Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tản Mạn Chuyện Con Trâu Năm Tân Sửu

chantrau thoi sao

Nếu vị trí thứ bậc trong 12 con Giáp phải qua một kỳ thi cử cam go, thì con trâu đã được giải á hậu hoặc sắp hạng bình thứ vì chỉ được đứng nhì sau con chuột mà thôi.

Và nếu so vóc dáng lanh lẹn thì giữa con trâu và con chuột quả thật là một trời một vực, nếu chuột thắng vì chạy nhanh thì chắc chắn trâu không thể bì với cái tài này được; ngòai chuột ra, trâu cũng không thể nào thắng được cọp hay mèo vì lòai này chạy cũng thần tốc lắm, lại càng không có con nào có thể bay và cao quý như con rồng được, vậy sự việc tại sao con trâu đứng hạng thứ nhì thì chỉ có ông trời sắp hạng mới biết được mà thôi.

Tuy nhiên một điều chắc ai cũng phải thừa nhận là trâu, bò, ngựa phải có họ hàng với nhau, bò chắc là bà con bạn dì và ngựa là bà con chú bác.

Trước hết vóc dáng trâu, bò cũng đồ sộ ngang nhau, cùng ăn cỏ, ăn rơm, thịt của chúng cũng ngon và được ưa chuộng, cũng lòai có sừng, bốn chân, cùng được chủ nuôi để làm những công việc nặng nhọc và cùng được người đời cặp đôi “làm cực như trâu bò”, “làm thân trâu bò kéo cày trả nợ”, nếu kiếp này trả không hết nợ, thề thốt kiểu “thề cá trê chui ống” (trôi cái tuột vì trơn quá” – “thề sẽ làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai” như kiểu quân tử Tàu thề.

Họăc những kẻ đầu trộm đuôi cướp thì được ví “lũ đầu trâu mặt ngựa” như lũ côn đồ của Họan Thư thuê đi đánh ghen Thúy Kiều chẳng hạn.
Hoặc dễ sợ hơn nữa là những hình ảnh của những con quỷ sứ của Diêm Vương dưới hỏa ngục a tỳ có gương mặt “đầu trâu, mặt ngựa”.

Tưởng số trâu là khổ nhất đời, có nhiêu người số phận còn long đong hơn trâu:
“Chẳng qua số phận long đong
Cột trâu, trâu đứt, cột tròng, tròng trôi”

Nói chuyện trâu phải nhắc đến kẻ chăn trâu, anh chăn trâu được nhiều người ưa thích và mỗi lần đến tháng bảy trời mưa ngâu đó là anh chăn trâu Ngưu Lang, anh này phải lòng cô tiên Chức Nữ không chịu chăn trâu chăm chỉ để trâu đi phá vườn tược của nhà trời, Chức Nữ cũng đang yêu, không chịu giặt lụa cho sạch nên cả hai đã bị Ngọc Hòang đày “đôi ngã đôi nơi”.
Một chú chàng khác chuyên bỏ bê trâu để trâu ăn lúa là chú Cuội:
“Chú Cuội ngồi gốc cây đa,
Bỏ trâu ăn lúa gọi cha ời ời,
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cỡi ngựa đi mời quan viên”

Không biết cắt cỏ lúc ấy thì lương được lãnh là bao nhiêu tiền và mà phải lặn lội lên mãi tận thiên cung bỏ vợ bỏ con nơi trần thế hay chàng Cuội lại nói dối để chạy tội lo mải mê ngồi ngắm trăng mà bỏ bê mấy con trâu?
Người Á Đông chê trâu đủ thứ như thế nhưng hình ảnh con trâu lại đầy dẫy trong những chuyện cổ tích và hình ảnh con trâu cũng là biểu tượng của thanh bình sung túc.
 Hình ảnh một trẻ mục đồng ngồi vắt vẻo trên mình trâu bên cạnh đồng lúa xanh rì cho ta một cảm giác thật bình yên.
Người giàu ở nhà quê thường tậu trâu bò đầy đồng vì giàu có mới mua nổi: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”.

Nhiều chàng trai phải xây dựng sự nghiệp trước – cũng tỉ như phải đỗ đạt làm quan trước mới nghĩ đến chuyện cưới vợ, hoặc cũng ngang hàng với sự nghiệp “Ruộng cò bay gãy cánh”. Không có trâu chưa chắc cưới được người mình yêu.
“Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc ấy ắt là khó thay”

Nói về tình yêu, không phải người ta chỉ ví von “mèo chuột” hay “mèo mả gà đồng” hay “chim chuột” mà họ còn dùng hình ảnh “trâu” và “cột” để chỉ gái trai nữa.
Nếu ông bà cố tổ còn sống tới bây giờ thì các cụ cố sẽ thấy con gái đi tán tỉnh con trai ào ào, không phải như đàn bà con gái hồi xưa, cứ ngồi một chỗ sẽ có người mang tiền, mang heo, mang trâu đến làm quà rồi rước đi một cách rất chi là hãnh diện, các cụ chắc sẽ thấy đời nay tòan là “cột đi tìm trâu”, không cần “trâu đi tìm cột” nữa!

Mua trâu cũng phải chọn lựa kỹ càng, trâu khỏe mới có sức mạnh làm việc. Tuổi sung sức nhất của con trâu là khỏang 4 đến 8 tuổi. Trâu già quá sẽ không còn sức để làm việc:
“Trâu quá sá, mạ quá thì”.

Con trai con gái ở vào lứa tuổi đôi mươi người ta hay ví “khỏe như trâu”. Sừng con trâu rất chắc vậy mà mấy cô gái ở tuổi dậy thì mạnh còn hơn sừng trâu:
“Gái 17, bẻ gãy sừng trâu”
Vì trâu khỏe mạnh nên trên vài lãnh vực đồng áng được chuộng hơn bò:
“Trâu năm sáu tuổi còn nhanh
Bò năm sáu tuổi đã tranh cõi già
Đồng Chiêm xin chớ nuôi bò
Mùa đông tháng giá bò dò làm sao?”

Thịt trâu cũng được dân quê hay dân nhậu ưa chuộng. Những con trâu già không làm việc được nữa sẽ bị giết để làm món nhậu.
Thịt trâu nghe nói ăn rất mát, rất ngon vì vậy trong truyện Tàu mấy anh hùng hảo hán hay vào quán cóc nhậu cả hồ lô rượu với thịt trâu.

Không phải chỉ có mục đồng mới cỡi trâu mà mấy ông tiên râu tóc bạc phơ cũng cỡi trâu trong những bức tranh cổ.
Nhiều danh lam thắng cảnh nước ta cũng dùng trâu để đặt tên như Hồ Tây trước đây có tên là hồ Trâu dưới thời nhà Lê.
Có câu thơ:
“Ngưu hồ dĩ biến tam triều cực
Long đỗ nhưng lưu bách chiến thành

Dịch:
“Hồ Trâu đã trải ba triều đại
Thành chiến còn lưu đất rốn rồng”

Chuyện lịch sử có liên quan tới trẻ mục đồng chắc không ai quên là chuyện của sứ quân Đinh Bộ Lĩnh, khi ông còn bé đã cỡi trâu, lấy bông lau làm cờ tập trận sau này đánh đuổi quân Tàu.
Trâu lúc thời xa xưa đã được dùng cùng với ngựa, voi trong các trận chiến xáp la cà. Với sức mạnh của bầy trâu, voi và ngựa chắc cũng ngang hàng với xe tăng, thiết giáp.

Chuyện xưa hơn nữa có huyền thọai về con trâu vàng ẩn náu ở núi Tiên Du, Bắc Việt, bị một pháp sư lấy cây trượng đánh dấu vào trán (gọi là “yểm”).
Con trâu có lẽ đau quá, vùng chạy bán mạng xuống vùng đồng lầy, quần nát bấy cả vùng ấy, để lại những chỗ đất lõm, sau được đặt là “Vũng trâu đằm”.
Sau đó con trâu chạy ngược lên hướng Bắc, quậy phá đến độ đất lún thành sông, đó là sông Kim Ngưu.
Vẫn tiếp tục chạy như đã lên cơn điên, nó biến một vùng khác thành hồ Trâu Vàng, rồi lặn mất tích luôn.

Không biết trâu đã bắt đầu xuất hiện trên trái đất này bao lâu nhưng những nhà nghiên cứu khoa học đã tìm thấy được những bộ xương trâu hóa thạch trong các hang động miền bắc và người ta cho là những bộ xương hóa thạch có thể đã có cả vạn năm.
Tượng trâu bằng đất nung được các nhà khảo cổ tìm thấy cũng có cách đây khá xa xưa. Những hình ảnh ghi lại hình ảnh trẻ mục đồng ngồi thổi sáo trên lưng trâu được khắc trên gỗ vào thế kỷ thứ 17, 18.

Một huyền thọai khác có liên quan đến việc dùng trâu để cày bừa, đó là Thần Nông thời đại Kim Khí.
Trước 500 năm trước Công Nguyên người ta cũng tìm ra đựợc nhiều lưỡi cày ở Cổ Loa thành, các nhà cổ học xác nhận trâu đã được kéo cày lúc bấy giờ kể cả vùng châu thổ sông Hồng.

Nói về ca dao tục ngữ về trâu thì quá nhiều vì hình ảnh con trâu đã gắn liền với dân giã, với người dân quê Việt Nam.
Trâu chỉ sự cần cù, nhẫn nại, làm việc siêng năng. Người dân quê nuôi trâu, thương yêu trâu, đối đãi với trâu như người bạn thân thiết:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày nối nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngòai đồng trâu ăn”

Hoặc:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn cho béo trâu cày cho sâu
Ở đời khôn khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần”

Không một hình ảnh nào đẹp hơn cảnh đầm ấm của đôi vợ chồng quê:
“Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
hồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”

Thịt trâu được dân nhậu ưa chuộng, phân trâu lại được nhà nông ưa dùng:
“Trời mưa trời gió đùng đùng
Cha con ông Nùng đi gánh phân trâu
Gánh về trồng bí trồng bầu
Trồng ngô, trồng lúa, trồng cau, trồng cà”

Để tả những thất vọng của những chàng trai sau nhiều năm làm việc mong lấy được người thương, nhưng hòan cảnh đã không cho anh tọai nguyện:
“Công anh chăn nghé đã lâu
Bây giờ nghé đã thành trâu ai cày”

Ông bà ta nói đâu có đó, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, để cho biết rằng ăn trộm có bạn ăn trộm, ăn cướp có bạn ăn cướp, kẻ uống rượu cũng có bạn rượu vì những người này có thể có tính tình giống nhau, những kẻ đầu trộm đuôi cướp sẽ kết hợp với nhau.
Tuy nhiên ví von như vậy cũng thật tội nghiệp cho hai con vật làm việc thật cực khổ, giúp chủ những công việc nặng nhọc là con trâu và con bò!

Nói về trâu phải nhắc đến hội chọi trâu ở miền Bắc:
“Dù ai buôn bán đâu đâu
Mồng mười tháng tám chọi trâu thì về”

Những con trâu để thi “chọi” là những con trâu được chọn lựa kỹ càng với sức mạnh dẻo dai, sừng to, cứng và bén; sau một trận đấu đá sôi nổi, 2 con trâu đều tơi tả, không chết thì cũng bị thương và cả hai con: chiến thắng hay chiến bại cũng đều bị đem ra xả thịt cho bữa cỗ thịnh sọan trong những ngày đầu xuân.

 Đúng là khổ như trâu! Vừa làm việc tận tình và là ngừơi bạn trung thành của con người, vừa làm trò cho người giải trí và cuối cùng phục vụ cho bao tử cho lòai người:
“Ngày thường mày ở với tao
Đến khi mày yếu thì tao tuyệt tình
Thịt mày nấu cháo nuôi binh
Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa
Sừng mày tao tiện con cờ
Cán dao, cán mác, lược thưa, lược dày”

Trâu cũng đi vào chuyện cổ tích rất nhiều như câu chuyện sau đây:
Ngày xửa, ngày xưa có một đàn trâu sống trong một cánh rừng già. Những con trâu này sống hợp quần và yêu thương nhau, lúc nào cũng quay quần thành một bầy, từ việc ăn uống, ngủ nghê, nhất nhất việc gì cũng làm chung với nhau, không hề rời nhau.

Có một con sư tử cũng sống trong cánh rừng đó, hàng ngày nó nhìn những con trâu béo này mà liếm môi, tưởng tượng những miếng thịt trâu béo ngậy.
Tuy nhiên con sư tử biết nó không thể nào bắt trâu để ăn được được vì lúc nào đàn trâu cũng đi chung, nó nhìn những cái sừng nhọn hoắc của bầy trâu mà rùng mình.
Nó biết chỉ có một cách nó có thể bắt trâu dễ dàng nếu những con trâu này đi ăn một mình. Nó rình mãi, nhưng những con trâu này vẫn yêu thương nhau, cùng nhau gặm cỏ chung trên cánh đồng xanh mướt gần đó.

Rồi bỗng một ngày, có một con trâu tự nhiên mắc bệnh dậy sớm hơn những con khác và việc này xảy ra nhiều ngày khiến những con trâu khác nghi ngờ con trâu già này muốn tìm cỏ non ăn một mình.
Thế là bọn trâu cãi nhau ầm ĩ và nói “đã thế thì chúng ta, ai lo phận nấy, tự chia nhau ra từng ngọn đồi cỏ mà sống riêng rẽ, chứ đừng sống thành đàn, lại đi đêm, ăn lén một mình.
Cả bầy trâu (không biết có bỏ phiếu hay không) nhưng đồng ý với giải pháp này, bọn chúng chia nhau ra, mỗi con hùng cứ một đồi, tự kiếm ăn và hết còn che chở đùm bọc nhau nữa.

Dĩ nhiên con sư tử sau nhiều ngày tháng rình mò, biết được sư việc, nó mừng quá, đi hết cánh đồi này, đến cánh đồi kia, sực hết con trâu này đến con trâu khác một cách ngon lành và dễ dàng như lấy đồ từ trong túi áo.
Được đánh chén thịt trâu no nê mỗi ngày, nó còn huênh hoang “phán”: ai bảo tụi bây ngu, chia rẽ bầy, chết cũng đáng, đừng trách tao nhá!

Thọat kỳ thủy, người ta bắt trâu rừng huấn luyện thành thục dùng để kéo gỗ, kéo xe, sau dùng kéo xe, cày bừa.
Ngày xưa, muốn dắt trâu ra đồng, người ta dùng dây buộc vào sừng trâu kéo đi, sau có câu chuyện cổ tích nói có con chim mách lẻo bảo người nên người mới đục lỗ mũi trâu, xỏ dây dắt trâu (vì vậy anh nào dại gái hay bị chê: bị con gái “xỏ mũi”).

Chuyện cổ tích cũng kể, ngày xửa, ngày xưa, có một con cọp thấy con trâu bị người ta dùng để cày bừa, làm việc cực khổ còn bị mục đồng xâu dây vào lỗ mũi lôi kéo đánh đập hối làm công việc cho nhanh, con cọp bèn men men lại chọc quê con trâu:
– “Sao mày to lớn, mạnh khỏe lại để cho thằng bé người điều khiển như thế, ngu quá!”
Con Trâu trả lời:
– “Con người tuy nhỏ bé nhưng có túi khôn, tao không thể thắng túi khôn của họ được”.
Nghe lạ lùng và muốn túi khôn đó to nhỏ ra sao,  con cọp hỏi thằng bé chăn trâu :
– “Túi khôn của mày để đâu, hình dáng như thế nào, mày cho tao xem được không ?”
Thằng bé chăn trâu ngửa mặt lên trời cười to:
– “Túi khôn tao để ở nhà chứ để đâu? Muốn coi tao sẽ về lấy cho mày coi, nhưng có phải mày dụ tao về nhà lấy túi khôn cho mày xem, rồi mày tha hồ vồ trâu của tao chớ gì?
Thôi để tao trói mày lại cho chắc ăn trước khi tao về nhà lấy nhá!”

Con cọp chịu liền vì trong đầu nó định bụng sẽ ăn cướp cái túi khôn này. Thằng bé mục đồng nhanh như chớp, dùng dây thừng trói con cọp vào gốc cây, rồi chạy đi lấy cây gậy đánh túi bụi vào đầu, vào mình con cọp, vừa đánh vừa nói:
– “Túi khôn đây này! túi khôn đây này!”

Con trâu thấy vậy, khóai chí cười ngã nghiêng đến nỗi đập hàm xuống đất gãy cả hàm răng trên.
Từ đó về sau, con trâu không có hàm răng trên, còn con cọp những nơi bị đánh thành sẹo đen, dọc trên mình trên mặt là do sự tích trên.

Xuân về, Tết lại đến, ai trong chúng ta không ngậm ngùi thương nhớ quê hương, nhớ hình ảnh con trâu già nằm nhai cỏ dưới cây đa đầu làng, nhớ hình ảnh con trâu trong các bài ca của một thời xa xôi trong quá khứ thân thương:
“Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao…”
Hay “…chiều ơi! …trâu bò về giục mõ xa xôi …..ơi chiều…”

Những người ca nhạc sĩ tài ba “trở cờ”, chắc chắn chưa tìm lại được cảnh thanh bình năm nào: “Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn nước tuôn trên đồng ruộng vắn… Có con trâu lành trên đồi, nằm mộng gì, chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi ….”

Một buổi chiều thanh bình của làng xóm, có mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu thổi sáo là những hành trang quý giá nhất của người Việt tha hương, nhưng chúng ta không phải “tha hương cầu thực” như một vài dân tộc thiểu số tại Hoa Kỳ, nên mỗi lần Tết về thì ta lại mơ một ngày thanh bình sẽ sớm trở về trên đất Việt mến yêu, và hy vọng ngày ấy không xa để chúng ta không còn:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều

Ruột đã đau 46 năm và tiếp tục còn đau cho tới khi nào không còn chế độ thối nát, độc tài của CS.

Switch mode views: