Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12- 09-2017
- Thứ Ba, 12 tháng Chín năm 2017 19:31
- Tác Giả: Minh Anh
Tập Cận Bình : Lên đỉnh cao quyền lực, nỗi lo vẫn còn đó
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và vợ, bà Bành Lệ Viên, tại thượng đỉnh BRICS, Hạ Môn, Trung Quốc, ngày 04/09/2017.
REUTERS/Tyrone Siu
Chỉ còn đúng sáu tuần nữa là đến ngày 18/10/2017, Trung Quốc khai mạc Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ XIX.
Sự kiện trọng đại này sẽ đánh dấu quyền lực của chủ tịch Tập Cận Bình càng được củng cố thêm.
Cánh cửa nhiệm kỳ hai cho chủ tịch Trung Quốc gần như chắc chắn, nhưng theo phân tích của Les Echos ngày 12/09/2017, lãnh đạo cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới sẽ phải đối đầu với nhiều thách thức kinh tế quan trọng.
Thâu tóm quyền lực
« Tập Cận Bình đăng quang trong hoài nghi » là tựa bài phân tích của nhật báo kinh tế Pháp.
Theo nguyên tắc, Đại Hội Đảng sẽ phải thay mới 5 trong số 7 thành viên ban lãnh đạo chóp bu – Thường Trực Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản- nhằm hỗ trợ cho chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ năm năm sắp tới.
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra : Ban lãnh đạo mới sẽ gồm những ai ? Đâu là những thế cân bằng giữa các nhóm lợi ích chính trị khác nhau ?
Liệu rằng nhân kỳ Đại Hội, ông Tập Cận Bình có đưa ra một gương mặt thay thế cho năm 2022 theo như thỏa thuận ngầm về giới hạn tuổi tác hay không ?
Hay là ông sẽ đoạn tuyệt với thông lệ này và làm theo cách của Putin, như nhiều tin đồn đang lan truyền ?
Từ mấy tháng qua, cỗ máy vận động trong hậu trường đã chạy hết công suất.
Để củng cố vị thế của mình, ngoài việc sắp đặt các đồng minh vào những vị trí chủ chốt từ cấp trung ương cho đến địa phương, Tập Cận Bình còn thâu tóm các đặc quyền, lấn lướt quyền hạn của thủ tướng như kiểm soát an ninh hay kinh tế, thẳng tay thanh trừng các đối thủ chính trị thông qua các chiến dịch chống tham nhũng lớn chưa từng có từ thời Mao Trạch Đông đến giờ.
Sự củng cố quyền lực còn thể hiện rõ qua hiện tượng sùng bái cá nhân, tăng cường kiểm soát Đảng và trấn áp xã hội dân sự nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền như giới luật gia.
Les Echos đặt câu hỏi : Phải chăng thái độ cứng rắn đó phản ảnh phần nào một hình thức cuống sợ trên thượng tầng lãnh đạo ?
Vì cố bám lấy quyền lực mà Tập Cận Bình đã đoạn tuyệt với nguyên tắc điều hành tập thể và « gây thù chuốc oán ».
Kinh tế : Quả bom nổ chậm
Song song đó, tình hình kinh tế phức tạp còn làm cho bối cảnh chính trị Trung Quốc thêm rối rắm.
Quả thật kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu hồi phục. Tăng trưởng ở mức 6,9% cao hơn dự kiến ban đầu là 6,5%.
Các nhà đầu tư cảm thấy được trấn an. Kinh tế Trung Quốc không giống như vào thời điểm xảy ra cơn bão chứng khoán 8/2015 hay như đầu năm 2016.
Bắc Kinh đã cố gắng khoanh vùng các rủi ro tài chính và duy trì mức độ hoạt động cần thiết để bảo đảm việc làm và bình ổn xã hội.
Nhưng Les Echos cho rằng mô hình quản lý này không bền và tăng trưởng kinh tế chỉ ổn định do vòi cấp tín dụng vẫn còn rộng mở.
Tổng nợ quốc gia bao gồm doanh nghiệp, hộ gia đình, chính phủ và địa phương tăng vọt gần gấp đôi, ở mức 260% tổng sản phẩm nội địa (năm 2008 là 140%).
Tháng 5/2017, lần đầu tiên kể từ năm 1989, cơ quan thẩm định tài chính Moody hạ điểm nợ quốc gia Trung Quốc.
Trong khi đó Bắc Kinh vật vã đối phó với nạn thất thoát vốn. Các doanh nghiệp lớn và người giầu ồ ạt đầu tư ra nước ngoài với mục đích chuyển tiền ra ngoài lãnh thổ bất chấp những biện pháp kiểm soát tài chính nghiêm ngặt kể từ năm 2016.
Từ những quan sát trên, Les Echos cho rằng một phương trình khó giải đang dành cho Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ sắp tới.
Làm thế nào vừa phải giảm nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước mà không kềm hãm quá thô bạo đà tăng trưởng, dẫn đến thất nghiệp ồ ạt và bất ổn xã hội ?
Trung Quốc sợ dân biểu tình vì bụi phóng xạ
Hồ sơ Bắc Triều Tiên vẫn là tâm điểm thời sự quốc tế trên các nhật báo Pháp hôm nay.
Les Echos cho hay « Bắc Kinh lo ngại tác động của vụ thử tên lửa lên chính trường nước này ».
Địa điểm thử tên lửa Punggye Ri nằm cách biên giới với Trung Quốc chưa đầy 100km.
Vụ thử tên lửa mới nhất có dư chấn mạnh tương đương với một trận động đất 6,3 độ Richter. Hơn 100 triệu dân Trung Quốc sống tại những tỉnh nằm dọc theo vùng biên giới đông bắc đất nước.
Ngay sau vụ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch, chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng khởi động hệ thống giám sát chất phóng xạ.
Thứ Tư 06/09, Bắc Kinh đã trấn an dân chúng là không tìm thấy một dấu hiệu nhiễm xạ bất thường nào trong không khí.
« Chắc đó có lẽ là một quả bom sạch », như lời bình chế giễu của một cư dân mạng.
Theo Les Echos, sở dĩ chính quyền Trung Quốc tỏ ra lo lắng về bụi phóng xạ rơi đó là vì Bắc Kinh e sợ một thảm kịch môi trường có thể biến thành một làn sóng phản đối xã hội, vào lúc Đại Hội Đảng lần thứ XIX đang đến gần.
Moon Jae In giữa hai gọng kềm Kim Jong Un và Donald Trump
Tại Hàn Quốc, Le Monde nhận thấy là « Chính sách mở rộng vòng tay của tổng thống Moon với Bình Nhưỡng đang bị cản trở ». Lãnh đạo Hàn Quốc giờ trong thế lưỡng nan.
Làm thế nào duy trì chính sách “dang tay” với Bình Nhưỡng, nhưng vẫn không tỏ ra nhún nhường ?
Một loạt vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên cùng với lời qua tiếng lại dữ dội giữa Washington và Bình Nhưỡng đang làm cho hướng hành động của Seoul ngày càng hẹp dần.
Vụ thử mới nhất buộc Seoul phải có phản ứng, cho xúc tiến chương trình lắp đặt lá chắn tên lửa THAAD, và phải liên kết với các đồng minh gây áp lực mạnh mẽ đối với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, chính quyền Seoul vẫn chưa muốn từ bỏ giải pháp cùng tồn tại hòa bình, do đó, tổng thống Moon không ngần ngại chỉ trích các tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump vốn dĩ cho rằng « lời lẽ hòa dịu không còn tác dụng » Một lời chỉ trích khiến Washington phật lòng.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Mỗi tác nhân một phần bánh
Trong khi Hoa Kỳ vật vã tìm hậu thuẫn của Trung Quốc và Nga để áp đặt lệnh trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên, La Croix trên trang nhất đặt câu hỏi lớn : « Ai sẽ chặn được Kim Jong Un ? ».
Câu trả lời có lẽ là không ai hết. Bởi vì theo tóm tắt của nhật báo Công giáo, cả 6 quốc gia can dự chính đều mong muốn tận dụng hồ sơ Bắc Triều Tiên để phục vụ cho những lợi ích riêng của mình.
Đầu tiên hết là Bắc Triều Tiên. Bán đảo Triều Tiên từ lâu được xem như là một bàn cờ tranh giành ảnh hưởng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung.
Vũ khí hạt nhân là một bảo đảm cho sự sống còn của chế độ họ Kim trước sự hiện diện của 30 000 binh sĩ Mỹ tại Hàn Quốc và nguy cơ thống nhất đất nước dưới sự kiểm soát của Seoul.
Bị phớt lờ và đánh giá thấp, các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng giờ đi đến một điều hiển nhiên : Bắc Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân, khả tín, có khả năng tự vệ trong trường hợp bị Hoa Kỳ tấn công.
Sự « bảo đảm sống còn » này giờ đang làm cả thế giới run rẩy.
Về phần Hàn Quốc, thống nhất hai miền chỉ là một chuyện hão huyền. Anh em một nhà nhưng chẳng khác nào hai kẻ xa lạ.
Cả hai phía thật ra chưa sẵn lòng hợp nhất, bởi vì miền Nam giầu có không có ý định chia sẻ tài sản với người anh em nghèo khổ.
Một sự tái hợp có thể làm tốn của Seoul đến 2 000 tỷ đô la. Duy trì hiện trạng lại rất thích hợp với Seoul. Ngoài việc đề nghị đàm phán, mọi cánh cửa khác hầu như vẫn khép chặt.
Với Hoa Kỳ, một mặt, cuộc khủng hoảng bán đảo Triều Tiên cho thấy rõ thất bại cay đắng của « chính sách kiên nhẫn » có từ thời Obama, tạo thuận lợi cho Bình Nhưỡng cải tiến công nghệ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Mặt khác, đó lại là cơ hội để Washington bán vũ khí cho các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc, đồng thời biện minh cho việc tăng cường sự hiện diện của lính Mỹ trong vùng Thái Bình Dương, trước đà gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại châu Á.
Trên thực tế, mối họa Bắc Triều Tiên chỉ là cái cớ để Hoa Kỳ « kềm giữ » mối nguy hiểm thật sự là Trung Quốc.
Thế còn Nhật Bản thì sao ?
Trước hết, mối nguy Bắc Triều Tiên cho phép chính quyền Shinzo Abe có thể lách điều khoản cấm Nhật Bản có một quân đội « tấn công » theo quy định trong hiệp ước quân sự giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ năm 1951.
Viện dẫn mối nguy Bắc Triều Tiên đe dọa an ninh quốc gia, thủ tướng Nhật Bản có thể mua hàng tỷ trang thiết bị quân sự của Hoa Kỳ.
Ông Shinzo Abe còn lợi dụng hồ sơ này để biện minh cho chương trình sửa đổi Hiến Pháp chủ hòa, muốn đất nước có một quân đội « bình thường ».
Liên quan đến Trung Quốc, La Croix nhắc lại là không nên trông đợi nhiều vào cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.
Bắc Kinh không bao giờ bỏ rơi Bình Nhưỡng trên phương diện kinh tế lẫn ngoại giao.
Bắc Triều Tiên dưới sự bảo hộ của Trung Quốc được xem như là một quốc gia đệm đối phó với sự hiện diện của lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Do đó, đối với Bắc Kinh, giải pháp cho hồ sơ Bắc Triều Tiên là qua bàn đàm phán, và mọi ý định dùng vũ lực là điều không thể chấp nhận.
Cuối cùng, nước Nga muốn gì trong cuộc khủng hoảng này ?
Theo La Croix, Matxcơva cũng như Seoul chỉ muốn duy trì hiện trạng. Do can dự vào Ukraina, Nga hiện đang chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Do vậy, Bắc Triều Tiên là quốc gia trung chuyển để Nga xuất khẩu nguyên nhiên liệu sang Hàn Quốc.
Trừng phạt không có hiệu quả với chế độ Kim Jong Un
Như vậy, mỗi quốc gia có những lợi ích riêng, phải chăng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không có hiệu quả ?
Trả lời phỏng vấn La Croix, bà Sylvie Matelly, phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược IRIS của Pháp khẳng định là « không ».
Đối với những quốc gia đưa ra sáng kiến, lệnh trừng phạt được cho là có hiệu quả vì cho phép tránh được một cuộc can thiệp quân sự tốn kém (...)
Theo quan điểm của bà Matelly, những biện pháp trừng phạt kinh tế hầu như chẳng có tác động nào đối với tầng lớp lãnh đạo Bắc Triều Tiên, cũng như thủ đô Bình Nhưỡng, do điều kiện sống đã được cải thiện rõ rệt.
Ngược lại, lãnh đạo Bắc Triều Tiên còn có thể đả kích cộng đồng quốc tế, mà đứng đầu là Hoa Kỳ.
Trừng phạt Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ đơn độc ?
Trong bối cảnh khủng hoảng Bắc Triều Tiên rơi vào bế tắc, báo Le Monde có đăng bài nhận định của cựu bộ trưởng Pháp Pierre Lellouche cho rằng, « Hoa Kỳ đơn độc đối mặt với Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc ».
Từ 25 năm nay, Bắc Triều Tiên đã liên tục phát triển chương trình hạt nhân. Có ý kiến cho rằng, vũ khí nguyên tử là lá bùa hộ mệnh của chế độ Kim Jong Un.
Trường hợp Sadam Hussein năm 2003, Kadhafi năm 2012, càng củng cố luận điểm này.
Tác giả đặt câu hỏi : Nếu giả thuyết này sai thì sao ?
Ví dụ Bình Nhưỡng không coi vũ khí nguyên tử là phương tiện phòng vệ, răn đe mà là để tấn công, thay đổi nguyên trạng, đánh chiếm Hàn Quốc để thống nhất bán đảo Triều tiên, chấm dứt sự hiện diện của Mỹ không chỉ trên bán đảo Triều Tiên, tại Nhật Bản, mà cả trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì sao ?
Bởi vì cho đến lúc này, không một ai ở phương Tây, cũng như tại Trung Quốc và Nga, có thể biết được ý định của Kim Jong Un.
Không ai biết ông ta nghĩ gì, muốn gì. Giải pháp bảo đảm sự tồn tại của chế độ, đi kèm với việc trợ kinh tế, đánh đổi lấy việc từ bỏ hạt nhân, cũng thất bại.
Vậy phải chăng nên coi Bắc Triều Tiên là siêu cường hạt nhân ?
Nếu vậy thì nguy cơ chạy đua vũ trang, phát triển vũ khí hạt nhân trên thế giới sẽ rất lớn.
Chính vì thế cựu bộ trưởng Pháp cho rằng giảm căng thẳng là giải pháp duy nhất và đây là vai trò của Liên Hiệp Quốc và ngoại giao.
Nếu Hoa Kỳ vẫn nghĩ là còn có khả năng buộc các nước ở Liên Hiệp Quốc nghe theo thì họ sẽ đơn độc tại Hội Đồng Bảo An trong hồ sơ Bắc Triều Tiên và các trừng phạt mà Washington đưa ra sẽ thất bại.
Trung Quốc không có lợi ích gì nghe theo Hoa Kỳ và nếu phải lựa chọn thì Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận một Bắc Triều Tiên cộng sản hơn là một Hàn Quốc đồng minh của Mỹ tiến sát gần biên giới Trung Quốc.
Còn Nga hiện đang « cay đắng » vì bị Mỹ và phương Tây trừng phạt thì không hề muốn giúp đỡ Hoa Kỳ.
Nếu nghị quyết trừng phạt Bắc Triều Tiên vừa được thông qua tại Hội Đồng Bảo An lại vẫn không hiệu quả thì điều này càng khuyến khích Kim Jong Un đi xa hơn trong chương trình hạt nhân, và nguy cơ xẩy ra một cuộc xung đột ngày càng lớn.
Do vậy, Mỹ và Trung Quốc cần khẩn trương ký một thỏa thuận chung để giải quyết cuộc khủng hoảng, trong đó bao gồm cả việc « đền bù » cho Bắc Triều Tiên.
Trang nhất các báo Pháp : Biểu tình chống cải cách luật lao động
Chương trình cải cách luật lao động thông qua bằng sắc lệnh sẽ có hiệu lực vào cuối tháng 9 này. Nghiệp đoàn CGT hôm nay xuống đường phản đối dự thảo luật.
Trên trang nhất, Le Monde nhận định : « Luật lao động, phép thử xã hội đầu tiên cho chính phủ ».
Le Figaro chạy tít : « Luật Lao động : Cuộc thử lửa ». Đây là lần đầu tiên tổng thống Pháp Emmanuel Macron đối đầu với một cuộc biểu tình của giới công đoàn.
Về phần mình, Libération nhận thấy, để « đối phó với đường phố », bộ máy điều hành liên tiếp thông báo nhiều chương trình cải cách khác, nhằm làm nản lòng phe đối lập.
Libération đặt câu hỏi liệu chiến lược này của chính phủ có là một cuộc đánh cược mạo hiểm hay không ?
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15- 09-2017 - 15/09/2017 18:28
- Vũ khí : Hàng giá rẻ khác của Trung Quốc tại Đông Nam Á - 15/09/2017 18:14
- Anh : Nổ trong đường xe điện ngầm tại Luân Đôn - 15/09/2017 15:57
- Bắc Triều Tiên lại bắn tên lửa ngang qua Nhật Bản - 15/09/2017 15:51
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14- 09-2017 - 14/09/2017 20:37
- Những nhà khoa học nguyên tử Bắc Triều Tiên là ai ? - 13/09/2017 22:57
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13- 09-2017 - 13/09/2017 22:44
- JO-2024 Paris : Từ niềm vui chiến thắng đến nỗi lo chi tiêu - 13/09/2017 02:40
- Hoa Kỳ : Đã qua rồi thời siêu cường? - 13/09/2017 01:42
- Apple thử túi tiền của khách hàng, tung iPhone mới giá $1000 - 12/09/2017 20:14
Các tin khác
- Trump, Melania tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9 - 12/09/2017 02:39
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11- 09-2017 - 11/09/2017 18:57
- Mỹ: Bão Irma đổ bộ vào Florida với sức gió trên 200km/giờ - 10/09/2017 22:57
- Việt Nam : Cuộc sống nhọc nhằn trên chợ nổi Cái Răng - 10/09/2017 22:42
- Bắc Triều Tiên: Kim Jong Un mở tiệc mừng các khoa học gia hạt nhân - 10/09/2017 20:30
- Trung Quốc và giấc mơ Cúp bóng đá thế giới - 09/09/2017 22:39
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09- 09-2017 - 09/09/2017 22:21
- California thiếu trầm trọng nhân công xây nhà và sửa đường - 08/09/2017 21:58
- Israel oanh kích lãnh thổ Syria - 08/09/2017 21:48
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 08- 09-2017 - 08/09/2017 19:17