Thủ tướng Ý Matteo Renzi sau một năm cầm quyền
- Thứ Bảy, 21 tháng Hai năm 2015 02:14
- Tác Giả: Huê Đăng, Tú Anh
Thủ tướng Ý Matteo Renzi trong hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo Châu Âu, Bruxelles, 27/06/2014.REUTERS/Francois Lenoir
Chính phủ Ý Matteo Renzi tròn một tuổi. Đây cũng là thời gian khá “thọ” trong chính trường Ý.
Ngôi sao mới 40 tuổi với biệt danh “rottomatore” tháo bù lon rỉ sét đã làm được những gì cho nước Ý, sau nhiều năm thao túng của nhà tỷ phú Silvio Berlusconi ?
Thông tín viên Huê Đăng từ Roma phân tích.
Ngày 22 tháng 2 sắp tới chính phủ của Matteo Renzi sẽ ăn “thôi nôi” đầy năm.
Một năm, mà theo phần lớn báo chí, được xem như là một năm cực kỳ sống động, nhiều ghềnh lắm thác, có lúc tưởng như sắp sửa bị đánh ngã, trong đó có thể nhận thấy chính phủ đã làm được một số việc, nhất là những quyết định mang tính đổi mới trong một cơ chế nhà nước tương đối bị chỉ trích vì có quá nhiều sơ cứng bất cập, nhưng cũng có một số việc đã không làm được như chính Matteo Renzi đã hứa hẹn khi lên nắm chính quyền.
Người ta có thể bàn xuôi nói ngược nhiều cách về thành quả “thôi nôi” của chính phủ Matteo Renzi, nhưng có một điều chắc chắn là công luận không thể chối cãi được là Matteo Renzi, ngoài việc là Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Ý (khi lên nắm chính phủ hồi năm ngoái ông cũng chưa được 40 tuổi), với cung cách hành xử năng động, quyết định mọi chuyện một cách nhanh chóng, giảm bớt tối đa những kiểu cách làm ăn hành chánh quan liêu của cơ chế nhà nước, ông đã làm cho nước Ý phần nào thay đổi được bộ mặt: nhanh nhẹn hơn, năng động hơn, trẻ hóa chính phủ.
Dù rằng những thay đổi đó cho đến nay cũng chưa đủ sức để làm một cuộc “cách mạng đổi đời” như người ta mong muốn, nhưng nó cũng đã làm cho cỗ xe rỉ sét của nước Ý bắt đầu phải chuyển bánh sau mấy thập niên gần như dậm chân tại chổ.
Và đặc biệt, ngoài dự tưởng của phần lớn các nhà bình luận chính trị hồi năm ngoái, Chính phủ Matteo Renzi cũng đã khôi phục lại vị trí của nước Ý trên sân khấu quốc tế, vốn đã bị lu mờ nặng nề trong suốt những thập niên của chính phủ trung hữu Silvio Berlusconi, thậm chí còn bị thế giới chê cười nhạo báng bởi những vụ xì căn đan “đậm màu trác táng” của chính Silvio Berlusconi.
“Bối cảnh chính trị một năm trước”
Một số chuyên gia phân tích chính trị thì cho rằng những thắng lợi mà Matteo Renzi thu được trong năm qua phần lớn cũng vì nước Ý lúc ấy đang ở trong tình trạng cực kỳ hỗn loạn, giống như con đường toán học parabol khi đã xuống đến tận cùng thì chỉ có mỗi cách là bắt đầu đi lên (người ta còn nhớ đến kết quả bầu cử Quốc hội hồi tháng hai năm 2013 đã không cho phép có được một đa số để lập chính phủ, và thậm chí sau đó cũng đã không đủ khả năng bầu ra Tổng thống mới đến độ Tổng thống Giorgio Napolitano, người đang sắp sửa bước vào tuổi 90, phải hy sinh ở lại nhiệm kỳ thứ hai, điều từ xưa đến nay chưa hề xẩy ra).
Nhưng nói như thế thì cũng không hẳn hoàn toàn chính xác. Có thể nói rằng đối với đại đa số cử tri Ý, dù có đồng thuận hay không với chính phủ Matteo Renzi, cũng công nhận là Matteo Renzi là “lá bài cuối cùng” mà các lực lượng chính trị trung-tả có thể có, vì sau Matteo Renzi thì chỉ còn có những lực lượng mị dân tẩy chay chính trị, cưỡi làn sóng phản đối của cử tri trước một giới chính trị bị quá nhiều tai tiếng vì tha hóa và tham nhũng, nhưng chắc chắn là không có khả năng xây dựng để cải tổ guồng máy nhà nước và đưa nước Ý ra khỏi cơn khủng hoảng.
Một số người cũng nhận xét rằng chính Matteo Renzi cũng đã cưỡi làn sóng phản đối của cử tri để lên nắm chính quyền, nhất là với khẩu hiệu lừng lẫy của ông ta là “cần phải đổi mới nhân sự” (ý muốn nói đổi mới giai cấp lãnh đạo chính trị) khiến ông ta được báo chí mệnh danh là “rottamatore”, theo nghĩa đen tức là người chuyên môn tháo gỡ vứt bỏ đồ phế liệu.
Điều này phần nào cũng có lý, và chính đây là sức mạnh tạo uy tín lớn ban đầu cho Matteo Renzi.
Nhưng cũng phải nói là Matteo Renzi là một nhà chính trị … giỏi đánh xì phé.
Ông ta có biệt tài là vận dụng sắp xếp những con bài, thậm chí những con bài xem ra hoàn toàn bất lợi, vào một tiến trình tuần tự để rồi toàn canh bạc … đem thắng lợi về cho ông ta.
Đơn giản một thí dụ: Matteo Renzi khi lên nắm chính phủ bị một “vết tì” chính trị: chính phủ của ông không phải là một chính phủ đẻ ra từ một đa số của Quốc hội, và ông lên nắm chính phủ sau khi đã làm một cú “đảo chính” ngay trong đảng Dân chủ để nắm quyền kiểm soát phần lớn Ban chấp hành trung ương đảng, và từ đó, ông đã “thúc đẩy” Thủ tướng tiền nhiệm là ông Enrico Letta từ chức để ông lên nắm quyền Thủ tướng.
Cần nói cho rõ: tất cả những điều nói trên không có điều gì vi hiến, nhưng nó là mọt “vết tì” về mặt chính trị, bởi vì ông Enrico Letta cũng là người cùng đảng Dân Chủ với Matteo Renzi.
Điều này, đã khiến ngay trong nội bộ đảng Dân Chủ cũng đã bắt đầu có những tiếng nói không mấy đồng thuận với Matteo Renzi, và vì chính những đại biểu Quốc hội của đảng Dân Chủ không phải hoàn toàn là những người thuộc về phe của Matteo Renzi, nên chính Matteo Renzi cũng thừa biết là ông ta không thể giao hết số mạng chính phủ vào tay đảng Dân Chủ của ông.
Cần phải có thêm một lực lượng chính trị “sơ-cua” để bảo đảm tuổi thọ cho chính phủ. Tới đây thì chính Matteo Renzi đã nhanh chóng nhận ra điểm yếu của Silvio Berlusconi: tuy rằng đảng Forza Italia của Silvio Berlusconi nằm trong phe đối lập chính phủ, nhưng Silvio Berlusconi có quá nhiều quyền lợi, nhất là những quyền lợi kinh tế, nên không thể nào có thể chịu đứng bên lề “cuộc chơi”.
Thế là Matteo Renzi, trên danh nghĩa là cùng nhau bàn cãi các đề luật sửa đổi hiến pháp và thay đổi Quốc hội, đã mời Silvio Berlusconi, như một lực lượng đối lập, vào bàn đàm phán, cái mà báo chí vẫn mệnh danh là “Thỏa thuận Nazareno”, tức là ý nói thỏa thuận ngầm mà Renzi và Berlusconi đã đồng ý với nhau khi hai bên gặp nhau ở trụ sở đảng Dân Chủ hồi tháng giêng năm 2014.
Và để không bị loại ra khỏi các “cuộc chơi”, Silvio Berlusconi đã phải chấp nhận cho đảng Forza Italia bỏ phiếu ủng các đề luật cải tổ của chính phủ Renzi đề ra. Điều này cho phép trong năm qua Matteo Renzi tránh bị áp lực của các lực lượng thiểu số chống lại mình ngay trong đảng Dân Chủ, bởi vì mỗi khi bỏ phiếu thông qua các đề luật, chính phủ Renzi có được một số phiếu ủng hộ đến ngay từ phía đảng đối lập Forza Italia của Silvio Berlusconi.
Điều kể trên, trong chừng mực nào đó, cũng là cái giá chính trị mà Matteo Renzi phải chấp nhận khi ông ta biết rằng mình không kiểm soát hoàn toàn 100% đại biểu của đảng Dân Chủ hiện nay trong Quốc hội.
Cũng chính vì quyết định dùng Silvio Berlusconi để “phòng thân” cho chính phủ, trong năm qua Matteo Renzi cũng bị khá nhiều chỉ trích đến từ các lực lượng tả trong nội bộ đảng Dân Chủ cũng như từ các cử tri trung-tả vốn có nhiều dị ứng với Berlusconi.
Thậm chí còn có những lời mỉa mai rằng Matteo Renzi chỉ là bản sao của Silvio Berlusconi, nhưng không bị nhiểm vi khuẩn “bunga-bunga”.
Và có thể nói là nước cờ “tay đôi” nói trên của Matteo Renzi đã cho phép chính phủ vượt qua nhiều lần thử thách trong Quốc hội trong năm qua.
Nhưng nước cờ này … đã bắt đầu hết hiệu lực kể từ sau khi Quốc hội Ý đã bầu ông Sergio Mattarella vào ghế Tổng thống Ý.
Trước hết phải nói là cách chuẩn bị lực lượng dàn quân, và quyết định chọn ông Sergio Mattarella ứng cử vào ghế Tổng Thống, là một thành công chính trị cực lớn của Matteo Renzi.
Người ta còn nhớ năm 2013, trong quá trình bầu Tổng Thống Ý, đảng Dân Chủ đã bị chia rẽ đến độ ứng cử viên chính thức do đảng đề cử lúc ấy là ông Romano Prodi cũng đã không hội đủ phiếu của toàn đại biểu đảng Dân Chủ (bỏ phiếu kín).
Tức là dù rằng trên lý thuyết Romano Prodi do đảng Dân chủ chính thức đề cử, nhưng sự chia rẻ trầm trọng trong đảng Dân Chủ đã khiến Romano Prodi bị chính 101 đại biểu đảng Dân Chủ không bỏ phiếu cho mình: thời ấy người ta gọi đấy là “hội chứng 101 của đảng Dân Chủ”.
Lần bầu cử năm 2015 lần này, phải nói là đảng Dân Chủ nói chung, Matteo Renzi nói riêng, rất ngại “hội chứng 101” có thể tái diễn, và nếu hội chứng này diễn ra thì coi như uy tín của đảng Dân Chủ và của riêng Matteo Renzi sẽ tiêu tan ra tro bụi.
Chính vì thế mà Matteo Renzi đã chuẩn bị dò xét tình hình nội bộ đảng rất kỹ lưỡng, tham khảo đầy đủ các phe phái trong đảng để đi đến một quyết định thống nhất, đảm bảo tránh được “hội chứng 101”.
Và đúng là quyết định chọn ông Sergio Mattarella, một cựu đại biểu của đảng Dân Chủ, đương kim là Thẩm phán của Tòa án hiến pháp, đã cho phép đảng Dân Chủ thống nhất toàn bộ, và việc bỏ phiếu bầu ông Sergio Mattarella đã thành công hơn cả dự tưởng – tức là số phiếu tính ra còn cao hơn số phiếu của đảng Dân Chủ cộng với những lực lượng chính trị khác tuyên bố chính thức ủng hộ ông Sergio Mattarella.
Nhưng … sự kiện chính trị thành công trong việc bầu ông Sergio Mattarella vào ghế Tổng Thống cũng đã gây ra khủng hoảng trầm trọng trong quan hệ giữa Matteo Renzi và Silvio Berusconi.
Chẳng qua bởi vì Silvio Berlusconi muốn đề cử một nhân vật khác vào ghế Tổng Thống, một nhân vật, nếu không hẳn là người của Silvio Berlusconi, thì ít ra cũng là người có “quan hệ tốt” với Silvio Berlusconi.
Và chính Silvio Berlusconi cũng đã tuyên bố công khai sau đó rằng trong “Thỏa thuận Nazereno” với Matteo Renzi có điều khoản là người được đưa vào chức vụ Tổng thống phải là người mà cả Matteo Renzi và Silvio Berlusconi cùng đồng ý.
Và đấy cũng chính là nguyên nhân vì sao mà Silvio Berlusconi trong năm qua đã chấp nhận bỏ phiếu ủng hộ một số đề luật của chính phủ Matteo Renzi, đại khái là một thứ, nói theo cách nói của Silvio Berlusconi, “bánh sáp đi bánh quy lại”.
Nhưng khổ nỗi là chính Sergio Mattarella là nhân vật mà Silvio Berlusconi hoàn toàn bị “dị ứng”.
Ngoài những nhận định riêng của Silvio Berlusconi về nhân vật Sergio Mattarella, vấn đề là ngay trong quá khứ giữa Silvio Berlusconi và Sergio Mattarella đã xẩy ra một “tì vết để đời” đối với Silvio Berlusconi.
Đó là năm 1990, lúc đó Silvio Berlusconi chưa trực tiếp tham chính, ông ta chỉ là một đại gia thành công trong lãnh vực bất động sản và đang bắt đầu nhảy vào lãnh vực vô tuyến truyền thông.
Cha đỡ đầu chính trị trong các kế hoạch làm ăn của Silvio Berlusconi thời đó là cựu Tổng thư ký đảng Xã Hội Bettino Craxi, người sau này đã bị truy tố về tham nhũng hối lộ trong chiến dịch “bàn tay sạch” vào đầu những thập niên 90.
Lúc đó chính phủ Ý, với sự hậu thuẫn che chở của Bettino Craxi, đã đưa ra một đề luật, còn gọi là luật Mammì, lấy tên của Oscar Mammì vốn là Bộ trưởng Bộ viễn thông thời đó, để phá bỏ độc quyền nhà nước trong việc phát sóng vô tuyến truyền hình ở tầm quốc gia, cho phép tư nhân có quyền bao thuê băng tần để phát sóng.
Và ai cũng biết, chính đề luật này là nhằm mở cửa dọn đường cho Silvio Berlusconi vốn đang đầu tư vào lãnh vực vô tuyến tuyền thông tư nhân.
Và chính ông Sergio Mattarella, lúc ấy là Bộ trưởng bộ giáo dục, đã từ chức để phản đối việc thông qua đề luật nói trên, một thứ luật mà theo ông,chỉ được nặn ra cốt để tạo thuận lợi riêng tư cho cá nhân ông Berlusconi.
Đấy chính là “tì vết” mà sau này Silvio Berlusconi vẫn còn “oán” Sergio Mattarella.
Đấy chính là nguyên nhân vì sao mà Silvio Berlusconi lại dị ứng với quyết định của Matteo Renzi đề cử ông Sergio Mattarella vào chức Tổng Thống.
Dù rằng trước khi bỏ phiếu, ông Silvio Berlusconi đã công khai tuyên bố là đảng Forrza Italia sẽ không bỏ phiếu cho Sergio Matterella, và ông ta tuyên bố rằng Matteo Renzi đã “phản bội” lại các điều khoản trong “Thỏa hiệp Nazareno”.
Hư thực như thế nào thì không ai rõ, bởi vì chẳng có một chứng từ chính thức nào được ký kết giữa Matteo Renzi và Silvio Berlusconi.
Có điều là sao khi bầu cử thành công ông Sergio Mattarella vào chức vụ Tổng thống thì Silvio Berlusconi đã tuyên bố hủy bỏ “Thỏa hiệp Nazareno”, và hiện nay, đảng Forza Italia đang bỏ phiếu chống lại tất cả các dự luật thay đổi hiến pháp và luật bầu cử mà chính đảng Forza Italia đã bỏ phiếu thuận cách đây vài tuần.
Một năm chật vật cải cải cách
Một năm trôi qua, chính phủ Matteo Renzi đã làm được một số điều luật cải cách và đổi mới cơ chế nhà nước, chẳng hạn như thay đổi một số điều khoản trong luật lao động (Jobs Act) để tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất thu nhận lao động để tìm cách tăng công ăn việc làm, một số điều luật để nhà nước có thể thanh toán chi trả nhanh chóng những công trình mà các cơ sở sản xuất đã giao cho nhà nước, để tạo điều kiện cho phép các cơ sở này có khẳ năng quay vòng vốn nhanh chóng, tránh cảnh bi vỡ nợ vì không được nhà nước chi trả đúng hạn kỳ, một số điều luật chấn chỉnh lại guồng máy hành chính nhà nước.
Sắc lệnh của chính phủ nhằm tăng 80 Euro mỗi tháng cho những lao động có thu nhập hàng năm dưới 26 ngàn Euro, giảm thuế doanh nghiệp 10%.
Tuy nhiên, những dự luật quan trong như thay đổi hiến pháp, bãi bỏ Thượng viện, sửa đổi luật bầu cử Quốc hội … cho đến nay vẫn còn đang nằm vật vờ ở Quốc hội, và với quyết định đối lập 100% của Silvio Berlusconi thì rất có thể là những đề luật này sẽ có nhiều khó khăn để được Quốc hội thông qua.
Đứng về mặt chính trị mà nói thì trong năm qua, với lãnh đạo của Matteo Renzi, đảng Dân Chủ đã thắng cử lớn hồi tháng năm 2014 trong kỳ bầu cử Quốc hội Châu Âu: đảng Dân Chủ của Mattteo Renzi là đảng trung-tả duy nhất ở Châu Âu thắng cử, trong khi ở Pháp, đảng Xã Hội và ở Anh, đảng Labour đều bị mất phiếu.
Thêm vào đó, trong khi ở đa số các nước Châu Âu khác, trong kỳ bầu cử Quốc hội Châu Âu vừa qua các lực lượng chính trị bài ngoại tẩy chai Châu Âu như đảng Front National của bà Le Pen ở Pháp, hay đảng UKIP của Nigel Farage ở Anh đều được tăng phiếu một cách đáng ngại, thì ở Ý, đảng Dân Chủ của Matteo Renzi đã có khả năng ngăn chận được làn sóng bài ngoại tẩy chay Châu Âu của những lực lượng mị dân như đảng 5 sao của hề Beppe Grillo, hay đảng Lega Nord của Matteo Salvini.
Đấy là một thành công lớn về mặt chính trị, và cũng có nghĩa là uy tín của Matteo Renzi đang được củng cố.
Cũng chính nhờ vào việc thắng cử vẻ vang hồi tháng 11 vừa qua, trong các vòng đàm phán chính phủ Matteo Renzi đã giành được ghế Cao ủy đối ngoại và an ninh của Ủy Ban Châu Âu cho bộ trưởng ngoại giao Ý lúc đó là bà Federica Mogherini.
Một trong những điều bất ngờ trong năm qua là khả năng hoạt động năng động của Matteo Renzi trên sân khấu quốc tế, điều mà trước đó rất đông chuyên gia theo dõi chính trị Ý đều cho rằng Matteo Renzi cần phải có thêm thời gian để tạo cho mình một thế đứng trên sân khấu chính trị quốc tế.
Ngoài việc Matteo Renzi đã thành công trong quá trình giành được ghế Cao ủy ngoại giao và an ninh cho Ý, chính Matteo Renzi đã chủ động đi thăm rất nhiều quốc gia trên thế giới để tìm cách tạo thuận lợi trong các quan hệ song phương, trong đó có việc Matteo Renzi đã công du sang Châu Á hồi tháng sáu vừa qua, và lần đó Matteo Renzi đã ghé sang Việt Nam: đây là Thủ tướng Ý đầu tiên đến thăm Việt Nam.
1000 ngày cho tương lai
Trong tương lai thì tình hình triển vọng của chính phủ Matteo Renzi sẽ ra sao ?
Trước hết là việc ông Silvio Berlusconi tuyên bố thay đổi mọi quan hệ với chính phủ Renzi sẽ đưa ra những kịch bản mới.
Người ta không biết là liệu chính phủ Matteo Renzi, không có những lá phiếu của phía đảng Forza Italia của Silvio Berlusconi, sẽ có đủ khả năng vượt qua các ghềnh thác để đưa các đề luật thay đổi hiến pháp và luật bầu cử mới đến mục tiêu hay không.
Và cho dù là chính phủ Matteo Renzi có đủ khả năng có được đa số trong Quốc hội để thông qua các dự luật trên, nhưng đó là những dự luật mang tính thay đổi hiến pháp thì về mặt ý nghĩa chính trị cũng là một “vết tì” mà đảng Dân Chủ cần phải tránh để không bị mang tiếng “độc tài” hay kiểu “cả vú lấp miệng em” ở Quốc hội.
Nếu vì một lý do nào đó mà các đề luật nói trên không sớm được thông qua, dự tính là nội tháng ba sắp tới, thì cũng khó mà không nghĩ đến việc giải tán Quốc hội cho đi bầu lại trước mãn nhiệm kỳ.
Cho đến nay thì chính Matteo Renzi vẫn một mực tuyên bố là chính phủ sẽ thọ cho đến hết nhiệm kỳ Quốc hội hiện nay là năm 2018, và ông ta không hề muốn đi bầu lại Quốc hội.
Nhưng trên thực tế, có lẽ các con tính của Matteo Renzi trên canh bạc hiện nay không đơn giản như thế.
Trước nhất là vấn đề uy tín chính trị. Matteo Renzi cho đến nay vẫn còn phải chịu “vết tì” là tất cả các đại biểu Quốc hội của đảng Dân Chủ hiện nay không phải là những đại biểu được bầu vào Quốc hội dưới sự lãnh đạo đảng Dân Chủ của chính Matteo Renzi (đó là năm 2013, và Tổng thư ký đảng Dân Chủ lúc đó là Luigi Bersani, người đã thất bại trong việc lập chính phủ sau bầu cử Quốc hội), điều này có nghĩa là tất cả các đại biểu của đảng Dân Chủ không phải là những người mà Matteo Renzi có thể kiểm soát hoàn toàn.
Bản thân của Matteo Renzi cũng không phải là đại biểu Quốc hội. Và nhất là vẫn còn có những ý kiến cho rằng Matteo Renzi lên nắm chính phủ không phải thông quá lá phiếu bầu cử Quốc hội mà là do những “nước cờ” mà Matteo Renzi đã “lật” được chính phủ của Enrico Letta trước đây.
Nếu phải đi bầu cử lại ngay lúc này, thì trước nhất Matteo Renzi có thể gột rửa được những vết tì chính trị kể trên, kế tiếp là Matteo Renzi, sau kinh nghiệm thắng cử hồi tháng năm vừa qua, hy vọng là sẽ thắng cử lớn trong kỳ bầu cử Quốc hội, nhất là trong tình hình hiện nay đảng Forza Itala của Berlusconi nói riêng, các lực lượng hữu và trung hữu nói chung đang gặp nhiều khó khăn, chia rẽ.
Nhưng đó là những nhận xét của giới chuyên gia phân tích chính trị Ý.
Trên giấy trắng mực đen thì chính Matteo Renzi vẫn tiếp tục tuyên bố rằng Quốc hội hiện nay sẽ đi hết nhiệm kỳ của mình đến năm 2018.
Tuy nhiên dù sẽ có phải đi bầu lại hoặc Quốc hội sẽ tồn tại cho đến hết nhiệm kỳ, có thể nói là những thử thách lớn nhất của chính phủ Matteo Renzi trong thời gian tới và vấn đề nợ nhà nước và tình trạng kinh tế sản xuất vẫn còn trì trệ.
Theo tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Ý thì cho đến cuối năm 2014 số nợ nhà nước đã lên đến 2140 tỉ Euro, tương đương với 131,6% trên tổng sản lượng nhà nước GDP của Ý.
Dù rằng hiện nay tình trạng nợ nhà nước của Ý chưa đến độ Ủy Ban Châu Âu phải có bất cứ một biện pháp nào, tất cả đều được dời sang đến tháng ba sẽ xét nghiệm lại nợ nhà nước của Ý.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, một số báo chí như tờ Washington Post hôm 17/02 vừa qua đã cho rằng “nợ nhà nước của Ý như là một trái bom nổ chậm của Châu Âu”.
Thực ra thì vấn đề nợ nhà nước gắn liền với mức độ tăng trưởng kinh tế.
Nếu mức độ tăng trưởng GDP lên cao thì con số phần trăm của nợ nhà nước trên GDP sẽ giảm.
Vấn đề là trong những năm qua, mức độ tăng trưởng GDP của Ý xuống quá thấp, thậm chí như năm 2014 con số tăng trưởng lại là số âm -0,4%.
Và về mặt xã hội thì tình trạng trì trệ phát triển kinh tế cũng có nghĩa là con số công ăn việc làm bị thuyên giảm.
Hiện nay vẫn theo thống kê nhà nước thì con số thất nghiệp ở Ý đã lên đến 12,9%.
Có thể nói là dù chính phủ nào lên cầm quyền ở Ý, thử thách thực sự vẫn là vấn đề ngân sách nhà nước và tình trạng kinh tế suy thoái.
Tin mới
- Hy Lạp bị chủ nợ đặt vào thế phải cải cách - 20/03/2015 22:31
- Xung đột sắc tộc ở miền bắc, quan hệ Miến Điện -Trung Quốc rạn vỡ - 18/03/2015 19:08
- Việt Nam và Úc trên đà tiến tới quan hệ đối tác chiến lược - 18/03/2015 00:14
- Chỉ điểm và đạo đức, vấn đề nhức nhối thời hậu Cộng sản ở Đông Âu - 17/03/2015 05:15
- Luật biểu tình tiếp tục bị “treo” - 09/03/2015 19:30
- Vụ MH 370 : Vẫn những câu hỏi không lời giải - 07/03/2015 18:48
- Đường sắt Thái Lan biến thành đấu trường Nhật-Trung - 06/03/2015 20:11
- Từ Mao Trạch Đông tới Tập Cận Bình - 03/03/2015 20:48
- Biển Đông: Thế trận đảo nhân tạo Trung Quốc đe dọa Việt Nam - 02/03/2015 19:22
- Nhật Bản tham vấn nhân sĩ về lịch sử và tương lai đất nước - 27/02/2015 06:20
Các tin khác
- Tổng thống Nga thăm Hungary để chứng tỏ không bị cô lập - 19/02/2015 23:27
- Biển Đông : Việt Nam phải ‘’ tứ diện giáp công ’’ để tranh thủ Malaysia - 16/02/2015 16:52
- Thượng đỉnh Châu âu : Nợ Hy Lạp và kế hoạch chống khủng bố - 13/02/2015 15:57
- Hoa Kỳ duy trì sức ép với Nga dù không đàm phán tại Minsk - 13/02/2015 15:48
- Tuồng Hát Bắt Đầu - 11/02/2015 07:19
- Quan hệ Mỹ-Thái trục trặc, Trung Quốc thừa cơ hội lấn sân - 10/02/2015 17:12
- Điện Kremli tăng cường kiểm soát internet - 06/02/2015 21:04
- NATO thành lập « lực lượng mũi nhọn » bảo vệ sườn đông Âu - 05/02/2015 23:05
- Hy Lạp sẽ là tai mắt của Nga trong châu Âu ? - 04/02/2015 19:33
- Cuộc chiến dầu hỏa trên biển - 03/02/2015 17:23