Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-12-2013

 Bình Nhưỡng thanh trừng để bảo vệ chế độ gia đình trị

2012-Jang Song-Thaek



Ảnh chụp ông Jang Song-Thaek vào năm 2012 - REUTERS/China Daily
Anh Vũ

Chỉ 5 ngày sau khi bị thất sủng, ông Jang Song Thaek, một người được coi là « quan nhiếp chính » của chế độ và là chú dượng phò tá cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã bị đem ra hành quyết.

Vụ thanh trừng khốc liệt này khiến dư luận quốc tế không khỏi bất ngờ.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra điều gì đang diễn ra ở Bắc Triều Tiên, đất nước khép kín nhất thế giới này ? Vụ triệt hạ này nói nên điều gì ?

Hai tờ báo lớn của Pháp Le Figaro và Le Monde đều dành cả trang báo lớn để cố gắng lý giải cho những biến động chính trị ở Bình Nhưỡng.

Le Figaro chạy tựa « Kim Jong Un áp đặt luật máu », trong khi đó tựa của Le Monde : « Bắc Triều Tiên, kẻ sát nhân họ Kim ».

Nhật báo Le Figaro nhận định vụ hành quyết Jang Song Thaek đang đẩy Bắc Triều Tiên chìm vào trong tù mù bất trắc.

Vụ thanh trừng tàn nhẫn này là kết quả của cuộc đấu đá khốc liệt nhằm duy trì chế độ gia đình trị của họ Kim.

Le Figaro giải thích kết cục bi thảm của đại quan Jang Song Thaek, mới cách đây ít ngày còn là nhân vật số 2 của chế độ, cận thần của Kim Jong Un, là điều không thể tránh khỏi trong chế độ độc tài theo kiểu Stalin.

Cho dù những chuyện thanh trừng nội bộ trong chế độ độc tài Bắc Triều Tiên không phải là hiếm, nhưng vụ triệt hạ lạnh lùng và tàn khốc lần này ở thượng tầng Nhà nước còn được báo chí chính thức của Bình Nhưỡng loan tải rộng rãi bằng những hình ảnh ấn tượng và những lời thóa mạ nặng nề dành cho đại thần ngã ngựa.

Đây là vụ thanh trừng khốc liệt nhất từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền thay cha cách đây gần tròn 2 năm.

Nhưng, theo Le Figaro, thực ra Kim Jong Un vẫn đi theo đúng con đường của cha mình, Kim Long Il. Đó là gieo kinh hoàng để loại trừ mọi mầm mống phản kháng và mục tiêu cuối cùng là tập trung quyền lực tuyệt đối vào triều đại của gia đình đã được người ông nội Kim Nhật Thành dựng lên từ hơn nửa thế kỷ qua.

Năm 1997, tức là mới 3 năm sau khi lên « ngôi », Kim Jong Il đã phát động một cuộc thanh trừng có quy mô lớn chưa tùng có trong lịch sử của chế độ, loại bỏ 25 nghìn cán bộ của đảng.

Le Figaro nhận định vụ hành quyết Jang cho thấy bản năng đoàn kết của một bè cánh gia đình cầm quyền đang bị đe dọa để sẵn sàng bảo vệ đến cùng quyền tối thượng của mình.

Chuyên gia Andrei Lankov thuộc đại học Kookmin Hàn Quốc giải thích ngắn gọn và hình ảnh rằng : « Mục đích của lãnh đạo Bắc Triều là muốn được chết trên giường của mình. Đề làm được điều đó, ông ta không được lơ là một chút nhỏ quyền lực nào ».

Tác giả bài viết cũng đưa ra một cách giải thích khác đó là vụ thanh toán Jang lại làm xuất hiện một nhân vật chủ chốt khác, cho đến lúc này vẫn được đánh giá là thứ yếu ?

Đó chính là bà Kim Kyong Hui, vợ của nhân vật vừa bị hành quyết và là cô ruột của Kim Jong Un. Trước đây,bà vẫn xuất hiện trong những buổi lễ chính thức của chế độ này với vẻ bề ngoài khiêm nhường.

Nhưng chính người con gái của Kim Nhật Thành, nay đã 67 tuổi, lại là nhân vật trung tâm của thảm kịch vừa rồi.

Ông Lee Yun keol, một người từng làm việc trong cơ quan an ninh của Bình Nhưỡng nay đào thoát sang Seoul thì « Kim Kyong-hui mới thực sự là nhân vật số 2 của chế độ. Chính bà là người giữ vai trò chủ chốt trong vụ thanh trừng này ».

Giả thuyết vụ triệt hạ Jang có yếu tố trả thù vợ chồng cũng lôi cuốn báo chí Hàn Quốc vì trong cáo buộc của chính quyền thì Chang là một kẻ « nghiện ngập và có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ ».

Những phán đoán theo hướng này có vẻ khớp với những tin đồn về vụ hành quyết hàng chục cô ca sĩ trong đoàn ca nhạc quốc gia hồi mùa hè vừa qua.

Trong khi đó cũng có tin bà cô của Kim Jong Un đang bị bệnh thận nặng phải điều trị tại Singapore và cuộc sống đang tính từng ngày.

Nếu bà ra đi thì Kim Jong Un sẽ một mình đối mặt với ông chú rể. Khi đó thì rất việc duy trì quyền lực gia đình họ Kim có nguy cơ rơi vào tay họ Jang.

Theo Le Figaro, với nỗi ám ảnh bị mất quyền cai trị, Kim đã ra tay hành động từ giữa tháng 11 vừa qua. Nhiệm vụ cực kỳ quan trọng này được giao cho một thành viên khác của gia đình đó là người anh cả Jon chol, mới xuất hiện trong dịp này.

Người con cả không được Kim Jong Il không cho kế vị vì bị đánh giá là « yếu đuối » đó nay bỗng chốc trở thành người cầm súng phụng sự lý tưởng gia đình.

Theo một số sĩ quan đào thoát sáng Trung Quốc hồi đầu tháng 12, chính Kim Jong chol đã đích thân tham gia vụ bắt giữ và hành quyết hai cố vấn người thân cận nhất của Jang Song Thaek. Chi tiết này càng chứng tỏ mức độ căng thẳng trong cuộc thâu tóm quyền lực về cho triều đại nhà Kim.

Với Le Monde, vụ thanh trừng khốc liệt này đã bộ lộ một góc khuất khác trong con người Kim Jong Un : Từ một kẻ « nghịch ngợm » hiếu động không được nước ngoài đánh giá cao cho lắm bởi thiếu kinh nghiệm, giờ đây Kim Jong un đã tỏ cho thấy mình là một nhà lãnh đạo mang khí phách của tổ tiên, sẵn sàng loại trừ không thương tiếc bất kỳ ai bị coi là thiếu trung thành » với triều đại nhà Kim.

Cả thế giới lúc này đang chờ đợi xem đến dịp kỷ niệm 2 năm ngày mất của cha, sẽ có những bóng hình nào quây xung quanh Kim Jong un trên cái sân khấu chính trị mù mịt của Bình Nhưỡng.

Sự nghiệp chưa hoàn tất của Nelson Mandela

Tại Pretoria hôm nay, diễn ra buổi lễ tiễn đưa thi hài của Nelson Mandela về yên nghỉ trên vùng đất của tổ tiên, làng Qunu. Tại đây ngày mai sẽ diễn ra lễ an táng lãnh tụ của người Nam Phi.

Nhân dịp này, Le Figaro đem đến cho độc giả một bài phóng sự thực hiện tại thị trấn Alexandra gần Johannesboug để cho thấy « sự nghiệp chưa hoàn tất của Nelson Mandela ».

Tác giả bài phóng sự cho thấy cựu tổng thống Nam Phi ra đi và để lại một đất nước đã biến đổi sâu sắc nhưng vẫn còn không ít bất bình đẳng.

Theo tờ báo, sau 20 năm kể từ cuộc bầu cử đưa Nelson Mandela lên làm tổng thống da đen đầu tiên, vẫn còn hơn 50% của 50 triệu dân Nam Phi sống trong nghèo khổ. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn chiếm gần 25%.

Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, nếu đánh giá đây là thất bại của Mandela thì sẽ là không công bằng vì Mandela chỉ đưa ra hướng đi, đó là một đất nước đoàn kết trong hòa bình. Như thế đã là một thành công lớn. Hiện thực hóa con đường đó là của những người đi sau.

Thế nhưng tại Alexandra, tác giả ghi nhận ý kiến một người dân khi nói về di sản để lại của Mandela như thế này : « Chính quyền chẳng làm gì cho chúng tôi. Họ ở trên cao và chỉ nghĩ về bản thân và làm giàu cho mình. Mỗi cuộc bầu cử, họ đều hứa hẹn nhưng không giữ được một nửa lời hứa ».

Quả thực là hình ảnh của ANC, đảng của Nelson Mandela đã xấu đi nhiều. Cuộc đình công đẫm máu của thợ mỏ Marikana hồi tháng 8 năm 2012 với 34 người chết, rồi những bê bối trong chính phủ, cáo giác tham nhũng đối với Tổng thống Jacob Zuma là bằng chứng cho thấy ý nguyện của Mandela vẫn còn dang dở.

Bài báo dẫn nhận định của ông Kofi Kouakou, giáo sư đại học Wits tại Johannesbourg : « Nam Phi bị đối mặt với một cuộc đấu tranh các giai cấp đang gây ra những căng thẳng lớn.

Vấn đề ở chỗ là những bất bình đẳng trong kinh tế càng thúc đẩy thêm bất bình đẳng trong chủng tộc.

Người da trắng trước đây từng có tất cả từ giáo dục đến vốn liếng. Họ tận dụng cơ hội kết thúc chế độ apartheid và giờ đây họ còn giàu hơn trước ».

Quả thực đúng như nhận định trên, hiện tại nếu như 80% người da đen sống nghèo khổ, thì tỷ lệ này trong người da trắng chỉ là 12%. Hầu hết những người nghèo khổ nhất đều là người da đen.

Tuy nhiên ông Peter Cronje, lãnh đạo Viện nghiên cứu Nam Phi về Qua hệ chủng tộc (SAIRR) tỏ ra không mấy bi quan : « Chúng tôi vẫn còn ở rất xa so với mong muốn của Mandela. Nhưng cũng không đến nỗi tồi tệ lắm. Ở Nam Phi đã có một tầng lớp trung lưu người da đen, mọi việc đang được cải thiện ».

Kết thúc bài phóng sự, tác giả dẫn lại phát biểu của một doanh nhân Nam Phi người da trắng giàu có nói rằng : « Chúng tôi vẫn đang trong thời kỳ chuyển tiếp sẽ còn rất dài. Muốn biết tương lai phải biết quá khứ xuất phát điểm của chúng ta.

Khi tôi còn nhỏ, những người da đen duy nhất mà tôi nói chuyện đó là những người làm trong gia đình. Ở trong nhà tôi luôn có hai bộ đồ ăn. Một dành cho người da trắng, một dành cho người đen. Chính vì điều đó mà Mandela đã đấu tranh ».

Miến Điện : Cải cách kinh tế bắt đầu mang lại thành quả

Trang kinh tế báo Le Figaro quan tâm đến tình hình kinh tế Miến Điện và nhận thấy việc thúc đẩy các cải các kinh tế đang mở đường cho các nhà đầu tư đến với đất nước này. Theo tờ báo, bằng chứng cho việc Miến Điện mở cửa đó là Coca-Cola đã cắm chân ở đất nước này.

Tập đoàn nước giải khát nổi tiếng của Mỹ đã chính thức khai trương nhà máy đóng chai tại ngoại ô Rangun hồi tháng 6 vừa qua.

Theo các nhà phân tích thì một khi Coca-Cola nhày vào đất nước nào thì đó là dấu hiệu cho thấy chất lượng cuộc sống và chính trị đang được cải thiện. Dấu hiệu này đã được khẳng định việc ngày càng xuất hiện nhiều nhà đầu tư lớn của phương Tây ở đất nước này.

Điểm lại những biến chuyển ở Miến Điện, Le Figaro nhận thấy : Miến Điện là một đất nước giàu tài nguyên thiên nhiên đã từng là một nước khá phồn thịnh trong thập niên 1950. Nhưng từ khi lên nắm quyền năm 1962, tập đoàn quân sự đã biến Miến Điện này thành một trong những quốc gia nghèo nhất hành tinh.

Tình hình đã thay đổi từ 2 năm nay khi chế độ độc tài quân sự tự giải thể năm 2011, chuyển giao quyền hành cho một chính phủ dân sự. Nhiều đợt cải cách kinh tế đã diễn ra trong năm 2012, trong đó có cả những cải cách nhằm chống tham nhũng và thay đổi định chế.

Các quy định đã tạo điều kiện nhiều để đón chào các nhà đầu tư đến với Miến Điện.

Theo Le Figaro, các cuộc cải cách ở đất nước này đã bắt đầu mang lại thành qủa. Đầu tiên đó là mức tăng trưởng đã đạt 6%.

Trong vòng một năm, các đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, khai khoáng, du lịch và bất động sản đã tăng gấp 5 lần.

Theo dự báo của văn phòng McKinsey cứ với đà phát triển như hiện nay, thu nhập quốc nội (GDP) của đất nước này đến năm 2030 sẽ tăng gấp 4 lần hiện nay.

Giờ đây chỉ còn lại thách thức cho chính phủ Miến Điện là vấn đề nhân quyền và xung đột sắc tộc, tôn giáo.

Pháp : Lo ngại sa lầy ở Trung Phi

Nếu như sự can thiệp quân sự này đã được Liên Hiệp Quốc ủng hộ thì hành động đơn độc của quân đội Pháp khiến dư luận Pháp ngày càng tỏ ra nghi ngại nguy cơ Pháp sa lầy ở Trung Phi. Tờ Le Parisien đưa con số theo một cuộc thăm dò dự luận mới nhất thì 72% dân Pháp tỏ hoài nghi việc quân Pháp có thể kết thúc nhanh chóng chiến dịch giải giáp vũ khí mang tên gọi Sangaris được tiến hành từ hơn một tuần qua.

Tờ báo đặt câu hỏi liệu với 1600 binh sĩ Pháp có bảo đảm cho đất nước này tránh được một cuộc nội chiến khi mà những hình ảnh đầu tiên của chiến dịch đã cho thấy những cộng đồng xâu xé lẫn nhau, làn sóng ồ ạt tỵ nạn trong một đất nước như đang bị bỏ rơi.

Các tờ báo khác ra sáng nay khi đề cập đến tình hình Trung Phi đều nhấn mạnh đến những rủi ro của chiến dịch quân sự của Pháp. Libération nhận định Trung Phi là « bãi mìn cho quân Pháp » và « can thiệp trong đô thị đông dân là một nhiệm vụ rất tế nhị của cảnh sát ». Tờ báo đặt vấn đề là « làm sao tranh bị sa lầy ».

Lúc này nước Pháp vẫn tiếp tục tìm kiếm sự hỗ trợ vủa các đồng minh trong Liên hiệp châu Âu. Nhật báo Le Figaro chạy tựa bài báo như một lời kêu gọi: « Hỗ trợ của châu Âu cho Sangaris ».

Le Figaro cho hay, được sự hỗ trợ của Đức, Pháp đang « đề nghị các đối tác châu Âu cung cấp tài chính cho chiến dịch Sangaris của mình ».

Tờ báo khẳng định, tuần tới trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Bruxelles, Tổng thống Pháp « Francois Hollande sẽ đề nghị thành lập một « quỹ thường trục » dành để chi phí cho các cuộc can thiệp quân sự như chiến dịch Pháp đang tiến hành ở Trung Phi từ 10 ngày qua ».



Switch mode views: