Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ông phó Biden đang nghĩ gì?


Rõ ràng ông Joseph Biden đang ở thế khó xử.

Từ đầu mùa Hè, phó tổng thống Hoa Kỳ cho biết ông “đang suy nghĩ có nên ra tranh cử hay không,” Tháng Tám vừa rồi tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết ông gặp riêng Tổng Thống Barack Obama cũng chỉ để trình bày chuyện “nên hay không nên ra tranh cử.” Sau cuộc gặp giữa nhân vật số 1 và người đang giữ vị trị thứ 2 của nước Mỹ, tổng thống Hoa Kỳ cho biết quyết định “là quyết định của ông phó, nhưng tôi tin ông Biden sẽ là một nhà lãnh đạo tài ba” cho quốc gia.


joe biden 4Phó Tổng Thống Joe Biden đang suy nghĩ. (Hình: AP Photo/Evan Vucci)

Hai tuần trước đây, tin hành lang Tòa Bạch Ốc cho hay ông Phó Biden đang nghiêng về phía “sẽ ra tranh cử” và “sẽ sớm” loan báo quyết định quan trọng này cho mọi người biết. Vẫn theo tin hành lang, cuối tuần rồi ông rời thủ đô về tiểu bang nhà Delaware để tham khảo ý kiến lần cuối cùng với gia đình, bàn thảo kế hoạch với dàn cố vấn, gọi điện thoại nói chuyện với những nhà tài trợ v.v... tức “sẵn sàng dự cuộc đua chính trị 2016.” Nhưng cho tới khi cuộc tranh luận đầu tiên của các ứng cử viên Dân Chủ diễn ra và kết thúc ở Las Vegas vào tối Thứ Ba (13 Tháng Mười 2015) vẫn chưa nghe được tin gì từ phía ông, giới thạo tin ở Washington D.C. kể lại “tìm đủ mọi cách cậy miệng những người thân cận với ông phó nhưng không ai nói gì,” cánh nhà báo săn tin tại Tòa Bạch Ốc liên tục gọi điện thoại cho nhân viên của ông “mà chẳng ai chịu bốc máy.” Vì thế, đồn đãi chính trị cho rằng chắc ông phó vẫn đang phân vân, chưa có quyết định cuối cùng.

Hai mươi bốn giờ sau khi cuộc tranh luận ở Las Vegas kết thúc, chuyện được nói đến vẫn là chuyện ông Biden. Tối hôm trước, hình ảnh cả chục triệu cử tri Hoa Kỳ trông thấy là hình ảnh của bà Hillary Clinton đầy tự tin, nhanh nhẹn nắm diễn đàn ngay từ phút đầu tiên cho đến phút cuối cùng, nổi bật hơn hẳn đối thủ nặng ký Bernie Sanders và 3 chính trị gia Dân Chủ khác. Hầu như mọi người đều đồng ý rằng sau những tháng trời phải đối phó với những khó khăn - tới mức tỷ lệ ủng hộ giảm bớt, bà cựu ngoại trưởng Mỹ “thật sự” trở lại vị trí dẫn đầu cuộc đua, “thật sự” trở thành ứng cử viên “đáng ngại nhất” của cả cánh Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, như lời nhà báo Julie Pace của hãng thông tấn AP nói với các đồng nghiệp.

Bà Clinton càng được nói đến nhiều bao nhiêu, rõ ràng, cánh cửa vào Phòng Bầu Dục của Phó Tổng Thống Joseph Biden trở nên hẹp hơn trước bấy nhiêu. Hẹp tới mức đã có những lời bình luận cho rằng “không có lợi cho ông Biden” vì tất cả những cuộc thăm dò ở Iowa, New Hampshire cũng như ở cấp toàn quốc đều cho thấy ông thua bà Clinton, thua cả người đang về nhì là Thượng Nghị Sĩ Sanders của tiểu bang Vermont. Mọi người cũng đồng ý ông Biden có một tập thể cử tri ủng hộ, có một số nhà tài trợ sẵn sàng bỏ tiền giúp ông tranh cử, “nhưng ông phải đi từ bước đầu trong khi tất cả các ứng cử viên khác đều đã đi ít nhất 1 phần 3 đoạn đường,” theo nhận xét của chiến lược gia Stephanie Cutter, từng giữ vai trò phụ tá điều hành Ủy Ban Vận Ðộng Tái Tranh Cử Obama 2012.

Ngay ban tham mưu của bà Clinton cũng công nhận thành công bà cựu ngoại trưởng đạt được đẩy ông Biden vào chỗ khó xử, vì nếu ra tranh cử “ông sẽ phải đương đầu với bà Clinton, với quyết tâm giành chiến thắng, quyết tâm trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng” mà bà thể hiện thật rõ ở cuộc tranh luận Las Vegas. Theo trưởng Ban Vận Ðộng Clinton 2016 là ông John Podesta, ông Biden “không còn nhiều thì giờ nữa,” “đã đến lúc phải quyết định,” “nếu ông (Biden) muốn nhảy vào vòng chiến, muốn thách thức bà Clinton thì đó là quyền của ông ta.”

Trong chương trình thảo luận chính trị trên đài CNN, ông Cựu Cố Vấn Tòa Bạch Ốc David Axelrod cũng đưa ra nhận định tương tự, cho rằng sau cuộc tranh luận vừa kết thúc có lẽ ông Biden cũng vẫn đứng hạng 3, sau bà Clinton và Thượng Nghị Sĩ Sanders, coi đó là một trong những lý do để phó tổng thống Hoa Kỳ không nên ra tranh cử. Ông Axelrod nói rằng về mặt thuần túy chính trị, chuyện bà Clinton thành công ở cuộc tranh luận “khiến cơ hội ông Biden ra tranh cử tổng thống giảm bớt đi,” ngay cả những người trước đây nghĩ rằng đảng Dân Chủ cần ông Biden thay thế cho bà Clinton cũng không lên tiếng thục dục ông ra tranh cử như trước nữa. Một chiến lược gia khác, ông Mark Weiner cho rằng “có thể vẫn còn những cử tri Dân Chủ vì lý do nào đó không hài lòng với bà Clinton, nhưng bây giờ họ bắt đầu an tâm hơn, tin rằng bà Clinton là người có thể giúp đảng tiếp tục giữ Tòa Bạch Ốc,” vai trò của ông Biden “trở thành không cần thiết.”

Giới thạo tin và cánh nhà báo săn tin ở Washington D.C. đều biết chuyện trong 4 năm bà Clinton làm ngoại trưởng, sáng Thứ Bảy nào ông Biden cũng gọi điện thoại nói chuyện với “bà bạn vàng” - ngay chính dàn cố vấn của Tổng Thống Obama cũng chẳng ngần ngại xác nhận “thân thiết nhất với bà Clinton là ông Phó Biden chứ không phải tổng thống,” cho biết thêm trong chính phủ, ông Biden “là người duy nhất” gọi bà Clinton là “honey.”

Những cuộc điện đàm vào sáng Thứ Bảy đó bao giờ cũng kết thúc bằng câu “bye honey, I love you” của ông phó, đầu dây bên kia bà Clinton cũng nở nụ cười đáp lại “me too.” Có thể tối Thứ Ba vừa rồi khi ngồi trước TV theo dõi cuộc tranh luận và biết “bà bạn vàng” của mình thành công rực rỡ, ông Biden cũng hiểu sự nghiệp chính trị của ông kể như kết thúc, quên đi ước mơ có ngày trở thành người lãnh đạo quốc gia.

Switch mode views: