Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ngoại trưởng TQ thăm Việt Nam trong sách lược chiêu dụ ASEAN


wangyi-binhminh

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và người đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tại Nhà khách Chính phủ Hà Nội ngày 04/08/2013.
REUTERS/Hoang Dinh Nam/Pool


Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Việt Nam từ hôm 03/08/2013 trong một chuyến thăm chính thức sẽ kéo dài đến ngày 06/08.

Theo chương trình dự kiến, người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc có những cuộc tiếp xúc với tất cả các lãnh đạo Việt Nam cao cấp, từ đồng nhiệm Phạm Bình Minh, cho đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng bí thư đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng…

Theo giới phân tích,chuyến thăm Việt Nam lần này năm trong khuôn khổ sách lược đang tiến hành nhằm thuyết phục các nước ASEAN về điều được Bắc Kinh phô trương là thực tâm hòa bình của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngay trong buổi hội đàm với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh vào hôm qua ở Hà Nội, ông Vương Nghị đã có thái độ rất mềm mỏng.

Bản tin của Thông tấn xã Việt Nam đã nói đến « bầu không khí hữu nghị và thẳng thắn » của cuộc gặp, với việc hai bên « đánh giá cao những bước phát triển mới trong quan hệ hai nước »…

Riêng về hồ sơ Biển Đông thường xuyên khuấy động quan hệ song phương, phía Bắc Kinh cũng nhất trí với Hà Nội là cần phải « giải quyết mọi bất đồng thông qua đàm phán hòa bình, hữu nghị, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác hữu nghị Việt-Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông ».

Đó là khía cạnh đã được hai bên nhất trí. Nhưng bản tin của Thông tấn xã Việt Nam còn nói rõ thêm là Ngoại trưởng Việt Nam đã nhấn mạnh rằng : « Hai bên cần kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển trên cơ sở Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) ».

Lời nhấn mạnh của phía Việt Nam lần này được đưa ra trong bối cảnh bản thông cáo chung Trung Quốc –Việt Nam nhân chuyến công du Bắc Kinh của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang hồi tháng Sáu vừa qua đã không hề đề cập đến nhu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, cũng như không nhắc tới việc tiến tới một Bộ Quy tắc Ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý cho khu vực đang tranh chấp này.

Theo giới quan sát, với chuyến thăm Việt Nam lần này, Ngoại trưởng Trung Quốc hầu như đã hoàn tất vòng công du các nước Đông Nam Á mà Bắc Kinh cần thuyết phục về điều được Trung Quốc gọi là quan điểm hòa bình của họ tại Biển Đông.

Trước khi sang Việt Nam, ông Vương Nghị đã ghé thăm Malaysia, Thái Lan và Lào, duyệt qua các thành tựu trong quan hệ song phương với từng nước và mở đường cho sự hợp tác sâu hơn trong tương lai.

Trước đó, vào cuối tháng Sáu, ông đã đến Brunei tham gia các Hội nghị cấp Ngoại trưởng của Hiệp hội các nước Đông Nam Á, nơi ông nêu bật các mối lợi mà ASEAN thu hoạch được khi có quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh.

Thái Lan và Brunei cũng là hai nước được Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chú ý trong chuyến công du Đông Nam Á đầu tiên – diễn ra vào tháng Năm, cũng đã đưa ông qua Indonesia và Singapore.

Danh sách các nước Đông Nam Á chưa được Ngoại trưởng Trung Quốc ghé thăm gồm ba nước : Cam Bốt, Miến Điện và Philippines.

Theo giới quan sát, việc hai nước đầu bị “lơ là” có thể được gải thích bằng việc hai quốc gia này bị phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc trên phương diện trợ giúp kinh tế, và cho đến nay chưa hề phản bác các lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.

Còn việc Ngoại trưởng Trung Quốc tẩy chay Philippines, có lẽ bắt nguồn từ dụng ý của Bắc Kinh, muốn cô lập một đối thủ ngày càng công khai biểu thị thái độ dựa vào Mỹ và Nhật, và nhất là đã dám kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc.

Nhìn dưới góc độ này, vòng thuyết du của Ngoại trưởng Vương Nghị có thể được xem là nằm trong chiến lược « chia để trị » xuyên suốt của Bắc Kinh từ trước đến nay nhắm vào ASEAN.


Switch mode views: