Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ở Mỹ nhưng mình không là ‘đại gia’


demtien 1
"Mình ở Mỹ nhưng mình không là đại gia." (Hình minh họa: Getty Images)

Sổ tay phóng viên

    Bảy năm rồi nàng không về Việt Nam, hỏi tại sao, nàng bảo thích đi chỗ này chỗ khác chơi hơn.

Lý do của nàng khiến nhiều người ngạc nhiên, bởi ai cũng từng nghe nàng tuyên bố “đi đâu chứ đi Việt Nam là lúc nào cũng sẵn sàng, có dịp là bay về ngay, gặp bạn bè người thân vui lắm.” Sau cùng, gặng hỏi mãi, mới nghe nàng thỏ thẻ “Về Việt Nam dễ bị quê lắm!”

Ra là vì mang tiếng Việt Kiều, mà Việt Kiều thì phải nhiều tiền trong mắt nhiều người Việt Nam, nên nàng đã bị đặt vào những tình cảnh dở khóc dở cười.

Lần đầu nàng trở về, muốn đãi người thân bữa ăn ngoài tiệm để đỡ việc nấu nướng. Nàng nói ý đó. Anh em bà con hưởng ứng. Nàng ước lượng chừng 20 người, mỗi người khoảng 200 ngàn, tức chừng $10, vậy dự trù $300 chắc là dư sức.

Thế nhưng khi được người thân chở đến nhà hàng, nàng hơi choáng. Nhà hàng sang quá, khác lắm với những tiệm quanh Bolsa nàng thường hay ăn. Mà người đâu lại thêm nhiều quá, không phải chừng 20 như nàng nghĩ mà đến gần gấp rưỡi, ngồi đầy cả ba bàn. Người ta rất “hồn nhiên”, “Việt kiều mời mà, phải đến nhà hàng sang sang tí.”

Miệng cười nhưng bụng nàng đánh lô tô. Cuối buổi, nàng chi ngót nghét $900. Méo mặt đó. Nàng ở Mỹ, nhưng nàng không là máy in tiền.

Rồi thì thêm lần này lần khác, mỗi thứ một ít, số tiền cộng lại thành nhiều, vượt quá ngân sách nàng có.

Tuy nhiên, điều nàng quyết định “trốn luôn” là lần về sau cùng, cũng là lúc thằng cháu họ vừa đậu đại học. Nàng chúc mừng cháu, định bụng khi trở về Mỹ để dành tiền tặng nó cái laptop. Ai dè, đến nhà đó ngồi chưa nóng đít, ba má thằng nhóc nói “muốn gì nói với cô đi.” Thế là nó bảo, “Cô cho cháu xin tiền mua chiếc xe máy, khoảng $2,000” Nàng hơi choáng. Chưa kịp phản ứng, anh họ nàng “bồi thêm”: “Con chú Tám nhờ anh nói em cho xin tiền sửa lại cái nhà, chừng 30 triệu.”

Nàng thốt lên, “Ôi, em làm gì có nhiều tiền đến vậy!” Nhưng chẳng ai chịu tin nàng hết. Họ bảo ở Mỹ mà vài ngàn không có, chẳng qua nàng quá “trùm sò.”

Thế nên, từ đó nàng biến luôn, hứa khi nào trúng số thành triệu phú thì nàng về cho “vẻ vang.”

2.

Chàng ra đi từ miền quê. Chưa biết Mỹ là gì nên ngày ‘thắt giày, đeo đổng, khoác áo pull vào quần jean le lói,’ lên xe trực chỉ Sài Gòn ra phi trường Tân Sơn Nhất, chàng vỗ vai đám bạn kể cả, “Tao đi nha, tụi bây ở lại, cần gì cứ biên thư nói tao gửi về cho.”

Sang Mỹ, đi ngoài đường không thấy chính phủ thả tiền cho lượm, chỉ biết mỗi ngày đón xe bus tới hãng, làm quần quật như trâu, cũng chỉ chi phí vừa đủ cho nơi ăn chốn ở. Không dám mảy may biên thư về nhà như lời hứa hùng hồn lúc ra đi. Mỹ cho chàng đời sống tự do, không bị bắt nạt, không bị hà hiếp, không sợ lúc ốm đau phải tán gia bại sản hoặc ôm thân về nhà chờ chết. Nhưng Mỹ không cho chàng máy in tiền như chàng nghĩ. Đồng tiền ở Mỹ kiếm khó hơn chàng nghĩ trăm lần.

Nhưng sau 15 năm ở xứ ‘giãy chết,’ nhắm cũng có thể một lần bái tổ về quê, chàng hăm hở lên đường. Vậy mà $4,000 lận lưng sao cứ như giấy vụn. Quay qua quay lại, hết rồi. Mà vẫn không đủ để chi trả cho những gặp gỡ, những viếng thăm, những buổi hàn huyên bên quán.

Thôi kệ, lâu lâu mới về mà, lấy le ông hàng xóm cũng chẳng tiếc.

10 năm sau, chàng lại một lần nữa hồi cố hương. Bạn bè thuở còn mặc “xà lỏn” tụm lại. Vui quá. “Chầu này tao trả hết.” Chàng cao hứng.

Ừa, Việt kiều mà, làm sao mất mặt Việt kiều được, có trở lại Mỹ đi làm gác-gian, hay trắng mắt đạp máy may, mỏi giò đứng “cát-sia” thì cũng phải tỏ ra là Việt Kiều chứ. Chàng cũng rứa.

Nhưng ngoảnh đi ngoảnh lại, đi Việt Nam hai tuần, sang Mỹ làm hai năm vẫn chưa “hồi túi”. Chưa kể bạn bè tự giao thêm cho chàng “trọng trách”: Từ lần chàng về tụ họp bạn bè, họ nghĩ thói quen này nên duy trì, mỗi năm đám bạn học thời “xà lỏn” sẽ tổ chức họp mặt, chàng về sẽ thêm phần trọng đại, nhưng không về cũng chẳng sao, chỉ biết chi phí đó sẽ do Việt kiều chàng gửi về chi trả.

Ủa, gì kỳ vậy, sao tui phải gánh vụ này? “Vì mày là Việt kiều” – nghe câu trả lời, chàng lặn không hẹn ngày trồi lên.

demtien 2
Nàng hứa khi nào trúng số thành triệu phú thì nàng mới quay về Việt Nam cho “vẻ vang.” (Hình minh họa: Getty Images)

3.

Nó nghe bạn bè sắp sửa tổ chức họp mặt sau một phần tư thế kỷ từ giã giảng đường, nó hăm hở lắm. Nó réo thêm đứa này, gọi thêm đứa kia.

Thế nhưng, một ngày nó vào facebook, nó thấy nó cùng với vài đứa bạn đang sống ở Mỹ được lên chức “đại gia” kèm thêm lời đề nghị hãy làm nhà tài trợ cho buổi tiệc sắp tới. Nó choáng. Má ơi, từ ngày cha sanh mẹ đẻ, từ Sài Gòn qua tới Mỹ, nó chỉ biết nó thuộc tầng lớp luôn được ăn trợ cấp. Nó không có khiếu làm giàu, nó chỉ biết có đi học, thỏa mãn ước mơ được học hỏi của nó và làm những công việc mà cơm chỉ kiếm đủ ngày hai bữa, không nhà hàng, không shopping. Giờ tự dưng nó được lên hàng đại gia, mà quan trọng là nó được ấn cho việc phải “tài trợ” tự dưng nó đâm ra hãi quá!

Nó hỏi chuyện một thằng bạn qua Mỹ cũng lâu, cũng nằm trong số “đại gia” mới được bạn bè phong, thằng đó nói như mếu “Tui thất nghiệp mấy năm nay, chỉ có mỗi mụ vợ đi làm, giờ nghe réo gọi kiểu này tự dưng thấy ngại quá! Thôi, bà có tham gia thì tham gia, tui trốn đây.” Vậy là nó biến, coi như đứng bên rìa, ai nói gì nói, thằng đó trở nên “điếc.”

Còn nó, tự dưng một nỗi gì tràn trề tủi thân trỗi lên trong nó. Nó ở Mỹ, Mỹ là đại gia, nhưng nó không là đại gia. Việt kiều không đồng nghĩa với nhiều tiền. Mỹ cho nó đời sống an toàn chứ không phải Mỹ dọn sẵn cho nó đời sống giàu sang. Và nó muốn nó cũng như tất cả bạn bè nó, không khác gì hết.

Nó đóng cửa facebook, giống như thằng bạn kia, chọn đứng luôn bên lề cuộc họp mặt, cho khỏi mang tiếng “Việt kiều.”


Switch mode views: