Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cho Chó Ăn Chè

quan dan

đây là thời chủ nhân ăn mày ăn nhặt
trong khi đầy tớ nhân dân ăn ngập mặt ngập mũi ăn hớt, ăn bẩn, ăn tục, ăn lận, ăn chận, ăn cướp, ăn gian, ăn tham, ăn lường, ăn bịp, ăn suông, ăn ké, ăn chia, ăn sống, ăn lạnh, ăn nóng, ăn theo, ăn chực, ăn vạ, ăn lẻ, ăn si,
ăn tất tần tật
chỉ trừ ăn năn…

Phan Nhiên Hạo

Ba mươi bẩy năm trước, ông Đoàn Văn Toại có ghi lại (đôi dòng) liên quan đến “kế hoạch tịch thu tài sản tư nhân ở miền Nam,” trên báo:

“Sau khi Sài Gòn thất thủ được nhiều ngày, MTDTGPMN thành lập chính quyền Cách mạng Lâm thời, mời tôi gia nhập một uỷ ban tài chính, một nhóm bao gồm các trí thức có nhiệm vụ cố vấn cho chính quyền về các vấn đề kinh tế. Tôi hăng hái tham gia, chấp nhận mức cắt giảm lương đến 90%. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là giúp thảo ra một kế hoạch nhằm tịch thu tất cả các tài sản tư nhân ở miền Nam Việt Nam.

Tôi cảm thấy sốc, tôi đề nghị chỉ nên thi hành điều đó với tài sản những người từng cộng tác với chính quyền cũ và với những người đã làm giàu nhờ chiến tranh, và sẽ phân phối lại theo một cách thức nào đó cho các người nghèo và nạn nhân chiến tranh không phân biệt thuộc phe nào. Đề nghị của tôi bị bác bỏ.” (“A Lament For Vietnam,” New York Times, 29 March 1981. Trans. Felix. dcvonline.net June 30, 2015).
Đoàn Văn Toại, nếu còn sống – chắc chắn – sẽ đỡ “sốc” hơn nhiều, nếu biết rằng Nhà Nước Cách Mạng (thực sự) chả cần gì đến việc “soạn thảo ra một kế hoạch nhằm tịch thu tất cả các tài sản tư nhân ở miền Nam Việt Nam” của bất cứ ai. Họ đã thực hiện được điều này, một cách hết sức dễ dàng và bài bản, ngay khi mới vừa “giải phóng” được nửa phần đất nước:

 “Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành ‘cải tạo xã hội chủ nghĩa’ trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước… Trong thời kỳ khôi phục kinh tế, 1955-1957, nền kinh tế miền Bắc phát triển ngoạn mục, chủ yếu nhờ vào lực lượng tư nhân: Công nghiệp tư bản tư doanh tăng 230%; cá thể, tiểu chủ, tăng 220,2%. Tư bản tư doanh và tiểu chủ, cá thể tạo ra một lượng sản phẩm chiếm 73,7% tổng giá trị công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở miền Bắc.

Nhưng ‘Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư doanh’ bắt đầu ở miền Bắc vào tháng 9-1957 đã gần như triệt tiêu hoàn toàn kinh tế tư bản tư nhân, tiểu chủ và cá thể bằng cách tước đoạt dưới các hình thức ‘tập thể hoá’ hoặc buộc các nhà tư sản phải đưa cơ sở kinh doanh của họ cho Nhà nước với cái gọi là công tư hợp doanh.

Chỉ hai năm sau cải tạo công thương nghiệp tư doanh, ở miền Bắc, tài sản của các nhà tư sản teo dần trong khi lực lượng quốc doanh bắt đầu chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế. Văn kiện Đảng ghi ngắn gọn: ‘Đến cuối năm 1960, 100% hộ tư sản công nghiệp và 97,2% hộ tư sản thương nghiệp được cải tạo.’ Con số đó đủ để nói lên chính sách đối với tư nhân của chế độ miền Bắc.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA: 2013).

Theo gương Chủ Tịch Hồ Chí Minh, và học tập từ kinh nghiệm của Người, Bác Đỗ Mười đã chỉ huy những trận đánh tư sản ở miền Nam rầm rộ và khí thế hơn nhiều:

    “Tối 10-9-1975, ‘tin chiến thắng’ liên tục được báo về ‘Đại bản doanh’ của Trung ương Cục đóng tại Dinh Độc Lập… Các đoàn đưa ra những con số chi tiết: hàng chục triệu tiền mặt, hàng chục ký vàng, cả ‘kho’ kim cương, hàng vạn mét vải và cả một cơ sở chăn nuôi gồm ‘7.000 con gà, thu hoạch 4.000 trứng mỗi ngày’ ở Thủ Đức…” (Sđd, tập I, trang 71).
    “Những gì mà Cách mạng lấy được của ‘nhà giàu’ trên toàn miền Nam được liệt kê: ‘Về tiền mặt ta thu được 918,4 triệu đồng tiền miền Nam; 134.578 Mỹ Kim [trong đó có 55.370 USD gửi ở ngân hàng]; 61.121 đồng tiền miền Bắc; 1.200 đồng phrăng (tiền Pháp)…; vàng: 7.691 lượng; hạt xoàn: 4.040 hột; kim cương: 40 hột; cẩm thạch: 97 hột; nữ trang: 167 thứ; đồng hồ các loại: 701 cái. Trong các kho tàng ta thu được: 60 nghìn tấn phân; 8.000 tấn hoá chất; 3 triệu mét vải; 229 tấn nhôm; 2.500 tấn sắt vụn; 1.295 cặp vỏ ruột xe; 27.460 bao xi măng; 644 ô tô; 2 cao ốc; 96.604 chai rượu; 13.500 ký trà; 1000 máy cole; 20 tấn bánh qui; 24 tấn bơ; 2.000 kiếng đeo mắt; 457 căn nhà phố; 4 trại gà khoảng 30.000 con và một trại gà giá 800 triệu; 4.150 con heo; 10 con bò, 1.475.000 USD thiết bị tiêu dùng; 19 công ty; 6 kho; 65 xí nghiệp sản xuất; 4 rạp hát; 1 đồn điền cà phê, nho, táo rộng 170 hecta ở Đà Lạt’ (Sđd, tập I, trang 80 -81).
    “Tại Sài Gòn, 28.787 hộ tư sản bị cải tạo, phần lớn bị ‘đánh’ ngay trong bốn ngày đầu với 6.129 hộ ‘tư sản thương nghiệp’, 13.923 hộ ‘trung thương’. Những tháng sau đó có thêm 835 ‘con phe’, 3.300 ‘tiểu thương ba ngành hàng’, 4.600 ‘tiểu thương và trung thương chợ trời’ bị truy quét tiếp. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người trông coi kho vàng của Ngân hàng, trong đợt đánh tư sản này, Cách mạng thu thêm khoảng hơn năm tấn vàng, chưa kể hạt xoàn và các loại đá quý. Có những gia đình tư sản giấu vàng không kỹ, lực lượng cải tạo tìm được, khui ra, vàng chất đầy trên chiếu.” (Sđd, tập I, trang 90).

Những “chiến tích” cùng “chiến lợi phẩm” kể trên – dường như – đã không được ghi vào chiến sử, và có lẽ đã hoàn toàn phai nhạt với thời gian khiến thế hệ của các đồng chí hiện đang lãnh đạo đất nước hôm nay hơi bị lúng túng. Họ “không biết” làm sao để thu hồi những khối tài sản khổng lồ đã bị thất thoát do tham nhũng – từ nhiều năm qua – theo như ghi nhận xét của phóng viên Thế Kha, trên tờ Dân Trí:

“Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin, cơ quan thi hành án dân sự vừa ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án số tiền hơn 1.000 tỷ đồng vì xác nhận người phải thi hành án không còn điều kiện thi hành án (?!).”

Cũng trên diễn đàn Dân Trí, nhà báo Bùi Hoàng Tám viết thêm:

“Cứ nghĩ tham nhũng nó chỉ như kiểu bà đi chợ, mua 10 đồng nói 11 hay 12 đồng. Nhưng không. Bọn chúng mua một đồng nhưng khai lên 3 – 4 đồng thậm chí 5-6 đồng. Ví dụ như cái ụ nổi của Dương Chí Dũng, giá mua chỉ có 2triệu USD nhưng được khai khống lên đến 9 triệu USD (cao hơn khoảng 150 tỉ VND). Một  trạm biến áp tại Quy Nhơn nhà thầu trúng thầu với giá 30 tỉ đồng, khi đấu giá lại, số tiền cuối cùng chỉ là 7 tỉ, chênh lệch tới 23 tỉ đồng.

Và một chuyện cũng không mới, đó là hơn 1.000 tỉ đồng trong vụ Vinashin gần như chắc chắn mất tiêu.

Cách đây ít hôm, trên BLOG Dân trí, Nhà báo Lê Chân Nhân đã nói một ý rất hay. Đó là chống tham nhũng mà không thu hồi được tài sản tức là thất bại...”

Cú “thất bại” nhỏ nhoi này hẳn phải khiến nhiều người lấy làm ái ngại, và thất vọng về khả năng của Chính Quyền Cách Mạng hiện hành. Sao Nhà Nước ta đã thành công vượt bực, và vượt chỉ tiêu, trong những trận đánh tư sản long trời lở đất (khiến cho vô số người dân tán gia bại sản) mà lại thất bại trong việc thu hồi tài sản của quốc gia từ những ... con sâu vậy cà?

Câu hỏi này đã được nhà báo Ngô Nhân Dụng  giải thích như sau:

“Ông Cầm Ngọc Minh, chủ tịch tỉnh Sơn La nói về con số 1,400 tỷ đồng mới bảo rằng ‘Không nên đặt vấn đề đắt rẻ.’ Ông lại còn than thở, ‘Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi.’

Thiệt thòi trước mắt là mất cơ hội rút ruột. Ở Việt Nam người ta biết từ 30% đến 45% chi phí khi thực hiện các dự án được bỏ vào túi các viên chức. Không xây dựng tượng là mất toi 30 triệu đô la. Thiệt thòi! Thiệt thòi cho chúng tôi quá!

Cho nên không riêng tỉnh Sơn La, trên toàn quốc còn có 58 dự án xây dựng tượng đài, trong 14 năm nữa! Cứ mỗi vụ rút ruột được 30 triệu đô la, tổng số sẽ lên tới 1,740,000, 000 đô la!

Ðọc con số hơn tỷ rưỡi đô la này, thấy lớn. Nhưng thực ra cũng ‘chưa lớn’ bởi vì phải chia cho rất nhiều quan chức, chia rải ra đến 14 năm trường. Chúng ta sẽ không thấy nó lớn, khi so sánh với những vụ tiền chạy đi mất tích ở cấp cao hơn.

Một vụ Vinashin thôi, chỉ trong mấy năm đã thấy bốn tỷ đô la tiền nợ nước ngoài bay đi đâu mất để đến nỗi hết tiền trả nợ! Vì vậy, khi cả nước kêu lên về dự án phung phí 70 triệu đô la, bộ máy đảng và nhà nước ở trên cùng cũng không dám ngăn lại! Các anh đã nuốt mấy tỷ đô la ngon lành, đến lượt lũ chúng tôi chỉ ăn có bạc triệu anh lại dám ngăn cản à? Ðến đại hội đảng anh có cần phiếu của lũ chúng tôi không? Thế là im thin thít!”

Kiểu “lý giải” thượng dẫn của nhà báo Ngô Nhân Dụng khiến tôi nhớ đến chuyện quanh bàn nhậu. Khi các bợm nhậu ăn uống vô độ (“vzô vzô” liên tục) thì bao tử – với dung tích giới hạn – sẽ bị nhồi đầy quá nhiều và quá nhanh khiến cho cơ thể bị nhộn nhạo, bất an.

Cách duy nhất để chấm dứt tình trạng khó chịu này là tự “móc họng” cho “chó ăn chè.” Số lượng bia rượu và thực phẩm nôn oẹ sẽ làm vơi bao tử, quân bằng lại sức chứa của nó, giúp cơ thể nhẹ nhõm, để có thể ... nhậu tiếp! Móc họng để cho chó ăn chè là một thủ thuật quen thuộc và hiệu quả giúp cho nhiều người sống còn trên bàn nhậu.

Trên bàn tiệc của đất nước Việt Nam hiện nay không thiếu gì món hấp dẫn khiến nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà Nước trở nên ... tối mắt (và nuốt quá nhiều) nhưng chi ra hơi ít nên bị quẳng vô lò một mớ. Khác với nhiều người lầm tưởng, cái lò tôn của đồng chí TBT không nhằm thiêu đốt những đồng chí cùng chí hướng cách mạng mà chỉ nhằm tiêu diệt những kẻ khác phe hay không (hoặc chưa biết) cho chó ăn chè thôi.

Switch mode views: