Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tìm Mãi Đôi Mắt Buồn

tim mai doi mat buon
Cánh cổng mở ra, bàn tay nào đó đẩy mạnh tôi ra ngoài.
Cánh cổng rin rít cọ trên nền xi măng lở lói. Hai khung sắt dộng vào nhau. Âm thanh chát chúa vọng ra, lẫn ngay vào tiếng lao xao. Tôi chùn chân.


Tôi đứng lớ ngớ bên ngoài cánh cổng. Những con mắt mở lớn. Những con mắt dán chặt vào tôi. Những cái nhìn săm soi từ gót chân tới đỉnh đầu. Tôi co người lại như những lúc co ro vì lạnh phía sau cánh cổng vừa đóng kín kia.

Cái nhìn như những ngón tay có móng dài xới ngược tóc tôi. Tôi rùng mình. Mới hôm trước, không còn chịu nổi những cơn ngứa ngáy của lũ chí rận, tôi liều mạng đưa mái tóc chấm vai cho tên bạn tù hành nghề cắt tóc.
Nó khoe ở ngoài đời nó là thợ hớt tóc thiện nghệ. Tôi tin nó, đến khi cắt xong, lũ bạn tù nhìn tôi, ngớ ra vài giây rồi lăn ra cười. Từ phút giây ấy, tôi không tin thằng bạn tù kia là thợ hớt tóc lành nghề nữa.

Bây giờ những người này đang nhìn tôi. Vài cái mép nhếch lên. Những khóe cười dúm dó. Tôi co người cố tránh những cái nhìn săm soi. Những cái nhìn xới tóc tôi lên, rờ rẫm chỗ rách buộc túm lại trên vai áo, mày mò lỗ thủng ở đầu gối chiếc quần ống cao ống thấp.
Những cái nhìn thả xuống chân tôi. Ðôi giầy đã bị tịch thu. Chỉ còn lại hai bàn chân trần có những móng dài cong lại, đen xỉn. Tôi bất thần co những ngón chân lại như cố bám lấy mặt đường trần trụi, lở lói những mảng xi măng tróc lở. Ðể giấu đi cái bần cùng tanh tưởi.

Tôi đứng chết trân như thế không biết bao lâu. Tôi nhìn những mặt người chung quanh. Ðông quá. Hai mắt tôi hoa lên. Những mặt người nhòe đi. Cơn đói quặn lên trong bao tử. Những sợi rễ nhùng nhằng mọc từ mười đầu ngón chân, bám cứng xuống mặt đường.
Tôi ngước nhìn bầu trời. Nắng vướng trên ngọn cây. Những chiếc lá nhỏ li ti. Cây gì đây nhỉ. Tôi cố nhớ tên loài cây có những chiếc lá nhỏ như bàn tay đứa trẻ.

 Lâu rồi tôi tập quên. Quên cái cõi sống nhàu nhò trước mặt; quên cái hành hạ, tra tấn chung quanh. Và quên luôn cả những thứ hiền hòa, chung quanh cuộc sống. Như những chiếc lá xanh thẫm nhỏ bằng bàn tay đứa trẻ, đang vẫy gọi, chờn vờn như hỏi han, như chia sẻ một cơn vui bất ngờ.

Ðám đông lao xao. Những câu nói lẫn vào nhau, nhốn nháo.
Tôi nhìn những mặt người. Gian nan, khắc khổ.
Tôi nhìn những bọc hành lý, những gói thức ăn, những túm áo quần nhùng nhằng trên vai họ.

“Mới được thả phải không?” Câu nói nào đó bật lên trên cái nền âm thanh nhốn nháo.
Tôi nhìn những mặt người. Câu hỏi ấy phát ra từ cái miệng nào đó trong vô số những cái miệng đang mấp máy. Tôi gật đầu hai ba lần.
“Còn ai được thả nữa không?” Thêm một câu hỏi nữa.
Tôi lắc đầu hai ba lần. Tôi không thấy rõ cái miệng nào vừa phát ra câu hỏi ấy. Nên tôi gật đầu hai ba lần để người hỏi kịp bắt được câu trả lời.

Một giọng nói khác ném ra từ đám đông, “Trong đó có bị đánh đập tra tấn không con?”
Giọng khàn đục của một người đàn bà.
Tôi ngẩn người ra suy nghĩ. Tôi đã bị dằn mặt, bị đe dọa, bị viết tờ tự khai, gom lại hẳn những tờ tự khai ấy chồng lên thành cuốn sách. Nhưng lâu quá rồi, tôi không còn nhớ mình có bị đánh đập tra tấn gì không. Thành ra tôi ngúc ngoắc cái đầu như thể nửa bên này muốn gật nửa bên kia muốn lắc.

Ðám người nhích sát đến bên tôi. Vẽ thành vòng tròn, vây tôi lại, che chở, bảo bọc.
“Bao lâu?”
Tôi nhăn mặt cố trải cuốn lịch thời gian lên mặt bàn trí tưởng. Tôi nheo mắt vén những con số bện vào nhau trong óc.
“Ở tù lâu chưa vậy?” Ai đó lặp lại câu hỏi vừa rồi của thiếu nữ. Cái nôn nóng ướp trong giọng nói.
Tôi vội vã lắc đầu, “Lâu quá rồi, không nhớ…”

Cơn đói lại dấy lên trong bụng. Nước bọt ứa ra những kẽ răng. Tôi muốn thoát nhanh khỏi chốn này. Cánh cổng sắt bề thế sau lưng đã đóng chặt nhưng cánh cổng ấy cũng có thể mở ra bất cứ lúc nào, và những cánh tay bạch tuộc có thể quấn lấy tôi, kéo tôi vào, đẩy giúi tôi vào một xó góc nào đó.

Thằng bạn tự khai có nghề hớt tóc đã bị như thế. Người ta trả tự do cho nó. Trước khi qua khung sắt của chiếc cổng ma quái, nó đứng sựng lại đòi những thứ mà khi bắt giam, người ta tạm giữ của nó. Giấy chứng minh nhân dân, bằng tốt nghiệp đại học, giấy phép đi đường, cái ví có hình cô bạn gái và vài trăm bạc để ăn uống dọc đường trên đường đi công tác.

Người ta bảo để người ta tìm. Nó kiên nhẫn đứng chờ bên khung sắt. Cả tiếng đồng hồ sau nó vẫn kiên nhẫn chờ, cái miệng léo xéo kể tên từng món đồ bị tịch thu.
Người ta giận quá, kéo nó lại, đẩy nó vào một xó đẫm mùi nước tiểu, bảo nó ở tạm đó đi khi nào tìm được thì người ta sẽ hoàn lại cho nó.
Và nó ở lại nơi này với bọn chúng tôi. Hai trăm bốn mươi tám đứa chen chúc trong cái chuồng chật hẹp.
Cứ vài hôm nó lại hỏi đã tìm thấy chưa. Người ta bảo vẫn đang tìm. Và nó kiên nhẫn chờ.
Ðến lúc không còn kiên nhẫn nữa, nó khai là có nghề cắt tóc để được ra sân, cầm cái kéo và cái lược, chăm sóc những cái đầu loi nhoi những con chấy của bầy thú hai chân.

Tôi cũng kiên nhẫn nuôi mái tóc chấm vai như tóc con gái cả năm trời, đến khi bọn chấy đầy ắp trong tóc, mỗi cái vuốt tay, lại kéo xuống vài ba con chấy thì tôi bỏ cuộc.
Tôi đưa cái đầu cho nó hành nghề thợ cạo. Bởi tôi không biết người ta còn giữ tôi lại chốn ấy bao lâu nữa.
Vậy mà tôi vừa xuống tóc xong thì người ta gọi tôi lên bảo tôi được trả tự do.
“Có được thăm nuôi không?” Ai đó hỏi. Tôi gật đầu. Chuyện này thì tôi biết chắc là có. Ðôi khi. Gói muối mè. Gói thịt nạc kho mặn khô cháy. Những miếng kẹo đậu phụng. Tôi nhớ rõ từng miếng.
Câu hỏi làm nước miếng ứa ra ở những chân răng, đầy ứ trong miệng. Tôi nuốt vội cơn thèm.
“Trong ấy có đông không?”
“Hai trăm bốn mươi tám người.” Tôi mau mắn trả lời.
Tôi chắc chắn như thế. Hai trăm bốn mươi tám con thú đực hai chân. Bầy thú hừng hực cái khát khao của những kẻ đói ăn, xôn xao cái thèm muốn của bầy thú đực thèm hơi con vật cái.

Rồi tôi chợt nhớ ra, và tôi nhanh chóng sửa, “Ðúng ra là hai trăm bốn mươi bảy.”
Những con mắt mở lớn nhìn tôi.
“Sao nhớ hay vậy?”
“Mới điểm danh tối qua, trước khi đi ngủ.”
“Lúc thì tám lúc thì bảy là sao?”
Tôi chỉ vào ngực mình, “Một người được tha.”

Những ngón tay chỉ vào ngực, chạm vào mảnh giấy nhét trong túi áo. Tôi sực nhớ ban nãy, người ta có đưa cho tôi mảnh giấy và dặn đi đâu cũng phải mang trong người. Lúc ấy, mừng quá tôi cũng chẳng còn tâm trí đâu để nhìn xem người ta viết gì trong mảnh giấy vàng ố ấy.
Bây giờ tôi mới nhớ ra rằng mình cũng nên biết những điều kiện mình phải làm theo cho đúng, nếu không lại mang họa vào thân. Cái vòng người xoay quanh tôi. Những khuôn mặt đổi chỗ cho nhau như những chiếc bóng trên vách chiếc đèn kéo quân.
Rồi bàn tay sắt nguội đẩy mạnh cái lưng gầy ra khỏi cái khung ngục tù.

“Hôm nay có cho thăm nuôi không mà giờ này vẫn êm ru vậy?”
Ai đó cằn nhằn.
Tôi nhanh nhảu trả lời thay cho cái trại giam lù lù gỗ đá sau lưng. “Thứ Bảy, mười hai giờ trưa. Tuần nào cũng vậy.”
Câu trả lời ngắn ngủn cũng làm tôi hụt hơi.

Tôi thấy mình run bần bật. Tôi cố kềm chặt tờ lệnh tha trong những ngón tay đói ăn. Bây giờ phải làm sao đây. Tên tôi nằm trong danh sách tạm tha mà tờ lệnh tạm tha lại không ghi tên tôi.

Phải làm sao đây. Trở lại yêu cầu người ta sửa lại cái tên. Ðể người ta bảo chờ vì cái máy chữ bị hư, vì nhân viên đánh máy đi công tác xa chưa về, vì giấy trong kho đã cạn.
Tôi đã ở chốn này bao nhiêu lần Chủ Nhật, bao nhiêu lần thăm nuôi không dám nhìn phần lương khô lũ bạn tù được người nhà tiếp tế. Tờ giấy phù phép này đủ sức cứu mạng tôi. Việc gì phải thắc mắc.

“Bây giờ cậu về đâu?” Giọng một người đàn bà.
Tôi nói tên cái thành phố đã mất tên.
“Giờ này đâu còn kịp đón xe về thành phố.” Ai đó phụ họa.

Tôi đứng trơ ra đó. Giấy tạm tha trong tay. Cơn gió dịu dàng lay nhẹ mép giấy. Nắng nhảy múa trên trang giấy, bò lan cả sang bàn tay tôi.
Một cái mặt ghé sát mặt tôi, nhìn vào tờ giấy, “Tội gì thế?” Hắn ta lớn tiếng hỏi.
Tôi mở rộng tờ giấy bằng cả hai tay. Cái mặt người ấy lẩm nhẩm đọc, rồi cái miệng lởm chởm râu ấy oang oang, “Có ý đồ lật đổ chính quyền cách mạng à?”

Gào lên cái câu độc địa ấy xong, hắn ta tròn mắt nhìn tôi. Những tia máu đỏ uốn lượn trên tròng trắng con mắt như những con lươn bện vào nhau trong vũng lầy. Mọi người ồ lên đồng loạt.
Vòng người chợt dãn ra, mỏng hẳn đi. Những cái lưng vội vã quay về phía tôi. Những cái lưng đeo ba lô đồ tiếp tế thăm nuôi. Những bọc thức ăn gói kín nhưng vẫn không giam được cái mùi thơm tho quyến rũ.
Giọng ai đó thì thào, “Coi chừng mấy ổng gài bẫy theo dõi, bắt luôn bọn mình đó…”

Trong thoáng giây tôi còn trơ lại một mình. Ðám người tản mát như lũ kiến động tổ. Tôi run run gấp gờ giấy lại làm tư, đúng theo những nếp gấp cũ. Tờ giấy này là bùa hộ mạng. Tôi sẽ đeo dính lấy nó dù cái tên trong tờ giấy không phải tên tôi.
Từ giây phút này tôi thành kẻ khác. Tôi đã mất tên. Nhưng đến cả cái thành phố tội tình của tôi cũng đâu còn giữ được cái tên.
Tôi mất tên. Có sao đâu. Ðiều quan trọng là tôi vừa được trả tự do. Tôi phải tìm cách về cái thành phố vừa mất tên của tôi. Tôi sẽ phải về nhà. Bố mẹ và lũ em đang chờ.

Vấn đề là về bằng cách nào. Những đồng tiền nằm trong cái ví da người ta tạm giữ đến khi trả tự do – có cho thêm tiền – tôi cũng không dám trở lại đòi.
Tôi nhìn xuống mảnh giấy trong tay. Tờ giấy bạc năm chục. Tôi nhớ ra ngay rằng tôi mới ra trường, lương tháng chỉ có bốn mươi tám đồng. Và tôi nhận ra tờ giấy bạc người đàn bà nhét vào tay tôi là tờ năm chục.

Khuôn mặt lạ hoắc. Nét buồn trong mắt. Cái dịu dàng trong giọng nói. Tôi thấy môi tôi mấp máy nhưng không lời nào thoát ra. Bởi tôi biết rõ người đàn bà này chẳng phải bà con họ hàng, chẳng phải bạn bè, chẳng phải người quen.

Như đoán được những điều tôi muốn nói, chị nhìn vào mắt tôi, “Ðừng lo, chừng nào trả cũng được.”
Rồi chị quay lưng thoăn thoắt biến vào đám đông.
Tôi đứng thừ người ra trước cổng trại giam không biết bao lâu, cho tới khi người ta mở hé cánh cổng, nhận đồ thăm nuôi.

Về đến Xa Cảng Miền Tây thì trời đã tối mịt. Xe lam, xe khách, xe đò, xe ôm gì cũng hết sạch. Khuya quá rồi.
Tôi lủi thủi đi bộ mười hai cây số về nhà, lưng đeo cái túi đựng đầy khoai lang, qua những khúc đường quanh co, nhấp nhổm những ổ gà nhơ nhớp, men bờ những ruộng rau muống xâm xấp nước, xuyên qua những nghĩa trang lập lòe đom đóm và chập chờn nhang khuya.

Từ hôm ấy tôi luôn mang trong người tờ lệnh tha và luôn để sẵn trong túi áo tờ giấy bạc năm chục đồng tiền nhà nước mới đổi.
Ði bộ hay đạp xe trên đường phố, thấy người đàn bà nào có vóc dáng nhỏ bé tôi cũng cố gắng bước nhanh và làm như tình cờ quay lại nhìn xem có bắt gặp một đôi mắt buồn.

Chừng nào trả cũng được. Giọng nói ấm và mềm lẫn vào cả những giấc chiêm bao dịu dàng. Dù tôi không còn hình dung ra được hình ảnh người thiếu phụ năm xưa đã cho tôi tiền ăn vội đĩa cơm trắng chan nước mắm cay xé miệng môi ở bến xe, tiền mua đôi dép đen đúa làm bằng vỏ xe sần sùi, tiền mua vé chợ đen chen chúc hụt hơi trên chiếc xe than dằn xóc mềm người, và còn đủ để mua cho bố mẹ tôi một rổ đầy khoai lang ăn mấy ngày chưa hết.
Nhưng tôi vẫn cố tìm.

Ấy là chuyện mấy mươi năm về trước. Cái thời tôi rời giảng đường, khăn gói đi nhận nhiệm sở ở một nơi xa lơ lắc, và tình cờ ngồi chung chuyến xe và chuyện trò với một thanh niên khao khát vực dậy một quê nhà.

Tôi vẫn tin trong cõi sống này còn thấp thoáng những bà tiên cổ tích; những bà tiên lam lũ, những bà tiên đi lạc giữa nhân gian khốn cùng.
Và bao nhiêu năm trời nay tôi vẫn dõi mắt tìm lại bà tiên nhân hậu. Bởi tôi nhớ thật rõ rằng ngày thứ Bảy thăm nuôi ấy, tôi chưa kịp nói với bà tiên lam lũ kia một lời cảm ơn vội vàng.

Switch mode views: