Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Huawei và ZTE của Trung Quốc làm 'trùm' tại Việt Nam


HÀ NỘI (NV) - Hai tập đoàn sản xuất trang bị viễn thông lớn hàng đầu Trung Quốc Huawei (Hoa Vi) và ZTE (Trung Hưng Thiết Bị) làm trùm cung cấp trang bị điện tử viễn thông tại Việt Nam từ mấy năm qua.

Ðáng chú ý là hai tập đoàn này bị cả Mỹ và Canada từ chối vì sợ bị ăn cắp kỹ thuật.

vienthongVN Huawei

 

Nhân viên và khách hàng đi ngang hành lang trụ sở trung ương của công ty Hoa Vi (Huawei) tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Trong khi Mỹ và một số nước sợ trang bị điện tử của Huawei và ZTE “cài mật mã” làm gián điệp ăn cắp thông tin thì hai đại công ty này của Trung Quốc làm trùm ở Việt Nam. (Hình: STR/AFP/GettyImages)

 

Một bài viết trên báo VNEconomy hôm Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012 cho hay như vậy và cho biết lý do là nhà nước CSVN ham rẻ và cũng là tại “cơ chế đấu thầu.”

Ngày 8 tháng 10, 2012, Ủy Ban Tình Báo của Quốc Hội Hoa Kỳ khuyến cáo nên cấm các công ty Huawei và ZTE tham gia vào các cuộc đấu thầu của chính phủ cũng như không cho phép mua lại hoặc liên doanh với các công ty điện tử lớn của Mỹ.

Lý do được nêu ra là các công ty Trung Quốc vừa kể có liên quan chặt chẽ với nhà cầm quyền Bắc Kinh và rất có thể các trang bị đó được cài cắm các bộ phận ăn cắp thông tin, tức làm gián điệp điện tử cho nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Một ngày sau tức 9 tháng 10, 2012, chính phủ Canada cũng viện dẫn lý do an ninh để loại bỏ công ty Huawei trong việc giúp xây dựng “mạng thông tin siêu bảo mật” cho nước Canada.

Tháng 3 vừa qua, chính phủ Úc cũng đã từ chối cho Huawei tham gia đấu thầu cung cấp mạng lưới truyền thông tốc độ cao cũng vì quan ngại an ninh quốc phòng.

Sau khi Quốc Hội Mỹ khuyến cáo, công ty Cisco Systems đã chấm dứt hợp tác với ZTE trong các kế hoạch hợp tác chiến lược, lấy cớ ZTE bán hàng cho Iran, một kẻ thù đang bị Mỹ cấm vận.

Trong khi đó, tại Việt Nam, báo VNEconomy thuật lời một viên chức cao cấp của một công ty viễn thông quốc doanh CSVN nói, “Phần lớn sử dụng các thiết bị hạ tầng mạng của hai nhà cung cấp Huawei và ZTE (Trung Quốc) để xây dựng, phát triển hệ thống mạng lưới viễn thông của mình.”

Lý do chính được nêu ra là “giá bỏ thầu của họ cạnh tranh nhất, thiết bị quá rẻ, các nhà cung cấp khác không đấu lại được, trong khi, cơ chế đấu thầu của mình thì không chọn họ không được.”

Trước kia, các công ty viễn thông (đều là quốc doanh hay của quân đội) tại Việt Nam sử dụng trang thiết bị của các nước Tây phương. Nhưng tới khi Huawei và ZTE đủ lông cánh, chen vào bỏ thầu thì cướp hết mối thầu tại Việt Nam.

“Các tập đoàn trên thế giới đã không thể cạnh tranh được với giá bỏ thầu của các nhà cung cấp của Trung Quốc, giá thiết bị của họ quá cạnh tranh, chỉ bằng 40-50% so với giá trên thị trường.” Ông lãnh đạo nhà mạng được giấu tên giải thích lý do tại sao mua thiết bị hạ tầng mạng của Huawei và ZTE.

Bên cạnh giá rẻ phân nửa, ông này còn nói, “...với cơ chế đấu thầu của mình, chúng tôi không chọn họ không được.” Tức là phải chọn công ty nào bỏ thầu thấp nhất, chứ không phải phối hợp giữa nhiều tiêu chuẩn khác nhau.

Khi cả thế giới bày tỏ sự âu lo Trung Quốc dùng “gián điệp điện tử,” VNEconomy thuật ý kiến của nhiều công ty viễn thông trong nước cho rằng “hiện chưa có bằng chứng cụ thể khẳng định sử dụng các thiết bị điện tử cũng như các linh kiện của Huawei hay ZTE có khả năng bị lộ thông tin cá nhân hay liên quan đến vấn đề an ninh.”

Tuy nhiên, một ông phó giám đốc một công ty quốc doanh mạng thừa nhận, tuy rẻ nhưng “vấn đề an ninh bên trong thì doanh nghiệp không thể biết được và cũng không dám chắc là tuyệt đối không sao, vì những yếu tố này chưa thể hiện ra bên ngoài.”

Huawei là công ty do Nhiệm Chánh Phi, một cựu sĩ quan Trung Quốc thành lập năm 1987, có nhiều mối quan hệ với nhà cầm quyền Bắc Kinh, hiện trở thành một trong những nhà cung cấp viễn thông hàng đầu thế giới.

ZTE là công ty, trụ sở ở Thẩm Quyến tỉnh Quảng Ðông, sản xuất trang bị viễn thông và điện thoại di động lớn hàng thứ tư thế giới, tính trên số lượng sản xuất. (TN)

Switch mode views: