Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ trừng phạt Iran: Đức cảnh báo gia tăng bất ổn tại Trung Đông

iran-nuclear

Hình vẽ chống Mỹ trên một bức tường ở thủ đô Teheran, Iran. Ảnh chụp ngày 13/10/2017.
Nazanin Tabatabaee Yazdi/TIMA via REUTERS

Hôm nay, 08/08/2018, một ngày sau khi Washington tái áp đặt các trừng phạt kinh tế đối với Iran, nhằm ngăn chặn tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Teheran tại Trung Đông, ngoại trưởng Đức lên tiếng cảnh báo, quyết định của Mỹ có thể có tác dụng ngược, khiến tình hình khu vực này thêm trầm trọng hơn.

Trả lời báo chí địa phương, ngoại trưởng Đức Heiko Maas báo động với tổng thống Mỹ là :
 « Việc cô lập Iran có thể tạo thuận lợi cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thế lực cực đoan ».

Lãnh đạo ngoại giao Đức nhắc đến Irak và Libya như các bài học nhãn tiền cho thấy, nếu Iran rơi vào hỗn loạn, tình hình của khu vực vốn đã bất ổn này lại càng thêm bất ổn hơn.

Theo ngoại trưởng Heiko Maas, quan điểm của Berlin là từ bỏ hiệp định về hạt nhân với Iran (đạt được năm 2015) « là một sai lầm ».
Dù thỏa thuận này có nhiều điều bất cập, nhưng có được thỏa thuận này rõ ràng còn hơn không.

Nhiều công ty lớn châu Âu rút lui

Trước việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt, Đức cùng các đối tác châu Âu khác như Pháp và Anh, kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục hợp tác với Iran, và hứa hẹn có các biện pháp để giảm nhẹ các hậu quả, đặc biệt với việc tái áp dụng « luật ngăn chặn trừng phạt », cho phép các doanh nghiệp châu Âu kiện những đối tượng, định chế gây thiệt hại cho họ, do thực thi trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn châu Âu, như các công ty Pháp Total hay PSA và Renault, đã quyết định rút khỏi thị trường Iran, để tránh bị vạ lây. Hôm qua, đến lượt tập đoàn xe hơi Đức Daimler tuyên bố ra đi.

Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin :

Daimler từng dự kiến sản xuất và bán xe tải Mercedes tại Iran trong khuôn khổ một kế hoạch hợp tác với nhiều doanh nghiệp địa phương.

Nhà chế tạo xe hơi Đức - từng làm việc tại Iran trong vòng 50 năm, cho đến 2010 - nêu lý do tình hình kinh tế và thị trường xe hơi Iran tiến triển ít thuận lợi để lấy cớ rút khỏi quốc gia này.
Nhiều doanh nghiệp lớn khác của Đức rút khỏi Iran do sợ các trừng phạt của Mỹ.

Đây là trường hợp của hãng Adidas, từng ký một hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Iran hồi năm ngoái.
 Còn tổng giám đốc của Siemens mới đây đã đưa ra các số liệu để chứng minh tầm quan trọng của thị trường Mỹ : 60.000 nhân viên của hãng làm việc tại Mỹ, với 24 tỉ đô la doanh thu, so với 600 triệu ở Iran.

Theo Phòng Thương Mại Đức - Iran, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức có thể sẽ không thay đổi chiến lược, nếu các doanh nghiệp này không làm ăn tại Mỹ. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp lĩnh vực máy công cụ.

Hàng hóa xuất khẩu Đức sang Iran tăng 16% trong năm ngoái.

Tuy số hàng này chỉ chiếm 0,2% trong toàn bộ xuất khẩu của Đức, nhưng nước vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Iran.
Hai nước có mối quan hệ lâu đời. Trong những năm 1970, Iran từng là đối tác kinh tế thứ hai của Đức ở ngoài châu Âu, sau Hoa Kỳ.


Switch mode views: