Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm báo Pháp Quốc Ngày 27-03-2015

Nghi vấn chung quanh Andreas Lubitz

Andreas Lubitz 3



Andreas Lubitz, phi công lái phụ chiếc A320.
REUTERS/Foto-Team-Mueller

Công cuộc điều tra tập trung vào con người của viên phi công phụ lái chiếc máy bay A320 lâm nạn trên dãy núi Alpes ngày 24/03/2015.

Những câu hỏi chung quanh Andreas Lubitz làm lu mờ thời sự nóng bỏng Yemen hay cuộc tuyển cử hết sức quan trọng vào cuối tuần này tại Nigeria, một quốc gia đang phải đối phó với quân khủng bố Boko Haram.

Tai nạn hàng không Germanwings chiếm hầu hết các trang nhất báo Paris trong ngày. Le Figaro : « Hành động điên rồ của Andreas Lubitz ». « Những ẩn số chung quanh Andreas Lubitz », tựa của Libération bên cạnh bức ảnh, cậu thanh niên 28 tuổi này chụp trước cây cầu Golden Gate tại Los Angeles : « Lubitz đã chết nhưng để lại rất nhiều nghi vấn ».

Các báo đều nhắc lại : điều tra sơ khởi cho thấy Andreas Lubitz đã « cố tình » để máy bay lao vào sườn núi. Theo L'Humanité giả thuyết tự sát đang được nghiên cứu kỹ, nhưng « không giải thích được tất cả ». Báo Les Echos ngay trên trang nhất lưu ý Andreas Lubitz từng bị mắc bệnh trầm cảm nặng.

Bệnh trầm cảm của Lubitz

Cách nay 6 năm, viên phi công phụ của hãng hàng không Germanwings này đã phải tạm nghỉ việc trong vòng 11 tháng. Theo nhiều tờ báo Đức được các đồng nghiệp Pháp trích lại, đó là thời gian Andreas Lubitz đang được đào tạo để lái máy bay.

L'Humanité lưu ý : Lãnh đạo của tập đoàn hàng không Đức Lufthansa, công ty mẹ của Germanwings, tỏ ra rất mơ hồ khi phải giải thích về thời gian 11 tháng đó.

Tờ Spiegel ấn bản tại Berlin không vòng vo : Andreas Lubitz từng bị bệnh trầm cảm. Libération đặt câu hỏi: Nếu đúng là như vậy thì tại sao một người có tâm thần bất an như vậy lại được tuyển dụng để lái máy bay, nắm trong tay sinh mệnh của cả trăm con người ?

Một câu hỏi khác nhật báo Bild của Đức đặt ra : phải chăng viên phi công phụ của chiếc máy bay bị nạn đã có hành động điên rồ vì thất tình ? Vì Andreas vừa chia tay với bạn gái.

Thực ra cho tới giờ này, các nhà điều tra biết những gì về Andreas Lubitz ? Les Echos cho hay : anh ta sinh ra và lớn lên ở một thị trấn nhỏ với 12.500 dân cư nằm ở giữa hai thành phố lớn, là Frankfurt và Bonn. Bố là nhân viên làm việc ở ngân hàng, mẹ là nhạc sĩ chơi đàn orgue ở nhà thờ. Andreas có một người em trai, thích chạy việt dã và là thành viên của một câu lạc bộ hàng không. Những người quen biết với Lubitz đánh giá anh chàng « vui tính, hơi nhút nhát và dễ mến ».

Vậy thì làm sao giải mã được hành động của Andreas Lubitz ? Libération nêu ra ba giả thuyết dưới dạng câu hỏi : phải chăng đó là hành vi của một kẻ tuyệt vọng nhưng không muốn chết một mình ?

Andreas Lubitz là một kẻ tuyệt vọng có ý đồ tự hủy hoại nhưng thái độ bất bình thường đó không được phát giác kịp thời ? Hay đấy là hành vi của một thanh niên tầm thường, bất thình lình lên cơn điên loạn ?

Trong bài viết mang tựa đề « Phi công tự sát, cơn ác mộng của ngành hàng không », Libération điểm lại những vụ từng xảy ra trong lịch sử của ngành hàng không dân dụng. Trong đó có vụ năm 1982, phi công lao thẳng chiếc DC-8 của hãng Japan Airlines khi đáp xuống sân bay Tokyo làm 24 người chết ; hãng Royal Air Maroc năm 1994 cũng phải trải qua kinh nghiệm đau thương tương tự ; năm 1997, 140 hành khách và phi hành đoàn của hãng hàng không Singapore, SilkAir trở thành nạn nhân của cơ trưởng. Nặng hơn cả là khi chiếc máy bay Ai Cập lao đầu xuống Đại Tây Dương ở ngoài khơi thành phố New York làm hơn 200 người thiệt mạng hồi năm 1999.

An toàn hàng không

Trở lại với vấn đề an ninh hàng không, cả Libération lẫn Le Figaro cùng giải thích với độc giả rất kỹ hệ thống cửa khóa và toan toàn của buồng lái máy bay. Vấn đề đặt ra là lúc chiếc A320 lao vào vách núi thì chỉ có một phi công trong buồng lái, cơ trưởng bị nhốt ở bên ngoài.

Trong bài xã luận, Libération nhắc lại : từ sau loạt tấn công ở Hoa Kỳ năm 2001, không tặc thâm nhập được vào buồng lái, các hãng máy bay quốc tế đồng loạt tăng cường các biện pháp an toàn, cửa buồng lái được bọc thép và gần như là vùng bất khả xâm phạm.

Thế nhưng, cũng chính biện pháp an toàn đó, theo như ghi nhận của tờ báo, đã dẫn tới tai họa, khi mà cơ trưởng không tài nào trở lại buồng lái, Andreas Lubitz một mình tự tung tự tác.
Chính lãnh đạo tập đoàn hàng không Lufthansa đã phải thừa nhận : không một hệ thống an toàn nào, dù tối tân và tinh vi tới đâu có thể ngăn chặn được hành vi của Lubitz. Điều đó có nghĩa là tại những xã hội đang trên đà rô bô hóa hiện nay, trong mọi trường hợp máy móc không thể nào thay thế được con người.

Ả Rập Xê Út can thiệp quân sự vào Yemen

Hồ sơ nóng thứ nhì trong phần tin thời sự quốc tế của các báo là sự kiện Ả Rập Xê Út dẫn dầu một liên quân, can thiệp vào Yemen. La Croix giải thích : Ả Rập Xê Út- theo hệ phái Sunni lo sợ Iran- thuộc hệ phái Shia, kẻ thù không đội trời chung của mình kiểm soát nước Yemen sát cạnh qua trung gian phe nổi dậy Houthi.

Thêm vào đó Riyad sợ rằng, thiểu số người Hồi giáo theo hệ phái Shia đang sinh sống ở miền đông Ả Rập Xê Út rồi cũng sẽ vùng lên.

Le Figaro đưa ra cùng một phân tích : Riyad rúng động trước viễn cảnh Yemen lọt vào tay quân nổi dậy Houthi chịu ảnh hưởng của Téhéran, tương tự Liban đang trong tầm kiểm soát của Iran qua lực lượng hồi giáo võ trang Hezbollah.

Nhưng bên cạnh đó, theo như nhận định của một nhà ngoại giao được tờ báo trích dẫn, chiến dịch quân sự lần này của Ả Rập Xê Út còn nhằm phô trương thanh thế của tân vương Salaman vừa lên ngôi thay thế người anh hồi tháng 1/2015. Cũng trên hồ sơ Yemen và về vai trò của Iran, Les Echos nói tới mối quan hệ « chồng chéo » và phức tạp hơn điều thường được báo chí nói tới.

Mỹ ủng hộ Ả Rập Xê Út và Qatar để đương đầu với phe nổi dậy Houthi muốn chiếm đoạt Yemen, nhưng theo tờ báo này, Yemen không phải là ưu tiên trong bài toán chiến lược của Iran.

Theo lời một chuyên gia về Trung Cận Đông thuộc Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược IRIS của Pháp, Didier Billion, thứ nhất chưa có bằng chứng rõ rệt cho thấy Téhéran điều khiển phe nổi dậy Houthi ở Yemen ; thứ hai là người Houthi theo hệ phái Shia thực ra là thuộc về một nhánh nhỏ trong hệ phái này, là hệ phái zaidi. Vì vậy theo chuyên gia nói trên, chưa chắc là có một sự liên đới chặt chẽ giữa Iran với phiến quân Houthi.

Hơn nữa, trọng tâm của Téhéran là Syria, chứ không phải là Yemen và bản thân Iran cũng đang đau đầu với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, EI đe dọa sườn phía tây bắc của Iran. Vì vậy Viện nghiên cứu IRIS quả quyết rằng, Iran vẫn âm thầm hợp tác với Mỹ để chận đường quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan và đôi bên đã đạt được một thỏa thuận ngầm.

Vì có thỏa thuận ngầm đó, lực lượng võ trang Shia đã đứng ngoài cuộc, khi Hoa Kỳ mở chiến dịch oanh kích tại thành phố Tikrit –Irak.

Thế cân bằng của Mỹ giữa hệ phái Sunni và Shia

Thông tín viên của báo Le Figaro tại Washington nêu lên một nghịch lý : hai trang báo sát cạnh nhau của tờ Washington Post ngày 26/03/2015. Một dành để nói về sự can thiệp của Mỹ tại Tikrit, Irak để hỗ trợ chính quyền Bagdad và đồng minh thuộc hệ phái Shia đẩy lui quân khủng bố Sunni.

Trang thứ nhì xoáy vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ đối với Ả Rập Xê Út đang nỗ lực giúp Yemen, một nước Hồi giáo Sunni giữ được lãnh thổ trước đà tiến của phe nổi dậy Houthi.

Chính sách của Mỹ tại Trung Cận Đông thật khó hiểu. Washington đang ủng hổ phe Sunni hay Shia ? Một tư tưởng gia người Mỹ, Francis Fukuyama đánh giá : « tại Washington hiện không một ai đủ khôn ngoan, để có thể hoạch định ra một chính sách ổn định và công bằng cho Cận Đông trong một tương lai gần ».

Một chuyên gia khác thuộc trung tâm nghiên cứu Center of American Progress, Brian Katulis, vốn là một người thân cận với chính quyền Obama cũng phải nhìn nhận « không một ai trong vùng và kể cả Hoa Kỳ, có một chiến lược rõ ràng » về Cận Đông.

Để hiểu được tình hình Yemen, ngày nay, trước hết phải công nhận rằng Mỹ đã thất bại khi giúp chính quyền Sanaa trong nhiều năm trời đối phó với tổ chức khủng bố Al Qaeda.

Một trong những cộng tác viên của tổng thống Barack Obama là Martin Indyk, trong một bài báo gần đây cho rằng đã đến lúc Hoa Kỳ cần phải chọn một trong hai con đường : hoặc là liên kết với Iran, hai là thắt chặt quan hệ với các đồng minh truyền thống trong vùng Vịnh. Hiềm nỗi, Nhà Trắng không muốn phải chọn một trong hai hướng đã vạch ra.

Vả lại, theo như giải thích của chuyên gia Trung Cận Đông Brian Katulis, chính quyền Obama sợ rằng, đứng hẳn về một phe nào đó thì lại càng khiến khu vực này chóng tan rã. Hơn nữa, ưu tiêu hàng đầu của Hoa Kỳ chỉ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, tránh để khủng bố nổ ra ngay trên đất Mỹ.

Khác với chính quyền Bush trước đây, tổng thống Barack Obama « không muốn xây dựng lại Trung Đông hay dân chủ hóa các quốc gia trong vùng Vịnh ».

Trung Quốc đem lại hòa bình cho Afghanistan ?

Nhìn đến một quốc gia Hồi giáo khác là Afghanistan, trong phần bình luận về thời sự quốc tế của Le Monde, Alain Frachon nêu lên câu hỏi : Liên Xô và Mỹ đã thất bại, nhưng liệu Trung Quốc có thể đem lại hòa bình cho Afghanistan hay không ?

Có điều chắc chắn, là Bắc Kinh đang làm tất cả để đạt được điều đó. Tới nay Trung Quốc ít khi can thiệp vào những nơi dầu sôi lửa bỏng, nhưng khi Bắc Kinh quyết định thành lập « con đường tơ lụa của thế kỷ XXI » nối liền Nam và Trung Á với thì Trung Quốc đã thay đổi nước cờ.

Không phải ngẫu nhiên mà khi lên cầm quyền vào tháng 9/2014 tổng thống Ashraf Ghani đã ra mắt ông Tập Cận Bình trước khi sang Hoa Kỳ trình diện ông Obama.

Các tập đoàn Trung Quốc ngày càng hiện diện trong ngành khai thác quặng mỏ Afghanistan. Nhưng theo tác giả bài báo, bên cạnh những lợi ích kinh tế, điểm chính là Bắc Kinh không muốn Afghanistan rơi vào cảnh hỗn loạn như Irak một khi Hoa Kỳ rút khỏi quốc gia Nam Á này.

Chính vì vậy Bắc Kinh ráo riết tìm kiếm một giải pháp chính trị cho nước láng giềng có chung đường biên giới chưa đầy 100 cây số với mình, nhưng đó lại là cửa ngõ chạy thẳng vào Tân Cương.

Trung Quốc đã gặp riêng đại diện Taliban và thậm chí còn đề nghị đứng gia làm trung gian hòa giải giữa quân Taliban với chính quyền Kaboul. Những nỗ lực của Bắc Kinh không chỉ giới hạn ở Afghanistan, mà còn mở rộng tới cả Pakistan, điểm tựa của quân Taliban.

Một nhà ngoại giao lão thành của Mỹ, theo dõi hồ sơ Pakistan – Afghanistan từ hơn 30 năm qua, ông Barnett R. Rubin gần đây tiết lộ : Bắc Kinh rất rõ ràng nói với Islamabad là không muốn Taliban trở lại cầm quyền ở Afghansitan, mà muốn họ phải buông súng để rồi từng bước hội nhập trở lại với đời sống chính trị trên quê hương ông Hamid Karzai.

Alain Frachon kết luận : thực ra Trung Quốc và Mỹ cùng theo đuổi một mục đích. Nhưng Bắc Kinh có phương tiện để gây áp lực với Islamabad hơn Washington.

Trung Quốc hiện là nguồn cung cấp vũ khí số 1 cho Pakistan và cũng là nhà đầu tư quan trọng nhất đối nước này trong khá nhiều lĩnh vực từ điện lực đến giao thông, từ cơ sở hạ tầng đến các dự án xây đập thủy điện. Hoa Kỳ càng xích lại gần với Ấn Độ thì Trung Quốc càng củng cố quan hệ với Pakistan.

Vấn đề còn lại là Islamabad có ảnh hưởng tới cỡ nào với Taliban để có thể hy vọng đem lại hòa bình cho Afghanistan.
Trước mắt chính quyền của tổng thống Ghani đang rất mềm mỏng với Islamabad và bỗng dưng giữ khoảng cách với New Delhi.

Đông Nam Á tại Hội chợ nghệ thuật Paris

Trong số các sinh hoạt văn hóa cuối tuần, Le Monde giới thiệu qua Hội chợ nghệ nghệ thuật Paris, Art Paris Art Fair, tổ chức tại Grand Palais, quận 8 cho tới hết ngày 29/03/2015.

Ban tổ chức năm nay dành một vị trí quan trọng cho các họa sĩ Đông Nam Á. Singapore là khách mời danh dự với 8 gian trưng bày.
Nhưng bên cạnh đó còn có sự hiện diện của đông đảo nghệ sĩ đến từ các nước như Miến Điện, Cam Bốt, Thái Lan Philippines, Indonesia hay Malaysia.

Riêng Việt Nam, có tranh của khoảng hơn một chục họa sĩ Việt. Truy cập vào trang mạng của Hội chợ Art Paris, thấy có những tên tuổi như Bùi Công Khánh, Phạm Ngọc Dương, Lê Quang Đỉnh, Nguyễn Thái Tuấn, Vũ Dân Tài



Switch mode views: