Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tại sao Hoa Kỳ đưa quân vào Syria?


“Chính sách của nước Mỹ không thay đổi” ông phát ngôn viên Josh Earnest của Tòa Bạch Ốc nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc họp báo diễn ra vào lúc 1 giờ trưa (EDT) Thứ Sáu, 30 Tháng Mười 2015. “Những binh sĩ Mỹ được đưa sang Syria chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện, cố vấn, yểm trợ chứ không giữ vai trò chiến đấu.”

kerry lavrov mistura
Ngoại Trưởng John Kerry của Mỹ (phải) bắt tay Ngoại Trưởng Sergei Lavrov của Nga tại cuộc họp về Syria ở Vienna, Áo, hôm Thứ Sáu. Bên trái là ông Staffan de Mistura, cố vấn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc đặc trách Syria. (Hình: Brendan Smialowski/AFP/Getty Images)

Từ 10 giờ rưỡi sáng cùng ngày, tất cả các cơ quan truyền thông thủ đô đều được tin Hoa Kỳ sẽ đưa “một lượng binh sĩ dưới 50 người sang Syria,” bắt tay làm việc với những nhóm dân quân người Kurds và những đơn vị dân quân võ trang khác trong “Lực Lượng Dân Chủ Syria” (Syrian Democratic Forces) ở mạn cực Bắc Syria. Lực lượng được thành hình 4 năm trước đây với mục tiêu lật đổ nhà cầm quyền độc tài Bashar Al-Assad. Ngay từ những ngày đầu tiên, lực lượng quy tụ nhiều đảng phái, sắc tộc và thành phần tôn giáo này nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ dưới nhiều hình thức, khởi đầu là ủng hộ về ngoại giao và chính trị, kế đến được trợ giúp bí mật về võ khí và gần đây nhất là chương trình huấn luyện quân sự do CIA và Bộ Quốc Phòng đồng thực hiện.

Từ đầu tuần, đã có dấu hiệu cho thấy có thể Hoa Kỳ sẽ đi một bước chiến lược mới, bao gồm cả việc đưa quân sang Syria. Sáng Thứ Ba (27 Tháng Mười 2015) khi ra điều trần trước Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện, ông Tổng Trưởng Quốc Phòng Ashton Carter cho biết Washington đang dựng kế hoạch gia tăng những cuộc tấn công “dưới đất cũng như trên không” nhắm vào quân khủng bố Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria và Iraq, với hy vọng có thể hoàn tất chiến dịch tiêu diệt ISIS trong thời hạn sớm nhất.

Theo lời ông tổng trưởng Quốc Phòng, kế hoạch bao gồm nhiều bước khác nhau, như “giúp các đơn vị dân quân Syria phương tiện để mở các cuộc tấn công dưới đất” trong lúc “Không Quân Hoa Kỳ và đồng minh sẽ gia tăng những cuộc oanh kích nhắm vào các cứ điểm của bọn khủng bố.” Song song với những điều vừa nêu, ông Tổng Trưởng Carter cũng cho hay “sẽ giúp các đơn vị dân quân Syria mở rộng hoạt động quân sự chung quanh thành phố Raqqa,” là một trong những thành phố đang bị ISIS chiếm đóng. Kế hoạch hỗ trợ các đơn vị dưới đất còn được thực hiện ở thủ phủ Ramadi của tỉnh Anbar, Iraq, nơi ông Carter nói rằng các đơn vị quân sự nước bạn “đang cần sự giúp đỡ của Hoa Kỳ để chống lại những cuộc công kích mà quân ISIS thường xuyên thực hiện.”

Cũng trong buổi điều trần, Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Joseph Dunfort cho hay chiến dịch chống ISIS đạt được những thành công đáng kể, nhưng “phải hỗ trợ mạnh hơn cho lực lượng dân quân Syria và binh sĩ Iraq để họ có thể đối đầu với quân khủng bố.” Ðại Tướng Dunford nói rõ Hoa Kỳ sẽ không đưa quân vào Iraq hoặc Syria, “nhưng tăng cường trợ giúp cho các đơn vị bộ binh địa phương đang chiến đấu là điều cần thiết phải làm.”

“Tăng cường trợ giúp cho những đơn vị bạn” cũng là điều được các viên chức Tòa Bạch Ốc nói đến khi tiết lộ tin sẽ đưa binh sĩ vào Syria. “Chính sách của chúng ta (Hoa Kỳ) không thay đổi,” một viên chức Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia nhấn mạnh, “mà chỉ chuyển hướng hành động trong chiến lược chống khủng bố ISIS” (nguyên văn: “a shift but not a change”) tức vẫn thực hiện đúng điều Tổng Thống Barack Obama đã nhiều lần cam kết với người dân. Trong những lần cam kết này, tổng thống Hoa Kỳ cũng nhắc đi nhắc lại “sẽ không đưa quân vào Syria,” “sẽ không bao giờ gửi quân tham chiến ở Syria,” “không can dự vào cuộc chiến Syria như chúng ta đã từng can dự ở Afghanistan và Iraq.”

Trên đài truyền hình CNN, Cựu Ðại Sứ Christopher Hill, “có lẽ tổng thống Hoa Kỳ phải trình bày rõ ràng hơn cho người dân biết tại sao ông lại quyết định đưa binh sĩ vào Syria, và làm sao có thể đảm bảo được là những binh sĩ Mỹ này chỉ giữ vai trò huấn luyện và cố vấn chứ không đảm trách trách nhiệm chiến đấu.” Nhà ngoại giao lỗi lạc và kỳ cựu từng đại diện cho nước Mỹ ở Iraq cho hay Syria vẫn là nơi đầy biến động, e ngại chuyện binh sĩ Mỹ bị đẩy vào thế phải cầm súng chiến đấu “có thể xảy ra,” cho dù đây là điều Tổng Thống Obama và các nhà hoạch định chính sách không mong muốn thấy.

Ðầu tháng này, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ quyết định ngưng chương trình huấn luyện cho dân quân Syria để chuyển sang kế hoạch viện trợ quân sự cho các lực lượng đang chiến đấu chống ISIS và chống thể chế độc tài Bashar Al-Asssad. Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự Mỹ, chương trình huấn luyện không đem lại kết quả vì số dân quân tham gia ít ỏi, đồng thời dân quân chỉ muốn chiến đấu chống quân đội của chính quyền Al-Assad “chứ không coi ISIS là mục tiêu của họ.”

Vì thế, câu hỏi đang được đặt ra là với lượng binh sĩ dưới 50 người sẽ có mặt tại Syria, liệu có đủ để thúc đẩy lực lượng dân quân vừa đánh ISIS vừa đánh quân đội của chính quyền Al-Assad như Hoa Kỳ trông đợi hay không? Theo Dân Biểu Marc Thornberry, chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng Hạ Viện, mọi quyết định Tòa Bạch Ốc đưa ra “đều quá trễ,” chỉ là những bước “vá víu” không đem lại kết quả nào về mặt quân sự, “mà chỉ cho thấy chính sách sai lầm của hành pháp.” Vẫn theo Dân Biểu Marc Thornberry, “không thể xem (chuyện đưa vài chục bình sĩ sang Syria) là chiến lược để đạt bất kỳ mục tiêu nào, mà chỉ là giải pháp tạm bợ tìm cách chữa cháy.”

Switch mode views: