Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tháng Giêng, nhớ Đảo!


hanoi nhodao
Hà Nội nhớ Đảo. (Hình: Facebook Bạch Hồng Quyền)

January 22, 2017

“Bởi giặc Nguyên cùng ta, là kẻ thù không đội trời chung,
thế mà các ngươi cứ điềm nhiên không nghĩ đến việc báo
thù, lại không biết dạy quân sĩ, khác nào như quay ngọn
giáo mà đi theo kẻ thù, giơ tay không mà chịu thua quân
giặc… thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất nữa.”
(Bình Ngô Đại Cáo)

Tôi cho rằng một nghìn lời kêu gọi hòa hợp hòa giải, dù dối trá hay thành thật, cũng như xác định ai là kẻ thù của dân tộc Việt Nam, không có gì ý nghĩa bằng một buổi họp mặt của những người lính Hải Quân của hai chế độ, Nam Việt Nam trước năm 1975 và Bắc Việt Nam sau 1975 vào ngày 9 Tháng Giêng, 2017 tại Sài Gòn.

Đó là những người lính của hai chế độ, Cộng Sản hay chống Cộng Sản, đều có nỗ lực chung, chống trả một cuộc xâm lăng của Trung Cộng phương Bắc vì lòng yêu nước. VNCH trong trận hải chiến để bảo vệ Hoàng Sa, và cũng với tư thế ấy, các chiến binh miền Bắc đã xả thân cứu đảo Gạc Ma của Trường Sa.

Trong trận chiến Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng, 1974, Việt Nam Cộng Hòa có 75 binh sĩ tử vong, gồm có các chiến sĩ Hải Quân và Người Nhái. Hạm trưởng hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10, Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và Hạm Phó Nguyễn Thành Trí đều tử trận cùng đồng đội. Trung Cộng chiếm toàn bộ Hoàng Sa, sau đó VNCH có kế hoạch đánh trả nhưng không thực hiện được.

14 năm sau, ngày 14 Tháng Ba, 1988, để giữ Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa, 64 chiến binh trên tàu HQ 604 đã hy sinh. Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm hẳn Gạc Ma, và Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn thuần phục dưới tay Trung Cộng.

Chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa do các nhà báo có uy tín trong cũng như ngoài nước khởi xướng từ Tháng Giêng, 2014, chỉ có mục đích “Tri ân gia đình những người lính đã tham gia, đã ngã xuống trên các trận tuyến chống quân Trung Quốc xâm lược, đặc biệt là hai trận hải chiến Hoàng Sa 1974 và Gạc Ma 1988.” Và lẽ có nhiên trong hoàn cảnh một Việt Nam, trong thế “hở môi răng lạnh” với Trung Cộng, khi nước này còn cho Việt Nam là một loại nghịch tử, và các nhà lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn lo sợ cho tình hữu hảo Việt Trung có thể sứt mẻ vì sự chống đối của nhân dân Việt Nam, “Nhịp Cầu Hoàng Sa”cuối cùng chỉ là một tổ chức có tính cách tương trợ.

Trong ý nghĩa nhận diện kẻ thù, nhà hàng hải Đỗ Thái Bình đã nói rõ: “Hoàng Sa là chiến trường duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam, nơi mà trước ngày 30 Tháng Tư, 1975, người Việt không bắn vào người Việt. Hoàng Sa là một địa danh nhắc nhở chúng ta, mỗi khi người Việt kề vai sát cánh bên nhau sẽ nhận rõ ai mới thực sự là kẻ thù chung, ai mới là kẻ có dã tâm xâm lược. Hoàng Sa, vì thế, còn là một nhịp cầu, cần “bắc” để nối những tấm lòng.”

Có lẽ có cơ hội gặp nhau, họ mới nhận ra rằng có sự khác biệt giữ hai người lính đối đầu. Người lính miền Nam biết bảo vệ Tổ Quốc – Danh Dự và Trách Nhiệm, người lính miền Bắc trung với đảng, hiếu với dân, vì đảng cấm bắn lại “người nhà” nên họ trở thành những tấm bia đỡ đạn.

Trận chiến Hoàng Sa năm 1974 là một biến cố lịch sử đã được viết bằng máu để cho người đời sau biết, ai là thù, ai là bạn, ai là người yêu nước, ai là đứa phản quốc. CSVN sợ hãi đến nỗi không dám nhắc đến tên những trận hải chiến giữa Việt Nam và giặc phương Bắc trong quá khứ. Thay vì hải quân VNCH đặt tên những chiến hạm là Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa, Tụy Động, Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Bạch Đằng& thì CSVN tránh “va chạm” chỉ dám đặt tên cho các tàu chiến của họ những cái tên “vô tội” như Hải Phòng, Khánh Hòa, Cam Ranh, Đà Nẵng… hay tên các vị Vua phong kiến như Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, chỉ thiếu tên Lê Chiêu Thống nữa là an toàn!

Từ nhiều năm nay, cứ đến mỗi Tháng Giêng, nhân dân cả hai miền Nam Bắc lại cử hành những buổi lễ tưởng niệm nhớ Đảo, nhớ những anh hùng liệt sĩ thực sự đã chết cho tổ quốc, và lúc nào cũng bị công an đàn áp, xua đuổi. Khu tưởng niệm “nghĩa sĩ” Hoàng Sa (Cộng Sản không dùng chữ liệt sĩ) sẽ được xây dựng ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mà theo báo Thanh Niên, chính quyền cho hay sẽ không đưa danh sách 74 người lính Việt Nam Cộng hòa đã ngã xuống ở Hoàng Sa vào khu tưởng niệm.

Cho đến bây giờ, quân đội Trung Cộng đã xây dựng đảo nhân tạo, phi trường và căn cứ tại biển Đông, tổ chức diễn tập bắn đạn thật trên quy mô lớn tại đảo Hải Nam, phạm vi tập trận kéo dài đến tận quần đảo Hoàng Sa. Đồng thời Trung Cộng cũng đang có kế hoạch mở rộng bất hợp pháp cơ sở ở quần đảo Trường Sa thành một hòn đảo nhân tạo với cả đường băng và hải cảng, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông.

Trong khi The Washington Times đã đăng bài viết khẳng định chính quyền của Tân Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có hành động mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động vi phạm của Trung Cộng tại biển Đông, thì Việt Nam vẫn coi thường máu thịt của mình, đất biển của cha ông, một mặt tuyên bố khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng một mặt lại “duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực…”

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường kêu gọi Việt Nam “trân trọng sự phát triển quan hệ song phương đạt được bằng các nỗ lực lớn lao và cùng với Trung Quốc đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông.”

Một bên bị lấn chiếm thì tuyên bố cứ “duy trì hòa bình,” bên xâm lược thì kêu gọi “trân trọng sự phát triển quan hệ song phương,” rồi cũng “bảo đảm hòa bình và ổn định…” trong khi biển đã thành đảo, máy bay, chiến hạm, vũ khí đã đem đến sát bên mình.

“Tiền nhân” mà khiếp nhược kiểu này thì con cháu đời sau nhận những hậu quả khó lường, khó lòng cất đầu lên nổi!

Switch mode views: