Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Pháp không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria

FRANCE-STRIKES

Máy bay Rafale của Pháp sử dụng trong chiến dịch oanh kích ở Trung Đông.
REUTERS

Gần ba tuần sau tuyên bố mở không kích nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, sáng nay 27/09/2015, Phủ Tổng thống Pháp chính thức thông báo các cuộc tấn công đầu tiên đã được tiến hành.
Thông báo nói trên ưu tiên cho một giải pháp chính trị cho Syria.

Trong thông điệp nói trên, điện Elysee khẳng định Pháp đã tấn công vào các vị trí của IS dựa trên các tin tức tình báo thu thập được từ hơn hai tuần nay qua máy bay do thám.

Paris nhấn mạnh các cuộc không tập được thực hiện « độc lập », nhưng có « phối hợp với các đối tác tại khu vực ».
Thông báo không nêu ra bất cứ thông tin nào về mục tiêu, cũng như khu vực cụ thể.

Ngày 07/09, Tổng thống Pháp François Hollande giải thích quyết định không kích IS tại Syria là để « tự vệ » trước nguy cơ bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo tấn công, đồng thời để « bảo vệ dân cư Syria ».

Tin Pháp chính thức không kích IS được đưa ra đúng vào lúc, tại New York, bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, diễn ra nhiều thương lượng để tìm giải pháp cho khủng hoảng Syria với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các quốc gia.

Hôm qua, trong một cuộc họp báo tại New York, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius khẳng định điều cơ bản hiện nay là khởi sự đàm phán về « một tiến trình chuyển tiếp chính trị » tại Syria.

Nhấn mạnh « tình trạng hỗn loạn tại Syria hiện nay phải có được một câu trả lời toàn thể » và « dân cư phải được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực » của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, cũng như do « các vụ ném bom gây chết người hàng loạt của Bachar al-Assad », thông báo của Phủ Tổng thống Pháp hôm nay nói rõ : chính phủ quá độ của Syria cần bao gồm « một số thành phần của chế độ Damas và đối lập ôn hòa ».

Tái khởi động đàm phán cho một giải pháp chính trị cho Syria sẽ là nội dung của nhiều tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Pháp và các đồng nhiệm Hoa Kỳ, Nga, Iran, Ả Rập Xê Út, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Thổ Nhĩ Kỳ và Irak.

Trong những ngày gần đây, giới quan sát ghi nhận có một số thay đổi về chiến lược ngoại giao với Matxcơva, và kể cả với chính quyền Damas, trước mức độ can dự quân sự ngày càng gia tăng của Nga tại Syria.
 

Switch mode views: