Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-03-2013

Khủng hoảng Chypre gây sứt mẻ quan hệ Nga- Liên hiệp châu Âu


CYPRUS-BAILOUT-GREECE
Ngân hàng Chypre
REUTERS/Yorgos Karahalis


Tình hình khủng hoảng tại đảo Chypre trước kế hoạch cứu trợ của châu Âu vẫn là tâm điểm trên các báo Pháp hôm nay.

Đứng trước vận mệnh sống còn, liệu Chypre còn tiếp tục từ chối phương án đề suất của châu Âu hay có thể trông cậy vào Nga ?

Vấn đề không chỉ là việc nội bộ của đảo quốc này, mà còn kéo theo các bên liên quan, trong đó có Nga. Báo Le Monde chạy tựa : « Cuộc khủng hoảng tại Chypre gây sứt mẻ quan hệ giữa Nga và Liên hiệp châu Âu ».

Ông José Manuel Barroso, chủ tịch ủy ban châu Âu bị tiếp đón lạnh nhạt tại thủ đô Mátxcơva trong cuộc viếng thăm vào hôm thứ năm, 21/3/2013 vừa qua.

Matxcơva than phiền đã không được tham vấn trong kế hoạch cứu trợ Chypre.

Ông Barroso thì khẳng định rằng đã « tham khảo ý kiến Nga từ trước » về vấn đề này.

Người Nga cảm thấy mình trở thành điểm ngắm trong hồ sơ đảo Chypre.

Sự oán giận dâng cao trong suốt cuộc họp.

Các nhà kinh tế và phân tích chính trị thắc mắc tại sao liên hiệp châu Âu lại chậm trễ cấp 17 tỉ euro cho Chypre trong khi số tiền trên không thấm gì so với số tiền đã chi cho Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Báo chí Nga đã vẽ ra nhiều kịch bản khác nhau.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Chypre đã lan sang khu vực đồng euro, có nguy cơ người dân đua nhau rút tiền khỏi ngân hàng, các định chế tài chính châu Âu phá sản và các nước từ bỏ đồng euro.

Thậm chí báo chí Nga đặt câu hỏi liệu cộng đồng châu Âu có bị sụp đổ như Liên bang Liên Xô trước đây hay không?

Một chuyên gia kinh tế tại Matxcơva cho rằng kịch bản trên sẽ không xảy ra. Nhưng ông nhấn mạnh rằng « Tiếng nói của Bruxelles ngày càng giảm ».

Đối với ông, « Châu Âu, ngọn hải đăng của nhân loại trong tương lai » giờ đây dường như đang suy sụp.

Đó chính là lý do vì sao Nga xích lại gần với Trung Quốc, nhằm hợp tác với nhau trên các vấn đề lớn trong một trật tự thế giới mới.

Giả như Chypre phá sản … ?

Trong tình hình tranh tối tranh sáng, Le Monde đặt giả thuyết « nếu Chypre phá sản thì sao ? ».

Đối với tờ báo, đây sẽ là một kịch bản khiến không ít các bên có liên quan lo sợ. Vì giả như Ngân hàng trung ương châu Âu ngưng cấp tiền mặt cho ngân hàng trên đảo quốc này, sự sụp đổ của Chypre sẽ còn kéo một số quốc gia thành viên khác đang trong tình trạng « thoi thóp » của khu vực euro đi theo.

Le Monde cho biết, từ đây cho đến ngày 25/3, nếu không đạt được một thỏa thuận nào thì Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ khóa hết tiền mặt và các ngân hàng trên đảo quốc Địa Trung Hải này sẽ bị phá sản.

Không những thế, sự phá sản của quốc gia này còn kéo theo sự nổ tung của hệ thống tài chính châu Âu.

Nợ công tại Chypre đã lên đến 15 tỉ euro. Chủ nhân chính của các khoản nợ này chủ yếu là dân Chypre.Họ nắm giữ đến 53% trái phiếu .

Theo tính toán của một chuyên gia ngân hàng Natixis, các chủ nợ còn lại như Đức 60 triệu euro, Pháp 90 triệu và Ý là 10 triệu.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng này được giới chuyên gia kết luận rằng tổng sản phẩm nội địa GDP của khu vực euro ít nhất sẽ giảm đi 3%.

Vì sao Nga từ chối cứu Chypre ?

Về việc Nga lại từ chối mở hầu bao cứu lấy Chypre, trong khi đấy lại là niềm hi vọng cuối cùng của quốc đảo này, báo Le Monde và Le Figaro cho biết rõ nguyên vì sao.

Bộ trưởng tài chính Chypre Michalis Sarris đành phải rời Matxcơva với hai bàn tay trắng sau chuyến viếng thăm nhằm xin vay 5 tỉ cứu trợ của Nga.

Rốt cuộc thì cuộc khủng hoảng tại Chypre lại trở nên khả quan với Nga.

Theo phát ngôn của ông Igor Chouvalov, phó thủ tướng Nga, trước khi tiếp ông Sarris : « Trong vụ việc này, Nga thắng nhiều hơn thua…

Với cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại khu vực châu Âu, ngân hàng Nga có thể thu hồi vốn phân tán từ nhiều nước. »

Nga dự định nhắm đến Singapore hay Hồng Kông để thay Chypre làm nơi cất giữ tiền trong tương lai.

Nga thử để mặc Chypre chống chọi lại cuộc khủng hoảng này với lí luận sau : một khi ra khỏi khu vực đồng euro, đối tác Chypre sẽ cám ơn vốn đầu tư của Nga.

Cuối cùng, báo Le Monde quan tâm đến thái độ của Berlin.

Đối với Đức, khước từ dự án cứu giúp của châu Âu, Chypre đang « đùa với lửa» .

Trước khi bàn bạc về các phương thức cụ thể của kế hoach B, các nước châu Âu hi vọng nghị viện Chypre sẽ nhanh chóng thông qua hai đạo luật được xem là sống còn của quốc gia này. Đó là tái cơ cấu lại ngân hàng đang gặp khó khăn, kiểm soát vốn trước khi mở cửa hoạt động lại của các ngân hàng trước thứ ba tuần tới.

OCDE : doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vẫn giữ vị trí quan trọng

Liên quan đến kinh tế châu Á, báo Le Figaro có bài viết đề cập đến những thách thức mà chính quyền Trung Quốc mới cần cải tổ.

OCDE (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) cảnh báo rằng, để giữ được vị thế của mình và trở thành nền kinh tế số một thế giới vào năm 2016, Trung Quốc cần phải cam kết cải cách sâu rộng.

OCDE khẳng định mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt đến 8.5% năm này và đến 8.9% năm 2014, con số cao hơn hẳn dự đoán của chính phủ Trung Quốc.

Vài ngày sau khi có chính phủ mới Trung Quốc, tổ chức OCDE nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải tăng tốc cải cách hệ thống tài chính, mở rộng quốc tế hóa đồng « nhân dân tệ » và làm cho tỉ lệ hối đoái linh hoạt hơn. Hơn nữa, chính quyền Trung Quốc cần mở rộng hơn nữa đầu tư tư nhân.

« Trong lúc cạnh tranh tăng cao, gia tăng năng suất thì chủ quyền nhà nước cần phải thu hẹp lại trong một số lĩnh vực » theo một báo cáo của OCDE phê phán trọng lượng quá nặng của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế Trung Quốc.

Các doanh nghiệp nhà nước có thể được xem như một mối nguy hiểm đối với nước ngoài. Các doanh nghiệp này có thể sẽ xung đột với các đối tác thương mại. OCDE nhấn mạnh : « Nếu trong một quốc gia có các công ty không bị đánh thuế, không phải trả lợi tức, không bị kiểm duyệt và lao vào cuộc cạnh tranh chung thì thật không hề công bằng tí nào. »

Đồng thời, các công ty phải tăng cường khả năng cạnh tranh và đổi mới. Thêm vào đó, phải « củng cố luật lệ liên quan đến mở cửa một số lĩnh vực cho các nhà đầu tư tư nhân và đặc biệt là nước ngoài ».

Đô thị hóa tại Trung Quốc phải có lợi cho người dân, cải thiện ngành giao thông và dịch vụ công tại các thành phố lớn và đặc biệt là mọi trẻ em đều được đến trường. Cuối cùng, tổ chức OCDE khuyến cáo Trung Quốc nên theo hướng « tăng trưởng xanh » tức là « đánh thuế khi thải khí CO2 ».

Palestine thất vọng với những hứa hẹn của ông Obama

Chuyến công du Cận Đông của tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục là tâm điểm thời sự quốc tế trên các trang báo Pháp cuối tuần.

« Thất vọng » của người dân Palestin là nhận định chung của các báo. Và như vậy mục tiêu chinh phục lòng dân vùng Cận Đông của tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa hoàn thành.

« Tại Israel, thông điệp hòa bình của ông Obama bị mua chuộc » và « Ông Obama kêu gọi hòa bình cho người dân Israel và Palestin nhưng không có một đề xuất nào » lần lượt là các nhận định của báo Liberation và báo Le Monde nhận định.

Đối với hai tờ báo, nếu như bài diễn văn kêu gọi hòa bình của tổng thống Mỹ tại Trung tâm Hội nghị Jerusalem càng được giới trẻ Israel vỗ tay nồng nhiệt bao nhiêu, thì ngược lại những đề xuất của ông ở Ramallah tại Cisjordanie trước các quan chức Palestine lại càng gây thất vọng bấy nhiêu.

Tại Cơ quan quyền lực Palestine, ông Obama nhấn mạnh rằng « hòa bình không thể nào đạt được bằng con đường bạo động, xâm chiếm, dựng tường rào, bắt bớ, vây hãm hay chối bỏ nhân quyền ».

Ông luôn chắc chắn rằng « khả năng giải pháp hòa bình giữa hai dân tộc vẫn tồn tại ». Nhưng bằng cách nào, bằng sự nhượng bộ nào giữa đôi bên thì ông lại không cho biết cụ thể.

Chính vì điểm này, mà báo thiên hữu Le Figaro cho rằng « Bethlem đón tiếp Obama lạnh nhạt ».

Người dân tại đây tỏ ra khá lạnh lùng khi nhìn thấy vị nguyên thủ cường quốc số một thế giới đến thăm Giáo đường Giáng sinh tại Bethlem. Theo họ, « ông Obama giờ đây cũng giống như những người Ả Rập », nghĩa là « nói nhiều nhưng chẳng làm được gì nhiều cả ».

Bởi vì, không như cách đây bốn năm, tổng thống Mỹ giờ đây đã không hề đề cập đến việc ngăn cản Israel xây dựng các khu định cư trên vùng lãnh thổ Palestine.

Thế nhưng, dù sao đi chăng nữa ông Obama cũng vớt vát ghi được một điểm.

Trước khi lên đường đi Jordani, tổng thống Mỹ cũng đã có được lời xin lỗi của thủ tướng Israel về cái chết của 9 người dân Thổ Nhĩ Kỳ trong đợt khám xét một đội tàu nhỏ trên đường đến dải Gaza năm 2010.

Pháp lại biểu tình chống dự luật « Hôn nhân đồng tính »

« Hôn nhân đồng tính » vẫn là đang là chủ đề gây nhiều tranh cãi tại Pháp.

Theo thông báo của các báo Pháp hôm nay, vào ngày mai, chủ nhật 24/3/2013, đường phố thủ đô Paris lại một lần nữa sẽ tràn ngập những người biểu tình phản đối dự thảo luật này. Các nhà tổ chức dự báo là đợt biểu tình ngày mai sẽ quy tụ đông đảo người tham gia hơn lần trước.

Libération nhận định « Những người phản đối quyết tâm không buông vũ khí. Họ đặt cược nhiều vào cuộc biểu tình ngày mai tại Paris và cầu viện đến Hội đồng Bảo hiến nhằm ngăn chặn việc áp dụng đạo luật ».

Những người phản đối lại dự thảo luật này hy vọng rằng sẽ làm nên một sự kiện 68 lần nữa.

Theo các nhà tổ chức, con số người tham gia có thể lên đến 340 ngàn người.

Đối với họ, tốt hơn hết là ông Hollande nên quan tâm đến vấn đề thất nghiệp, hơn là hôn nhân đồng tính.

Và họ khẳng định quyết tâm phản đối đến cùng cho dù là đạo luật có được thông qua.

Bên cạnh các nhà tổ chức dân sự, phong trào phản đối dĩ nhiên có sự góp mặt của Giáo hội Pháp.

Một vị giám mục thuộc địa phận Bayonne ví phong trào phản đối này như là « mùa xuân ý thức ».Một cách biểu đạt của « phong trào phản đối sâu rộng mang có giá trị tinh thần, đạo đức, xã hội và chính trị ».

Theo vị giám mục này, « dự thảo luật độc đoán này không ngoài mục tiêu nào khác là áp đặt lên toàn xã hội một chính sách mà nó đồng nghĩa với việc khai tử một nền văn hóa ».

Ngoài việc thực hiện các vụ biểu tình để chống đối lại chính sách hôn nhân của tổng thống Hollande, Libération cho biết một chiến khác cũng đang được diễn ra đàng sau hậu trường.

Những người đối lập đã đệ đơn kháng nghị lên Hội đồng Bảo hiến hy vọng đạt được sự hậu thuẫn của cơ quan này. Theo đó, lập luận chính của những người phản đối chủ yếu liên quan đến vấn đề nhận con nuôi.

Lập luận trên được báo Le Figaro xác nhận khi cho biết có đến « 58% người Pháp phản đối việc nhận con nuôi của cặp đôi cùng giới tính ».

Tờ báo nhắc lại là trong đợt thăm dò điều tra lần trước, có đến 60% số người được hỏi ủng hộ hôn nhân đồng tình và gần phân nửa trong số này bày tỏ ủng hộ việc nhận con nuôi.

Tờ báo đặt câu hỏi « thế thì tại sao lại có sự khác biệt lớn giữa hai lần thăm dò ? ».

Theo giải thích của một vị chuyên gia phân tích thì vấn đề « nhận con nuôi » chính là « điểm khuất » của dự thảo luật hôn nhân đồng tính.

Bởi vì, khi được hỏi, « số 60% người ủng hộ đã không biết mối liên hệ tự động giữa hôn nhân và nhận con nuôi ».

Theo ông, chính phủ đã quá lạm dụng cụm từ « hôn nhân đồng tính ». Dự thảo luật đã không nêu rõ là vấn đề « nhận con nuôi » cũng bao gồm cả trong trường hợp giữa cặp đôi nam và cặp đôi nữ.


Switch mode views: