Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Gàn (2)

Trên chiếc xe bò của Đốc Gàn còn có một bình ấm tích đựng NƯỚC TRÀ nóng. Đốc ghiền uống trà và thường nhắc các đệ tử rằng:

- Uống trà là cả một nghệ thuật, một thú chơi trang nhã, lại ích lợi cho trí nhớ do chất vị của lá trà đem lại. Không biết uống trà là mất hẳn đi một trong ba cái thú trên đời:


 

    Độc ẩm       (Hình:  Nguyễn Đức Cung)

Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta,
Chừa được thứ nào hay thứ ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà!
          
              (Tú Xương)

Tuy nhiên, uống trà không đúng cách có thể đem đến nhiều tai hại. Uống trà nóng quá cũng không tốt, mà nguội quá cũng không hay. Không nên uống trà lúc bụng đói, vì chất chát trong trà sẽ làm cho bao tử cồn cào, gây nên chóng mặt, hoa mắt, nôn nao trong người. Cũng không nên uống trà trong vòng 15 phút sau bữa ăn, vì trà sẽ làm dạ dày tiết ra chất chua, khiến cơ thể giảm sức tiêu thụ thức ăn. Uống trà thiu để qua đêm rất ư là nguy hiểm, vì trà ngâm lâu trong nước sẽ sinh ra vi trùng hay nấm mốc, có hại cho sức khỏe.      

 
        Quan Việt Nam uống trà   (Hình sưu tầm: Nguyễn Tấn Lộc)

                                

 

 

 

 

 

 

 

Đốc Gàn lại còn có thói ĂN TRẦU, một phong tục cổ truyền Việt Nam. Gọi là ăn trầu, nhưng không phải ăn bằng cách nuốt, nhưng ăn để nhổ nước và nhả bã.

Thời Hùng Vương lập quốc, dân gian đã truyền tụng câu chuyện cổ tích Trầu Cau:

Thuở ấy, có một ông quan họ Cao, sinh được hai cậu con trai vừa đẹp lại vừa hiền. Anh em cách nhau một tuổi, nhưng giống nhau như đúc, người ngoài không phân biệt được ai là anh, ai là em. Cha mẹ mất sớm, hai anh em khắng khít thương yêu đùm bọc nhau. Họ được một đạo sĩ thương tình đem về nuôi. Ông này có một cô con gái rất xinh đẹp, sắc nước hương trời. Cô quý mến cả hai anh em, nhưng chỉ muốn kết duyên với người anh, để được làm chị. Con gái Việt khôn ngoan đáo để như thế đó! Ngặt một nỗi, cô không biết ai là anh nên mới nghĩ ra một kế: Ngày kia, cô nấu nồi cháo và chỉ múc một bát và dùng một cái thìa mời hai cậu ăn. Người em mời anh xơi trước, nhờ đó cô nhận ra được người anh và xin phép cha mẹ cho cô lấy người anh làm chồng. Kể từ đó, người anh chỉ biết hú hí với vợ mà hờ hững với em. Người em cảm thấy cô đơn và buồn tủi. Rồi một ngày kia, hai anh em đi làm ruộng về lúc trời nhá nhem tối. Người em vừa bước vào nhà thì bà chị dâu tưởng là chồng mình, ôm chầm lấy nũng nịu. Người anh nổi máu ghen và từ đó tình anh em kể như tàn lụi!

 
            Truyện Tích Trầu Cau        (Bùi Văn Bào)

Vào một buổi chiều thu, người em thất thểu đi theo con đường mòn vào một khu rừng âm u. Chàng cứ đi, đi mãi. Bóng tối đổ sập xuống. Khi tới một con suối dài và rộng, chàng mệt quá, đành ngồi nghỉ bên bờ. Nỗi đau khổ uất nghẹn trào dâng ngút trời. Chàng bật khóc và gào lên giữa tiếng suối reo, gió hú của rừng thẳm. Càng về khuya, sương xuống càng nhiều. Thân thể bị thấm lạnh, chàng ngất đi và trút hơi thở cuối cùng trong thế ngồi. Xác biến thành một tảng đá mầu trắng rất đẹp.

Người anh thấy mất em, liền vào rừng đi tìm. Lúc đó, chàng mới cảm thông được nỗi lòng cay đắng và oan khiên của em mình. Chàng đi rất xa, đi đi mãi, cho tới khi bóng đêm ập xuống mà cũng chẳng thấy em đâu. Khi gặp một con suối chặn ngang đường, chàng đi không được nữa, liền ngồi tựa lưng vào tảng đá bên bờ suối mà không biết tảng đá chính là em mình. Chàng kêu khóc thảm thiết, rồi ngất đi và chết cứng. Thân chàng biến thành một cây không cành, mọc thẳng vút lên trời, gốc tỳ vào tảng đá. Sau này người đời đặt tên cho nó là cây cau.

Người vợ ở nhà chờ chồng mãi không thấy về, liền khóc lóc đi tìm. Nàng cũng đi trên cùng một con đường mòn định mệnh ấy. Khi đến tảng đá và cây cau, nàng mệt lả, ngồi nghỉ tại đây. Giữa đêm khuya tĩnh mịch và làn sương lạnh, nàng cũng trút hơi thở cuối cùng và biến thành một loài cây leo, quấn chặt vào cây cau. Người đời gọi đó là cây trầu.

Câu chuyện Trầu Cau được truyền miệng đi khắp nơi. Ai ai cũng cảm động mủi lòng và ca ngợi tình anh em, nghĩa vợ chồng của hai chàng họ Cao. Vua Hùng Vương nghe chuyện , liền đích thân tới thăm địa danh này. Vua truyền hái lá trầu rồi bỏ vào miệng nhai chung với miếng cau thì thấy mùi vị cay cay và rất thơm. Khi vua nhổ nước miếng xuống tảng đá thì nó biến thành mầu đỏ. Từ đó, tục ăn trầu được thịnh hành trong dân gian. Người ăn trầu miệng vừa thơm, môi lại đỏ mọng như tô son. Nhai trầu còn gây tác dụng hạ tính nóng, tiêu cơm, sạch miệng và làm cho hàm răng cứng cát. Vào mùa đông, ăn trầu gây ấm áp cho toàn cơ thể.

Lá trầu cay và thơm, hình to và tròn trĩnh như má những nàng thôn nữ "khuôn trăng đầy đặn". Lá trầu chữa được một ít bệnh tật. Khi con nít bị nấc cụt, người ta cấu một tí lá trầu, nhấm nước bọt rồi dán lên trán đứa bé. Hết nấc ngay! Khi mắt bị cộm, lấy cuống lá trầu, tước vỏ ra, chấm một tí sạ rồi quệt vào mắt. Dễ chịu liền! Khi có chiếc mụn mâng mủ thì nhai dập lá trầu ra, đắp vào mụn. Vài ngày sau, mụn mềm lại và vỡ mủ ra. Giảm đau lập tức!
Trải dài theo dòng lịch sử, tục lệ ăn trầu đã trở thành nét độc đáo trong phong tục và văn hóa Việt Nam. Miếng trầu là đầu câu chuyện. Mỗi khi khách đến nhà hay trong các buổi hội họp, cơi trầu vẫn là chiếc gạch nối để mở đầu các câu chuyện bàn tính.

Tiện đây ăn một miếng trầu,
Hỏi rằng quê quán ở đâu chăng là.

hoặc:

Khi xưa ai biết ai đâu,
Chỉ vì điếu thuốc miếng trầu nên quen.

Cụ Nguyễn Khuyến Tam Nguyên Yên Đổ (1835-1909), sau khi từ quan về quê sống trong cảnh thanh bạch, đến nỗi thiếu cả miếng trầu mời khách, nên ông đã phải thốt ra lời xin lỗi:

Đã bấy lâu nay bác tới nhà

 
 Vòng Trầu Của Mẹ  (Hình: Cao Tường)


Trẻ thì đi vắng, chợ thì xa
...

Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta.

Những mối tình, hò hẹn giữa trai gái cũng đều bắt đầu bằng hình ảnh trầu cau:

Trầu này trầu quế, trầu hồi,
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình
Trầu này trầu tính, trầu tình,
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình lấy ta.

Miếng trầu kết tóc xe tơ, nên vợ nên chồng là vậy!

Trầu cau còn được dùng làm đồ sính lễ trong đám hỏi, đám cưới hoặc cúng lễ gia tiên.  ..."Cũng bởi toàn dân không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, trai gái, già trẻ, ai cũng quý miếng trầu, nên trầu đã được dùng làm một lễ vật dâng cúng. Dâng cúng cha mẹ, tổ tiên đã đành rồi, mà dâng cúng cả thần thánh, cả Trời, cả Phật nữa".  (2)

Trầu thay cho thiệp báo, thiệp mời trước ngày hôn lễ. "Bao giờ cô cho tôi ăn trầu đây?" Có nghĩa là khi nào cô đi lấy chồng đây? Cô đi lấy chồng thì thế nào tôi cũng được báo bằng đĩa trầu cau.

 Trong các buổi tang chế, người ta cũng ăn trầu để vơi bớt sự tiếc thương.

Trầu cau còn là món quà tặng các bậc trưởng thượng:

Kiếm một cơi trầu sang biếu cụ,
Xin đôi câu đối để mừng ông.
(Thơ Nguyễn Khuyến)

Rồi những lời ru êm ái hòa theo tiếng võng kẽo kẹt đu đưa giữa buổi trưa hè:

Ru em cho thét (3), cho mùi, 
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu,
Mua cau Nam Phố, mua trầu chợ Rinh.

Nhà văn Trần Quốc Bảo, trong bài khảo luận "Miếng Trầu Quê Mẹ", đã viết:

"Miếng Trầu gắn bó với dòng sinh mệnh của dân tộc ta suốt hơn 46 thế kỷ. Từ khoảng 1950 trở về sau, nhiều người Việt đã bỏ tục ăn trầu, nhưng chưa phải hết hẳn; tại quê hương mình hiện nay còn người ăn trầu, nghiện trầu, việc thờ cúng, việc cưới gả... vẫn giữ tục xưa. "Bà Già Trầu", vẫn là hình ảnh chơn chất đôn hậu, đảm đang của một Bà Mẹ Việt Nam.

"Có người xa quê ít năm, nay lại chê chuyện ăn trầu là cổ hủ. Tôi xin thưa rằng việc ăn trầu "cổ " thì rất cổ nhưng không "hủ", nghĩa là người Việt mình ăn Trầu hoàn toàn không gì xấu xa, tồi bại, hủ lậu cả. Hãy so sánh hình ảnh của cô gái Tây phương đang nhai kẹo "chewing gum" với cô thôn nữ Việt, tóc bỏ đuôi gà, yếm đào, áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần nái đen... miệng nhai trầu cho má thắm môi hồng, thực khó định được hơn kém về duyên dáng và nét xinh đẹp giữa Tân và Cổ, giữa Đông và Tây. Vả "cái đẹp" thường quan niệm và đánh giá thiên lệch bởi sự quen mắt của thời điểm và ước lệ chung của môi trường xã hội. "Nay xét về phương diện khoa học thì ăn trầu chẳng những không hủ lậu mà rất bổ ích. Theo Bác sĩ Trần Văn Ký: "Tục lệ ăn Trầu đã đóng góp nhiều điều lợi ích không chối cãi được, đã bảo tồn cho bao thế hệ dân Việt được khỏe mạnh... Việc nhai cho 'dập bã trầu'đã làm cho hàm răng thêm rắn chắc, sự cọ xát và tính chất sát trùng của Trầu giữ cho răng được sạch và tránh được nhiều bệnh ở nướu răng và miệng. Ngoài ra, Cau Trầu còn giúp tăng tiết dịch tiêu hóa tiêu thực và ăn ngon, đồng thời còn giúp tẩy được giun sán. Lại nữa, chất vôi trong món Cau Trầu đã nâng cao mức Calcium cần thiết hàng ngày, biết đâu đã tăng tuổi thọ và xương cốt được cứng cáp vào lúc tuổi già. Ngoài ra, theo những cuộc nghiên cứu y khoa ở Hoa Kỳ thì tục ăn trầu có lẽ ở một khía cạnh nào đó đã giúp cho bệnh cao huyết áp không trở thành chứng thông thường như chúng ta thường hay nghe ở nước Mỹ văn minh này."

Trong phần kết luận bài khảo luận, nhà văn Trần Quốc Bảo còn linh thiêng hóa cơi trầu như một lễ vật đền ơn báo hiếu dâng lên hương hồn người Mẹ ngàn đời thương nhớ:

"Mẹ, - con ước mong sẽ có một ngày trở lại Quê Hương, dâng đĩa Trầu trên mộ Mẹ, tạ tội đã để Mẹ

Một thương hai nhớ ba sầu,
Ăn cơm chẳng đặng, ăn trầu cầm hơi".

Trong chiếc cơi trầu của Đốc Gàn, ngoài bó lá trầu, vài quả cau, người ta thấy có một con dao nhỏ bổ cau rất sắc, một ống vôi và chiếc bình vôi. Trái cau thường được bổ nhỏ ra làm tư hay làm sáu. Để ăn trầu, Đốc mở chiếc lá trầu ra, quệt vào đó một ít vôi trắng, cuộn tròn lại, như thế gọi là têm trầu, rồi lấy một miếng cau, đôi khi còn thêm một chút quế thơm, rồi bỏ vào miệng nhai bỏm bẻm. Khi nhai trầu, nước miếng ra nhiều và mầu đỏ lòm. Đốc nhổ nước đó vào chiếc bình vôi. Những người già, răng yếu phải dùng chiếc cối nhỏ, giã trầu cho nát ra, rồi mới ăn được.

***


 

 
                 Cháu nhìn ông hút thuốc lào    (Hình:  Diệp Hải Dung)


Trong kho tàng văn chương bình dân Việt Nam, có rất nhiều câu đố bằng thơ được truyền khẩu khắp dân gian từ đời này đến đời khác:

Mặt tròn vành vạnh, đít phổng phao,
Mân mân, mó mó, đút ngay vào.
Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục,
Âm dương hòa khí, sướng làm sao!

Đố là cái gì?

Thưa, đó là cái điếu THUỐC LÀO.

Dân chúng Việt Nam hút thuốc bằng hai loại điếu. Những lúc ở nhà, người ta dùng điếu bát, làm bằng gốm sứ hình tròn, to bằng hai chiếc bát ăn cơm úp vào nhau, bên trong đựng nước. Trên cùng có chiếc lỗ tròn gọi là nõ điếu dùng để bỏ lá thuốc cắt nhỏ vo tròn vào đó. Bên cạnh đó là một lỗ nhỏ khác, để cắm một đầu của chiếc ống tre, còn đầu kia dùng miệng để hút. Ống đó gọi là xe điếu. Vì chiếc điếu bát này có nhiều bộ phận rời và dễ vỡ, nên những khi đi xa, người ta dùng một loại điếu khác, gọi là điều cày. Đó chỉ là một khúc tre dài khoảng 40 phân, một đầu rỗng dùng để miệng vào đó hút, còn đầu kia bịt kín bởi mắt tre và chứa ít nước để lọc khói thuốc. Ở phía đầu này, có một lỗ nhỏ. Khi hút thuốc, người ta viên tròn lá thuốc lào, nhét vào lỗ này, rồi bật lửa châm thuốc. Nước ở dưới bốc lên hòa cùng lửa đốt cháy sợi thuốc. Hương vị hai luồng âm - dương của thuốc lào hòa vào nhau. Khi hít mạnh, nước ở trong chiếc điếu phát ra những tiếng kêu lọc xọc đều đặn, nhịp nhàng và lớn. Hút xong, ngửa người ra, nuốt khói thuốc, rồi từ từ nhả khói qua hai lỗ mũi và miệng. Tâm thần người hút lâng lâng, đê mê, đầy sảng khoái...

Đốc Gàn làm bạn với thuốc lào từ hồi còn nhỏ. Đã nhiều lần các bác sĩ khuyên lão bỏ thuốc để sống trường thọ, nhưng mấy ông thày thuốc này chết hết cả rồi, chỉ còn mình lão, buồn quá nên Đốc lại hút thuốc dữ hơn nữa. Trời cho sống đến tuổi này, bỏ làm chi cho uổng và dù có muốn bỏ cũng không được:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào,
Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên.

Đàn bà Việt Nam hút thuốc lào  (Hình sưu tầm: Nguyễn Tấn Lộc)

___________________________________________ 

(2) Cửu Long Giang-Toan Ánh, "Người Việt Đất Việt",
     Nam Chi Tùng Thư 1967, tr. 447

(3) Thét: nhiều, lâu.  Mùi: êm ái, du dương

Switch mode views: