Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ave Maria của Gounod

Giữa mùa tranh giải túc cầu ráo riết hiện nay tại Hoa Kỳ, giới mộ điệu đã tự chuẩn bị cho trận chung kết tại New Jersey vào năm tới. Nhiều ông còn kháo nhau là mùng ba Tết sẽ có dịp phát tài nhờ trận Super Bowl thứ 48, miễn là đầu Xuân không gặp bão tuyết!

Khi lơ đãng theo dõi các trận đấu, người viết có học được một chữ của các ông chơi thể thao trên màn ảnh mà làm mình nghĩ tới âm nhạc.

Hình như là chín mươi năm về trước, có lần mà đội banh Notre Dame bị rơi vào cảnh tuyệt vọng mười phần thì coi như thua mất chín. Thế rồi, mấy cầu thủ của đội banh đã có những cú chuyền banh táo bạo và chuyển bại thành thắng. Từ đó họ gọi cảnh ngộ này là “Hail Mary,” hay Cầu Xin Ðức Mẹ, có lẽ vì tên đội banh là Notre Dame.

Chữ Hail Mary ấy đã là thành ngữ phổ thông của người Mỹ vào nhiều tình huống khác nhau. Cũng như mình nói về việc liều lĩnh “nhất chín nhì bù” khi đánh bài trong mấy ngày Tết. Hoặc khi nhắc đến câu “Có tin vui giữa giờ tuyệt vọng,” là một ca khúc của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.

Sở dĩ người viết nhớ đến âm nhạc vì “Hail Mary” bằng tiếng Anh có nghĩa là “Ave Maria.”

ave maria gounodVới mọi người, Ave Maria là kinh Kính Mừng Maria mà những người ngoài đạo cũng biết. Trong âm nhạc thì nhiều người còn nhớ cả chục ca khúc ngợi ca Mẹ Maria, nhất là hai bài Ave Maria bất hủ của Schubert và của Gounod, đều được Phạm Duy chuyển qua lời Việt. Nếu kể thêm bài Ave Maria được nhạc sĩ Văn Phụng thầm sáng tác trong tận cùng của tuyệt vọng vào năm 1976 tại Sài Gòn, chúng ta có ba ca khúc nên hát trong dịp Giáng Sinh này.

Cách đây khá lâu, Quỳnh Giao có nhắc đến Ave Maria của Schubert vào đầu thời Lãng mạn Tây phương và ghi rằng Ave Maria của Gounod có thể ít thịnh hành trong chúng ta vì khó hát hơn. Hoàn cảnh ra đời khá độc đáo của tác phẩm của Gounod cũng là điều nên nhớ khi mình nghe lại.

Sinh năm 1818 tại Paris, Charles Gounod là nhà soạn nhạc lừng danh của Pháp trong thế kỷ 19, với khuynh hướng ban đầu là thiên về nhạc tôn giáo khi ông muốn đi tu và phục vụ trong Dòng Truyền Giáo tại Paris. Về sau, ông khai triển nhiều thể loại khác, có những vở nhạc kịch nổi tiếng về chuẩn mực và nhạc thuật. Ngoài tài viết nhạc, ông cũng là một nhạc sĩ dương cầm và tây ban cầm. Nhưng có lẽ hậu thế nhớ nhất là một ca khúc không do Gounod viết ra.

Ðó là bài Ave Maria.

Năm 1853, Gounod ngẫu hứng gõ trên dương cầm một giai điệu dẫn vào nhạc khúc xuất hiện trước đó hơn một thế kỷ, bài “Prélude số Một trên cung Do Majeur” của Johann Sebastian Bach, nhạc sĩ người Ðức được đời nay cho là vĩ đại nhất cổ kim. Gounod đặt cho giai điệu này một cái tên rất đơn giản là “Trầm tư trên bản Prelude Ðầu tiên bằng Dương cầm của Bach.”

Thế rồi một nhạc sĩ khác là Pierre-Joseph-Guillaume Zimmerman lại thấy giai điệu của Gounod quá hay nên ghi lên khuông nhạc, viết thêm phần trình tấu của vĩ cầm, dương cầm và đàn harmonium, là một loại organ nhỏ, khá thịnh hành trong nhà thờ. Zimmerman không là người xa lạ vì sau này là nhạc phụ của Gounod. Ðâm ra ông bố vợ và chàng rể đã đồng sáng tác một nhạc khúc được hậu thế trình bày và thâu thanh nhiều nhất!

Cũng năm đó, trên giai điệu của Gounod, có người ghép lời bài thơ “Le Live de la Vie” của thi sĩ Lamartine để ca tụng đời sống. Nhưng nhạc khúc chỉ có tên là Ave Maria như bài kính mừng Ðức Mẹ Ðồng Trinh là từ năm 1859, khi người phụ trách xuất bản là Jacques-Léopold Heugel (Ơ-jel) ghi lời từ lấy từ kinh Ave Maria bằng tiếng La Tinh.

Tức là Zimmerman và Heugel đã trau chuốt tác phẩm ban đầu của Gounod và cho loài người ca khúc Ave Maria không thể thiếu trong loại thánh nhạc, vào dịp hôn lễ hay mùa Giáng Sinh.

Người ta cứ gọi đó là “Ave Maria của Gounod” nhưng thật ra đây là một sáng tác chung. Giai điệu là của Gounod và phần đệm tức là hòa âm là của Bach. Ðiều đặc biệt ở đây là phần đệm đi trước giai điệu hơn trăm năm.

Ngày nay, sáng tác tập thể này đã được cả trăm nhạc sĩ hòa âm lại và thêm phần phối khí cho các nhạc cụ khác để thành bài thánh ca phổ biến nhất, được thâu thanh và trình bày khắp mọi nơi. Trong các ca sĩ Việt Nam, các danh ca của Việt Nam đều có trình bày ca khúc này qua lời Việt của Phạm Duy. Vào mùa Giáng Sinh, nếu muốn nghe lại một tác phẩm có giá trị nghệ thuật qua nhiều ấn bản khác nhau thì chúng ta vẫn có thể lên You Tube để nghe Pavarotti, hoặc giọng soprano của hai danh ca da đen là Leontyne Price và Jessee Norman.

Switch mode views: