Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Đôi guốc mộc

mh doi guoc Cầm 3 cành hoa forsythia cuối cùng lên ngắm nghía tôi định ra quầy trả tiền mang về chưng cho có màu vàng thay thế hoa mai, bỗng nghe tiếng thì thầm rất nhỏ của ai đó sau lưng:

– Mẹ ơi hoa mai hết rồi, con mua hoa hồng thay thế được không?

– Hết thì đi chợ khác, phải có mai mới đúng nghĩa ngày Tết chứ. Hoa hồng thì cắm lúc nào chả được.

– Con đi tất cả năm cái chợ của khu này rồi mẹ à. Bây giờ chợ sắp đóng cửa mẹ không quyết định thì coi như không có hoa cúng Tết đó.

Không đợi bà mẹ bên kia đầu dây quyết định tôi quay người lại đưa 3 cành hoa cho cô gái:

– Cô lấy đi.

Cô gái nhìn tôi lúng túng:

– Tại sao chị lại nhường cho em, chị đến trước và đã lấy nó rồi mà?

– Nhưng em cần nó hơn chị, người già Tết phải có hoa mai như thế ngày xuân mới vui vẻ hạnh phúc. Chị ở một mình có hoa hay không cũng chẳng khác gì.

Nói xong tôi dúi 3 cành hoa vào tay cô gái rồi đẩy chiếc xe chợ lấy thêm bịch sữa và vài thứ lặt vặt. Cô gái lẽo đẽo theo tôi:

– Chị ơi em ngại quá, em không cố tình nói chuyện với mẹ để chị nghe mà nhường em đâu.

– Thế thì chị xin lỗi đã nghe lén câu chuyện. Em không cần ngại chị về mở Internet chọn cây hoa mai đẹp rồi cắt bánh chưng vừa ăn vừa ngắm là đủ Tết rồi. Mà tiết lộ bí mật cho em nghe nha nhờ mánh này mà chị giàu lắm vì tiết kiệm được khối tiền ha ha ha.

– Vậy sao chị không tìm luôn hình cái bánh chưng vừa ngắm hoa và ngắm bánh thì còn giàu gấp đôi?

– Wao cuối năm gặp cao thủ, em thử đi rồi báo cho chị biết có ổn không khi cái bụng rỗng kêu óc ách cả đêm nhé.

– Chị không cho số điện thoại thì làm sao em báo?

Thấy con bé dễ thương và lanh lẹ kết bạn cũng vui tôi chìa chiếc điện thoại ra và trao đổi số của nhau rồi chia tay. Về đến nhà tôi nướng 2 lát bánh mì, rót ly sữa rồi mở tivi nghe tin tức để không nhớ là Giao thừa sắp đến. Chưa kịp nhâm nhi thưởng thức thì chuông điện thoại reng, chuyện rất lạ vì bình thường cái điện thoại của tôi chả reng bao giờ vì tôi chả quen ai nhiều và lạ hơn nữa là ai tìm mà khuya thế. Liếc sơ tên người gọi tôi thầm nghĩ thôi rồi đại họa đã đến, ai đời gần 12 giờ đêm mà gọi reng inh ỏi cho người mới quen biết bao giờ.

– Hello chị, là em đây, là Ngân đây, em về kể chuyện đi mua hoa trễ bị hết may được chị nhường lại mẹ em cảm động quá. Và rồi nghe nói chị ăn Tết một mình nên bảo em gọi mời chị đến đón Xuân với gia đình em.

Tôi ngại ngùng ấp úng từ chối với muôn ngàn lý do nhưng sau cùng phải chịu thua con bé lém lỉnh dai hơn dây thun này. Sẵn có hai trái dứa mua để xay nước trái cây uống tôi thức trắng đêm làm mứt để làm quà gặp mặt bà cụ có lòng hảo tâm. Mặc dù đã ra sức từ chối và hơi ngại khi đi ăn ké nhà người lạ nhưng buổi sáng tôi vẫn đúng giờ hẹn chắc vì tôi cũng muốn tìm hiểu không khí Tết trong một gia đình hoàn chỉnh có cha mẹ anh chị em như thế nào. Ngoài trời thật lạnh nhưng đi ăn Tết VN thì ý nghĩa nhất vẫn là áo dài truyền thống nên tôi chọn chiếc áo dài mang theo từ Việt Nam. Bên ngoài chịu khó khoác thêm cái áo nỉ dày cui dài tới gót.

Thấy tôi đến đúng giờ cả gia đình rất vui niềm nở chào đón chúc nhau những lời tốt đẹp nhất, ông bà cụ cứ trầm trồ khen chiếc áo dài tôi mặc:

– Qua đến xứ này mà cô còn giữ phong tục mặc áo dài đi chúc Tết là quý lắm, ông bà nhà khéo dạy con quá.

– Dạ cám ơn hai bác khen thật ra cháu mồ côi từ nhỏ, cháu mặc áo dài vì đây là chiếc áo dài đầu tiên và duy nhất cháu có trong cuộc đời. Cháu quý nó lắm chỉ mặc trong những dịp trọng đại mà thôi.

Bầu không khí đang rộn rã vui vẻ bỗng chùng xuống ai cũng thấy như có lỗi nên vờ lăng xăng bày bàn ăn, bác trai bảo:

– Ăn cơm được chưa, tôi thèm bánh chưng củ kiệu quá rồi.

Bữa cơm Tết gia đình thật vui vẻ ấm cúng, ông bà cụ và bé Ngân lăng xăng chạy tới chạy lui tiếp tôi thật nồng hậu. Chỉ riêng ông anh của Ngân ngồi như keo dính đít chả buồn nhúc nhích mặc dù ăn uống cũng nhiệt tình và lâu lâu cũng có tham gia vài câu cho bữa tiệc thêm phần rôm rả. Mọi người hỏi thăm tôi qua lâu chưa, lần đầu tiên thấy tuyết rơi có sợ không?

– Dạ cháu qua đã được 4 năm theo diện học bổng toàn phần của đại học Mc Gill. Cháu đã học xong và đang đi làm cho hãng …

Ai cũng trầm trồ khen tôi giỏi nên mới vớ được học bổng của trường đại học danh tiếng và bây giờ lại được làm cho hãng lớn. Tan tiệc tôi về trong lòng vui khôn tả vì được quen biết một gia đình rất đạo đức, tử tế. Và vì… tôi mở tủ giày lấy ra đôi guốc mộc mang theo cùng với bộ áo dài ngắm nghía để nhớ về cái Tết ở quê nhà năm tôi 15 tuổi.

                                                                                                  o O o

Quê tôi nghèo lắm cây cối xác xơ, sỏi đá khô cằn, chó gầy trơ xương sủa không thành tiếng. Năm đó Tết đến ủy ban thông báo có phái đoàn từ thiện nước ngoài sẽ đến và phát quà cho những người nghèo, già neo đơn. Cả làng mừng vui rủ nhau ơi ới đi từ sáng sớm vì sợ đến trễ hết phần. Hôm đó như thường lệ tôi vác dao đi chặt lá chuối, tước bỏ cuống xếp lại từng tệp đem ra chợ bán. Trên đường về ngang qua uỷ ban phường thấy người ta đang phát quà tôi chợt giật mình nghĩ đến bà Tám Ớt, dúi vội con dao và cái sọt vào bụi tre gần đó tôi chạy một mạch lại nhà bà. Ðúng như tôi nghĩ bà ngồi ngoài sân mắt nhìn về hướng ủy ban một cách thèm thuồng, tôi chạy tới khom lưng cõng bà chạy một mạch ra uỷ ban. Ðặt bà ngồi xếp hàng trước thềm uỷ ban tôi dặn:

– Bà ngồi đây lãnh quà, chút nữa con quay lại cõng bà về.

– Con không ở lại lãnh quà sao, con cũng nghèo mà.

– Người ta chỉ cho người nghèo già đơn chiếc thôi, con có nghèo nhưng chưa già con tự làm nuôi thân được mà bà.

– Ơ… ơ ơ.

Không đợi bà ơ thêm tiếng thứ tư tôi chạy bay lại bụi tre tìm kiếm gia tài cất giấu khi nãy, may quá cái sọt và con dao chưa bốc hơi. Dựa lưng vào gốc tre thở hồng hộc bù cho lúc nãy chạy nín thở vì sợ trễ, thò tay vào cái sọt tôi lấy cuốn sách ra ngồi đọc trong lúc chờ bà Tám Ớt. Cả xóm đặt tên bà như vậy vì nhà bà trồng ớt cay nhất làng chắc nhờ sự hợp tác chặt chẽ của các bạn gà suốt ngày lang thang trong vườn.

Ngoài kia bà bác Việt kiều trao phần quà cho bà Tám Ớt ân cần thăm hỏi:

– Sao bác đến trễ thế may là chúng tôi chưa về.

– Tui bị đau chân đi không được, may là con Hường đi bán về sớm cõng giùm tui tới chứ không thì…

– Rồi cô đó đâu sao không ở lại lãnh quà?

– Tui có biểu nó ở lại nhưng nó nói quý ông bà chỉ phát cho người nghèo già neo đơn. Nó còn trẻ còn tự mưu sinh được không dám tham. Nó biểu tui lãnh xong ngồi đây chờ chút nó quay lại cõng tui về.

– Thương thế nhỉ, nhưng mà đây cũng là gói quà cuối cùng chả làm sao được.

Ðứng sau lưng Mẹ phụ giúp phát quà Tú đã chú ý cô gái trắng như cục bột bánh bao tóc bum bê cắt theo kiểu gáo dừa úp ngược, con mắt thiệt to ăn mặc xốc xếch cõng bà cụ đến vào giờ chót rồi vụt biến mất. Bây giờ Tú đã hiểu, thay vì phụ ba mẹ dọn dẹp đồ lên xe Tú chân thấp chân cao khập khễnh băng qua đường nơi có một quán nước dừa tươi, một quán cơm bình dân và một tiệm tạp hoá. Tiệm tạp hoá miền quê bán từ gạo, muối, nước tương, đậu xanh, đậu đỏ, me ngọt Thái Lan cho tới vé số Kiên Giang, Tiền Giang ôi thôi hầm bà lằng.

Ði tới đi lui ngắm nghía mắt Tú dừng lại nơi đôi guốc gỗ đơn sơ mộc mạc vì anh chợt nhớ lúc nãy cô bé cõng bà cụ chạy chân không. Bên cạnh đôi guốc là xấp vải tơ rẻ tiền màu thiên thanh và xấp vải trắng gói trong bọc nilon để không bị bụi làm hoen màu. Bà chủ bảo xấp xanh đủ may áo dài và xấp trắng để may quần. Mua xong ba thứ Tú băng qua đường trở về uỷ ban đúng lúc cô gái khom lưng xuống cõng bà cụ lên, bao gạo, chai nước tương, thùng mì gói cồng kềnh cứ rơi long lóc chẳng sao giải quyết được. Anh Tâm đi cùng trong đoàn ra phụ cõng bà cụ, cô bé ôm gói quà trước ngực dẫn đường vừa đi vừa hồn nhiên:

– Bà Tư sướng nhe năm nay có quà Tết Việt kiều, có cả dầu xanh nữa xức lên thơm phức luôn.

Tú ôm đôi guốc và xấp vải gói trong tờ giấy báo đi theo bên cạnh. Ði ngang bụi tre Hường rẽ vào lấy cái sọt có con dao to tướng Tú nhìn hết hồn xanh cả mặt mày. Anh Tâm cũng điếng người giả vờ giả lả hỏi:

– Bé con đi đâu mà xách con dao to tướng vậy?

– Nó đi chặt lá chuối bán ngoài chợ cho bà con mua gói bánh tét chứ không có gì đâu chú đừng sợ. Dòm nhỏ con chứ cũng mười lăm tuổi rồi, học giỏi nhất làng này đó.

– Chậc, nhưng nghèo quá biết theo được tới đâu?

Tú an tâm thở phào nhẹ nhõm, lòng hơi hối hận với ý nghĩ vừa thoáng qua khi vừa nhìn thấy con dao. Ðưa bà Tám vào nhà anh Tâm và Tú vội quay trở lại để cùng đoàn trở về thành phố ngay trong ngày. Tú để gói quà vào cái sọt nói nhỏ:

– Tặng em nè, có đôi chân lành lặn phải biết quý đừng đi chân không chai gót mất đẹp.

Hường sững người đứng nhìn theo người ân nhân chân thấp chân cao khập khễnh xa dần, xa dần.

                                                                                                   o O o

Ðã bao năm qua tiếng nói dịu êm và khuôn mặt trong sáng nhân từ ấy chưa bao giờ phai nhoà trong tâm trí tôi. Nay gặp lại có thể anh không nhận ra, anh đã quên chuyện đôi guốc mộc năm xưa nhưng tôi không quên.

Liên tiếp 9 ngày sau đó tôi và Ngân cứ gọi nhau ơi ới nói chuyện không ngừng nghỉ về chuyện học hành, chuyện đi làm bị các đồng nghiệp cứ xoa đầu như em bé vì nhỏ con chỉ đứng tới vai họ. Về chuyện quê một cục vì đi nhà hàng ăn steak mà xịt đầy maggi và ớt tabasco đến hôm sau bà thư ký già thì thầm nói nhỏ “Con gái cưng ăn steak đừng thêm gia vị gì hết, như thế mới cảm nhận được vị ngon ngọt của miếng thịt bò”. Về chuyện mẹ em mỗi năm sinh nhật, lễ các bà Mẹ, Giáng Sinh ai cho quà là giận, bắt đưa hoá đơn để đi trả lại. Chỉ cho bao thư là cười hớn hở vì mẹ cần tiền để làm từ thiện giúp người nghèo ở VN. Về chuyện ba bị tiểu đường nhưng thích ăn ngọt cứ lục tủ lạnh ăn vụng chè của mẹ hoài. Về chuyện ông anh rất giỏi và thành công trong sự nghiệp nhưng sao sao í chẳng cua được cô nào.

Hôm 14 tháng 2, tôi mua một đóa hồng nhung tươi thắm. Lấy tờ giấy báo gói đôi guốc mộc, cột ngang bằng dây lạt thắt nơ. Cắm đóa hồng nhung xuyên qua sợi dây lạt tôi đến nhà Ngân đặt trên capot chiếc xe cũ không thể tìm được chiếc nào cũ hơn nữa của anh Tú. Ðúng như lời nằm vùng đưa tin 7 giờ 45 anh ra xe, thoáng ngạc nhiên khi thấy gói quà anh nhìn quanh quất rồi vào xe ngồi im rất lâu.

Sau bữa cơm chiều điện thoại của tôi có tin nhắn “Con bé ngu ngốc qua lấy đôi guốc về đi, tôi tật nguyền làm sao mang guốc. Còn hoa nữa ai lại tặng hoa cho con trai bao giờ”.

Tôi lặng người gửi trả một khuôn mặt buồn với hai giọt lệ “em sẽ qua lấy hoa nhưng guốc và bộ áo dài xin gửi trả lại, cùng 2,000 Mỹ kim em nhận được qua bà Tám Ớt trong suốt thời gian đi học”

Một phút sau “Chỉ tặng đôi guốc mà bị ép duyên kiểu này, biết thế gặp ai anh cũng tặng guốc thì bây giờ đã có 10 cô để chọn lựa rồi”.

Hai hàng nước mắt trên má còn chưa khô tôi bật cười với hai chữ ép duyên. Có tiếng gõ cửa phòng dồn dập tưởng như cháy nhà tôi mở tung cánh cửa không kịp hỏi chuyện gì, anh Tú phóng vào với bó hồng to tướng trên tay.

– Tặng hoa là phải nguyên bó thế này biết chưa, người gì hà tiện thế không biết.

– Có biết nhưng tặng nguyên bó lỡ bị trả lại… uổng.

Switch mode views: