Điểm báo Pháp Quốc Ngày 28-03-2015
- Thứ Bảy, 28 tháng Ba năm 2015 16:14
- Tác Giả: Mai Vân
Trung Quốc tìm cách chiêu dụ Sri Lanka trở lại
Thủ tướng Ấn Độ Nardendra Modi và Tổng thống Sri lankais Maithripala Sirisena, tại thủ đô Colombo, ngày 13/03/2015.REUTERS/Dinuka Liyanawatte
Trong dòng thời sự Châu Á, Le Monde số ghi ngày 28/03/2015 có một bài viết đáng chú ý liên quan đến vùng Ấn Độ Dương.
Tờ báo ghi nhận trong hàng tựa sự kiện : « Trung Quốc muốn tránh bất hòa với Sri Lanka », và giải thích bên dưới : « Thay đổi chính trị ở Colombo kềm hãm tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương ».
Thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh, Brice Pedroletti mở đầu bài viết với nhận xét : Chỉ đánh cuộc trên một chính khách có thể dẫn đến thất vọng, phiền toái, khi mà gà của mình thất thế, không còn nắm quyền lực nữa.
Đây là tình hình mà Trung Quốc đang cố đối phó ở Sri Lanka, nơi mà tân Tổng thống được bầu lên vào tháng Giêng, Sirisena, đã viếng thăm chính thức Trung Quốc vào thứ Năm 26/03.
Bài báo nhắc lại là ông Sirisena đã dành chuyến viếng thăm đầu tiên cho Ấn Độ, cho thấy quan hệ ưu tiên của Colombo không phải là Trung Quốc như trước đây. Không chỉ thế, tân tổng thống Sri Lanka còn cho biết đang xem xét lại những thỏa thuận, hợp đồng mà chính quyền trước đã ký với Trung Quốc.
Trước mắt đề án công trình đồ sộ Port City ở Colombo, xây dựng cao ốc, và cả hạ tầng cơ sở đón vòng đua xe hơi F1... trị giá 1,4 tỷ đô la đầu tư 100% Trung Quốc, đã bị tạm đình chỉ vào đầu tháng 03/2015 này do tai tiếng, nghi ngờ đấu thầu không minh bạch và tác hại môi trường.
Công trường này từng được khai trương với sự hiện diện của Chủ tịch Trung Quốc Tạp Cận Bình nhân chuyến viếng thăm Colombo tháng 9 năm 2014.
Tác giả bài báo phân tích là Sri Lanka mang tính chất chiến lược đối với Trung Quốc về mặt hàng hải, và Bắc Kinh đã chi 5 tỷ đô la trong một loạt đề án xây dụng hạ tầng cơ sở mà Tổng thống tiền nhiệm tại Sri Lanka, ông Mahinda Rajapakse vô cùng hoan nghênh, mở rộng cửa đón các tập đoàn Trung Quốc.
Còn phía Sri Lanka, nếu ông Rajapakse đã chọn chơi lá bài Trung Quốc, đó là vì ông muốn tránh áp lực của Mỹ, Châu Âu và Ấn Độ, đòi mở điều tra về những tội ác chiến tranh khi quân đội tiến công vào cứ địa lực lượng ly khai Tamoul năm 2009. Hồ sơ này vẫn nổi cộm hiện nay.
Trung Quốc đã từng bỏ phiếu chống nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về hồ sơ này.
Ấn Độ - rất lo ngại trước ảnh hướng lớn mạnh của Trung Quốc tại Sri Lanka mà New Dehli xem là vùng ảnh hưởng của mình - đã tỏ ra rất năng động đối với Colombo.
Ấn Độ lo ngại nhất là Trung Quốc, với các đề án xây dựng hạ tầng cơ sở, hải cảng, đang thực hiện mưu đồ xây dựng chiến lược ‘chuỗi ngọc trai’ ở Ấn Độ Dương, những cơ sở cảng xây dựng có thể được sử dụng vào mục tiêu quân sự. Chuỗi ngọc trai như thế nối liền Miến Điện, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan.
Tác giả bài báo trên Le Monde nhìn lại chuyến viếng thăm của ông Sirisena ở Bắc Kinh hôm thứ Năm, nhận thấy là Bắc Kinh đã cố thuyết phục tân Tổng thống Sri Lanka bảo vệ quyền lợi chung.
Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi hợp tác « hai bên cùng có lợi và không điều kiện tiên quyết », và còn cam kết là những phương tiện mới, tức quỹ dành cho con đường tơ lụa mới, cũng như Ngân hàng Phát triển AIIB, sẽ giúp Sri Lanka có được những khoản tài trợ dễ dàng hơn.
Chính quyền Thái Lan quyết tâm trị phụ nữ chụp hình hở ngực !
Libération cũng nhìn về Châu Á, nhưng chú ý đến Thái Lan và nêu một sự kiện mà tác giả bài báo Arnaud Dubus đưa tựa một cách dí dỏm : « Thái Lan rút roi dọa những tấm hình tự chụp – selfie - hở ngực ».
Bài báo thấy có gì đấy không ổn : Trong lúc kinh tế Thái Lan xuống dốc, khủng hoảng chính trị ngày thêm nặng nề, Hiến pháp mới bị chống đối mạnh mẽ..., nhưng hãy thử nghĩ xem cái gì đang làm chính quyền tại đây lo lắng ? Đó là ngày càng có nhiều phụ nữ thích tự chụp hình hở một phần ngực và đưa ảnh lên các mạng xã hội !
Bộ Văn hóa Thái, theo bài báo, có tiếng trong thời gian qua là dạy dỗ đạo đức hơn là có sáng kiến sáng tạo, đã xem rất kỹ các bức ảnh tự chụp này và cảnh cáo các cô gái là họ sẽ bị phạt tù – đến 3 năm – và phạt tiền tương đương với 170 euro.
Theo phát ngôn viên Bộ Văn hóa, những ảnh tự chụp này vi phạm luật chống tội ác tin học. Luật này cấm các nội dung tác hại đến an ninh quốc gia hay gây hoảng sợ trong dân chúng hoặc nội dung đồi trụy gây sốc đối với dân chúng qua mạng Internet.
Tác giả bài viết ghi nhận là hiện tượng đăng ảnh này đang nở rộ dưới chế độ quân sự hiện nay, và việc các lãnh đạo nghiêm nghị của Thái Lan lớn tiếng dọa nạt sẽ không có kết quả gì, vì các cô gái cứng đầu sẽ lại càng đưa ảnh lên mạng nhưng che mặt. Điều này đã làm cho phát ngôn viên Bộ Văn hóa lo âu vì sẽ khuyến khích nhiều người làm theo.
Bầu cử ở Pháp
Cuộc bầu cử cấp tỉnh vòng hai vào ngày mai, 29/03/2015 tại Pháp là sự kiện mà các báo hôm nay tập trung phân tích và bình luận, cho dù không hoàn toàn đưa lên tựa đầu trang nhất, như tờ Le Monde đã nhìn sang Yemen nhận thấy trong hàng tít lớn : Yemen, xung đột giữa Iran và Ả Rập Xê-Út.
Về thời sự nước Pháp, và vòng hai cuộc bầu cử cấp tỉnh, Le Figaro trong hàng tít trang nhất nhìn thấy « cánh hữu tìm kiếm một thắng lợi áp đảo ». Tờ báo thấy là hai đảng cánh hữu UMP và UDI không chỉ thắng chắc vào ngày mai, mà có khả năng là thắng lớn nữa là khác, so với đảng Xã hội mà theo tờ báo chỉ giữ lại được không đầy 30 tỉnh.
Trong bài xã luận tờ báo thiên hữu này nêu câu hỏi : « Ngày mai này đảng Xã hội thua đậm hay thảm bại ? Nhưng sự thật rõ ràng là đảng cầm quyền giờ đây chỉ là đảng đứng hàng thứ 3 ở Pháp mà thôi ».
Người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất là Thủ tướng Valls đã lên tuyến đầu trong cuộc vận động tranh cử. Le Figaro tự hỏi là đương kim Thủ tướng có thể chống cự bao lâu trước sự hoài nghi và tức giận trong chính cánh của ông.
Le Monde cũng có suy nghĩ như trên, nhưng trước mắt nhìn thấy cánh tả đang siết chặt hàng ngũ trong bối cảnh hiện tại. Để ngăn chặn làn sóng xanh – màu cánh hữu – giới lãnh đạo cánh tả gác qua một bên các bất đồng chờ những ngày sau bầu cử.
Trong bài xã luận Le Monde thúc giục cử tri Pháp hãy bình tĩnh lại và ngăn chặn đà tiến của đảng cực hữu. Tờ báo quy trách nhiệm cho cánh hữu đã không có một chương trình hành động khả dĩ và giờ đây phải xắn tay áo lên.
Đối với cảnh tả, Le Monde nhìn thấy là họ không có nhiều chọn lựa, phải mạnh dạn cải tổ, hiện đại hóa kinh tế để giảm thất nghiệp, nếu không thì điện Élysée sẽ mở rộng cửa đón một tổng thống từ đảng cực hữu và cánh tả sẽ phải gánh vác trách nhiệm đó.
Libération, thiên tả, tỏ ra bất bình trước cách vận động tranh cử của cánh hữu, chạy tựa « Cánh hữu bài Hồi giáo đó », bên cạnh ảnh ông Sarkozy, chủ tịch đảng UMP.
Tờ báo chỉ trích cựu Tổng thống Pháp trong những tuần lễ cuối cuộc vận động đã không ngừng tấn công vào cộng đồng Hồi giáo để chiêu dụ cử tri đảng cực hữu. Đây cũng là cách tốt theo ông Sarkozy, để trở lại điện Élysée.
Tình trạng tâm thần của viên phi công đã đâm chiếc Airbus vào núi
Tai nạn của chiếc Airbus A320 của hãng hàng không Germanwings tiếp tục được báo Pháp hôm nay theo dõi và tập trung vào viên phi công phụ, Andreas Lubitz với những tiết lộ mới nhất về tình trạng sức khỏe tâm thần của anh.
Le Figaro cũng như các đồng nghiệp đều nhấn mạnh trên những kẽ hở về mặt tâm thần của viên phi công. Tờ báo nhấn mạnh trong hàng tít trang xã hội : « Bị trầm cảm, lẽ ra Lubitz không được bay ».
Báo Libération nhắc lại là ngay ngày chiếc máy bay đâm vào núi, thì Lubitz đã có giấy cho nghỉ bệnh nhưng anh đã không trình giấy này cho công ty của anh.
Nhưng thật ra điều gì đã khiến cho Lubitz đi đến quyết định như thế ? Libération trích dẫn bác sĩ tâm thần cho là bị trầm cảm cho dù nặng cũng không giải thích được hành động như vậy của Lubitz.
Dẫu sao đối với báo Le Monde thảm kịch vừa qua đặt lại vấn đề theo dõi về mặt tâm lý đối với các phi công mà các hãng hàng không phải thực hiện.
Tờ báo cho biết là như hãng Air France, phi hành đoàn hàng năm đều qua trắc nghiệp tâm lý. Phải chăng vụ máy bay Germanwings là có sơ hở về mặt này.
Tin mới
- Lính dù Mỹ huấn luyện quân đội Ukraina - 30/03/2015 17:49
- Điểm báo Pháp Quốc Ngày 30-03-2015 - 30/03/2015 17:27
- Thượng Viện Mỹ báo động về Biển Đông : Cơ hội cho Việt Nam - 30/03/2015 16:30
- Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Đại Tây Dương ? - 30/03/2015 16:16
- Sau 40 năm Quân đội Mỹ trở lại Việt Nam - 30/03/2015 03:38
- Tín đồ Ki-tô mừng Chủ nhật Lễ Lá - 30/03/2015 01:06
- Tunisia : Tuần hành quốc tế chống khủng bố - 30/03/2015 00:45
- Singapore cử hành tang lễ cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu - 29/03/2015 21:44
- Nam Phi : Trang bị súng máy để chống săn trộm - 28/03/2015 19:51
- LHQ ra nghị quyết lên án Bình Nhưỡng bắt cóc người nước ngoài - 28/03/2015 16:23
Các tin khác
- Kêu gọi biểu tình bảo vệ cây xanh tại Hà Nội - 27/03/2015 22:44
- Tập đoàn quân sự Thái Lan khóa chốt chính trường - 27/03/2015 19:51
- Đàm phán hạt nhân : Tổng thống Iran gửi thư đến nguyên thủ các cường quốc - 27/03/2015 19:35
- Bà Aung San Suu Kyi không dự duyệt binh Ngày Quân lực - 27/03/2015 19:19
- Điểm báo Pháp Quốc Ngày 27-03-2015 - 27/03/2015 18:20
- Ả Rập Xê Út, quốc gia được trang bị võ trang tốt nhất vùng Vịnh - 26/03/2015 21:18
- Điểm báo Pháp Quốc Ngày 26-03-2015 - 26/03/2015 19:01
- Nhật Bản phóng thành công vệ tinh do thám mới - 26/03/2015 15:50
- Điểm báo Pháp Quốc Ngày 25-03-2015 - 25/03/2015 21:44
- Việt Nam nhắc lại ý muốn Mỹ xóa bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí - 25/03/2015 15:36