Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Trung Quốc hung hăng tại Biển Đông vì “nắm thóp” được Mỹ

usa-trump china

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời trả lời nhà báo sau cuộc họp với ngoại trưởng Rex Tillerson (T), đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley (2 - P) và cố vấn An ninh Quốc gia McMaster PR), tại New Jersey, 11/08/2017.
REUTERS/Jonathan Ernst

Trong thời gian gần đây, chính sách của Mỹ tại Biển Đông đã bộc lộ những dấu hiệu không rõ ràng, lúc thì có vẻ kiên quyết chống lại đà bành trướng của Bắc Kinh, khi thì lại có dấu hiệu thiếu dứt khoát.

Trong một quan điểm đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 17/08/2017 mang tựa đề : « Hãy chấm dứt trò đánh đố về Biển Đông - Stop the South China Sea Charade », hai chuyên gia Mỹ về an ninh quốc tế đã cho rằng: Washington nên thừa nhận thực tế về vai trò to lớn của Trung Quốc trong vùng, để điều chỉnh chính sách theo hướng thực tiễn hơn, nếu không muốn nói là thực dụng hơn

Đối với hai chuyên gia - Robert A. Manning, thuộc Trung Tâm Brent Scowcroft về An Ninh Quốc Tế thuộc hội Atlantic Council (Hội Đồng Đại Tây Dương), và James Przystup, chuyên viên cao cấp tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Quốc Gia, đại học quốc phòng Mỹ National Defense University - Mỹ đã cường điệu thái độ quan ngại của mình trước các hành vi hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, và Bắc Kinh biết rõ điều đó.

Lợi cốt lõi của Mỹ ở Biển Đông không hề bị đe dọa

Bài viết mở đầu bằng một nhận xét đầy tính châm biếm : Nhìn những bình luận ở Washington về chính sách đối ngoại, người ta có thể nghĩ là Biển Đông nằm ngay sát bờ biển phía đông Hoa Kỳ.
Mỗi một động thái của Trung Quốc ở vùng tranh chấp đều được phân tích như một mối đe dọa cho sự tồn vong của nước Mỹ.

Quả thực là những hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở vùng biển rất xa miền duyên hải Hoa Kỳ đã làm dấy lên sự lo lắng trong khu vực.
Đường "chín đoạn" mà Bắc Kinh đưa ra làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền Trung Quốc đã thâu tóm hầu như trọn Biển Đông, trong đó có cả những vùng mà các láng giềng như Việt Nam và Philippines đòi chủ quyền.

Tuy nhiên theo hai nhà nghiên cứu Mỹ, trong thực tế, quyền lợi cốt lõi của Hoa Kỳ thật ra không hề bị đe dọa, và Trung Quốc biết rất rõ điều này.

Cuộc tranh luận sôi nổi ở Washington thể hiện không phải là tầm quan trọng của những đảo đá, mà là tâm trạng bất ổn của một nước Mỹ, đang cố suy nghĩ lại về cách duy trì thế thượng phong của mình từ sau thế chiến II đang bị một Trung Quốc tái trỗi dậy thách thức.

Đúng là tuyến lưu thông ở Biển Đông rất quan trọng, với 3,4 tỷ đô la hàng hóa qua lại hàng năm.
Nhưng những tuyến đường thủy này chưa hề bị thật sự đe dọa (trong thời bình) vì Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng có quyền lợi kinh tế khi bảo đảm sao cho luồng thương mại không bị ngưng trệ.

Quyền lợi địa-chính trị bất cân xứng

Tự do hàng hải đúng là phản ánh lợi ích thiết yếu mà Mỹ có thể và phải bảo vệ kể cả một cách đơn phương nếu cần thiết.

Chính vì mục tiêu này mà Hải Quân Mỹ đẩy mạnh diễn tập ở Biển Đông - và phối hợp với các đồng minh và đối tác chiến lược - để cho thấy rõ sự hiện diện và quyết tâm dấn thân của Mỹ.

Chiến dịch tuần tra hải quân của Mỹ vào ngày 10/08 gần Đá Vành Khăn là một ví dụ tốt về sự hiện diện của Mỹ.
Nhưng sự phản đối mạnh mẽ của Bắc Kinh đã khiến cho một chiến dịch kiểu đó chỉ ảnh hưởng rất ít đến hành động của Trung Quốc.

Nhận xét của hai tác giả Mỹ về tham vọng của Bắc Kinh rất rõ ràng: Trung Quốc có quyết tâm và có khả năng đi xa hơn Hoa Kỳ và cũng đã chứng minh qua hành động trên thực địa.

Các nước trong vùng đang nhìn Trung Quốc đòi chủ quyền trên các đảo đá ở Biển Đông không hề có ảo tưởng là Trung Quốc đang bị Mỹ làm nhụt chí.

Họ đã bắt đầu hiểu ra thực trạng quyền lợi địa chính trí bất cân xứng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Quyền lợi của Bắc Kinh ở Biển Đông là chính trị và chiến lược về bản chất.

Về chính trị, việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông là để xác định chủ quyền và đảo ngược lại cái "thế kỷ ô nhục" thời nước Trung Hoa bị chèn ép, một yếu tố đã trở thành nền tảng cho tính chính đáng của đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Về mặt chiến lược, các đảo này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng chu vi phòng thủ, tăng cường quyền thống trị các đường biển trong khu vực.

Còn đối với Mỹ, Biển Đông chỉ là một phần trong quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc.
Trong chính sách của cựu tổng thống Barack Obama trước đây, ưu tiên trong quan hệ với Trung Quốc là thúc đẩy hiệp định khí hậu Paris và xử lý ổn thỏa hồ sơ hạt nhân Iran, còn ưu tiên đối với Donald Trump trong quan hệ với Trung Quốc là Bắc Triều Tiên và thương mại.

Để chứng minh cho lập luận nói trên, hai tác giả đã nêu bật những gì ngoại trưởng Mỹ Tillerson vừa làm trong cuộc họp Diễn Đàn An Ninh Khu Vực ASEAN (ARF) vừa qua : Dù cuộc họp diễn ra chỉ một năm sau phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc theo đường lưỡi bò ở Biển Đông, chủ đề nổi cộm tại diễn đàn lại là Bắc Triều Tiên.

Tranh chấp Biển Đông chỉ là đề tài thứ yếu, và trong bản thông cáo chung của chủ tịch hội nghị, chỉ có "một vài nước thành viên" nêu lên "mối quan ngại" liên quan đến Biển Đông mà thôi.

Chỗ yếu của Donald Trump : thiếu chiến lược toàn diện cho khu vực
Đối với hai nhà nghiên cứu trên tờ Foreign Policy, Trung Quốc biết rõ chỗ yếu của chính quyền Donald Trump: Đó là thiếu một chiến lược toàn diện cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

Theo hai tác giả, cho dù có thiếu sót trong việc thực hiện, nhưng chính sách "xoay trục" sang châu Á của cựu tổng thống Mỹ Obama có đủ các yếu tố ngoại giao, quân sự và kinh tế, các nhân tố của một chiến lược toàn diện cho khu vực.

Ngược lại việc chính quyền Trump bãi bỏ hiệp định TPP, rất khó khăn mới hình thành, là một cú sốc và tác hại đến sự tin tưởng vào Hoa Kỳ.
Đồng thời việc đó cũng để cho các đề án của Trung Quốc như Con Đường Tơ Lụa Mới, hay Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở AIIB, không có đối thủ.
Và cũng giống như thời khủng hoảng tài chính năm 2008, chỗ yếu thấy được của Mỹ làm cho Trung Quốc mạnh dạn lên.

Ngay cả dưới thời Obama, bất chấp những lời cảnh báo từ phía Mỹ là không được đơn phương thay đổi hiện trạng Biển Đông, và phải hậu thuẫn cho một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, Bắc Kinh đã xem thường ngoại giao của Mỹ, vứt vào xọt rác phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và ngang nhiên tiến hành thay đổi nguyên trạng của Biển Đông.

Trung Quốc cho rằng Mỹ không vì các đảo đá nhỏ mà gây chiến

Trung Quốc đã đánh cược một cách chính xác là chừng nào mà các tuyến đường hàng hải không bị đe dọa, thì Hoa Kỳ sẽ không mạo hiểm gây chiến với một quốc gia có vũ khí hạt nhân chỉ vì những đảo đá mà Hoa Kỳ không có tranh chấp gì, và chỉ để bảo vệ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển mà Mỹ cũng không hề phê chuẩn.
Việc Washington vắng mặt trong hội đồng điều hành UNCLOS khiến Bắc Kinh được thuận lợi hơn khi đưa ra những diễn giải rất hoang đường về công ước này.

Bắc Kinh cũng đã đi trước Mỹ nhiều bước trong việc củng cố các yếu tố mới trên hiện trường Biển Đông do chính Trung Quốc đã tạo ra.
Bắc Kinh đã thương lượng với ASEAN một quy tắc ứng xử trên Biển Đông, đã thông báo đề án đầu tư hàng tỷ đô la vào Philippines, và bây giờ đồng ý cùng Manila khai thác, sản xuất năng lượng, qua đó khống chế một đồng minh của Mỹ.

Cũng như thế Bắc Kinh thông báo hơn 30 tỷ đô la tín dụng và đầu tư ở Malaysia, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quân sự với Kuala Lumpur và Thái Lan.
Nếu Trung Quốc và ASEAN đạt được một quy tắc ứng xử yếu ớt và không ràng buộc để xác định những thực tế mới do chính Bắc Kinh tạo ra, Hoa Kỳ không có chọn lựa nào khác là hậu thuẫn cho việc này.

Quan điểm nước lớn

Trung Quốc dường như học được từ sự quan sát của sử gia Hy Lạp Thucydides (thế kỷ thứ 5 trước công nguyên) là những cường quốc "cứ việc làm những gì họ có thể làm".

Trong cuộc họp ASEAN 2010, ngoại trưởng Trung Quốc thời ấy, Dương Khiết Trì nói với các lãnh đạo có mặt là "Trung Quốc là một nước lớn, những nước khác là những nước bé và đó là một thực tế".
Các nước lớn có thể bẻ cong hay phớt lờ quy tắc vì quyền lợi riêng tư, và cũng như các cường quốc khác, Bắc Kinh đang tiếp cận trật tự dựa trên luật pháp tùy theo quyền lợi của mình.

Trong phần kết luận, hai chuyên gia nhận định : Chủ nghĩa bành trướng lãnh thổ nhân danh lịch sử của Trung Quốc rất đáng ngại, nhưng dù thích hay không thì Trung Quốc vẫn sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong khu vực.

Hoa Kỳ cần có lời giải đáp cho câu hỏi chiến lược lớn của thời đại : Có thể sống với một vai trò như thế nào của Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương ?
Và cũng như vậy, Bắc Kinh cũng cần quên đi hy vọng là Hoa Kỳ lu mờ đi, và giải đáp câu hỏi then chốt là : Trung Quốc có thể sống với vị thế nào của Mỹ trong khu vực ?


Switch mode views: