Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trump vào Nhà Trắng, châu Âu phải tự cường

france-politics 2

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker phát biểu tại Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, ngày 26/10/2016.REUTERS/Vincent Kessler

Sự kiện trong bốn năm tới Donald Trump lãnh đạo nước Mỹ làm châu Âu lên cơn sốt.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean- Claude Juncker dự báo sẽ có hai năm hoang phí cho đến khi tổng thống mới của Mỹ nắm vững các vấn đề quốc tế.

Liên Hiệp Châu Âu khẩn cấp phác họa đối sách tự cường. Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama cũng vội vã sang châu Âu để trấn an.
Liệu vị tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ sẽ bỏ mặc đồng minh, đi ngược lại lời thề ghi trong điều 5 của hiến chương NATO ?

Donald Trump, chủ nhân mới của Nhà Trắng, sẽ buộc các nước châu Âu phải xét lại chính sách ngoại giao và quốc phòng.

Theo Alexandra de Hoop Scheffer, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, thì không có gì chắc chắn là nước Mỹ của Donald Trump sẽ tôn trọng lời cam kết giải cứu một thành viên bị Nga tấn công ( Election de Donald Trump :quelles conséquences pour l’Europe ?).

NATO làm chúng ta tốn kém quá lớn. Ông Trump đã tuyên bố như thế và đòi các đồng minh phải đóng góp nhiều hơn trong lãnh vực quốc phòng nếu muốn được Mỹ bảo vệ.

Đây là chiến thuật lấy lòng cử tri Mỹ bằng lời lẽ thô thiển ?
Trên thực tế, quan điểm này không khác chi lập trường của tổng thống Obama, nhiều lần kêu gọi đồng minh « chia sẻ gánh nặng » với Mỹ.

Trong khi Bruxelles lo âu thì không ít tiếng nói từ giới chính trị, chuyên gia cho rằng đây là cơ hội tốt để tự lực tự cường từ quân sự, kinh tế đến ngoại giao :

Cụ thể, châu Âu phải nghiêm túc xây dựng chính sách quốc phòng chung bảo vệ biên giới phía đông. Những nước đông Âu cũ như Ba Lan và Litva ở baltic, từng do dự không tăng ngân sách quốc phòng, phải bỏ thái độ trông cậy vào hỏa lực của quân đội Mỹ.

Châu Âu cũng phải mạnh dạn tái cấu trúc công nghiệp, xây dựng một sức mạnh kinh tế độc lập theo mô hình tập đoàn Airbus (hàng không) và Ariane( không gian) làm lực đẩy tăng trưởng, phải tăng cường chính sách chống hàng nhập khẩu được trợ giá và phải dứt khoát tăng thuế hải quan đối với hàng cạnh tranh bất chính.

Trước một nước Mỹ « muốn mạnh hơn » và một Trung Quốc khai thác thái độ co cụm của Donald Trump để thống trị thị trường, châu Âu cũng phải « mạnh hơn ».
Có lẽ phải chờ sau lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/01/2017 mới có thể biết rõ chính sách ngoại giao của vị tổng thống Mỹ thứ 45 như thế nào.

Nhưng cách vận hành trong chính quyền Mỹ cũng như tác phong đã thay đổi của ông Donald Trump từ sau ngày gặp tổng thống Obama tại phòng bầu dục, cho phép một số suy đoán.

Nhà báo Phạm Trần từ Washington phân tích :

« Trong cuộc tranh cử, ông Trump đã nói những điều mà giới bình dân lao động muốn nghe. Khi ông nói các nước châu Âu nào không đóng góp thì ông không sẵn sàng bảo vệ khi bị nước khác tấn công.
Tuyên bố này vi phạm điều 5 trong hiệp ước NATO. Tại sao ông Trump lại nói vậy ?

Bởi vì người dân Mỹ từ trước đến nay cứ thấy nước Mỹ đi bảo vệ nước khác, đem tiền đi « nuôi » các nước khác, làm cảnh sát bảo vệ an ninh cho các nước khác trong khi các nước đó dồn tài nguyên nổ lực phát triển kinh tế rồi xuất cảng hàng hóa sang Mỹ.
 Điều này làm một số người bình dân lao động bất bình.

Nhưng ngôn ngữ tranh cử không hẳn sẽ trở thành chính sách.
Bất cứ việc gì tổng thống muốn làm đều phải được sự chấp thuận của quốc hội…. »

Switch mode views: