Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Việt (1)

"Mẹ Việt Nam không son không phấn,
  Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn."

      (Nhạc sĩ Phạm Duy)


 
 Con Rồng cháu Tiên (Hình trích từ sách "Việt Sử Bằng Tranh" 
             của Trần Việt Nam, Cửu Long Giang và Vi Vi,
                       Nhà Xuất Bản Việt Long 2000

Đốc Gàn được sinh ra mang dòng máu Việt Nam. Chỉ hai tuần lễ sau khi sinh, cha mẹ đem con đến nhà thờ chịu phép Rửa Tội để trở thành người Công Giáo. Vì vậy, ngay từ trứng nước, Đốc Gàn đã là người Công Giáo Việt Nam. Về đạo giáo, Đốc hấp thụ đức tin và nền giáo dục Công Giáo. Về tinh thần và thể xác, Đốc mang thân phận người Việt Nam, thuộc dòng giống Lạc Hồng.

Theo truyền thuyết thì vua Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, nhân đi xuống phương Nam, tới núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam, ngày nay thuộc nước Tàu) thì gặp một nàng Tiên, lấy nhau đẻ ra Lộc Tục. Về sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi  làm vua phương Bắc và Lộc Tục làm vua phương Nam. Đế Nghi sau truyền ngôi cho con là Đế Lai.

Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ, phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải.

Lộc Tục lên ngôi vua vào năm Nhâm Tuất 2879 trước Công Nguyên, lấy hiệu là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Vua Kinh Dương Vương kết hôn với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm. Khi Sùng Lãm lên ngôi, lấy hiệu Lạc Long Quân và kết hôn với Âu Cơ là con gái của Đế Lai (có sách nói là vợ Đế Lai) rồi sinh một bọc trăm trứng, một trăm trứng nở ra một trăm người con trai là tổ tiên người Bách Việt. Ít lâu sau, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: "Ta thuộc dòng dõi Rồng, nàng thuộc dòng dõi Tiên, ở mãi với nhau không được, vậy nàng mang 50 con lên núi, còn ta đem 50 con xuống biển Nam Hải".  (1)

Nhiều sách sử đã viết nguồn gốc Tiên Rồng của dân Việt như vậy. Nhưng nếu đọc kỹ lại thì câu chuyện huyền sử này có thể bị tam sao thất bản mà mất đi nguồn gốc Tiên rồi. Thực vậy, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: "Ta thuộc dòng dõi Rồng, nàng thuộc dòng dõi Tiên". Nhưng Âu Cơ đâu có phải dòng dõi Tiên! Âu Cơ là con của Đế Lai. Đế Lai là con của Đế Nghi và Đế Nghi là con truởng của Đế Minh. Sử sách không nói mẹ của Đế Nghi là ai, nhưng chắc một điều không phải là nàng Tiên vì Đế Minh ăn ở với nàng Tiên chỉ sinh hạ được Lộc Tục mà thôi. Còn Đế Nghi chỉ là anh cùng cha khác mẹ của Lộc Tục. Lộc Tục lấy Long Nữ, dòng giống Rồng, đẻ ra Lạc Long Quân. Như vậy Lạc Long Quân mang ba dòng máu: NGƯỜI của ông nội là Đế Minh, TIÊN của bà nội là nàng Tiên và RỒNG của mẹ là Long Nữ.

Còn Âu Cơ không thuộc dòng dõi Tiên, vì Đế Minh, Đế Nghi và Đế Lai đều mang dòng máu NGƯỜI. Rất có thể vì Lạc Long Quân không muốn sống chung với Âu Cơ nữa nên mới gán cho nàng thuộc dòng giống Tiên để lấy cớ Rồng không hợp Tiên mà quyết định ly dị và chia con mà thôi.

Thành ra, con cháu Việt Nam chỉ thừa hưởng ba dòng máu NGƯỜI, TIÊNRỒNG của cha, còn mẹ là NGƯỜI chứ không phải Tiên, nên có nhiều đứa giỏi thì cũng giỏi dữ, mà phá thì cũng phá khiếp. Điển hình là mới chỉ có hai triệu cháu con Rồng Tiên tản mát khắp thế giới từ năm 1975, mà 30 năm sau, các địa vị danh giá trong mọi lãnh vực chính trị, văn hoá, xã hội của các quốc gia trên thế giới đều có tên người Việt Nam. Thật rất đáng hãnh diện! Nhưng các danh sách băng đảng tội phạm, cướp của, hiếp dâm, bạch phiến cũng đã có tên con cháu Lạc Hồng. Bởi thế, nhiều người xấu hổ cúi mặt, không còn dám tự hào nhận mình là Việt Nam nữa, vì nơi nào có Việt Nam thì nơi đó mất trật tự, chẳng hạn người Việt Nam tụ họp với nhau thì không biết xếp hàng, nhưng khi đứng chung với người ngoại quốc thì lại hàng lối rất trật tự. Thuê một người Việt Nam giữ trật tự cho người Việt Nam thì vẫn vô trật tự, nhưng có một người ngoại quốc giữ trật tự cho người Việt Nam thì lại rất trật tự. Thế nghĩa là sao? Là vì trong đám người Việt, có người là Tiên, có kẻ là Rồng mà cũng có kẻ là Người, mang tính nết dở hơi.

Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương. Địa giới gồm Bắc Việt và các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Vua quan theo lệ cha truyền con nối. Các vua lấy hiệu Hùng, đóng đô ở Phong Châu, nay thuộc Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên. Họ Hùng truyền đời được 18 vị vua, đến năm Quí Mão (158 trước Tây Lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước.

Hiện nay tại tỉnh Phú Thọ có đền thờ các vua Hùng. Ngày giỗ hàng năm là mồng 10 tháng 3 Âm lịch.  (2)

Thời đại Hùng Vương có hai truyền thuyết được loan truyền trong dân gian. Đó là Phù Đổng Thiên Vương và Sơn Tinh - Thủy Tinh.

Phù Đổng Thiên Vương: Đời Hùng Vương thứ sáu, có đám giặc Ân hùng mạnh lắm không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù Đổng, bộ Võ Ninh (nay là huyện Võ Giáng, tỉnh Bắc Ninh), có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vưon vai một cái, tự nhiên người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.

Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc Sơn thì biến mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng, về sau phong là Phù Đổng Thiên Vương. Hiện nay có đền thờ ở làng Gióng, tức là làng Phù Đổng. Năm nào đến mồng 8 tháng Tư cũng có hội rất vui, tục gọi là hội Đức Thánh Gióng.

Mục đích câu chuyện này là để cho các quốc gia khác biết rằng nước Văn Lang được thần thánh che chở, bảo vệ, nên không dễ dàng để xâm lăng hoặc đô hộ.

Truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh: Vua Hùng Vương thứ 18 có người con gái tên là Mỵ Nương, sắc đẹp tuyệt trần. Sơn Tinh và Thủy Tinh đều muốn hỏi làm vợ. Hùng Vương hẹn rằng ngày hôm sau ai đem đồ lễ đến trước thì gả cho người ấy. Ngày hôm sau, Sơn Tinh đến trước lấy được Mỵ Nương đem về núi Tản Viên (tức là núi Ba Vì ở tỉnh Sơn Tây).

Thủy Tinh đến sau, thấy Sơn Tinh lấy mất Mỵ Nương, tức giận vô cùng, mới làm ra mưa to gió lớn, rồi dâng nước lên đánh Sơn Tinh. Sơn Tinh ở trên núi không việc gì: hễ nước lên cao bao nhiêu thì Sơn Tinh làm núi cao lên bây nhiêu. Sơn Tinh lại dùng sấm sét đánh xuống. Thủy Tinh phải rút nước chạy về. Từ đó, Sơn Tinh và Thủy Tinh thù nhau, mỗi năm đánh nhau một lần, dân gian thật là cực khổ.

Sở dĩ có chuyện này vì ở Bắc Việt năm nào đến tháng 6, tháng 7 cũng có nước lũ ở trên mạn ngược chảy xuống tràn vào trong đồng áng, ngập tràn ruộng đất. Người ta không hiểu nguyên do nên mới tưởng tượng mà đặt ra câu chuyện Sơn Tinh - Thủy Tinh đánh nhau vậy.   (3)

Mãi đến thời Lê, sử gia Ngô Sĩ Liên mới đưa truyện Rồng Tiên vào trong "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư". Trong số các vua chúa cũng như các sử gia, có những người tin tưởng và tự hào về câu chuyện huyền sử trên, nhưng cũng có những người cho là chuyện thần thoại hoang đường, trong đó có Vua Tự Đức và sử gia Trần Trọng Kim.

Trên thế giới đã có bao nhiêu chuyện huyền thoại hoặc dã sử được dựng nên như Nữ Thần Sắc Dục Vénus, Thần Thương Mại Mercure, Thần Loạn Luân Ouranos, Thần tửu sắc Baccus, Thần Bắp Thịt Hercule. Mỗi khi con người gặp khốn khó, không thể giải quyết được bằng khả năng trí óc thông thường, người ta liền cầu cứu ngay tới thần linh hay ông Trời để giải thích.

Cuối thế kỷ 20, con người tạo ra những phim ảnh giả tưởng với những nhân vật siêu phàm như Super-man, Wonder Woman, Spiderman để đi khắp bốn phương cứu nhân độ thế. Những phim giả tưởng ăn khách nhất như Star Wars, Star Trek, King Kong với số thu phá kỷ lục hàng tỉ Mỹ Kim. Riêng cuốn Harry Potter đã xuất bản 600 triệu cuốn và được dịch ra gần 60 ngôn ngữ, chỉ thua có cuốn Kinh Thánh thôi.

Bởi vậy, so với nhiều chuyện huyền thoại của thế giới, chuyện Tiên Rồng của Việt Nam không phải là huyền hoặc, nhưng nó đã mang một ý nghĩa nhân bản truyền thống cao đẹp.

Ông Phạm Trần Anh nhận định:

"Bên cạnh các nguồn thư tịch cổ, chúng ta phải tìm về huyền sử dân tộc qua các huyền thoại, truyền thuyết nhân gian để hiểu rõ người xưa gửi gấm những ý nghĩ trung thực về một thời kỳ lịch sử nhưng được che dấu dưới lớp vỏ hư cấu huyền hoặc của truyền thuyết.

"Đó chính là thần trí VIỆT, bức thông điệp ngàn xưa của tiền nhân đòi hỏi chúng ta phải giải mã, như triết gia Jung đã nói - truyền thuyết thần thoại hàm chứa những ý nghĩa lịch sử trung thực nhất. Huyền thoại Rồng Tiên của Việt tộc, với những nhân vật thần thoại Bố Rồng, Mẹ Tiên là những hình tượng nguyên sơ mang tính tâm linh, chính là sản phẩm đúc kết biết bao suy tư của thời đại tạo dựng độc sáng, chờ thế hệ sau diễn đạt bằng ngôn từ minh nhiên lý luận."  (4)

Chú thích:

   (1) Trần Trọng Kim, "Việt Nam Sử Lược", Nhà xuất bản Miền Nam, tr. 11
   (2)  Phạm Quân Khanh, "Lịch Sử Việt Nam", Web dunglac.net
   (3)  "Việt Nam Sử Lược", sđd., tr. 14-15
   (4)  Phạm Trần Anh, "Cội Nguồn Việt Tộc", Việt Nam 2004, tr. 44

Switch mode views: