Trên Bến Tàu
- Thứ Ba, 07 tháng Năm năm 2019 05:43
- Tác Giả: Như Sao
Không có cuộc đón tiếp nào cảm động bằng đón người thân yêu trở về từ một cuộc chiến. Nó càng cảm động và thơ mộng hơn nữa khi diễn ra đầy bất ngờ ở một bến tàu mà người trở về không hề hay biết. Những giọt lệ những nụ cười trên bến giang đầu ấy là một lời chúc phúc muôn vàn tốt đẹp. Hôm nay nhân mùa tưởng niệm 30 tháng Tư, Như Sao xin gởi đến bạn bè câu chuyện sau đây. Tiếc thay chúng ta không được may mắn như nhân vật trong truyện. NS
Hôm ấy mùa rét năm 1945. Tôi đứng trên bến tàu ở Tacoma, Washington, cùng với bao người chờ đợi khác. Mặc dầu các cô trong Hội Hồng Thập Tự đã mang cho mỗi người một ly cà phê nóng và cặp găng tay giữ ấm, nhưng chúng tôi vẫn đứng sát vào cái thùng phuy đốt lửa để sưởi ấm, tránh ngọn gió biển cắt da.
Vừa đứng run, tôi vừa cho tay vào túi lấy cái thư nhàu nát ra đọc lại -mà có lẽ tôi đọc tới cả trăm lần rồi. “Chiến tranh chấm dứt rồi. Anh sẽ trở về với em”.
Thế là chàng Trung úy Robert Marks của tôi vẫn còn sống và đang từ Seoul trở về. Ôi, thời gian chia cách đã quá lâu rồi, và tôi không còn tin ở điều tốt đẹp này nữa.
Bức thư được gởi tới tay tôi ở Seattle, nơi tôi đang cư ngụ và làm việc, cách xa Tacoma tới năm mươi dặm. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vui mừng và phấn khởi. Các cô làm trong căn cứ Fort Lawton đều chia sẻ niềm vui lớn lao này với tôi. Ba năm dài dằng dặc với bao nỗi cô đơn, mất ngủ và sợ hãi phải nhận được mẩu giấy “Thương tiếc báo tin”. Ba năm ác mộng ấy đã trôi qua. Trăn qua trở lại, tôi thắc mắc với ý nghĩ mình sẽ làm gì khi Bob xuất hiện trên cầu tàu chiếc Oscaloosa?
Thế rồi bỗng một sĩ quan ở căn cứ Fort Lawton kéo tôi qua một bên, nói: “Chúng tôi đã sắp xếp một cuộc tiếp đón Bob ở Tacoma đầy bất ngờ và ngạc nhiên. Cô sẽ có mặt ở đó khi anh ấy đặt chân lại lên nước Mỹ lần đầu tiên.”
Buổi sáng ngày Bob trở về, tôi và người tài xế rời Fort Lawton thật sớm để có mặt ở Tacoma trước nhiều giờ. Tôi đang đứng trên cầu tàu, mơ mộng về tương lai mà tôi với Bob sẽ cùng chia sẻ, thì bất thình lình một chiếc tàu kéo bỗng rúc lên hai hồi còi ngắn làm tôi tỉnh giấc mơ. Tôi nhìn những chiếc tàu kéo bé xíu kéo chiếc chiến hạm to kềnh vào cảng nằm nghỉ bình yên.
Chiếc Oscaloosa đã cặp bến và chồng tôi được trở về.
Trong khi đó…. Ở trên tàu, bạn bè của Bob giấu kín những việc sẽ xảy ra trên bến tàu. Do đó, khi tôi kiên nhẫn chờ đợi trên bến thì Bob ở sâu dưới lòng tàu đang chậm rãi và kỹ lưỡng xếp lại cái túi ngủ. Anh chăm chú vào công việc, về sau anh cho tôi biết như thế, cho đến nỗi anh không nghe bất cứ một điều gì liên quan đến mình, và anh đã rất đỗi ngạc nhiên khi một trong những người bạn thân kéo anh xuống và bảo anh đến trình diện chỉ huy trưởng.
“Anh sắp rời tàu đấy nhé,” vị chỉ huy trưởng thông báo.
“Tôi ư?” Bob ngạc nhiên hỏi.
“Ðúng vậy, chính anh” chỉ huy trưởng trả lời. “Anh chuẩn bị đi lấy giấy tờ và cả quân trang nữa nhé.”
Bob đi sắp xếp lại đồ đạc và thắc mắc không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Khi cái bửng cầu tàu được hạ xuống, thì đã có một đám binh sĩ đứng nhìn lặng yên trên boong tàu. Trong khi đó từ trên bến tàu tôi và các sĩ quan bạn bè đang căng mắt chờ đợi, chỉ nghe tiếng những lượn sóng đập vào thân tàu.
Rồi bỗng nhiên cửa mở và Bob -Bob của tôi- hiện ra. Anh trông gầy, da ửng hồng vì uống thuốc ngừa sốt rét rừng. Tim tôi vẫn tiếp tục đập cuồng loạn. Ðây chính là thời khắc tôi chờ đợi đã bao năm, cái thời khắc chạy tới đón chồng và ôm nhau khóc cười cùng một lúc. Vậy mà không hiểu vì lý do gì tôi đứng yên bất động. Bất động y như màn hình đang chiếu bỗng ngưng lại giữa chừng.
Bob thong thả bước xuống cầu tàu. Rồi anh nhìn thấy tôi và vội vã chạy tới, túi đeo lưng chệch qua một bên. Anh ôm chầm lấy tôi, cười lớn tiếng và quay tôi trong vòng tay rồi hôn tới tấp trên mặt tôi. Tôi ôm anh miết, nước mắt chảy xuống thay lời. Các binh sĩ trên boong tàu cũng điên cuồng reo mừng và ca hát “Margaret và Bob kìa! Margaret và Bob! Ôi, đã quá lâu rồi họ xa nhau!”
Chúng tôi ôm nhau quá lâu cho tới nỗi những người chung quanh mỉm cười, rồi nhún vai, trở lại với công việc.
Nhân viên tình nguyện của Hội Hồng Thập Tự, cố nén những giọt nước mắt, chạy ùa ra mang theo những ly cà phê nóng. Cuối cùng Bob buông tôi ra, bưng ly cà phê, hớp một ngụm và nói: “Ðây là ly cà phê đầu tiên tôi được uống lại sau nhiều năm.”
Chúng tôi đứng với nhau trên cầu tàu, miệng cắn những miếng bánh doughnuts có mùi quế trong tiết trời băng giá buổi sớm mai. Tay cầm tay và mỉm cười thật trong sáng. Chỉ là những cử chỉ giản dị, bình thường nhưng âu yếm xúc động biết bao. Thế là hai đứa chúng tôi đã đoàn viên sau bao năm xa cách.
NS
(theo Margaret Brown Marks)
Tin mới
- Chuyện Một Nhà Văn - 10/06/2019 17:57
- Giòng sông ra biển lớn - 10/06/2019 02:15
- Một lần da đến thịt - 04/06/2019 02:29
- Tôi làm rể Gia Long - 31/05/2019 04:41
- Những con hẻm thương yêu - 28/05/2019 23:31
- Trái Tim Việt Nam - 25/05/2019 23:08
- Bắc Kỳ 9 Nút - Bắc Kỳ 2 Nút - 19/05/2019 17:58
- Bà Năm Xóm Chợ Bà Chiểu - 14/05/2019 20:48
- Chưa phải tình yêu nhưng đẹp như cổ tích - 08/05/2019 21:07
- Con tàu chỉ có một người - 08/05/2019 20:43
Các tin khác
- Đọc báo Nhân Dân ở Việt Nam - 04/05/2019 02:27
- Cười Ra Nước Mắt Với Bức Thư Ông Tây Viết Về Giao Thông Hà Nội - 30/04/2019 20:38
- Chuyện "ăn" sau ngày "chiến thắng" - 07/04/2019 19:05
- Những Người Không Đất Đứng - 07/04/2019 19:03
- Lòng mẹ bao la! - 02/04/2019 19:56
- Im Lặng "Silences" - 02/04/2019 01:30
- Người tình ảo trên Taobao - 31/03/2019 05:21
- Trứng luộc và “ông ngoại” - 24/03/2019 03:55
- Hai Con Khỉ Già - 18/03/2019 22:43
- Đôi guốc mộc - 18/03/2019 00:44