Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nghề nghiệp buổi giao thời


dapxichlo
Chạy xích lô, nghề kiếm sống của nhiều người sau năm 1975. (Hình: Getty Images)

Thằng thật tài ba thì đạp xích lô.
Còn thằng giàu cha là thằng ma cô.
(Bạn Bè Của Tôi- Nhạc sĩ Phan Văn Hưng)

Chỉ vài ngày sau khi Việt Cộng vào Sài Gòn, đầu xóm nhà tôi trong cư xá Quân Đội, thiên hạ đã nghe tiếng trống lục bục của ông Tàu thợ nhuộm. Dân trong cư xá xếp hàng dài. Cả nước nhuộm đỏ rồi thì áo quần lính phải nhuộm đen để xóa hết tàn tích cũ, kể cả áo quần lòe loẹt xanh đỏ tím vàng. Cách mạng là vậy, hết thời của áo dài tung bay, tóc uốn và sơn móng tay, Sài Gòn không còn tiệm uốn tóc, tiệm áo dài cho phụ nữ, và ở một vài con phố, nghề làm dép râu bắt đầu thịnh hành. Hồi ấy vỏ xe vứt đầy đường, những người thợ khéo tay đẽo gọt, cắt mài, bắt đầu ăn nên làm ra.

Thành phố “Hồ Chí Minh quang vinh” có hai cái nghề ít vốn, không cần học vấn, không cần sức khỏe và mạt hạng nhất là cái nghề mở quầy bán thuốc lá lẻ kiêm vé số dọc đường hay nghề bán xăng lẻ. Nghề sau này chỉ cần chưng ra đường một cục gạch hay một cái chai không, trong khi xăng pha dầu hôi thì dấu trong bụi cỏ bên đường.

Không chịu ngồi một chỗ, ngại chuyện công an thường trực quấy rầy, đến xin đểu vài điếu thuốc lá, thì làm nghề bán vé số lưu động. Ngày nay đó là nghề của thương binh VNCH, của những người không có sức lao động, thuộc giai cấp vô sản, nhưng trong thời gian sau năm 1980, đây là nghề của những người vợ tù tập trung dưới chế độ Cộng Sản, hay những người mới ra khỏi nhà tù, của những người nghèo khổ về từ những vùng kinh tế mới và là nghề của những người miền Nam thất thế, thua trận.

Xót xa khi thấy những người vợ tù, không thiếu vợ những sĩ quan cao cấp ngày trước, cầm xấp vé số đi bộ suốt ngày, dưới cơn nắng chói chang, đến những quán cà phê, quán nhậu đang mọc lên như nấm thời XHCN, để mời mọc, năn nỉ những vị khách đang ngồi gác chân lên bàn hay mặt mày đỏ gấc để có thể nghe những lời cợt nhã chướng tai.

Từ những quán ăn lề đường, Sài Gòn có thêm nhiều nghề không phân biệt cho người lớn hay trẻ con, đó là nghề bán bánh tráng, bánh phồng tôm, đậu phụng cho dân nhậu.

Nói đến nghề thời đại đổi đời, chúng ta không khỏi thán phục những sĩ quan “phu nhân” nay đã phải gánh nặng trên vai kiếp người vợ tù. Tôi đã gặp vợ một vị trung đoàn trưởng đạp cái xe “ba-gác” vào xóm lanh lảnh tiến rao mua ve chai, hay vợ anh trung úy lang thang chốn Chợ Trời, vắt mấy cái áo quần cũ trên vai, miệng luôn luôn hỏi khách qua đường: “Có gì bán không?”

Đến nhà thờ Đức Bà và nhà bưu điện mới thấy hôm nay có nhiều nghề, đó là nghề viết đơn mướn, nghề dịch thư và tràn lan trước cửa bưu điện hay trước các trường học là nghề bơm bút bi mà xưa ta gọi là bút Bic hay “bút nguyên tử.” Ngày nay ai cũng có thể có một cây bút bi, đôi khi cây viết chưa hết mực người ta đã vứt vào sọt rác, nhưng cái ngày “thống nhất” ấy, cây bút bi hết mực thì phải mang ra nhờ cái ông bơm mực để còn dùng tiếp. Vỏ bút bi thì không kiếm ra được, nhưng mực thì có thể chế biến từ phẩm màu, dầu nhớt và các nguyên liệu bí hiểm khác.

Tan hàng vì thất trận, cả sau năm bảy năm tù, người lính, người tù cũ ai cũng có nghề nghiệp và cũng chẳng ai thất nghiệp, dù bữa đói bữa no, vì “đói thì đầu gối cũng phải bò!”

Người còn chút sức lực thì đạp xích lô, chạy xe ba-gác. Lái máy bay thì phải có bằng học tận bên Mỹ, còn lái xích lô thì không cần, ở đầu cầu Trương Minh Giảng thấy một ông đại uý phi công quen biết đang chờ khách.

Gặp ông Dương Hùng Cường cũng vào nghề xích lô, nghe ông than: “Ế khách, thì trông cho có khách, khi có khách thì mừng nhưng có bữa đói quá, đạp lên dốc không nỗi!” Nhà văn Đặng Trần Huân có sáng kiến trải một tấm bạt, bán sách chuyện bằng tranh cho trẻ em trước cửa một trường tiểu học. Trong khi bò tới đằng trước để lựa sách cho trẻ em, thì có thằng thất nghiệp đến đỡ nhẹ cái xe đạp sau lưng ông.

Gặp một thằng bạn cũ thời trung học, một thời hải quân, nay bưng bánh xèo trong một quán ở Trần Quý Cáp. Anh bộ binh thì có nghề đi bỏ mối cà phê, có cà phê bắp uống mệt nghỉ.

Buổi sáng trong cư xá, nghe tiếng rao bánh mì, gọi mua mấy ổ, làm quen, mới nhận ra nhau là chiến hữu, mới đi tù về.

Có anh cùng khóa Thủ Đức, đi tù về hành nghề xe ôm ở Bến Bắc Mỹ Thuận ròng rã 12 năm từ 1982 cho đến năm đổi đời 1990 được leo lên máy bay đi Mỹ theo diện H.O. Thời gian lái xe tăng bằng thời gian lái xe ôm. Chị Thiếu Tá Cảnh Sát thì mở quán cóc cà phê đầu xóm, có anh chiến sĩ xuất sắc nay chịu cảnh bán trà đá ngoài bến xe.

Một hôm, gặp một người quen cũ thời còn chung nhà trọ học ở Sài Gòn, nguyên giáo sư đại học Quảng Đà, đang bơm bong bóng cho bọn trẻ ở đầu đường. Cái bình hơi nặng, lớn hơn cả thân hình còm cõi của anh trên chiếc xe đạp cũ, lắc lư mỗi khi anh nhấn ga đạp đi. Ông bạn quân cụ gần nhà thì có sáng kiến, sản xuất nước tương sống qua ngày, sau này bạn bè gặp nhau vẫn nhắc bạn còn sống nhưng đã “chết tên:” “Minh Nước Tương.”

Cũng với cái nghề của bạn chúng tôi có những cái tên đã thành quen thuộc như “Hoàng Cháo Lòng” hay “Thư Nước Mía.” Thằng bạn học thời niên thiếu, mặt sạm đen vì nắng, vẫn thường gặp nó đứng ở đầu đường chào khách trên chiếc xe honda cũ: “Ôm đi Anh?” Ông bạn Thẩm Phán – Nhà Thơ của tôi sống bằng nghề làm và bỏ mối ô-mai. Tuổi ô-mai đã qua, mà đời thì quá đắng!

Ông BĐQ nổi danh Vương Mộng Long được gọi là “Long Xe Thồ.” Trước đó ông cũng trải qua một thời đào thiếc, tìm vàng trên cao nguyên. Long có những người bạn đi tù về, Thiếu Úy HQ làm nghề hớt tóc, Thiếu Tá Cảnh Sát làm nghề dạy Anh Văn lưu động, Phó Quận Hành Chánh mưa nắng rong ruổi trên mọi ngả đường: “Ai mài dao, mài kéo đây…ây ây!” Một ông giáo sư trung học hành nghề kéo nước ngọt từ giếng, xách về cho dân tắm biển Vũng Tàu.

Cũng xin kể vài chuyện “nghề” của tác giả bài báo này. Từ thời đi học đến nay đã trên 80, đã mang nghiệp “báo đời,” nên đã được đời đưa đẩy vào nghề bán báo. Tôi và ông bạn già Đỗ Tấn, nguyên Chủ Bút “Mùa Gặt Mới” ở Huế, cũng là người ở bên kia trở về, thời VNCH là Giám Đốc Đài Phát Thanh Huế. Biết Cộng Sản quá nhiều, ông chạy vào Sài Gòn, hủy bỏ tất cả giấy tờ, xóa bỏ lý lịch của mình. Hai anh em chung nhau một cái xe báo “di động” trụ ở lề đường trước cổng bệnh viện Chợ Rẫy, gần một bà bán cơm, và một bạn trẻ làm nghề sửa xe đạp, tất cả đều mang tội chiếm lòng lề đường. Mỗi lần công an bố ráp mới thấy cảnh khổ của nhau. Bà bán cơm thì cơm đổ, ông bán báo thì báo rơi!

Hết nghề báo, tôi chuyển nghề ảnh, mở một quầy ảnh nhỏ trên đường Lý Thái Tổ, làm ảnh và tráng phim gia công, đi chụp ảnh đám cưới, sinh nhật. Có hôm đi chụp ảnh đám cưới, bị tuột phim mà không biết, khi cô dâu chú rể đem một cọc tiền đến lấy ảnh, tôi trông mặt đất lúc đó làm sao nứt ra mà chui xuống cho xong. Đi chụp ảnh sinh nhật cho trẻ con, thì gia chủ chỉ mướn chụp 5 kiểu (poses) thôi, nhưng vừa đưa máy lên thì thằng bé khóc ré. Thế là vác máy lủi thủi về nhà.

Cũng có lần đi chụp đám cưới cho nhà một cán bộ VC, đến ngày đem ảnh giao cho bà mẹ cô dâu, bà này nhất định đòi bớt tiền, tôi không chịu. Dưới gầm bàn, bà ta kẹp lấy đôi chân khẳng khiu của tôi, siết mạnh, với một sự thương thuyết quyết liệt rất là “Việt Cộng cái.” Tôi ghê tởm, đứng dậy, nghĩ chuyến này coi như lỗ vốn. Cuối cùng, biết không thuyết phục được, bà ta đã giao đủ số tiền, nhưng bản mặt không hề thấy có chút ngượng ngùng.

Cũng còn liên quan đến chuyện chụp hình. Theo yêu cầu của một người quen ở Mỹ, nhờ tôi xuống Cầu Mới- Vĩnh Long đến nhà vợ anh chụp mấy cái hình sinh hoạt gia đình. Sau khi chụp cho cô vợ mấy tấm hình chèo ghe trên rạch và đứng trước mấy rặng tre, vừa về đến nhà thì nghe tiếng chó ngoài sân sủa ran. Công an xã, tay súng tay hèo tới nhà: – “Ai mới chụp hình ngoài sông!”

Tôi bị công an dẫn đi cùng với tang vật (cái máy ảnh Petri 7 và cuốn phim nằm trong máy,) lên đồn công an! Công an hoạnh họe đủ điều, không ghép vào tội gián điệp chụp ảnh cho Mỹ nhưng tội chụp các cơ sở của xã mà không có phép, vô tình hay cố ý khi chụp kho lúa của Hợp Tác Xã? Tôi nằm trong đồn công an mấy ngày mà như nằm trên đống lửa, nhất là khi nghe trưởng đồn hôm nay đi họp trên quận. Con đường vô trại “cải tạo” lần nữa coi như cầm chắc trong tay. May mắn, gia đình ở Sài Gòn xin được giấy xác nhận hộ khẩu của công an địa phương. Muốn xin một tờ giấy xác minh phải tốn một con “trút” để cho đồn công an nhậu. Hôm được thả ra khỏi đồn, tôi đi như muốn chạy, không dám quay mặt nhìn lui!

Rồi một ngày nọ, công an khu vực đến tiệm ảnh đặt câu hỏi: “Ai cho phép anh làm nghề này! Anh có biết đây là một nghề cấm những người như anh làm không?” Nghĩ đến phải “tái cải tạo” thêm vài năm, tôi đã thấy teo! Cũng là nghiệp “truyền thông!” Tôi đã làm nghề báo chí (bán) nhiếp ảnh, chỉ thiếu nghề phát thanh ca nhạc đồi trụy (bán kẹo kéo) nữa là đủ!

Thời đổi đời, Sài Gòn có cả trăm nghề mới mẻ, có nghề không tên mà trang báo này không tài nào kể hết. Cũng không có thời giờ ngồi lại mà kể cho con cháu nghe, anh em bạn tù thì người quên kẻ nhớ. Câu chuyện hôm nay được kể lại, mong những người bạn tù năm cũ có dịp nhớ lại chuyện vui buồn của một thời gian đã qua. (Huy Phương)

Switch mode views: