Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Lập pháp Mỹ thúc đẩy bán kỹ thuật điện hạt nhân cho Việt Nam


WASHINGTON 19-6 (NV) - Dân biểu, nghị sĩ liên bang Hoa Kỳ đưa nghị quyết thúc đẩy việc bán và chuyển giao kỹ thuật năng lượng điện hạt nhân cho Việt Nam vì không muốn mất phần.

VN-DienHatNhan

Một chuyên viên năng lượng hạt nhân của hãng Westinghouse (Mỹ) giải thích cho một nhóm sinh viên về mô hình nhà máy điện hạt nhân của công ty trong cuộc triển lãm ở Hà Nội ngày 26/10/2012. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)

Việt Nam là một nước đang phát triển cần điện phục phụ nhu cầu dân sinh và hoạt động sản xuất kinh tế rất lớn.
 Ước lượng nhu cầu tiêu thụ điện năng gia tăng từ 10% đến 15% hàng năm nên muốn đa dạng hóa các nguồn cung ứng.

Hồi tháng trước, tổng thống Mỹ đã ký ban hành thỏa hiệp hợp tác năng lượng hạt nhân với Việt Nam gọi là “Thỏa hiệp 123”, hiện còn chờ quốc hội cứu xét.

 Theo luật, Quốc Hội Hoa Kỳ có 90 ngày để xem xét và nếu không có ý kiến gì thì thỏa thuận đương nhiên có hiệu lực, công ty Hoa Kỳ có thể tiến hành thương thuyết bán kỹ thuật cho Việt Nam.

Mục 123 của Đạo Luật Năng Lượng Hạt Nhân Hoa Kỳ năm 1954 (U.S. Atomic Energy Act of 1954) dưới tiêu đề “Hợp tác với các nước khác” đề ra những quy định để Hoa Kỳ hợp tác với các nước khác về năng lương hạt nhân.
Bởi vậy, thỏa hiệp hợp tác năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ với các nước khác thường được gọi la “Thỏa hiệp 123”.

Tuần trước, hai dân biểu Adam Kinzinger (Cộng Hòa-Illinois) và Eliot Engel (Dân Chủ-New York) đệ trình nghị quyết ở Hạ Viện kêu gọi chấp thuận Thỏa hiệp 123 với Việt Nam.

“Hoa Kỳ hãnh diện có lịch sử xuất cảng kỹ thuật năng lượng hạt nhân an toàn đến các đối tác tin cậy trên thế giới,” Dân Biểu Kinzinger nói trong bản tuyên bố ngày 9/6/2014 vừa qua.
 “Nghị quyết này bảo đảm Quốc Hội vẫn tham gia vào các thỏa hiệp thương mại hạt nhân và cổ võ cải thiện ngoại giao giữa các chính phủ.”

Cùng một ngày, Thượng Nghị Sĩ Harry Reid (Dân Chủ-Nevada) giới thiệu ở Thượng Viện một nghị quyết tương tự.
 Trong Tháng 5-2014, Thượng Nghị Sĩ Robert Menendez (Dân Chủ-New Jersey), chủ tịch Ủy Ban Ngoại Giao, đưa nghị quyết kêu gọi chấp thuận Thỏa hiệp 123 với Việt Nam nhưng giới hạn thời gian trong vòng 30 năm.

Mùa hè này, công ty Westinghouse mở một văn phòng đại diện ở Hà Nội đón đầu một cơ hội mà họ tin rằng Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ không cản trở gì Thỏa hiệp 123 với Việt Nam.
 Ông David Durham, phó chủ tịch kiêm giám đốc thương mại của công ty năng lượng nguyên tử GE Hitachi, mới trở lại Mỹ sau chuyến thăm Việt Nam mới đây.
 Theo ông nhận xét Việt Nam đang hiện đại hóa nhanh chóng nên nhu cầu điện năng rất lớn.
“Họ bị biến đổi khí hậu đe dọa, họ hiểu là họ cần điện năng không đến từ than đá. Họ cần rất nhiều điện,” ông Durham nói.

Nếu một công ty Mỹ bán được kỹ thuật diện hạt nhân cho Việt Nam, điều này đồng nghĩa với số tiền đầu tư lên từ $10 tỉ đến $20 tỉ, tạo ra hàng chục ngàn việc làm ở Hoa Kỳ.
Dù vậy, Hoa Kỳ cũng xếp hàng đàng sau cả Nga và Nhật trong khả năng cung cấp nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam.

 Nga đã ký thỏa ước và cung cấp tín dụng xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Việt Nam đặt tại tỉnh Ninh Thuận, dự trù khởi công năm nay và hoàn thành xây dựng vào năm 2020.
Tuy nhiên, tin tức từ đầu năm cho thấy rất có thể Việt Nam sẽ trì hoãn xây dựng điện hạt nhân cho tới năm 2020 vì vấn đề an toàn.

Giữa Tháng Giêng, ông Yukiya Amano, tổng giám đốc Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (IAEA) đến Việt Nam khuyến cáo rằng, cơ quan cam kết giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng phải đảm bảo chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng trước khi tiến hành.

Nhiều chuyên gia điện hạt nhân người Việt Nam hoạt động trong ngành này tại Hoa Kỳ và Pháp từng khuyến cáo nhiều lần là đầu tư vào các dự án năng lượng phi hạt nhân vừa rẻ hơn nhiều lần lại không phải đối diện với những nguy hiểm của lò điện nguyên tử.

Thiên tai hay nhân tai nếu xảy đến cho lò điện nguyên tử đều là thảm họa vô cùng lớn lao mà thảm họa của nhà máy điện hạt nhân Fukushima tại Nhật hồi Tháng Ba, 2011 là bằng chứng nhãn tiền.

Giáo Sư Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên cố vấn chiến lược Tập Đoàn Điện Quốc Gia Pháp (EDF) từng cảnh cáo rằng Việt Nam sẽ phung phí hàng chục tỉ hay hàng trăm tỉ đô la mà không đem lại lợi ích cho đất nước trong khi để lại cho các thế hệ con cháu nguồn chất thải phóng xạ mà theo ông "ngàn đời vẫn còn nguy hiểm".

Việt Nam hiện có kế hoạch xây dựng đến 14 lò phản ứng hạch nhân từ nay đến năm 2030, phần lớn xây dựng ở các tỉnh miền Trung dọc theo biển từ Ninh Thuận đến Hà Tĩnh. Tiền bạc không có nên hầu hết là phải vay nợ nước ngoài. (TN)

Switch mode views: