Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Một phần tư dân Pháp « mù tin học »

Tin hoc Phap

Một cụ già đang học truy cập Internet tại trong chương trình phổ cập tin học cho người cao tuổi tại Villandraut, tây nam Pháp ngày 22/05/2018.GEORGES GOBET / AFP

Đối với rất nhiều người, dùng Internet hay sử dụng các công cụ có liên quan đến kỹ thuật số gần như là một thói quen hằng ngày.

Thế nhưng, tại Pháp ngày càng có nhiều người cảm thấy khó khăn trong việc dùng các công cụ số hóa này đến mức có thể từ bỏ sử dụng.

Giới chuyên gia cảnh báo hiện tượng chối bỏ tin học có nguy cơ trở thành « một sự rạn nứt mới trong xã hội ».

Trong vốn từ vựng tiếng Pháp có từ « Illettrisme » nghĩa là mù chữ, nay có thêm hai thuật ngữ mới là « Illectronisme » để nói đến hiện tượng « mù tin học » và « abandonnistes », nhằm chỉ những người chủ trương từ chối sử dụng các trang mạng.
Hiện tượng này lại xảy ra ở mọi độ tuổi, không phân biệt thành phần xã hội nghề nghiệp, giới tính, nông thôn hay thành thị.

Thực trạng « mù tin học »

Kết quả một thăm dò do Viện CSA thực hiện hồi tháng 2/2018 theo đề nghị của Nghiệp đoàn Báo chí Xã hội SPS, cho thấy, khoảng 23% số người Pháp được hỏi cho biết « không cảm thấy thoải mái với kỹ thuật số » như gặp khó khăn, thậm chí không thể truy cập vào thế giới mạng.

Thăm dò của Viện CSA đưa ra một kết quả đầy nghịch lý. Gần 90% người dân Pháp đều sở hữu ít nhất một máy vi tính, một điện thoại thông minh hay máy tính bảng và đều sử dụng Intenet mỗi ngày (thậm chí 55% trong số họ truy cập mạng nhiều lần trong ngày).
 Dù vậy, vẫn có đến 11 triệu người từ chối dùng các trang mạng.

Nghiên cứu của SPS còn đặc biệt chú ý đến người cao tuổi. Nếu như 67% số người trên 70 tuổi ở Pháp đều có thiết bị để kết nối, thì hơn 50% trong số này cảm thấy rất vất vả với thế giới kỹ thuật số.

Những người này gần như từ chối hoàn toàn, thậm chí không muốn nghe nói đến các trang mạng bất kể là để tìm kiếm thông tin, đệ đơn, làm thủ tục hành chính, theo đuổi các mối quan hệ hay để mua sắm.

Một điểm nghịch lý khác là giới trẻ Pháp (18-35 tuổi) cũng có cùng một nỗi khó khăn này. Họ hầu như đều sở hữu điện thoại thông minh, nhưng lại không có các công cụ khác.
Họ thành thục trong các thao tác, quen thuộc với các trang mạng xã hội, hay một số ứng dụng giải trí, cơ bản.
Ngược lại, họ cảm thấy vụng về, khó khăn với những cách sử dụng khác, có tính chất phức tạp hơn, nhất là với các trang mạng hành chính.

Theo lời kể của bà Aurélie Tricot, thuộc Quỹ Quốc Gia Hỗ Trợ Gia Đình với nhật báo công giáo La Croix, « một số thanh niên, vốn dĩ rất thành thạo với các mạng xã hội, lại không có khả năng đính kèm thêm một tập tin, do đó không phải là thói quen của họ ».

Hệ quả là bằng cách này hay cách khác, những người đó có xu hướng đi đến việc chối bỏ dần việc sử dụng các trang mạng cho những tính năng khác.
Một tình trạng mà Nghiệp Đoàn Báo Chí Xã Hội đã không ngần ngại đặt tên là « abandonnistes », những người chủ trương chối bỏ hoặc buông xuôi.

Thế giới mạng phức tạp

Do đâu mà có tình trạng này?
Ông Philippe Marchal, chủ tịch Nghiệp Đoàn Báo Chí Xã Hội - SPS, trên đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI, cho rằng chính yếu tố phức tạp trong quá trình sử dụng đã làm nản lòng nhiều người.

« Hơn một phần tư dân Pháp từ bỏ bởi vì tất cả những thứ đó quá phức tạp đối với họ.
Có thể đó cũng là một vấn đề gần như mang tính tâm lý cần đào sâu phân tích cùng với một số nhà tâm lý học và xã hội học sao cho có thể thấy rõ vấn đề một cách chính xác hơn điều gì làm cho người ta từ bỏ như vậy, bỏ dở giữa chừng.

Dù sao đối với tôi, điều dường như quan trọng là người ta có khả năng làm chủ các thông tin mà họ cần.
Có thể nêu ra các câu hỏi về khả năng tối đa mà người ta có thể sử dụng hệ thống thông tin này.

Không có gì ngăn cản chúng ta mường tượng là một ngày nào đó các cuộc bầu cử trên phạm vi quốc gia có thể được tổ chức theo cách này.
Và tôi nghĩ là điều đó sẽ gây ra nhiều vấn đề lớn đối với vô số người. »

Vẫn theo ông Philippe Marchal, chính các bất cập trong giáo dục, đào tạo và việc truy cập là những rào cản cho những người này tiếp cận thế giới mạng.
Thế giới kỹ thuật số phức tạp vì các chỉ dẫn quá tối nghĩa, thiếu chỉ dẫn thực hành đúng đắn, cũng như hạn chế khả năng dễ dàng truy cập các trang mạng từ hành chính công, cho đến lĩnh vực tư nhân và kinh doanh...

Ông nói : « Cũng còn tồn tại một mối nghi kị nào đó. Đương nhiên, thế giới số hóa không toàn mầu hồng và hình ảnh của thế giới đó khiến người ta phải nghi ngờ.
Thông tin không phải lúc nào cũng được kiểm soát, nhiều tin giả, đủ các loại thông tin trên mạng xã hội. Điều đó chắc chắn cũng góp phần tạo ra một dạng kháng cự hoặc chối bỏ, một quan điểm, một sự kháng cự, gần như nổi loạn ».

Mù tin học: Một dạng thiệt thòi xã hội mới?

Giờ đây, thái độ « hờn dỗi » này với công nghệ giờ cũng có một tên riêng.
Trên bình diện ngôn ngữ, thuật ngữ « Illectronisme - Mù tin học » cho phép thích ứng vốn từ vựng với sự tiến triển của xã hội loài người.

Trong trường hợp cụ thể này, hiện tượng đã được gọi đúng tên bởi vì điều đó cho phép hiểu rõ được bản chất của vấn đề, như nhận xét của nhà ngôn ngữ học Philippe Boula với báo La Croix.
Cũng như nạn mù chữ, hiện tượng mù tin học phản ảnh rõ một hình thức « thiệt thòi xã hội » mới.

« Như vậy, chúng ta không còn ở trong thời kỳ ʺrạn nứt bất bình đẳng về tin học nữaʺ, vốn được nói nhiều cách nay vài năm.
 Vào thời đó, người ta cho rằng nhìn trong tổng thể, xã hội được phân chia giữa những người được tiếp cận với internet và những người khác và Nhà nước phải khắc phục tình trạng bất bình đẳng này.

Vả lại, thành ngữ này có cội nguồn từ thành ngữ ʺrạn nứt xã hộiʺ nổi tiếng mà Jacques Chirac đưa ra khi đắc cử tổng thống năm 1995.
Từ nay, cụm từ ʺmù tin họcʺ nhắc nhở đó là một sự thiệt thòi, khiếm khuyết, nhấn mạnh hơn đến từng cá nhân mỗi người và nghe như là một mệnh lệnh phải nhanh chóng tiếp cận với internet. »

Tóm lại, kết quả thăm dò này là một hồi chuông báo động, cho thấy có một sự cách biệt lớn về thực trạng hiểu biết tin học của người dân với tham vọng của chính phủ.

Vào năm 2022, các dịch vụ công cộng đều được số hóa. Nghĩa là mọi thủ tục hành chính, từ đăng ký nhập học cho con, xin cấp giấy tờ, khai thuế... đều được thực hiện qua mạng.
Ông Philippe Marchal, chủ tịch Nghiệp đoàn Báo chí Xã hội không ngần ngại đặt câu hỏi:

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như ngày mai, ngay cả các cuộc bầu cử cũng được thực hiện trên mạng?
Điều đó thật sự gây lo ngại cho nền dân chủ đất nước.
Do đó, ông cho rằng đây là một vấn đề có liên quan đến việc hỗ trợ, đánh động và kêu gọi ý thức của mọi ban ngành chính phủ và toàn xã hội.

Switch mode views: