Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Từ cuộc đổ bộ Normandie đến hiệp ước tự do thương mại xuyên Đại Tây dương

Phap-My

Tổng thống Hoa Kỳ Obama và đồng nhiệm Pháp Hollande tại nghĩa trang Mỹ Colleville-Sur-Mer - AFP / DAMIEN MEYER


Hoa Kỳ và Châu Âu cần phải đoàn kết trong một liên minh thương mại để tìm lại mức độ tăng trưởng cao và duy trì thế lực đối đầu với những nước đang lên.

Trong bối cảnh đại lễ kỷ niệm chiến dịch đổ bộ Normandie giải phóng nước Pháp và châu Âu khỏi chế độ Đức Quốc xã, giới chính trị và doanh nghiệp hai bờ Đại Tây dương xem Trung Quốc, chứ không phải Nga, là thách thức tương lai.

Ý tưởng « đồng minh xuyên Đại Tây dương » đã được khơi dậy qua chiến dịch « Hải Vương Tinh » đổ bộ lên bờ biển Normandie phía Tây Bắc nước Pháp, ngày 06/06/1944, và được cụ thể hóa với chương trình viện trợ ồ ạt tái thiết châu Âu được đặt tên là kế hoạch Marshall ba năm sau đó.

Với nhận định này, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Pháp và Hiệp Hội Ký ức thành phố Caen, nơi mà hàng chục ngàn dân bị thiệt mạng dưới hàng ngàn tấn bom của đồng minh, trong ba tuần xung đột giữa Mỹ và Đức, tổ chức một ngày hội thảo quy tụ sinh viên,chính trị gia, giáo sư đại học và doanh nhân chủ nhân xí nghiệp.

Ưu tư của doanh nhân và chuyên gia kinh tế hai bờ Đại Tây dương là phải nhanh chóng thông qua Hiệp định Thương mại Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương gọi tắt là TTIP (Transatlantic Trade and Investment Partnership) thiết lập vùng mậu dịch tự do rộng nhất thế giới.

Tiến trình đàm phán TTIP, gay go không kém dự án Hiệp ước Thương mại Tự do Xuyên Thái Bình dương TPP, nhưng mới ở giai đoạn đầu mà vòng thứ năm diễn ra từ ngày 19 đến 23 tháng 5 vừa qua.

Xã hội dân sự và nhiều chính khách Châu Âu than phiền không được thông tin minh bạch về nội dung đàm phán và do vậy họ lo ngại các chuẩn mực về an toàn thực phẩm trong Liên Hiệp Châu Âu sẽ không được tôn trọng một khi mở rộng thị trường nhập khẩu hàng hóa Mỹ theo những chuẩn mực khác về chất bảo quản hay chăn nuôi.

Do bận tiếp đón các phái đoàn nguyên thủ và ngoại giao quốc tế đến Pháp dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày đồng minh đổ bộ lên Normandie, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius không đến dự hội thảo nhưng qua thông điệp truyền hình, ông nhấn mạnh đến nhu cầu hai bờ Đại Tây dương, dù quyền lợi có dị biệt đến đâu, cũng cần phải có nhau để đối phó với những cuộc khủng hoảng hiện tại.

Ngoại trưởng Pháp không quên nhắc lại là chỉ một mình Hoa Kỳ và và Liên Hiệp Châu Âu không thôi đã đại diện cho gần 50% tổng sản xuất thế giới và một phần ba trao đổi quốc tế.

Cũng như trong tiến trình đàm phán hiệp định TPP xuyên Thái Bình dương với châu Á , Hoa Kỳ muốn nhanh chóng ký kết với Tây Âu hiệp định TTIP.

Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ Thomas Donahue, nhân vật có thế lực vừa kêu gọi chính quyền Mỹ bỏ cấm vận Cuba, tuyên bố tại Caen : Chúng ta cần một liên minh Đại Tây dương hùng mạnh vì không thế phát triển với tỷ lệ tăng trưởng là con số không hay với 1% hay 2%.

Theo chủ tịch Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, giải pháp hiệu quả nhất để phương Tây hùng mạnh là đạt đến thỏa thuận trao đổi thương mại tự do.

 Vấn đề là ở châu Âu nhất là các tổ chức bảo vệ môi trường, sức khỏe, an toàn thực phẩm không muốn hàng hóa Mỹ không theo chuẩn mực của Bruxelles tràn ngập tủ lạnh, nhà bếp, quán ăn ở châu Âu.

Nhưng tại sao phải cần một « liên minh xuyên Đại Tây dương mới » nếu chỉ để nâng tỷ lệ tăng trưởng ?

Theo lập luận của cựu Thủ tướng vùng Québec tự trị ở Canada, ông Jean Charest, một người có kinh nghiệm đàm phán quốc tế thì cuộc cờ TTIP có tầm chiến lược sinh tử vượt lên trên dị biệt quyền lợi thương mại của Đại Tây dương.

Trong chủ đề thảo luận làm cách nào đem lại sức bật mới cho liên minh Đại Tây dương 70 năm sau trận Normandie và kế hoạch tái thiết hậu chiến Marshal, nhà chính trị Canada phân tích tình hình tương lai : Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang vùng lên trong thế giới chúng ta đang sống thì thế được thua tùy thuộc vào kẻ nào định đoạt luật chơi thương mại quốc tế.

Jean Charest nói tiếp và nói thẳng : chính vì Trung Quốc mà chúng ta phải đạt được thỏa thuận mậu dịch tự do Xuyên Đại Tây dương. Không kể tự do trao đổi hàng hóa và dịch vụ, còn có khả năng tự do đi lại cho phép các nước thành viên thu hút nhân tài, tạo hoàn cảnh đất lành chim đậu.

Không riêng Bắc Mỹ, ủy viên châu Âu đặc trách thị trường nội địa và dịch vụ Michel Barnier cùng xác quyết « cần hiệp ước TTIP » nhưng với điều kiện đối tác bên kia bờ Đại Tây Dương phải tuân thủ một số chuẩn mực về an toàn thực phẩm của Châu Âu chẳng hạn.

Alexis Jamet, chủ nhân công ty điện toán Bunkr, một doanh nhiệp trẻ nhưng đã có cơ sở tại 160 quốc gia, mong đợi cơ hội mà ông gọi là « kế hoạch Marshall thứ hai » cho phép doanh nghiệp hợp tác hoặc cạnh tranh tự do để nâng cao khả năng canh tân.

Theo AFP, các doanh nhân trẻ và sinh viên tham gia hội thảo rất hoan nghênh và mong chờ viễn ảnh trao đổi tự do này giữa hai bờ Đại tây dương.

70 năm sau khi nửa triệu quân đồng minh đổ bộ giúp châu Âu diệt Đức Quốc Xã, vì sự sống còn của các nước Tây phương, một liên minh mới đang hình thành nhưng lần này để đối phó với mối đe dọa tương lai được chỉ đích danh là Trung Quốc.


 

Switch mode views: