Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Câu chuyện một linh mục

Thú thật với quý vị, từ khi khôn lớn tôi không có cơ hội hay có ý muốn quen biết một ông sư hay một ông cha nào, trong lòng cũng chẳng mấy làm thích được gần gũi với quý ngài, và luôn luôn muốn giữ một khoảng cách, nếu có “kính” đi nữa thì cũng “nhi viễn chi”. Mặc dầu đạo Phật cho rằng “Trọng Phật Kỉnh Tăng,” Công Giáo thì linh mục là “linh hướng,” là “chủ chăn,” nhưng chúng tôi vẫn thường trông thấy cái khoảng cách giữa linh mục đối với con chiên, hòa thượng đối với Phật tử khá xa, mỗi khi thường ngày, thấy tín đồ khúm núm kính cẩn quá đáng đối với những vị linh mục, mục sư hay hòa thượng, thượng tọa.

lm nguyenhuule kysachLinh Mục Nguyễn Hữu Lễ ký sách “Tôi Phải Sống” trong lần tái bản mới đây. (Hình: Người Việt)

Vậy mà lần đầu gặp Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ cách đây hơn 10 năm, tôi có cảm tưởng như gặp gỡ một người bạn cũ, một người lính cùng đơn vị hơn là một ông cha đứng trên tòa giảng. Thẳng thắn, bộc trực và cởi mở ngay từ cái bắt tay chặt chẽ đầu tiên, nhất là khi biết ông đã mang thân phận một người tù tập trung dưới chế độ Cộng Sản 13 năm, không vì chức vụ của ông là tuyên úy trong quân đội mà vì “tội chống chế độ,” làm sao không thấy cảm tình và quý mến ông được.

Lễ phép, tôi kính trọng gọi ông bằng danh từ “linh mục,” cố tránh né tiếng “cha,” mà tôi vẫn muốn dành riêng cho bố đẻ của tôi. Nhưng quả là ngạc nhiên và ngỡ ngàng hơn nữa, chuyện mà tôi chưa bao giờ thấy xảy ra cho một ông cha, ông sư nào, khi nghe ông bằng lòng nhận tiếng gọi “Cậu Bảy” khá thân mật từ bạn bè của tôi, những cựu tù nhân của chế độ Cộng Sản từ Việt Bắc trở về, trong khi anh em cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ, Vĩnh Long, ngày xưa học trên ông vài lớp, còn hạ vai vế ông xuống, bằng cách kêu ông là “Chú Út!” Ðiều đó có sai với giáo điều tổ chức của các tôn giáo lớn không? Tôi nghĩ là không, vì đây là không gian ngoài vị trí của nhà thờ, và những người quen biết, bạn bè ông không hề ràng buộc bởi bất cứ điều gì hay danh xưng nào của tôn giáo.

Cũng cho đến nay chưa ai gọi Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ bằng hai tiếng “nhà văn,” nhưng cuốn hồi ký “Tôi Phải Sống” của ông, trong vòng hai năm 2003-2004, với tình trạng số người đọc hạn chế ở hải ngoại, với 17,000 cuốn đã bán sạch, ông đã có khả năng vượt qua số lượng sách bán được của những nhà văn nổi tiếng nhất Việt Nam, kể cả các tác phẩm trong nước, mà nơi đó, dân số gấp 40 lần ở hải ngoại.

“Tôi Phải Sống” là một cuốn hồi ký về trại tù Thanh Cẩm, nơi mà, theo lời Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ kể, ông đã trải qua nhiều năm đọa đày, nạn nhân sống sót sau những trận đòn điên cuồng, khát máu của ông Bùi Ðình Thi, một cựu sĩ quan làm “thi đua” cho trại tù đã lạm dụng quyền hành để tra tấn và đánh chết cựu Dân Biểu Ðặng Văn Tiếp và bỏ đói đến chết ông Lâm Thành Văn.

Sau đó, nhân vật này qua Mỹ bị cơ quan tòa án di trú San Pedro, California, vào Tháng Tư, 2004, công bố lệnh trục xuất về Việt Nam. Trong khi chờ đợi thỏa hiệp nhận và trao giữa hai chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, ông Thi bị giam giữ tại quần đảo Marshall (Republic of Marshall Islands) và đã qua đời tại đây khoảng hai năm sau đó.

Bản án của ông Bùi Ðình Thi đem đến hai nguồn dư luận trái ngược, một bên cho rằng ông xứng đáng để lãnh bản án trục xuất, một bên chê trách Linh Mục Lễ đã không đủ bác ái để tha thứ cho ông Thi. Tuy nhiên, bác ái cũng cần có công bằng, và Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ không phải là nguyên đơn để đưa ông Bùi Ðình Thi ra tòa mà tổ chức đứng kiện là Boat People SOS. Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ có thể tha thứ cho ông Bùi Ðình Thi là chuyện giữa hai con người, nhưng còn gia đình những người đã bị bách hại, những người đã chết như ông Ðặng Văn Tiếp, ông Lâm Thành Văn và những người còn sống như ông Trịnh Tiếu, ông Nguyễn Sĩ Thuyên, còn lại là lẽ công bằng cũng như pháp luật của nước Mỹ.
Trong tận cùng của nỗi đau đớn tuyệt vọng, trên bệ đá của trại kiên giam, trong khi hai cổ tay còn bị cùm, người tù khốn khổ Nguyễn Hữu Lễ đã phẫn nộ hét lên: “Tôi Phải Sống!” Câu nói này đã được đem dùng làm nhan đề cuốn sách thuộc loại “best-seller” của ông.

Sự sống phải mang nhiệm vụ của nó, chắc chắn khó khăn hơn cái chết. Người sống mang nghĩa vụ của những người chết đã giao phó, vì sống không có nghĩa là chết mòn.
Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ đã sống còn và trôi giạt đến Tân Tây Lan năm 1990. Chỉ hai năm sau, ông đã tham gia sinh hoạt với Nghị Hội Toàn Quốc Người Việt tại Hoa Kỳ, Hội Ðồng Việt Nam Tự Do. Năm 1994, ông thành lập Ủy Ban Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam, ông đã đi thuyết trình tại các cộng đồng người Việt ở 9 quốc gia Âu Châu, 15 tiểu bang tại Hoa Kỳ và tại Canada, Úc, Thái Lan.

Năm 2006, ông thành lập “Phong Trào Ðòi Trả Tên Sài Gòn”. Năm 2008, phong trào này phát hành DVD tài liệu “Sự Thật về Hồ Chí Minh.” Năm 2010, ông kết hợp với Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, Tập Họp Ðồng Tâm Úc Châu thành lập Lực Lượng Dân Tộc Cứu Quốc (gọi tắt là Lực Lượng Cứu Quốc).

Năm 2011, lực lượng này tổ chức đài phát thanh “Ðáp Lời Sông Núi” phát thanh về Việt Nam mà Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ là chủ tịch Hội Ðồng Cố Vấn và Yểm Trợ. Khai sinh ra chương trình “Ðáp Lời Sông Núi” là dễ nhưng duy trì để tiếng nói này sống còn là một điều khó, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ nay như người mẹ chạy ăn cho con từng bữa.

Ông là linh mục người Việt duy nhất tại Tân Tây Lan từ trước đến nay, và từ năm 2007, ông không còn giữ chức vụ nào tại các giáo xứ của nước này, và hiện chỉ còn giữ chức tuyên úy cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại đây. Thời gian ông đi, ở và hoạt động ở nước ngoài, những nơi có cộng đồng người Việt tỵ nạn có lẽ cũng tương đương với thời gian ông làm việc ở Tân Tây Lan.

Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ đã đi nhiều nơi trên thế giới, gặp gỡ các cộng đồng người Việt tỵ nạn, đem ngọn lửa đấu tranh, chuyển đến cho mọi người để nhắm đến mục đích đòi hỏi tự do nhân quyền cho Việt Nam. Cũng vì vậy, ông không tránh khỏi sự lăng mạ, chỉ trích của một số người không đồng ý với ông khi ông đi làm chính trị trong lúc mặc áo dòng, nhất là sau khi DVD tài liệu “Sự Thật về Hồ Chí Minh” phát hành và qua Internet được chuyển về trong nước. Ðể trả lời dứt khoát, câu nói xác định của ông được nhắc lại nhiều lần là: “Trước khi trở thành linh mục, tôi là một người Việt Nam!”

Nói đến chuyện chia rẽ tôn giáo tại hải ngoại vào mỗi cuối năm, Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ đã cho rằng: “Những ai dùng tôn giáo để chia rẽ dân tộc, đều có tội với tổ quốc!”

Trên đường hoạt động, mỗi lần ghé qua Little Saigon, “Cha” Nguyễn Hữu Lễ thường ghé thăm các giáo dân ngày trước ở Vĩnh Long của ông, trong đó có ông Nguyễn Nhi, xã trưởng, trước khi đến Mỹ theo diện H.O. đã bị đi tù 7 năm. “Cậu Bảy” thì không quên các bạn tù Thanh Cẩm, trong đó có cựu Ðại Úy Thiết Giáp Lê Sơn, sau này đã kết thông gia với gia đình họ Nguyễn của ông. “Chú Út,” cậu học sinh trung học Nguyễn Trường Tộ năm xưa thì lúc ghé về đây không quên các bạn học cũ hơn 50 năm về trước, và ông thầy duy nhất trên đất Mỹ còn lại là thầy Nguyễn Ðức Hạnh, nguyên giáo sư Anh ngữ nay đã 84 tuổi.

Ông Nguyễn Hữu Lễ quả là một linh mục bình thường, nhưng là một người Việt Nam tị nạn xuất sắc. Ông gần gũi và đi bên cạnh những con người bị bứt rễ khỏi quê hương, còn thiết tha với đất nước hôm nay. Câu nói của ông, tôi còn nhớ, ngày ông tái bản cuốn hồi ký “Tôi Phải Sống” để lấy tiền trang trải cho việc điều hành tiếng nói “Ðáp Lời Sông Núi” - “Nếu không nói chuyện đất nước thì còn chuyện gì để nói? Không lẽ đem chuyện ăn ngon mặc đẹp, con cái thành công và những chuyến du hí ra để nói với nhau!”

Hình ảnh và những lời nói của ông làm cho chúng tôi nhớ đến Linh Mục Nguyễn Văn Lý đang bị cầm tù ở Việt Nam và Linh Mục Nguyễn Văn Nghị ra pháp trường cát sau vụ án nhà thờ Vinh Sơn năm 1975. Phải chăng họ cũng như “Cậu Bảy” - Trước khi trở thành linh mục, họ là một người Việt Nam!

Switch mode views: