Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Con Mừng Và Cuộc Đổi Đời

cat tocHình minh họa: internet

 

Buổi trưa vắng khách, hai cô thợ cắt tóc làm việc chung đi ăn cơm, nên Mừng ở lại giữ tiệm một mình.


Ngồi tránh phía sau tiệm để nghỉ ngơi, nhìn lơ đãng lên tường, Mừng giật mình thấy tấm lịch ghi 28 avril. Mừng chắt lưỡi…
- Trời, sao nhanh quá, vậy là sắp đến ngày”đổi đời” rồi!

Bỗng dưng, hình ảnh của những ngày cuối của VNCH hiện về ầm ập trong trí nhớ. Lúc đó, Mừng chỉ mới 14 tuổi, còn đi làm giúp việc nhà, hay nói đúng hơn là “đi ở đợ” cho một gỉa đình khá giả ở Vĩnh Long.
Đó là gia đình thứ hai mà Mừng đến làm việc. Má Mừng cũng giúp việc nhà, chuyên nấu ăn và giữ em cho chủ. Bà sinh ra Mừng không cha, rồi khi Mừng biết đi biết nói, bà xin ông bà chủ đem con đến ở chung. Ông bà chủ cũng nhân đức nên nuôi Mừng trong nhà, và tuy là con người làm, lúc nhỏ Mừng vẫn chơi đùa với đám con chủ.

Không được cưng chiều như họ, nhưng Mừng nhờ đó cũng biết thế nào là cách sống của dân nhà giàu. Nhiều lúc Mừng cũng tủi thân vì thấy con ông bà chủ được mặc quần áo đẹp, ăn uống tươm tất dọn trên bàn với chén kiểu và đũa bạc. Các cô thì có xe Vélo Solex, các cậu chạy Vespa.
Mừng tuy theo chơi đùa với các cô các cậu nhưng biết phận là «con ở» nên phải nép mình nhẫn nhịn phục vụ. Dù ông bà chủ có tốt, Mừng cũng chỉ là «người giúp việc» thôi.
May mắn là Mừng được cho đi học và quần áo cũ của các cô bỏ ra Mừng lấy mặc. Đồ cũ nhưng đẹp chán vì toàn là hàng hiệu mua ở Sài Gòn.

Theo sau lưng các cô cậu đến trường, Mừng lủi thủi ôm cặp đi học từ lớp năm đến lớp nhất và vì thi rớt vô đệ thất trường công nên ông bà cho Mừng vào học trường bán công, phải trả học phí, nên Mừng chỉ học có đệ thất và đệ lục.
Nhưng cái ơn ông bà chủ cho Mừng đi học lớn biết mấy, Má Mừng hay nói :
- Ông bà có đức biết tạo phúc cho con!

Lớn lên 12 tuổi, Má Mừng muốn cho con đi làm cho gia đình khác để có thêm một đầu lương vì ông bà chủ chỉ cho Mừng tiền túi và nhà đã có 2 người giúp việc.
Phần khác là vì Má Mừng sinh thêm một đứa con khác, cũng không cha, đặt tên là Vui. Chắc bà muốn cuộc đời tốt đẹp hơn nên chọn cho con những cái tên rất phấn khởi, trong khi thực tế thì Má Mừng lo lắng không biết phải giải quyết ra sao.
Cha con Vui cũng không biết là ai, nhưng hai chị em hoàn toàn không giống nhau về sắc diện, nhìn vô ai cũng biết là chị em «cùng mẹ khác cha».

Đến bây giờ Mừng cũng không biết cha mình là ai, vì Má Mừng giấu kín lắm, không bao giờ khai ra. Vả lại, lúc lớn lên Mừng cũng ít khi gặp mẹ vì tối ngủ lại nhà chủ, hai mẹ con mỗi người làm việc cho hai nơi khác nhau, nên ngày qua ngày, Mừng không có dịp đặt câu hỏi này.
Nhưng có lẽ «Ba mình» cũng có học hành, cũng «bảnh» lắm, nên Mừng khá thông minh, học ít hiểu nhiều. Nhờ có học đến đệ lục nên khi rảnh rỗi, Mừng hay tìm đọc sách báo của nhà chủ, nên cũng không đến nỗi dốt.

Từ ngày 27,28 tháng tư năm đó, Vĩnh Long đã rộn rip khác thường, những chiếc xe Jeep của căn cứ Mỹ chạy ra chạy vào náo nhiệt. Rồi người Mỹ lên trực thăng «chạy» đi đâu không biết mà nhà cửa thuê ở Vĩnh Long bỏ hoang, mạnh ai nấy đến để khiêng vác tủ lạnh, bếp ga, quạt máy, ghế bành về nhà. Rầm rập khắp đường phố.

Mừng ngạc nhiên lắm vì «có chuyện gì vậy», cô con gái 14 tuổi nghĩ thầm. Ở nhà ông bà chủ cũng bàn tán lung tung, nhưng ông chủ là thầy giáo dạy học nên nói với vợ con :
- Ai chạy đi đâu thì chạy, mình dạy học, có gì đâu mà sợ. Bỏ xứ sở đi đâu bây giờ?
Mừng nhớ như in cái ngày thứ tư 30 tháng tư năm 1975, sáng đó như thường lệ, Mừng quét dọn nhà cửa xong và bà giáo đi chợ về, đang lúi húi nấu ăn thì ông giáo để radio, nghe ông tướng Minh ra lệnh :
- Đầu hàng, ai ở đâu ở đó!
Ông bà giáo chưng hửng:
- Trời, sao đầu hàng kỳ cục vậy! Ở miền Tây này «êm ru bà rù», có đánh giặc súng nổ gì đâu mà đầu hàng!
Mặt mày ai cũng tái nhợt, nét hốt hoảng hiện ra. Ông bà giáo vội vàng lục soạn hồ sơ, vì có một người con trai là sĩ quan Đà Lạt, nên bao nhiêu hình ảnh con mặc quân phục đều đem đốt. Bà giáo chặc lưỡi :
- Tiếc quá, nhưng thôi, sợ «họ» vô xét nhà mà thấy mấy tấm hình này không tốt.
Ngoài đường phố Vĩnh Long vắng hoe, mọi người đều rút vô nhà như lo sợ điều gì sắp xảy ra. Radio chỉ loan đi loan lại lời kêu gọi của Tướng Minh :
- Quân sĩ phải buông súng, không ai được di chuyển đi đâu!

Trong trạng thái lo lắng đó, hai ngày sau, 2 tháng 5, con ông bà giáo ở Cần Thơ chạy về để xum họp với gia đình và báo tin là hai ông Tướng ở Cần Thơ tự sát, Tướng Khoa và Tướng Hưng. Trong nhà bàng hoàng chấn động. Ông giáo chép miệng :
- Tội nghiệp quá ! Sao không đánh tiếp mà đầu hàng, còn bao nhiêu viên đạn phải đánh tới cùng chớ.
Bà giáo «nạt» ngang chồng:
- Thôi ông ơi, nói tầm xàm, người ta nghe được ông “chết dịch”đó.

Thời gian trôi qua, vài tháng sau không còn tiền, ông bà giáo cho Mừng thôi việc. Thấy họ sống chật vật Mừng cũng chảy nước mắt, sao mà đau đớn quá chừng vậy !
Hai người con trai của ông bà đi trình diện rồi bị đem đi đâu mất… Lâu lâu Mừng ghé thăm, thấy nhà vắng hoe, trống trải, vì đồ đạc và ngay cả bàn ghế khảm xa cừ đều đem ra bán để mua gạo.
Mừng thương chủ, nước mắt lưng tròng, nhưng thân Mừng và Má cũng không hơn. Má Mừng vào vườn mua rau cải rồi đem ra chợ bán, Mừng giúp Má đấp đổi qua ngày.
À quên, con Vui mới 5 tuổi bị bịnh sốt thương hàn chết mấy tháng trước. Má Mừng khóc nhiều, bà lẩm bấm :
- Số phần nó ngắn ngủi có bao nhiêu đó thôi.
Một ngày, có nguời quen nói với Mừng:
- Đi Rạch Giá mua cá khô, mắm… đem về Vĩnh Long bán lại. Cái mối đó có lời lắm.
Thế là Mừng theo người quen đi qua đi lại Rạch Giá – Vĩnh Long lấy hàng. Đó là năm 1979, Mừng được 18 tuổi.

Ở Rạch Giá Mừng lấy hàng với ông bà Năm, có thuyền ra khơi đánh cá. Qua lại lâu ngày, ông bà Năm thấy Mừng tuy nghèo nhưng buôn bán chân chất, không xảo quyệt, nói đâu có đó, nên dần dần cũng thân thiện, nhiều khi họ giữ Mừng ở lại nhà, ăn cơm và ngủ đêm, khi lỡ chiều mà Mừng chưa về Vĩnh Long được.
Lần đó, Mừng cũng từ Vĩnh Long đến mua hàng như thường lệ, nhưng thấy nhà ông bà Năm rộn rip khác thường và tối đó lần lượt hơn 10 người kín đáo đến nhà. Họ thì thầm… Ông bà Năm bỗng kéo Mừng ra một góc, nói nhỏ :
- Cô không hẹn mà tới ngay ngày này, tụi tui sắp đi vượt biên, khuya nầy ra khơi. Cô muốn đi không, tui cho đi, không lấy tiền bạc gì đâu.
Mừng bất ngờ nên lấp bấp:
- Còn Má tui, bà ở Vĩnh Long, chờ tui về.
Ông Năm nhăn nhó:
- Bây giờ ai đi thoát được là đi, cô có cơ hội này. Sẵn gia đình tui đi, cô đi theo để «đổi đời», chớ sống ở đây càng lúc càng lụn bại.
Rồi ông còn “giáng” thêm một câu :
- Tùy cô, tui chỉ đề nghị. Ngày mai, tụi tui đi rồi, cô làm thinh đem hàng, cá mắm về Vĩnh Long như thường lệ, đừng “hó hé” gì hết nhen.
Đầu óc hoang mang, hai chữ “đổi đời” của ông Năm vọng vào đầu. Gần đây Mừng cũng thường nghe nhiều người ra đi và đến định cư ở Mỹ, Pháp viết thư về cho gia đình.

«Không lẽ cơ hội đến như vậy mà mình không đi». Suy nghĩ vài phút, Mừng gật đầu với ông bà Năm. Tuy không có mảnh giấy tuỳ thân và tiền bạc trong người nhưng Mừng liều mạng.
”Cũng liều nhắm mắt đưa chân. Mà xem con Tạo xoay vần đến đâu”. Mừng nhớ đã đọc 2 câu thơ này trong cuốn sách của ông giáo.

Khuya đó, trời tối đen như mực, nhưng ông bà Năm đã quen đường, đưa mọi người xuống thuyền đánh cá và ra khơi êm thắm. Trên thuyền có 52 người đều là họ hàng quen biết của ông bà Năm.
Dạo đó chiếc tàu”Île de Lumière” của Pháp rảo trên biển để vớt thuyền tỵ nạn VN, may làm sao, thuyền đánh cá của ông Năm ra khơi có 2 ngày là gặp được tàu của Pháp. Mọi người reo hò, mừng rỡ và tất cả được kéo lên boong.

Đến đảo Pulau Bidong, tàu Pháp cho mọi người xuống. Sau một thời gian chờ đợi, có nguời xin đi Mỹ, người xin đi Canada nhưng Mừng chấp nhận đến Pháp, vì lúc học đệ thất, đệ lục Mừng có học sinh ngữ Pháp nên nhớ loe họe vài danh từ và nhớ cả cách chia động từ Être, Avoir. Hơn nữa, tàu Pháp cứu, thì đi Pháp, trong đầu Mừng nghĩ.

Ngày đến Paris, Mừng được đưa đến trạm đón tiếp ở Herblay, ngoại ô Paris. Ở đây, chỉ là trạm tạm thời, sau đó mọi người được phân phối đi khắp nơi trên đất Pháp.
Mừng được ở lại Paris, đi học tiếng Pháp và sau đó học nghề làm tóc. Ông bà Năm được đưa xuống Troyes và bây giờ có tiệm ăn và nhà cửa, sống khá thoải mái.
Cơ may đưa đẩy, 20 năm sau, Mừng có một cửa tiệm uốn tóc nhỏ ở quận 13.

Ở Pháp phải sống hoà nhập với người bản xứ, Mừng cố học nên bây giờ cũng nói tàm tạm tiếng Pháp để tiếp khách và trò chuyện khi làm tóc cho khách hàng. Khoảng năm 2000, đang lui húi phía sau tiệm, cô thợ trẻ gọi với vào:
- Chị ơi, có nguời muốn gặp chị
Mừng chạy ra, thấy một thiếu phụ khoảng 40 tuổi, dáng dấp thanh lịch, cầm trên tay một hồ sơ và nói:
- Nếu bà chủ cần người thì tôi để lại hồ sơ, tôi có bằng BP Coiffure! (Brevet professionnel, một bằng cấp cho phép hành nghề và mở tiệm làm tóc).
Mừng nhìn trân cô gái và bỗng òa lên:
- Trời ơi cô Dung, phải không ?
Cô gái sững sờ, nhìn lại Mừng, chưa kịp nói gì, thì Mừng hớn hở tiếp:
- Cô Dung ơi, tui là Mừng đây nè!
Dung là con của ông bà chủ trước mà lúc nhỏ Mừng vẫn theo lẽo đẽo sau lưng cô. Tuy gần bằng tuổi nhau nhưng Mừng đã gọi Dung là cô cho phân biệt chủ tớ.
Dung bối rối, nhìn ra Mừng và ngượng ngùng buông ra vài tiếng:
- Ô, Mừng đó hả!
Tính tính chân thật, Mừng tíu tít:
- Trời ơi, thiệt là vui, gặp lại Cô ở đây. Ông bà và các cô cậu ra sao rồi cô Dung?
Dung dè dặt đáp:
- Ba má không chịu đi, tui qua cũng lâu rồi, còn mấy anh chị ở Canada.
Mừng đỡ lấy hồ sơ xin việc trên tay Dung, vồn vã nói:
- Cô Dung đến làm việc ở đây với Mừng nhe. Mừng đâu quên ơn Ông Bà cho Mừng đi học…
Dung giật lại hồ sơ, ấp úng nói:
- Được rồi Mừng! Ngày mai tui sẽ trở lại làm việc ở đây.
Rồi vài câu thăm hỏi, Dung bước đi vội vã.
Mừng không bao giờ thấy cô Dung trở lại. Những đêm sau đó Mừng trằn trọc suy nghĩ, có lẽ cô Dung bàng hoàng vì bây giờ phải đi xin việc với “người ở đợ” ngày xưa, nhưng dù muốn giúp cô Dung, Mừng biết cô ở đâu mà tìm.

 

Sự ngỡ ngàng của Dung cũng dễ hiểu, ôi có lẽ đây là cuộc đổi đời khiến con người khó nhìn lại nhau! Tuy điều Mừng lo ngại là cô Dung không có việc làm, nhưng suy đi nghĩ lại, Mừng nhớ là ngày còn nhỏ cô Dung có thầy đến nhà dạy kèm Pháp Văn, mùa hè cô lên Sài Gòn luyện thêm sinh ngữ ở trường tây mà bây giờ Mừng biết là Centre Culturel français.
Như vậy dù sao cô Dung cũng không đến nỗi nào. Nghĩ vậy Mừng an lòng, ngủ thiếp.

Cánh cửa tiệm được đẩy ra, cái chuông reo leng keng, Mừng chạy vội ra nhanh nhẩu đón khách:
- Bonjour Madame!
Bà khách đầm quen, cười tươi tắn:
- Bonjour Mylène. Vous pouvez vous occuper de moi, tout de suite? Une coupe et un brushing, comme d’habitude. (Chào Mylène. Cô có thế lo cho tôi ngay bây giờ không? Cắt và chảy tóc, như thường lệ)
Mừng cười vui vẻ, lấy áo choàng của khách treo vào tủ, mặc vào cho bà cái áo khoác màu hồng nhạt của tiệm và hướng dẫn bà Đầm đến bồn gội đầu.

Cái tên Mừng khó gọi, nên khi đi học, Mừng đã đổi lại là Mylène. Còn tên Mừng chỉ dành cho những ai quen biết từ trước, như ông bà Năm mà thỉnh thoảng Mừng vẫn gặp và mối liên hệ gần như là gia đình.
Mừng nhớ khi vừa bước lên đảo, chờ làm giấy tờ, có cô cháu ông bà Năm ở Sài Gòn cũng đi vượt biên chung thuyền, cô lanh lợi chỉ «mánh» :
- Trời ơi, tên Mừng, nghe không đẹp, “bồ” khai tên khác đi, thay vi Huỳnh thị Mừng, đổi là Huỳnh Thúy Minh chẳng hạn, nghe hay hơn.

Thấy Mừng nhìn “trân trân”, cô này vội vàng sửa sai:
- Hay tên Huỳnh Ngọc Mừng, có chữ Ngọc vô nghe đẹp hơn, hén!
Trời, cô này đặt tên hay thật, nhưng Mừng lắc đầu lia lịa:
- Thôi, tên Má tui đặt sao, tui giữ vậy, dù gì cũng là tên cúng cơm. Cám ơn bồ nhiều.

Cái tên Mừng với nhiều kỷ niệm mà bảo đổi thành Thúy Minh hay Ngọc Mừng, không bao giờ !
Nhưng sang Pháp, ở lớp học, Mừng, được phát âm là «Mun gờ» giống như mangue (trái xoài) nên Mừng chấp nhận đổi tên.
Từ bồn gội đầu của tiêm uốn tóc Coiffure Mylène, Mừng nhìn ra cửa. Nắng Paris vào mùa xuân, ấm áp, chiếu rọi trên cánh cửa kính trong vắt, lấp lánh như đang vui đùa.

Ngoài vỉa hè, tiếng cười nói của đám trẻ mang cặp trên lưng, trở lại trường học sau bữa ăn trưa, ồn ào náo nhiệt, nhưng Mừng nghe vui như những tiếng chim kêu chíu chít gọi đàn.
Kỷ niệm của những ngày thơ ấu ở Vĩnh Long lảng vảng trong trí nhớ.
Vừa gội đầu cho khách, Mừng vừa nói thầm :
- Ngày mai, phải đi gởi 200€ về VN cho Má và viết thơ nói bà nhớ mua quà đến tặng hai bên ông bà chủ.

Switch mode views: