Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chọn ông Jeb hay chọn ông Bush (thứ ba)?


Nếu không có những điều bất ngờ vào giờ phút chót, trưa Thứ Hai, 15 Tháng Sáu, Cựu Thống Đốc Jeb Bush sẽ chính thức loan báo quyết định tranh cử tổng thống.

jeb bush 3Cựu Thống Đốc Jeb Bush. (Hình: Axel Schmidt/Getty Images)

Hình ảnh mọi cử tri Hoa Kỳ nhìn thấy là hình ảnh ông đứng tại khuôn viên của một trường đại học cộng đồng ở Miami, bên cạnh là bà vợ gốc Mexico tên Columba, đằng sau là 3 người con đã trưởng thành. Xuất thân trong một gia đình nổi tiếng trong chính trường quốc gia với thân phụ và anh trai từng làm lãnh đạo quốc gia, nhưng cả 2 ông George Bush và George W. Bush sẽ không có mặt trong ngày trọng đại này, ngay cả anh chị em khác của 2 ông bà cựu thống đốc cũng không xuất hiện trên khán đài để chào mừng những người ủng hộ.

Quyết định này “là một quyết định đầy khó khăn của tôi,” ông Jeb từng nói cách đây đúng 2 tuần lễ khi được hỏi về chuyện liên quan đến gia đình và vai trò của những người thân trong cuộc vận động tranh cử. Lý do câu hỏi này được nêu ra vì trong thời gian nắm quyền Tổng Thống Bush “bố” được quý trọng vì thành công ở cuộc chiến vùng vịnh nhưng chỉ được tín nhiệm có một nhiệm kỳ vì không thành công về mặt kinh tế; tệ hơn nữa là chuyện Tổng Thống “W” đang bị người dân Hoa Kỳ chê trách về chuyện sai lầm khi mở cuộc chiến “không cần thiết” đánh Iraq, đồng thời cũng là người đã không có kế hoạch giải quyết kinh tế, khiến quốc gia đến sát bờ vực thẳm khủng hoảng trước ngày ông rời Toà Bạch Ốc. Những điều đó chắc chắn sẽ được nhắc đi nhắc lại trong những ngày tới, đẩy ông Jeb tới chỗ vừa phải trình bày kế hoạch hành động của ông song song với việc phải lên tiếng bênh vực những điều mà hai người thân trong gia đình là vị tổng thống thứ 41 và thứ 43 của nước Mỹ đã làm trong thời gian tại chức.

Ông Jeb không phủ nhận điều đó. Trong cuộc phỏng vấn dành cho FOXNews, ông cho biết cũng như tất cả những chính trị gia khác “đương nhiên tôi phải tận dụng sự trợ giúp của người thân” trong các cuộc vận động kiếm phiếu, nhưng mới 2 tuần trước đây khi trả lời cuộc phỏng vấn dành cho đài CBS, ông nói rằng “điều không thấy dễ làm” là phải tự tách rời mình với “ông anh W,” vị tổng thống nằm trong danh sách những nhà lãnh đạo không được cảm tình của người dân.

Nếu chỉ nhìn vào những gì ông Jeb đã làm, cử tri Hoa Kỳ thấy ngay lý do tại sao ông được xem là một ứng cử viên sáng giá của đảng Cộng Hoà. Hai nhiệm kỳ thống đốc tiểu bang Florida - lần nào cũng đắc cử vẻ vang, thành công trong việc đưa tiểu bang này về vị trí của một tiểu bang “bảo thủ cấp tiến,” giúp Đảng Cộng Hoà thành công trong những cuộc tổng tuyển cử (rõ nhất là trường hợp ông “W” đắc cử hồi 2000 và 2004 nhờ thắng phiếu ở Florida) v.v... Nhưng ngay chính trong đảng cũng có những người tin rằng cần phải có một khuôn mặt mới để có thể thu hút sự ủng hộ của giới trẻ, do đó, sự xuất hiện của ông Jeb “là điều được đón nhận nhưng e rằng chưa hẳn đã là điều được nhiều người trông chờ,” theo lời một viên chức cao cấp từng làm việc trong chính phủ của Tổng Thống “W.”

“Chuyện đó không ngạc nhiên,” ông Al Cardenas, một người thân với đại gia đình Bush nói với cử toạ ở Washington D.C. trong một cuộc thảo luận về tình hình tranh cử 2016. “Tôi thấy giới truyền thông chú trọng quá nhiều đến gia đình Bush, hình như họ quên người ra tranh cử là ông Jeb.” Ông Cardenas nhấn mạnh, “Xin quý vị hiểu cho là chúng ta phải tìm hiểu xem ông Jeb đã làm được những gì trong vai trò thống đốc tiểu bang Florida, ông Jeb sẽ làm gì nếu đắc cử tổng thống. Chúng ta chọn là chon ông Jeb chứ không phải chọn gia đình Bush.”

Lời nhắc nhở đó khiến cử toạ, trong đó có khá đông nhà báo, nhớ lại những gì đã xảy ra từ đầu năm đến giờ. Các ứng cử viên Cộng Hoà nổi bật khác, trong đó có ông Ted Cruz, Paul Ryan, Marco Rubio đều lên tiếng nói họ quyết định ra tranh cử “vì muốn thổi một làm gió mới” là những người “tiêu biểu cho thế hệ mới” là những biểu tượng “của tương lai, không phải là hình ảnh của quá khứ,” và người nghe ai nấy đều hiểu họ đang “nhắm” vào ông Jeb Bush. Ngay chính ứng cử viên Dân Chủ Mark O’Malley cũng nói với đại ý cho rằng ghế tổng thống được quyết định bởi lá phiếu của cử tri chứ không phải là ghế để truyền từ người này sang người khác, ám chỉ 2 nhân vật được nói đến là ông Jeb Bush và bà Hillary Clinton, những người xuất thân trong gia đình từng điều khiển chính trường quốc gia.

Hơn ai hết, ông Bush hiểu rõ điều đó. Trong suốt Tháng Năm và tuần lễ đầu Tháng Sáu vừa qua, ông liên tục nói với những người ủng hộ câu “tôi có trách nhiệm phải trình bày cho cử tri biết tôi sẽ làm những gì cho họ. Cuộc tranh cử 2016 không phải là cuộc tranh cử của thời quá khứ, không phải của bố mẹ tôi hay anh tôi, là những người tôi hết lòng thương yêu, mà là cuộc tranh cử với những kế hoạch để đưa quốc gia của chúng ta tiến về phía trước.”

Dù phải tìm cách “tách rời” khỏi gia đình, nhưng ông ra tranh cử tổng thống với sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình. Trong quyển sách mang nhan đề “41, A Portrait of My Father” phát hành cuối năm ngoái để nói về cha mình, ông “W” cũng dành một số trang viết về cậu em trai tên Jeb, tin tưởng “Jeb có đủ khả năng, tài cán” để trở thành người lãnh đạo quốc gia cũng như “chẳng có lý do gì để Jeb không ra tranh cử.”

Người thứ nhì ủng hộ ông Jeb ra tranh cử chính là bà Barbara, mẹ ông, người từng bảo nước Mỹ có tới 2 tổng thống tên Bush “quá đủ rồi, không cần thêm nữa.” Mới đây ông Joseph Califano, cựu tổng trưởng y tế và nhân dụng dưới thời Tổng Thống Jimmy Carter kể lại hồi 2009, hai ông bà được mời đến Kennebunkport, Maine, ăn cơm chung với đại gia đình Bush. Ông kể bữa cơm hôm đó có mặt ông bà Bush, ông bà “W” và vợ chồng ông Jeb, “lúc đang ngồi uống rượu thì nhà tôi, Hilary, nêu ý kiến tại sao anh Jeb không ra tranh cử 2012.” Ông Jeb chưa kịp trả lời, bà Barbara bảo ngay “chị Hilary à, nước Mỹ chán gia đình Bush lắm rồi” (nguyên văn: “Hilary, the country is all Bushed out”).

Thời gian gần đây, bà Barbara nói khác, ủng hộ cậu con trai thứ nhì tranh cử tổng thống.



Dàn tham mưu của ông Jeb Bush

Không đầy một tuần lễ trước ngày chính thức thông báo tranh cử tổng thống, Cựu Thống Đốc Jeb Bush đã quyết định thay đổi thành phần nhân sự trong dàn điều hành uỷ ban vận động, giúp ông trong đua chính trị quan trọng nhất với mức đến là Toà Bạch Ốc.

Người được chọn để điều hành uỷ ban là ông Danny Diaz, một chính trị gia lão luyện, tên tuổi của Đảng Cộng Hoa. Trước đây từng có đồn đãi rằng vai trò này sẽ được trao cho ông David Kochel, người được ca ngợi là “chiến lược gia nổi bật nhất” trong hàng ngũ những chiến lược gia có thể giúp các ứng cử viên Cộng Hoà thành công ở cuộc đua 2016. Đầu năm nay khi ông Kochel nhận lời về làm việc trong dàn cố vấn chính trị cho ông Jeb Bush, nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là bước đầu trước khi ông được trao trách nhiệm điều khiển bộ máy vận động toàn quốc.

Nói với báo chí ở Berlin khi đến Âu Châu để trình bày về chính sách ngoại giao, ông Jeb Bush cho hay ông David Kochel sẽ lãnh vai trò “trưởng ban chiến lược,” và ông Danny Diaz tiếp tục giữ trách nhiệm điều hành hệ thống vận động, y hệt như trách nhiệm điều hành cơ cấu siêu vận động “Right to Rise Super PAC” đã nhận lãnh trước đó. “Right to Rise Super PAC” là tổ chức được thành lập để giới thiệu ông Bush với cử tri, đồng thời cũng là tổ chức quyên tiền cho ông Bush trong những tháng vừa qua. Vẫn theo lời ông cựu thống đốc Florida, “đây chỉ là chuyện giao phó trách nhiệm cho đúng người, đúng việc” để “sửa soạn cho cuộc hành trình” đòi hỏi “không thể sai ngay từ lúc khởi đầu.”

Ông Jeb Bush là ứng cử viên thứ 11 của Đảng Cộng Hoà dự cuộc đua chính trị 2016. Từng có thời dẫn đầu danh sách có triển vọng được đảng đề cử và vẫn được các nhà tài trợ tranh cử ủng hộ mạnh mẽ nhất, nhưng uy thế của ông giảm bớt trong những tuần vừa qua. Hiện chỉ có 10% cử tri Cộng Hoà ủng hộ ông, nhưng người đang dẫn đầu là Thống Đốc Scott Walker của tiểu bang Wisconsin cũng chỉ được 11% số phiếu.

Về việc này, ông Jeb Bush cho rằng tất cả những điểm lợi đang có sẽ giúp cho ông dễ dàng hơn khi vận động “nhưng điều quan trọng nhất vẫn là phải được cử tri tin tưởng.” “Điều này,” ông nói tiếp, “đòi hỏi cá nhân tôi và uỷ ban vận động phải làm việc cật lực để kiếm từng là phiếu một.”

Tháng Hai năm tới, vòng sơ bộ sẽ diễn ra ở Iowa, New Hampshire, South Carolina và Nevada. Theo ông Bush, “mục tiêu được đặt ra ngay từ bây giờ là phải thắng Iowa” dùng đó làm bàn đạp tiến về các tiểu bang khác.

Switch mode views: