Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đức Quốc Xã trong chiến tranh tâm lý Trung-Nhật

Chine japon  -xungdot


Tinh thần bài Nhật ở Trung Quốc : Đốt hình cờ Nhật trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh, phản đối chuyến viếng đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tháng 12/2013.
REUTERS/Kim Hong-Ji


Trong cuộc chiến tranh ngoại giao hiện nay giữa hai đại cường châu Á, Trung Quốc và Nhật Bản khai thác lịch sử nước Đức đầu thế kỷ 20, từ Thế chiến Thứ nhất đến chế độ Hitler, vay từ mượn ý để làm mất uy tín đối phương.
Trong cuộc đấu khẩu này, nếu chính giới ở Tokyo tự mình cấp « đạn » cho Bắc Kinh, thì ngược lại chính quyền Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội định hướng công luận trong nước.

Theo phân tích của AFP, báo chí nhà nước Trung Quốc đã so sánh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với lãnh đạo Đức Quốc Xã Adolf Hitler trên hai điểm : những lời tuyên bố sắt thép và thái độ do dự không muốn nhìn nhận tội ác của quân đội Thiên hoàng tại Đông Á từ năm 1930 đến 1940.

Về phần Nhật Bản, tại Diễn đàn Kinh tế Davos, Thụy Sĩ, ngày 22/01 vừa qua, Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi thế giới cảnh giác trước nguy cơ chiến tranh tại Á châu mà theo ông, là do chính sách bá quyền của một nước mạnh trong khu vực.
Ông so sánh bang giao Nhật-Trung hiện nay có nhiều điểm tương đồng với quan hệ giữa Anh Quốc và Đức Quốc thời tiền Thế chiến Thứ nhất. Trao đổi thương mại dồi dào, quan hệ kinh tế chặt chẽ không ngăn chận được hai nước lâm chiến năm 1914.

Tuy không gọi đích danh Trung Quốc, Thủ tướng Nhật cảnh báo thế giới nguy cơ xảy ra chiến tranh gây thiệt hại nặng cho kinh tế toàn cầu vì hiện nay có một cường quốc đang leo thang quân sự, tăng cường võ trang.

Tình hình căng thẳng tại Biển Hoa Đông và thái độ của Trung Quốc liên tục cho tàu kiểm ngư, tuần duyên và máy bay xâm nhập lãnh hải quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu ngư, đã làm cho nhiều nhà bình luận gọi quần đảo tranh chấp này có thể là « một Sarajevo » thứ hai :
 Cách nay 100 năm, ngày 28/06/1914 tại thành phố vùng Balkan này, nay là thủ đô của Bosnia-Herzegovina, Thái tử François Ferdinand của Đế chế Áo-Hung bị ám sát. Đó là ngòi nổ của Thế chiến Thứ nhất kéo dài 4 năm.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc, qua phát ngôn viên Tần Cương, đã lập tức bác bỏ lập luận của Thủ tướng Nhật, tìm cách đưa công luận đi xa hơn về quá khứ, so sánh quan hệ Trung-Nhật hiên nay với quan hệ Nhật-Nga năm 1904 tức là một năm…trước khi xảy ra trận hải chiến ở eo biển Đối Mã giữa « Đế quốc Nhật » với hải quân Nga hoàng.

Nhiều viên chức Trung Quốc cũng không tiếc lời đối chiếu Thủ tướng Nhật ngày nay với lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Hitler sau khi ông Shinzo Abe đi thăm đền thờ Thần đạo , nơi thờ 2,5 triệu vong linh chiến binh hy sinh trong các cuộc chiến tranh nhưng cũng có bài vị của 14 tướng lãnh và lãnh đạo chính trị phạm tội ác chiến tranh 1939-1945.

« ADN của Hitler »

Tờ báo đảng Cộng sản Trung Quốc - Nhân Dân Nhật Báo - không ngần ngại đề tựa « Abe mang ADN của Hitler ».

 Còn Hoàn Cầu Thời báo, đại diện cho xu hướng tuyên truyền hiếu chiến nhất của Hoa lục thì vẽ tranh biếm họa cờ Nhật có chữ « vạn ngược », biểu tượng của Đệ Tam Quốc Xã.

Giới bình luận tây phương nhận định ra sao về cuộc khẩu chiến Trung –Nhật ?

Sử gia Torsten Weber, thuộc Viện Nghiên cứu Đức tại Tokyo cho rằng đây chỉ là chiến thuật « tuyên truyền của Trung Quốc, bóp méo lịch sử, để định hướng công luận tại Hoa lục, trước những vấn đề khó khăn nội bộ mà Trung Quốc đang gặp phải ».

Thực ra thì căn nguyên nguồn cội cũng một phần do chính phía Nhật tạo ra.
 Tháng 7 năm 2013, trước thái độ dè dặt của một thành phần đông đảo dân chúng không muốn sửa đổi hiến pháp chủ hòa, phó thủ tướng Taro Aso đã « dò đường » như sau :
 « Hiến pháp của chế độ Cộng hòa Đức đã được « âm thầm » thay thế bằng hiến pháp của Đức Quốc Xã. Tại sao chúng ta không bắt chước chiến thuật của họ ? ».

Hành động tạ lỗi của các thế hệ lãnh đạo Đức sau chiến tranh cũng được báo chí Trung Quốc ca tụng và kêu gọi Thủ tướng Nhật bắt chước tấm gương của cố Thủ tướng Đức Willy Brandt, quỳ gối trước tượng đài tưởng niệm cuộc nổi dậy của người dân thủ đô Ba Lan năm 1943, bị Đức Quốc xã đàn áp trong biển máu.

Tuy nhiên, các nhà phân tích được AFP đặt câu hỏi như giám đốc Viện nghiên cứu đại học Temple ở Tokyo, giáo sư Robert Durajic, đều nhận định giới lãnh đạo Bắc Kinh « phẫn nộ có dàn dựng ».

 Vì Trung Quốc phải biết rõ vào năm 1995, thủ tướng Tomiichi Murayama đã « xin lỗi một cách rõ ràng » về quá khứ quân phiệt của nước Nhật.

Mặc khác không thể so sánh quá khứ quân phiệt Nhật với Đức Quốc Xã.

Chuyên gia Torsten Weber, với tư cách là người Đức thẩm định : Ở Nhật không có Hitler, so sánh vụ thảm sát Nam Kinh với nạn diệt chủng người Do Thái là một việc làm tế nhị, không ổn, cũng không nên tôn vinh quá đáng khả năng sám hối của dân Đức vì cho đến bây giờ quá khứ phát -xít vẫn còn ám ảnh lương tâm dân tộc Đức.

Trung Quốc biết vậy nhưng vẫn gây sức ép để làm mất uy tín Nhật Bản ngày nay.



Switch mode views: