới chân ngọn đồi nhỏ. Nhà không có ai ngoài bà, chắc con cái đi làm hết. Bà già hỏi Ngọ tính bao tiền. Ngọ chưa làm nghề này bao giờ nên không biết ra giá bao nhiêu. Bà già hiểu. Bà bảo trả Ngọ đúng theo giá Nhà Nước quy định. Ngọ gật đầu đồng ý ngay như sợ bà già đổi ý. Anh rất hăng say làm việc không một phút ngơi nghỉ. 12 giờ hơn bà già bảo Ngọ ngừng tay vào nhà và chỉ đĩa cơm lớn có đủ thịt rau nói ăn đi. Ngọ thật bất ngờ. Thì ra đâu phải người Việt Nam nào sang đây cũng xấu. Hôm đó Ngọ kiếm được hơn 70 đồng nhưng bà già cho chẵn 8 chục. Ngọ cám ơn rối rít ra về. Thế là Ngọ bắt đầu hành nghề cắt cỏ làm vườn từ đó. Công việc hàng ngày của anh là sáng sáng ra đứng chỗ góc chợ Mỹ cùng một số người Mễ chờ các “ông bà chủ” cần người làm vườn trồng cây cỏ, sửa nhà, chữa ống nước, ống khói, lau dọn đồ đạc v v… tới thuê. Hôm nào hên thì Ngọ kiếm được bạc trăm. Anh ăn uống chi tiêu dè sẻn, phần lớn là bánh mì hay mì gói, dành dụm tiền bạc cả năm trời cũng được dăm ngàn đồng. Anh đợi khi đủ năm bẩy ngàn thì đem về nước cho vợ con, nhất là chuộc lại căn nhà. Tuy vậy thỉnh thoảng anh vẫn đi mua sắm đồ đạc áo quần loại rẻ tiền cho vợ và nhất là đồ chơi cho con. Các khoản này thì dễ thôi. Ở Mỹ có những cửa hàng bán đồ cũ giá rất rẻ và còn tốt như cửa hàng Good Will chẳng hạn, mang về nước vẫn quý như thường. Ngọ mỉm cười khi nghĩ  tới vợ con cầm trên tay những món đồ có “gốc” sang trọng này.   

Trong những lúc ngồi bên gốc cây vệ đường chờ khách tới thuê, Ngọ thường nhớ tới cái ngày (mà suốt đời anh không thể quên) được cấp thẻ xanh. Chao ôi, hân hoan sung sướng kể sao cho xiết. Cứ như một giấc mơ. Ngọ đã quỳ xuống đất lạy tạ ơn Đức Mẹ, tạ ơn Đức Phật, tạ ơnTrời Đất, tạ ơn tổ tiên. Cả một tương lai tươi sáng đang mở rộng trước mắt anh. Vợ ơi, con ơi, hãy vui lên, hãy cười to lên, anh đã chính thức bước vào cửa thiên đường trái đất rồi. Ngày mai, ôi ngày mai ngày của ước mơ, ngày của giàu sang phú quý. Anh sẽ đem về cho mẹ con em tất cả những gì bấy lâu chúng ta hằng mơ ước cầu mong. Dù có trăm ngàn vất vả anh cũng quyết đạt bằng được. Giờ này đang trong giây phút hào hứng phấn khởi, Ngọ quên hết những lo âu vẩn vơ từng nghĩ tới trước đây. Việc trước tiên khi có thẻ Xanh là Ngọ viết ngay một lá thư cho vợ con báo tin mừng và hẹn Tết này về. Chắc thằng cu con nhẩy cẫng lên reo hò la hét ầm ĩ cả xóm nghe.



Nhưng hiện thực khác hẳn với ước mơ. Nước Mỹ không phải là nơi chốn dành cơ hội tốt cho những người nghèo không tài năng không nghề nghiệp chuyên môn lại thất học nên chỉ còn một con đường duy nhất đến với Ngọ: đem bán sức lao động của thân mình. Tuy vậy vẫn không được yên tâm hành nghề: nước Mỹ đang thời kỳ suy thoái kinh tế kiếm được việc làm ra tiền là cả một sự vật lộn căm go.  Những thư gửi về cho vợ con, Ngọ bao giờ cũng kể toàn chuyện lạc quan: anh đã có công viêc làm tốt đủ để mai này về nước trả nợ tiền nhà và bảo lãnh vợ con sang Mỹ sống. Anh biết mình nói dối vợ con nhưng để tạo cho họ niềm vui và tin tưởng cũng không hại gì.

***

Kinh tế Mỹ những năm này bị suy thoái trầm trọng. Người thất nghiệp ngày một gia tăng đến con số kỷ lục hiếm có từ trước tới nay. Người dân Mỹ còn khốn đốn về công ăn việc làm như vậy nói gì đến những người di dân. Con số này lên tới cả triệu người. Ngọ và các “đồng nghiệp” của anh là nạn nhân đầu tiên của tai họa này. Các chủ nhà không ai thuê mướn nhân công nữa. Suốt ngày Ngọ cùng đồng bọn ra ngã tư đường chờ công việc nhưng chẳng có ma nào đoái hoài tới. Họ còn lo cho gia đình họ chưa xong lấy đâu tiền sang sửa nhà cửa vườn tược. Hơn nữa như một trận cuồng phong, nhà nhà thi nhau rao bán với giá hạ chưa từng có vẫn không có khách mua. Do đó món hàng lao động người ế dài, cả tháng trời may lắm mới có “một ông hay bà chủ” tới thuê với giá rẻ mạt. Trong thời gian này Ngọ phải nhịn chi tiêu và ăn uống tằn tiện tới mức tối đa cứ bánh mì nước lã cầm hơi, quyết không động chạm tới số tiền giành dụm. Đã vậy tai họa vẫn chưa chịu buông tha những món hàng nhân công lao động này. Một tối, lúc ấy vào khoảng hai giờ khuya, cảnh sát bất thần mở cuộc bố ráp xóm nhà lều ni lông. Họ còng tay và hốt tất cả lên xe bít bùng chở về bót. Không ai hiểu nguyên do, chỉ riêng có Ngọ bị hỏi lên hỏi xuống nhiều lần về số tiền mấy ngàn đồng bạc mặt anh tần tiện giành dụm mấy năm gói kỹ trong chiếc bao ny lông.  Cảnh sát nghi anh buôn bán xì ke, vì có một gã trong “xóm”ghét anh tố cáo. Nhưng sau đó Ngọ và các bạn hàng xóm được tha về, trừ anh chàng da đen luôn ăn vận đẹp đẽ và một gã bán xì ke.

***

  Ngọ đang lúc lúng túng không biết kiếm nghề gì để làm kế sinh nhai thì có một anh đồng hương rủ đi bán chợ Trời. Theo anh này lời nhiều lắm: vốn bỏ ra một thu vào 5, 6. Ngọ nghe bùi tai bỏ ra 2,000 đồng góp vốn. Mới vào nghề được một, hai tuần thì ông bạn quý  ôm cả mớ hàng chuồn đi mất. Ngọ ôm mối hận về lều nằm lì mấy ngày đêm không màng cả ăn uống. Càng nghĩ càng tức và càng thương vợ con tới độ xót xa. Anh kiểm lại số tiền dành dụm còn khoảng hơn ba ngàn. Giữa lúc chưa biết giải quyết sao thì cảnh sát lại mở tiếp trận bố ráp. Nhưng lần này họ không bắt người mà chỉ rở hết các lều rồi đuổi mọi người đi. Không còn nơi nào dùng làm chỗ trú thân, Ngọ quyết định Tết này về nước. Anh đi mua vé máy bay và nhờ người lập hồ sơ bảo lãnh vợ con nộp Sở Di trú. Trong lúc chờ đợi, Ngọ tìm kiếm mãi mới thấy một khu đất nhỏ bỏ hoang có cây cối tương đối vắng vẻ, anh liền dựng tạm bợ cái lều dưới một gốc cây trong khi chờ về cố hương. Hàng ngày anh đi chợ trời và các hiệu Good will kiếm mua vật dụng quần áo đồ chơi về cho vợ con. Anh biên thư cho vợ con báo tin mình sắp về nước và “thằng Giầu chắc sẽ mừng phát điên vì những món quà cha mua cho. Nó mê nhất là cây kèn đồng mà nó vẫn ao ước có, vì nó muốn sau này trở thành nhạc sĩ tên tuổi như ông người Mỹ da đen nào đó, (do người lớn nói với nhau nó nghe được) để có nhiều tiền nuôi cha mẹ. Còn em, anh sẽ mua cho em những bộ đồ đẹp nhất, các bà các cô trong xóm nhìn thấy phải rõ nước rãi thèm muốn, ao ước. Ôi ngày về gặp lại vợ con sung sướng hạnh phúc biết bao. Em ơi, con ơi, ráng đợi vài ngày nữa anh về nhé. Để đỡ tốn tiền bạc, em và con khỏi lên Saigon đón, anh sẽ về tới nhà  đúng ngày 30 Tết. Thương nhớ em và con vô cùng. Hẹn gặp. Ngọ”.

***


Thành phố trong một ngày mùa đông rất lạnh, mây đen che phủ cả mặt trời ảm đạm thê lương. Nhưng trái với cảnh vật, nền kinh tế nước Mỹ có vẻ ấm dần đang trên đà hồi phục. Xe cộ qua lại rộn rịp. Người ta tấp nập lo mua sắm quà Noel để tặng cha mẹ, vợ con, anh em, bạn bè, người tình. Những nét mặt đăm chiêu lo lắng bấy lâu không còn nữa. Tất cả dốc toàn lực vào những cuộc vui chơi trong mùa Giáng Sinh. Ngọ cũng vui lây cái vui của thiên hạ. Anh mong từng ngày từng tháng sớm trở về với vợ con. Nhất là cứ một, hai tháng thằng Giầu lại gửi thư cho cha thúc dục cha về và không quên nhắc mua thật nhiều đồ chơi. Nó còn nhỏ quá, ngây thơ cứ tưởng ở nước Mỹ hễ đưa tay ra là muốn gì được đó và phút chốc với chút tài năng danh tiếng sẽ nổi như cồn, tiền bạc đổ vào như nước. Nó có biết đâu mỗi đồng tiền kiếm được ở xứ này là những đồng tiền siết máu. Nhưng dù sao đây vẫn là nơi đất hứa, vẫn là thiên đường của trái đất. Cả triệu triệu người mơ ước. Đã đến ít ai muốn rời bỏ. Nhưng nỗi nhớ con thương vợ nghèo khổ nơi xứ nhà thôi thúc ngày đêm khiến Ngọ phải dẹp bỏ nhiều thứ để sớm trở về quê hương. Ngọ gói kỹ từng gói quà và đánh dấu thứ nào của vợ thứ nào của con trai.

***                                                                                                                                                                       

     Buổi sáng khoảng chin giờ, một quãng đường ngắn bị cảnh sát chặn lại. Ba bốn xe cảnh sát, cứu thương đèn đỏ chớp chớp  hú còi inh ỏi phóng vào một con đường đất mòn và ngừng lại chỗ góc vườn nhỏ nơi có cái lều của Ngọ. Ngọ dựng sơ sài cái lều ni lông này để tạm trú trong lúc chờ ngày về nước. Cả khu vườn chỉ có mỗi cái lều của Ngọ. Cảnh sát thận trọng vén những tấm ni lông làm vách lều lên. Một mùi hôi thối xông ra. Cảnh sát phải đeo mặt nạ bước vào. Một xác người nằm co quắp trên tấm nhựa rách, thân thể bị đâm nhiều nhát. Những vệt máu đen loang lổ khắp áo quần và lan ra cả đất. Tiền bạc, vật dụng, đồ chơi Ngọ mua sắm đều bị mất hết, Cảnh sát lục soát chỉ còn thấy một hai cái áo nhà binh cũ kỹ mua ở chợ trời và vài chiếc quần áo lót hôi hám bẩn thỉu. Họ đem xác nạn nhân và các tang vật ra xe. Một cảnh sát viên ra sau chót tình cờ nhìn thấy một tờ giấy dính máu có những hàng chữ viết tay ngoằn ngoèo nằm dưới chân tấm ni lông lớn làm lều chưa bị gió cuốn đi. Đó là lá thư Ngọ viết chưa kịp gửi về nước cho vợ con.  

 Tại quê nhà vợ con Ngọ nôn nóng ngóng chờ anh từng giờ từng ngày, mãi đến chiều 30 Tết vẫn chưa thấy bóng anh. Vì không có đủ tiền đi Saigon đón chồng đón cha, vợ con Ngọ đành phải ở nhà đợi. Thằng Giầu luôn mồm hỏi mẹ: “Sao giờ này vẫn chưa thấy cha về?”.    

Switch mode views: