Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-09-2018

Triều Tiên : Moon Jae In leo lưng cọp

moon kim iii
Bức hí họa về thượng đỉnh Liên Triều lần 3 trên tuần báo Courrier International.
Ảnh chụp màn hình.

Thế giới vừa trải qua 7 ngày biến động mà mỗi cá nhân phải chiến đấu để sống còn :
Bão tố càn quét châu Á và một phần bờ biển phía đông của Mỹ;

 Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In mạo hiểm sang Bắc Triều Tiên để vực dậy tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa đầy rủi ro;

Paris và bài toán chống khủng bố và khủng hoảng kinh tế sắp tới xuất phát từ những món nợ của giới doanh nghiệp.
Đó là một số đề tài quốc tế trên các tuần báo Pháp.

Seoul ngây thơ và liều lĩnh là hành trang của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đi thăm Bình Nhưỡng từ ngày 18 đến 20 tháng 09/2018 với mục đích thúc đẩy chế độ Bắc Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Một nhiệm vụ bất khả, theo nhận định của nhà báo Anh Gideon Rachman được Courrier International tuyển chọn.

Moon Jea In và nước cờ táo bạo

Bức hí họa Kim Jong Un tươi cười bắt tay tổng thống Hàn Quốc, miệng nói « anh muốn hòa bình thì hãy chế tạo bom hạt nhân », tác giả bài phân tích « Seoul đứng giữa liều lĩnh và ngây thơ » nghĩ rằng cả tổng thống Moon Jae In và tổng thống Donald Trump đánh cược một cách táo bạo : trong nước, Kim Jong Un có thể là một kẻ dám giết cả dòng họ, thân tộc nhưng biết đâu anh chàng trẻ tuổi này lại là một nhà cải cách kín đáo với mục tiêu là giải trừ vũ khí và xây dựng hoà bình.

Chiến lược của Seoul là dám đánh cược vào sự khác biệt giữa nhân vật 34 tuổi này với cha và người ông quá cố.
Các cố vấn của tổng thống Moon Jae In cho rằng Kim Jong Un là một người biết rõ thế giới hiện nay, không muốn cô lập trong một pháo đài khép kín.
Kim đang chiến đấu đơn độc chống lại những người thân cận để phi hạt nhân hóa, cái giá phải trả để thoát khỏi cô lập.

Tại Washington, cũng như ở Seoul, những người bi quan lo rằng Moon Jae In có thể là một kẻ ngây thơ, và do vậy, rơi vào bẫy sập cổ điển của chế độ miền Bắc : giả vờ hòa giải để được viện trợ kinh tế.
 Theo các chuyên gia hoài nghi, rất khó mà tưởng tượng Kim Jong Un bỏ hạt nhân, bảo kê sinh mạng duy nhất của chế độ.
Bằng chứng cụ thể là từ sau thượng đỉnh Trump-Kim hồi tháng Sáu tại Singapore « rất ít tiến bộ » trong hồ sơ hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nhưng đối với Seoul, những nỗi thất vọng hiện nay không phải là bằng chứng giải pháp đàm phán thất bại.
Lẽ ra, phải tiếp cận vấn đề một cách khác : Mỹ đừng ép Bắc Triều Tiên dẹp hạt nhân trước khi được bỏ cấm vận.
Bình Nhưỡng cần phải được tưởng thưởng, khuyến khích, trong suốt tiến trình đầy bất trắc.
Dĩ nhiên, các cố vấn bảo thủ nhất của Nhà Trắng như John Bolton sẽ không chấp nhận.

Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng vào tính khí thay đổi đột ngột của tổng thống Trump sẽ tạo thuận lợi cho Seoul, tức là bất chấp những sự kiểm soát chi li của các cố vấn, ông Trump sẽ chấp nhận rủi ro, quyết định hòa bình với Kim.

Ngay giới bảo thủ ôn hòa tại Hàn Quốc cũng lo ngại một ông tổng thống « ngây thơ » cùng với một ông tổng thống bốc đồng có thể đưa Mỹ-Hàn vào thế nhượng bộ quá lố Bắc Triều Tiên và để Bình Nhưỡng tiếp tục trang bị vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, theo nhà bình luận Anh Gideon Rachman, tổng thống Moon muốn hành động trước đã.

 Cách nay không lâu, bán đảo Triều Tiên tưởng đâu sắp rơi vào chiến tranh vì lời lẽ đao to búa lớn.
Do vậy, không nên lấy làm ngạc nhiên khi thấy Moon Jae In đánh cược tương lai một cách ngây thơ. Thà như thế còn hơn là chiến tranh nguyên tử.

Rohingya : Chiếc bẫy trại tị nạn

The Straits Times của Singapore nhấn mạnh đến nguy cơ rình rập 900 000 người Rohingya, sắc tộc theo đạo Hồi, đến từ Miến Điện sang Bangladesh tạm trú cách nay hơn một năm.
Được Liên Hiệp Quốc, các hiệp hội thiện nguyện bảo trợ và lòng nhân đạo của người dân cùng đạo cưu mang, tuy nhiên, tờ báo mạng của Singapore báo động : với thời gian, lòng nhân từ đã có dấu hiệu suy giảm.

Thứ nhất, người dân Bangladesh than phiền dân Rohingya được ưu đãi hơn dân địa phương : chính phủ được quốc tế khen ngợi nhưng người dân không nhận được gì.

Thứ hai là muốn cho cũng không còn gì để cho. Một đại biểu chính quyền địa phương nhận định như vậy và nói thêm : không phải lỗi của người Rohingya mà cũng không phải lỗi của chúng tôi. Nhưng không ai nghĩ đến người Bangladesh cả.
« Trong gọng kềm » là một loạt phóng sự của The Straits Times kể lại cuộc sống hàng ngày của người Rohingya tạm trú trong các trại tị nạn nằm dọc theo vùng Cox’s Bazar, Bangladesh.

Gần 920.000 người chạy trốn thần chết ở Miến Điện nay đối mặt với bản án chung thân, sống mãn đời trong những căn chòi chật hẹp như một phòng giam, chịu đựng đói khát, ngồi nhìn ngày tháng trôi qua.
Trong trại Katupalong, 70 000 người chia nhau một cây số vuông.

Bão tài chính ?

Cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới, đã có nhiều dấu hiệu báo động, sẽ xuất phát từ các công ty huy động vốn trên thị trường.
Báo Die Zeit ở Hamburg đưa tin báo bão.

Bối cảnh hiện nay : 10 năm sau vụ ngân hàng đầu tư địa ốc Lehman Brothers khánh tận, nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng mới đã lên đến tột độ.
Những tập đoàn như xe động cơ điện Tesla, công ty bán phim ảnh Netflix, công ty nông phẩm Campell Soup của Mỹ, tập đoàn HNA của đảo Hải Nam Trung Quốc - con bạch tuộc nắm hết từ hàng không, địa ốc, du lịch, tài chính, hậu cần, đại công ty hàng hải Hapag-Lloyd của Đức có mẫu số chung như thế nào ?

Tất cả điều thiếu nợ ngập đầu. Tesla, sản xuất xe thế hệ 3 mỗi phút tốn 8.000 đôla, đã vay đến 10 tỷ.
Trái phiếu của Tesla bị xem là « nợ xấu ».
Các công ty kể trên đều ở trong tình trạng này.
10 năm sau khủng hoảng tài chính, số tiền mà các công ty vay đã lên đến 66.000 tỷ đôla, tăng gấp đôi trong vòng 10 năm.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Ngân hàng Trung ương châu Âu, đã mua lại công trái phiếu của các công ty, làm lãi suất giảm xuống.
 Hệ quả là các doanh nghiệp không cưỡng lại được lòng tham, đi vay thật nhiều.

Tổng cộng, doanh nghiệp châu Âu tung ra 270 tỷ euro công trái « nợ xấu ».
Khi nhà đầu tư đổ vào công trái « rữa nát » có nghĩa là khủng hoảng không còn xa.

 Tháng 5 vừa qua, công ty chấm điểm tín nhiệm Moody’s đã cảnh cáo : Hiện tượng công ty nợ kỷ lục là tín hiệu khánh tận hàng loạt.
Hiện tượng này có thể biến thành quả bóng tuyết, càng lăn xa thì càng lớn.
Không những nó quét sạch thị trường tài chính mà còn làm tiêu tan thị trường lao động.

Quốc Phòng : Châu Âu chậm trễ ?

Châu Âu không phải chỉ có ưu tư kinh tế. An ninh quốc phòng đã trở thành mối lo hàng đầu trước các thế lực mới như Nga và Trung Quốc, trong bối cảnh Hoa Kỳ của Donald Trump muốn giảm bớt dấn thân.

 Paris muốn Liên Hiệp Châu Âu phát triển một chiến lược phòng thủ tự chủ.
 Đó là nội dung bài báo « Châu Âu phòng thủ : phải khẩn cấp lên, theo Paris », trên tuần báo L’Express.

Tin giả, chiến tranh không gian, diễn tập hải quân và trên bộ với quy mô lớn… gần một năm sau khi Pháp công bố sách trắng quốc phòng, tình hình quốc tế ngày càng bị đe dọa hơn.
Trong tình thế này, Pháp kỳ vọng vào một nỗ lực phòng thủ chung của toàn châu Âu.
Bộ Quân Lực lưu ý là quân sự đã trở thành trung tâm điểm xung khắc giữa các đại cường mà cuộc chạy đua vũ trang ngày càng tinh vi hơn.

Từ 2015 đến 2017, chi phí quân sự trên thế giới tăng 2,5%. Nhưng trong vùng châu Á-Ấn Độ Dương, ngân sách vũ trang đã tăng 50% trong 10 năm trở lại đây.
Trong cùng thời gian, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng đến 3 lần, mỗi năm hạ thủy một chiếc tàu ngầm. Khối Liên Xô cũ cũng trang bị nhanh không kém với mức tăng 30%. Trung Đông, với đầu tàu Ả Rập Xê Út, thêm 10%.

Tại sao Pháp lo ngại tương lai xấu nhất đang chờ ?

Nước Nga của Putin tiếp tục chính sách hù dọa. Cuộc tập trận Vostok chung với Trung Quốc ở Siberia huy động 300.000 quân, 36.000 xe tăng và 1000 máy bay.
Để chuẩn bị tấn công vào tỉnh Idleb ở miền đông Syria, Nga tổ chức cuộc tập trận vào ngày 8 tháng 9 huy động 25 chiến hạm và 34 phi cơ đủ loại trong vùng Địa Trung Hải.

Tại sao Pháp lo ngại ?
 Theo bộ trưởng Quốc Phòng, Florence Parly, đối với Nga dường như mọi phương tiện đều tốt miễn đạt được mục đích.
 Matxcơva không từ một thủ đoạn nào trên bộ cũng như trên không.

Trong năm 2017, một vệ tinh của Nga đã áp sát một vệ tinh truyền tin quân sự của Pháp-Ý có hệ thống bảo mật.
Nga tiến sát đến mức « dường như để nghe lén » mà dân chuyên môn gọi là « gián điệp ».
Tổng thống Pháp đã chuẩn bị một chiến lược phòng thủ không gian vào tháng 11 tới không những trên không mà còn bảo vệ mạng internet vì « chiến trường ngày càng mở rộng ».

Tuy nhiên có một câu hỏi mà bộ trưởng Quốc Phòng không đưa ra câu trả lời : Làm cách nào để đối phó với những mối đe dọa của Nga nếu nước Mỹ của Trump không can dự ?
Chuyện gì sẽ xảy đến nếu trong tương lai, châu Âu phải lo liệu một mình ?
Vấn nạn của Liên Hiệp Châu Âu là nước Đức không bao giờ tu chính bản Hiến Pháp hòa bình.

Cuồng phong tại Vatican

L’Express cũng đưa một cơn bão khác tới độc giả : Cuồng phong trong tòa thánh Vatican.
 Đức Giáo Hoàng phải ngăn chận các cuộc tấn công theo kiểu chiến thuật du kích của giới tu sĩ cực kỳ bảo thủ và phải giải quyết cho xong mạng lưới ấu dâm trong Giáo Hội.

Độc giả được giới thiệu chân dung và thủ đoạn của một số vị giám mục kẻ thì bị Đức Giáo Hoàng Phanxico ép phải bỏ áo Hồng Y, kẻ được biết là lãnh đạo phe cực bảo thủ chống lại chính sách cải cách của Toà Thánh.

Cuối cùng, tuần báo cánh tả L’Obs dành cho di dân nhập cư nhiều trang để kể lại « nước Pháp trong mắt những người không có nguồn gốc Gaulois » :
 những bàn tay của di dân kiến thiết nước Pháp sau các cuộc chiến tranh cũng như thành phần đội banh vô địch Cúp Thế Giới 2018 là những minh chứng hùng hồn nhất.

Switch mode views: