Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-09-2014
- Thứ Năm, 11 tháng Chín năm 2014 21:44
- Tác Giả: Thanh Hà
Tổng thống Hollande, tứ bề thọ địch
Tổng thống Pháp François Hollande. Ảnh chụp tại điện Elysée, ngày 09/09/ 2014.
REUTERS/Christian Hartmann
Barack Obama, François Hollande là hai nhân vật chiếm hầu hết các mặt báo trong ngày. Về cuộc nói chuyện hôm 10/09/2014 của Tổng thống Mỹ trên đài truyền hình, làng báo Paris đồng loạt nhận định : Tổng thống Mỹ, « bước lên tuyến đầu chống Nhà nước Hồi giáo », ông « Obama sẵn sàng tấn công EI, kể cả ở Syria »,"Nhà nước Hồi giáo trong ống nhắm của ông Obama ".
Trong lúc đó Tổng thống Pháp, François Hollande không tuyên chiến với bất kỳ một ai nhưng đang trong thế « tứ bề thọ địch ».
« Tàu chìm », tựa lớn trên trang nhất của tờ Le Figaro thân hữu. Trong tất cả các mục tiêu đề ra để vực dậy kinh tế nước Pháp, sau hơn hai năm cầm quyền, ông Hollande không đạt được một điểm son nào, từ mục tiêu tăng trưởng, đến đẩy lui thất nghiệp, từ cam kết giảm bội chi ngân sách nhà nước đến giảm nợ công.
« Chính phủ bị tê liệt vì thất bại trong chính sách kinh tế », tựa lớn của báo trung lập Le Monde. Về ngân sách 2015, Pháp bị « dồn vào chân tường ».
Báo Cộng sản L'Humanité coi việc nước Pháp thời ông Hollande phải giảm dự phóng tăng trưởng và thông báo những biện pháp thắt lưng buộc bụng mới là một sự « đầu hàng » trước những áp đặt của Bruxelles. Tờ báo chạy tựa lớn trên trang nhất « Châu Âu, François Hollande không thương lượng, ông đầu hàng ».
Báo kinh tế Les Echos xoáy vào thất bại của Tổng thống Hollande trong việc giảm thâm hụt ngân sách Nhà nước : « Hồi chuông báo tử » cho những gì François Hollande đã cam kết trong thời gian vận động tranh cử. Trước khi bước vào điện Elysée, ứng cử viên của đảng Xã hội hứa « cân bằng » ngân sách Nhà nước vào năm 2017. Giờ đây Tổng thống Pháp chỉ mong thu hẹp bội chi ngân sách xuống còn 3 % GDP vào cuối nhiệm kỳ.
Libération thiên tả trong xã luận mang tựa đề « Bế tắc » đi thẳng vào vấn đề : « Không một chút hy vọng phục hồi kinh tế », « một viễn cảnh đen tối » đang mở ra với một vị tổng thống từng hứa hẹn cải thiện đời sống cho người dân.
Trong hai năm đầu nhiệm kỳ, chính quyền của đảng Xã hội cánh tả đã đòi người dân phải hy sinh nhiều.
Trả lời báo Libération, giáo sư kinh tế Hoàng Ngọc Liêm, giảng dậy tại đại học Sorbonne Paris 1 và cựu đại biểu châu Âu thuộc đảng Xã hội chỉ trích chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp với hy vọng tạo thêm công việc làm của ông Hollande.
Giáo sư Liêm nói : « khế ước trách nhiệm » là một sự lãng phí tiền của vô cùng to lớn. Ông quan niệm cặp bài trùng Hollande –Valls, ở thượng tầng cơ quan quyền lực đã đánh giá sai lệch tác động của khủng hoảng kinh tế tại châu Âu.
Vận đen của ông Hollande không dừng lại ở những thất bại về kinh tế. Về mặt chính trị, Thủ tướng Manuel Valls và đảng Xã hội cũng đang trải qua một giai đoạn hết sức khó khăn : các phe chống đối trong nội bộ ngày càng mạnh.
Đảng Xã hội cầm quyền xâu xé lẫn nhau tại đại hội đảng được tổ chức ở thành phố La Rochelle.
Thêm vào đó là vụ bê bối – không đóng thuế đúng thời hạn - của ông Thomas Thévenoud, khiến Quốc vụ khanh đặc trách về thương mại Pháp phải từ chức sau chưa đầy 10 ngày tham gia nội các. Một vụ bê bối càng làm mất uy tín của chính phủ, vào lúc mà Tổng thống Hollande, khi lên cầm quyền, đã hứa hẹn xây dựng một nền Cộng hòa trong sạch để làm gương.
« Nội chiến »
Về phương diện cá nhân, từ một tuần lễ qua, điện Elysée điên đầu với cuốn sách vừa được bà bồ cũ của Tổng thống Hollande tung ra. « Hollande phản công Trierweiller », tựa của Le Figaro.
Bà Trierweiller trong cuốn sách mới cho ra mắt công chúng bêu riếu ông tổng thống cánh tả không ưa thích người nghèo.
Cuốn sách của người từng là « đệ nhất tình nhân » khiến Tổng thống Hollande phải liên tục lên tiếng cải chính về cáo buộc này.
Sau khi đã phải điều chỉnh hình ảnh của mình một lần tại cuộc họp báo ở thượng đỉnh khối NATO vào tuần trước, hôm nay Tổng thống Hollande trả lời tạp chí Le Nouvel Observateur và tâm sự là ông bị « tổn thương » vì những cáo buộc cho rằng ông khinh rẻ người nghèo.
Les Echos tiếc là trong lúc tình hình đất nước đang « nóng bỏng » như hiện nay, Tổng thống Pháp lại phải mất thì giờ chứng minh về gốc gác bình dân của mình, để trả lời những gì người bạn đời cũ của ông viết ra.
Chẳng hạn như là ông thích ăn ngon, thích đi nhà hàng và ở khách sạn sang trọng, kểu cách trong đời sống hàng ngày. Ăn dâu thì đó phải là giống « gariguette », táo thì phải là táo của vùng Noirmoutier.
Obama lên tuyến đầu chống Nhà nước Hồi giáo
Trở lại với phần tin quốc tế, chủ đề nổi bật trong ngày là diễn văn trước quốc dân của Tổng thống Hoa Kỳ tối hôm qua.
Le Figaro dành nguyên một trang lớn để trình bày lại những điểm chính trong « kế hoạch hành động » của ông Obama.
Tác giả nêu lên một số những « kẽ hở » trong kế hoạch đó. Chẳng hạn như là mức độ tin cậy của các đối tác Ả Rập trong liên minh quốc tế. Lý do là cho tới nay, nhiều quốc gia trong vùng Vịnh bị nghi ngờ là đã ủng hộ các nhóm thánh chiến Su-ni tại Syria.
Le Figaro nhấn mạnh đến một số căng thẳng sâu đậm giữa một số nước trong vùng, chẳng hạn như giữa Thổ Nhĩ Kỳ hay Qatar với Ả Rập Xê Út.
Nghi vấn thứ nhì liên quan tới thực lực của các lực lượng nổi dậy Syria ôn hòa, giữa một bên là quân đội của Tổng thống Bachar Al Assad và bên kia là các lực lượng võ trang của Nhà nước Hồi giáo. Bất trắc thứ ba theo như tờ báo ghi nhận chính là sự lung lay của liên minh chính phủ Irak.
Libération thì nói tới « một sự thay đổi của Tổng thống Obama đối với quân thánh chiến Su-ni ».
Suốt mùa hè vừa qua chủ nhân Nhà Trắng bị chỉ trích kém cứng rắn trước các nhóm Hồi giáo vũ trang đang hoành hành tại Irak và Syria. Hai tuần lễ trước đây ông thú nhận chưa có « chiến lược » chống EI.
Một năm trước đây, trả lời báo New Yorker, cũng ông Obama từng coi Nhà nước Hồi giáo là một đội bóng rổ « mầm non ».
Phát biểu trước quốc dân một ngày trước kỷ niệm 11 Tháng 9, tổng thống Mỹ đã hoàn toàn « thay đổi giọng điệu » để chứng minh rằng Hoa Kỳ « sát cánh với những quốc gia muốn đối phó với mối đe dọa này ».
Châu Âu và giấc mơ độc lập
Bên cạnh diễn văn của Tổng thống Hoa Kỳ chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Irak, các tờ báo trong ngày quan tâm nhiều đến cuộc trưng cầu dân ý sắp diễn ra tại Scotland - Anh Quốc.
Le Figaro tìm hiểu vì sao hơn một nửa dân cư xứ này muốn tách rời ra khỏi quyền kiểm soát của Luân Đôn.
La Croix nhấn mạnh : Tại các vùng Cataluna của Tây Ban Nha, Scotland của Anh hay Flandre của Bỉ, nguyện vọng thoát khỏi các chính quyền trung ương ngày càng lớn. Điều làm châu Âu lo ngại.
Hàng trăm ngàn người Cataluna tập hợp đòi Madrid tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế độc lập của vùng lãnh thổ này.
Les Echos lưu ý độc giả : thực ra cả Scotland của Anh lẫn Cataluna của Tây Ban Nha đều là những vùng đã được hưởng nhiều quyền tự trị rộng rãi. Đặc biệt là trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục …
Khác biệt trong trường hợp của Scotland và Cataluna nằm ở chỗ, trong lúc Luân Đôn để cho Scotland quản lý hơn 50 % thuế thu được, thì ngược lại Cataluna có cảm tưởng là bị bóc lột khi phải đóng góp quá nhiều tiền thuế thu được của dân cho chính quyền trung ương. Đồng thời lại bị Madrid áp đặt các biện pháp thắt lưng buộc bụng.
Les Echos nêu lên một điểm quan trọng đó là vùng Cataluna chiếm đến 19 % trọng lương kinh tế của toàn quốc, bảo đảm đến ¼ xuất khẩu của Tây Ban Nha và đây cũng là vùng đất giàu có nhất nước, là « đầu máy công nghiệp và kinh tế » của toàn nước Tây Ban Nha.
Để so sánh, Scotland chỉ đem về có 10 % GDP cho Anh Quốc. Ngành ngân hàng và bảo hiểm là hai hoạt động kinh tế quan trọng của vùng này. Chưa kể là 90 % dự trữ dầu hỏa của vương quốc Anh đều nằm ở vùng biển thuộc về Scotland.
Nói cách khác trong cả hai trường hợp của Scotland và Cataluna, Luân Đôn và Madrid sẽ mất mát rất nhiều nếu như hai vùng lãnh thổ đó rời khỏi ngôi nhà chung của Anh Quốc và Tây Ban Nha.
Tình cuối của nhà thơ Paul Valéry
Gần 70 năm sau ngày nhà thơ Paul Valéry qua đời, phụ trang văn học của Le Figaro giới thiệu với độc giả tác phẩm mới nói về « mối tình cuối » của nhà thơ : Jeanne Loviton.
Khi tuổi đã về chiều, tác giả của « La Jeune Parque » yêu như điên dại một nhà văn trẻ lấy bút hiệu là Jean Voilier. Valéry đã viết cho người tình cuối rất nhiều thư và những bài thơ tình ngọt ngào trong thời gian họ quen biết nhau từ năm 1937 đến năm 1945 tức ngày Valéry qua đời.
Gặp nhau lần đầu vào năm tác giả của « Charmes » tuổi đã thất thập và ông đã ngự trị trên đỉnh cao văn đàn Pháp từ cả hơn một chục năm.
Về phần Jeanne Loviton, năm 1937 bà 34 tuổi. Là một phụ nữ phóng khoáng từng cặp đôi với rất nhiều người nổi tiếng, là một doanh nhân thành đạt, một nhà cầm bút, một luật sư, Jeanne là nguồn cảm hứng cuối cùng của Valéry. Bà đã chinh phục được được con tim già cỗi của nhà thơ.
Trong cuốn « Je suis fou de toi –Tôi yêu em điên cuồng », Dominique Bona trở lại với mối tình muộn của Paul Valéry. Trong đó nữ văn sĩ Bona trở lại với mối tình điên dại mà Valéry dành cho người tình trẻ của ông. Ông thành kính đặt Jeanne trên một chiếc bục cao. Quỳ gối trước mặt nàng, cầu khẩn van xin được sống những giây phút bên bà.
Trong lúc đó thì người phụ nữ trẻ vẫn lạnh lùng, thờ ơ và đôi khi bà thường hay đùa cợt trước thái độ nông nổi đó của một người đàn ông lớn tuổi.
Vì Jeanne, Paul Valéry đã phải thốt lên rằng « Người ta không được phép có sức quyến rũ, không được phép gieo vào lòng kẻ khác những kỷ niệm, ánh mắt, hay những tia hy vọng yêu thương (…) những thứ ấy xuyên thủng lòng tôi bất cứ lúc nào »
Cũng trong thời gian yêu Jeanne Loviton, Valéry đã dồn hết sức lực vào công việc sáng tác. Thế nhưng rồi quan hệ giữa hai người lạnh nhạt dần. Nàng thơ của ông nối lại liên hệ với những người tình cũ.
Một buổi sáng chủ nhật, đúng ngày lễ Phục sinh năm 1945 Jeanne chính thức chia tay với tác giả của « Monsieur Teste ».
Cú sét bên tai. Valéry rơi xuống tận cùng địa ngục. Valéry viết « Lễ phục sinh là ngày ta đi vào cõi chết ».Ngày 20/07/1945 ông qua đời mang theo nỗi buồn vô tận.
Tin mới
- Một nhân viên thiện nguyện Anh quốc bị ISIS cắt đầu - 14/09/2014 06:25
- Đức Giáo hoàng cảnh báo về Đệ Tam Thế Chiến - 14/09/2014 06:05
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-09-2014 - 13/09/2014 21:52
- Bắc Kinh kêu gọi các nước Trung Á chống khủng bố - 13/09/2014 17:46
- Ngành dầu khí Nga : Đích mới của trừng phạt Châu Âu - 12/09/2014 20:35
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-09-2014 - 12/09/2014 20:12
- RFI tiếng Việt có website mới - 12/09/2014 18:34
- Nước Mỹ tưởng nhớ nạn nhân khủng bố 11 Tháng 9 - 11/09/2014 23:25
- Triển lãm về 'Cải Cách Ruộng Đất' chết yểu (?) - 11/09/2014 23:11
- Hoa Kỳ sẽ tiêu diệt 'Nhà Nước Hồi Giáo' ISIS - 11/09/2014 23:03
Các tin khác
- Trung Quốc và Nga xây hải cảng tại Biển Nhật Bản - 11/09/2014 21:17
- Vatican muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam - 11/09/2014 16:01
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-09-2014 - 10/09/2014 21:08
- Thủ tướng Anh đến Scotland để cứu vãn sự toàn vẹn của vương quốc - 10/09/2014 20:36
- ‘Vua bài’ gốc Việt bị bắn chết ở Australia - 10/09/2014 15:54
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 09-09-2014 - 09/09/2014 19:42
- Irak lập chính phủ đoàn kết quốc gia chống Nhà nước Hồi giáo - 09/09/2014 19:25
- Lên án Bắc Kinh: Dân tranh đấu Hồng Kông cạo trọc - 09/09/2014 18:56
- Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm để đối đầu với Trung Quốc - 09/09/2014 18:34
- Định chế Lạt Ma hóa thân ‘‘đã hết thời’’ - 08/09/2014 21:46