Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm để đối đầu với Trung Quốc

sous marin kilo

Việt Nam hiện có 2 chiếc tàu ngầm và sẽ tiếp nhận chiếc thứ 3 cuối 2014 - DR


Việt Nam sắp tới đây sẽ có được một lực lượng hải quân có thể đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông với việc tiếp nhận những tàu ngầm hạng Kilo từ nước Nga.

Theo các chuyên gia được hãng tin Reuters trích dẫn trong một bản tin hôm qua 08/09/2014, lực lượng tàu ngầm nói trên có thể khiến Bắc Kinh phải cân nhắc thật kỹ trước khi đụng độ với Hà Nội tại các vùng biển tranh chấp.

Hiện nay, Việt Nam đang có trong tay hai chiếc tàu ngầm và sẽ tiếp nhận chiếc thứ ba vào tháng 11 tới trong khuôn khổ hợp đồng trị giá tổng cộng 2,6 tỷ đôla ký với Matxcơva vào năm 2009.

Mặc dù đều là hai quốc gia theo chế độ Cộng sản và trao đổi mậu dịch song phương Việt – Trung hiện đã lên tới 50 tỷ đôla, Hà Nội vẫn rất lo ngại trước tham vọng lãnh thổ Bắc Kinh, nhất là với việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông.

Khi Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở khu vực Hoàng Sa ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Hà Nội đã rất phẫn nộ và đã điều tàu cảnh sát biển đến khu vực giàn khoan này, nhưng đã bị các tàu lớn hơn của Trung Quốc đánh đuổi.

Theo các chuyên gia, một khi các tàu ngầm mua của Nga đi vào hoạt động hoàn toàn, Việt Nam sẽ có thể tiến hành các chiến dịch ngoài khơi cũng như chung quanh các căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa để ngăn chận việc xâm nhập vào các vùng biển của Việt Nam.

Điều này sẽ gây phức tạp thêm cho những tính toán của Trung Quốc khi tấn công vào các vị trí mà Việt Nam đang nắm giữ trên quần đảo Trường Sa hoặc khi nổ ra xung đột vũ trang ở các khu vực khai thác dầu khí, cho dù Bắc Kinh có một lực lượng hải quân mạnh hơn, với một đội tàu ngầm 70 chiếc.

Chuyên gia Collin Koh, thuộc Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, nhận định: “Đây là chiến lược bất đối xứng cổ điển mà một nước yếu thường sử dụng để đối đầu với một nước mạnh. Tôi nghĩ Việt Nam hiểu điều đó rất rõ. Vấn đề là họ có thể hoàn thiện chiến lược đó như thế nào.”

Theo Reuters, ngoài hai chiếc tàu ngầm hạng Kilo đã tiếp nhận, các thủy thủ Việt Nam cũng đang tập luyện trên chiếc tàu ngầm thứ ba ngoài khơi thành phố St Petersbourg trước khi chiếc này được giao cho Việt Nam vào tháng 11 tới.

Chiếc tàu ngầm thứ tư hiện đang được cho chạy thử ngoài khơi St Petersbourg và hai chiếc còn lại đang được đóng.

Hiện chưa biết là khi nào các thủy thủ Việt Nam mới điều khiển được hoàn toàn các tàu ngầm tối tân của Nga, nhưng một số chuyên gia nghĩ rằng chẳng bao lâu nữa, Hà Nội sẽ triển khai các tàu ngầm này ra vùng Biển Đông.

Ngoài việc được trang bị các thủy lôi tầm ngắn, tàu ngầm hạng Kilo từ dưới nước có thể phóng các tên lửa diệt hạm với tầm bắn 300 km.

Theo lời nhà nghiên cứu Siemon Wazeman, thuộc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong năm nay, Việt Nam đã tiếp nhận ít nhất 10 trong số 50 tên lửa diệt hạm Klub trong khuôn khổ một hợp đồng ký với Nga.

Theo Reuters, một chuyên gia về an ninh của Trung Quốc tại Hồng Kông cho rằng các nhà chiến lược gia của Bắc Kinh đang quan ngại về những tàu ngầm của Việt Nam.

Về phần các quan chức quân sự cao cấp của Việt Nam thì cho Reuters biết họ hài lòng về những tiến bộ đạt được và khẳng định là việc tập luyện trên biển và việc đưa các tàu ngầm vào kế hoạch phát triển lực lượng hải quân đang diễn ra êm thắm.

Cũng theo Reuters, các cựu thủy thủ tàu ngầm phương Tây nói họ ngạc nhiên trước tiến bộ đạt được của Việt Nam, mặc dù phát triển một lực lượng tàu ngầm là một thách đố to lớn đối với nước này.

Nhất là so với Philippines, một quốc gia khác cũng đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, nhưng hiện chưa có tàu ngầm hay chiến hạm tối tân nào.


Switch mode views: