Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Văn hoá 'cởi giày'

Từ ngày sang Mỹ tôi không bao giờ sắm những đôi giày có dây. Thật là phiền phức khi vào nhà người khác phải đứng lom khom, chân co chân duỗi để tháo chiếc giày ra, trước khi bước vào nhà, cho vừa lòng gia chủ. Với đôi giày không dây, chỉ cần tuột ra hay xỏ vào nhanh chóng rất tiện lợi. Có hôm chưa kịp cởi giày, đang bận bắt tay bắt chân thì bà chủ nhà đã thẳng thừng gọi ông chồng: “Anh nhắc mấy ông bạn cởi giày ra!”

coigiaydep(Hình minh hoạ: Huy Phương/Người Việt)

Có nhà lại cẩn thận treo một cái bảng nhỏ ở ngay cửa bằng tiếng Anh, còn hơn là ở cửa chùa hay nhà thờ Hồi Giáo: “Take off your shoes before entering!” Làm như gia đình này suốt năm chỉ tiếp toàn khách Mỹ. Khách Việt không biết tiếng Anh chắc phải nhờ chủ nhà phiên dịch, nhắc nhở.

Liệu khách đến thăm có dị ứng với loại bảng “chào mừng quan khách” này không?

Vẫn biết  vợ chồng ông bạn quí cái sàn nhà gỗ bóng loáng hay chiếc thảm đầy màu sắc hơn cái tình bạn hay cái thân thằng bạn mới bước vào nhà, nhưng lâu rồi thành quen, không còn thấy khó chịu nữa. Mới bước qua cửa hay trước khi chủ nhà mở cửa cho vào, khách đã vội líu ríu khom mình, vội vã cởi đôi giày ra, nhiều khi để ngay ngoài bậc cửa kẻo thất lễ. Đôi khi vợ chồng chủ nhà nói mấy câu ngăn cản khách sáo cho có lệ, mà không hẳn là cương quyết, thì thôi cũng cứ cởi đôi giày ra cho phải phép.

Buồn cười là những đôi giày dép của khách lại được để lại trên tấm thảm chùi chân mang chữ “Welcome” đặt trước cửa nhà!

Cái gì quen làm đã thành nếp thì người ta gọi đó là văn hoá, một thứ văn hoá đặc biệt Việt Nam, mặc dầu không thấy sách vở nào ở hải ngoại của các nhà biên khảo văn hoá ghi rằng vào nhà người Việt Nam thì phải cởi giày, đi chân không. Thứ văn hoá này được miễn trừ trong những lễ cưới hỏi, không lẽ nhà trai đến, hai tay bận bưng mâm cau trầu hay đang khiêng con heo quay thì tay đâu mà cởi giày. Cứ tưởng tượng một đoàn người ăn mặc chỉnh tề, đàn ông complet-cà vạt, đàn bà áo dài, vòng vàng sáng loé, mà đi chân đất như lính thời Minh Mạng, Tự Đức thì thật khó coi.

Không thể đem cái thói quen cởi giày ở Sài Gòn ra áp dụng cho hải ngoại. Nền nhà lót gạch bông của người Sài Gòn là cái giường ngủ, không thể đem đất cát, bụi bặm trên đường phố dơ bẩn vào nhà. Tôi đã sống ở Sài Gòn hơn 10 năm, nhà chật, căn gác nóng hầm hập thì cái nền nhà lót gạch bông vừa là bàn ăn, vừa là giường ngủ. Khách ở xa về, cũng không khách sáo, trời mát thì trải chiếu ra, nóng nực thì chùi sàn cho sạch, có khi ở trần nằm cho mát lưng. Ai mà nhẫn tâm mang giày đi dép vào cái nền nhà này? Nhưng ở Mỹ lại khác, ăn có nơi, ngủ có chỗ, không phòng riêng thì cũng nằm tạm trên cái xô-pha, còn nền nhà là chỗ đi lại, vì sao lại phải trân trọng nó như thế?

Ở Mỹ này đường sá, sân nhà không có một tí rác hay bụi bặm, tưởng có thể nằm lăn ra đó mà ngủ một giấc cũng sướng cái thân, đương nhiên đôi giày không dẫm bùn hay đất cát, làm sao có thể làm dơ bẩn hay trầy trụa sàn gỗ hay thảm lót nhà ai.

Một người Mỹ đã bày tỏ chuyện “cởi dày” trên một trang mạng như sau: “Đối với nhà tôi, tôi yêu cầu mọi người mang đôi giày của họ vào nhà, trừ khi thực sự giày họ bẩn thỉu vì dính bùn đất - mà tôi đã không lần nào thực sự thấy như vậy. Chuyện này có thể xẩy ra, nếu bạn sống trong một trang trại, nhưng đó lại là một câu chuyện khác. Chúng tôi có tấm thảm dừa đặt trước cửa để cho khách chùi chân rồi!”
Ở Sài Gòn, nạn vào chùa mất dày dép là chuyện thường tình. Có lần ông bạn tôi vừa đi du học ở Okinawa về cho một đôi dép Nhật bằng da tốt, vào chùa lạy Phật ra thì không tìm thấy dôi dép mới nữa. Nếu như biết đôi dép nào của thằng kẻ cắp bỏ lại thì cũng mang tạm vào cho đỡ đau chân, cuối cùng cũng phải đi cà nhắc, lội bộ ra xe.

Trong chúng ta, những người ra đến hải ngoại ngày hôm nay, trừ trường hợp những người giàu có, may mắn, sung sướng từ Việt Nam ra đi bằng máy bay, đến Mỹ đã có sẵn nhà cao, cửa rộng, chưa có một ngày cơ cực, còn thì hầu hết đã trải qua những ngày khốn khó, đau khổ trong chiến tranh, chết chóc, chạy loạn, bị tù đày, đi thăm nuôi, đi “kinh tế mới,” vượt biển, mưa nắng chạy chợ trời…Có lúc ở gần cái chết, chỉ mong được với tay nắm được cái sống, lúc đói chỉ mong có miếng cơm, lúc chia cắt chỉ mong có một giờ đoàn tụ. Những giờ tuyệt vọng lúc đó, của cải vật chất, tiền bạc, danh vọng chỉ là những thứ mờ nhạt, phù du.

Bây giờ ra hải ngoại, chúng ta có đủ tất cả: cái nhà đẹp trên đồi, cái xe đời mới, một đàn con khoa bảng, có đời sống tự do, đã đi du lịch nhiều nơi, có sức khoẻ, giàu sang…  Nhưng cũng vì vậy chúng ta bắt đầu thấy quý cái thân, yêu cái nhà, không nấu nướng cho đỡ hôi, giữ cái thảm cho sạch sợ bạn bè dẫm phải.

Cũng ở hải ngoại này, khách có mời mới có cơ hội đến, khách muốn đến cũng phải xin phép trước chủ nhà, cũng không ai nhàn rỗi lê la từ nhà này sang nhà khác mà chuyện trò, đấu láo. Một gia đình trung lưu, mỗi năm may ra cũng chỉ có khoảng chục khách quen tới nhà, nên bộ salon ở phòng khách mọi nhà chỉ để cho người trong nhà chứ ít khi dùng để tiếp khách. Nếu có người hàng xóm hỏi thăm, ông giao hàng, hay người đi truyền đạo, thì cũng chỉ hé cửa thò đầu ra ngoài nói năng chốc lát, đâu có để ai giẫm lên cái thảm nhà mình. Vậy thì ai là người bước vào cửa nhà mình, nếu đó không phải là con cháu, họ hàng, bạn bè thân quý? Nếu thật sự, người ta không quí gia đình mình, chẳng ai dư thời giờ, rỗi rảnh mà bước vào ai!

New International Version (2011) có ghi: "Đừng đến gần hơn," Thiên Chúa phán. "Cởi giày của bạn ra, nơi mà bạn đang đứng là Đất Thánh." Mà ngôi nhà của bạn có là Đất Thánh hay không?

Bạn nghe tôi đi, hãy kiếm một đôi giày không dây như tôi, hoặc đừng bước vào nhà ai nữa, nếu cảm thấy họ quý cái thảm sạch của nhà họ hơn là tình ruột thịt, tình bằng hữu, tình đồng hương và cả tình người. Con chó kiểng được cưng còn được chạy nhảy trên tấm thảm là vì nó không biết mang giày, nên không phải cởi ra.

Với lại “một đời ta, ba đời nó” như ông bà ta đã nói: cái thảm, chiếc xe, ngôi nhà… đôi khi còn trơ trơ ra đó mà tên người đã nằm trên trang cáo phó rồi cũng nên.

Switch mode views: