Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tội ác chống người Rohingya : Miến Điện bị 19 tổ chức Hồi giáo kiện tại Mỹ

Rohingya Birmanie

Người Rohingya tại Miến Điện
REUTERS/Rafiqur Rahman

Khoảng 20 tổ chức Hồi giáo đệ đơn lên tư pháp Hoa Kỳ để kiện Tổng thống Miến Điện Thein Sein và một số thành viên khác trong chính phủ, vì các tội ác chống lại người Rohingya.

Biến cố nói trên xảy ra chỉ một tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội Miến Điện, được coi là một trắc nghiệm đối với tiến trình chuyển đổi dân chủ.

Theo AFP, đơn kiện đã được gửi đến tư pháp Hoa Kỳ thứ Năm vào tuần trước, 01/10/2015. Các nguyên đơn yêu cầu thẩm phán Debra Freeman triệu tập Tổng thống Miến Điện, cùng với Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin, và một số giới chức khác, thể theo luật « Alien Tort Statute ».
Luật này cho phép các công dân nước ngoài được khiếu nại để đòi hỏi các đền bù cho các vi phạm nhân quyền bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Đơn kiện của các tổ chức Hồi giáo nhắm vào Tổng thống Miến Điện không được chính quyền nước này cho là quan trọng.

Sau đây là phản ứng của người phát ngôn của chính quyền Miến Điện hôm qua : « Miến Điện không phải là chư hầu của Mỹ. Tôi không hiểu bằng cách nào Miến Điện lại có thể bị đưa ra một tòa án liên bang của Hoa Kỳ ».

Đơn kiện của các tổ chức Hồi giáo cáo buộc người Rohingya là « các đối tượng chính của các hành động tội ác, có thể sánh với một ‘‘cuộc diệt chủng’’, do hận thù và kỳ thị từ phía các sư tăng Phật giáo dân tộc chủ nghĩa cực đoan và chính phủ Thein Sein ».

Theo đơn kiện, các hành động tội ác được nói đến, có nguồn gốc từ năm 1962, khi chính phủ Phật giáo lên cầm quyền tại Miến Điện với một ý thức hệ độc tôn, loại trừ các nhóm thiểu số.
Người Rohingya đã không được phép có quốc tịch và « bị truy bức tàn khốc vì lý do sắc tộc và đức tin tôn giáo ».

Khoảng 1,3 triệu người Rohingya, theo đạo Hồi, sống tại Miến Điện bị coi như người nhập cư trái phép từ nước láng giềng Bangladesh.

Các nhà quan sát ghi nhận, rất nhiều người trong cộng đồng này bị phân biệt đối xử nặng nề, bị cưỡng bức lao động, bị trưng thu đất đai, hạn chế đi lại, cùng nhiều hình thức cưỡng đoạt khác.

Hàng chục nghìn người Rohingya phải sống trong các trại tị nạn tại Bangladesh. Khoảng 25.000 người Rohingya và Bangladesh liều mình vượt biển tới các nước Đông Nam Á, như Thái Lan, Malaysia và Indonesia, trong quý một năm nay (theo Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc) : Khủng hoảng tị nạn được coi là nghiêm trọng nhất tại Đông Nam Á từ nhiều thập niên nay.


Switch mode views: