Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tổng thống Hoa Kỳ gặp lãnh tụ Cuba


raul castro obamaChủ Tịch Raul Castro (trái) bắt tay Tổng Thống Barack Obama
ở Panama City. (Hình: Mandel Ngan/AFP/Getty Images)

“Ðương nhiên 2 nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau,” ông Phụ Tá Cố Vấn Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Ben Rhodes chẳng ngần ngại trả lời câu hỏi về cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra vào sáng Thứ Sáu (mùng 9 Tháng Tư 2015) ở Panama giữa Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama và lãnh tụ Raul Castro của Cuba. Chuyện còn lại là “không thể biết hai ông sẽ nói gì với nhau, thời gian hai ông nói chuyện, trao đổi với nhau kéo dài bao nhiêu lâu.”

Bốn tháng sau ngày loan báo quyết định bãi bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba, đây là lần đầu tiên tổng thống Hoa Kỳ và lãnh tụ nước láng giềng gặp nhau khi cùng tham dự Thượng Ðỉnh Các Quốc Gia Mỹ Châu. Từng có lúc Washington D.C. phản đối sự hiện diện của Cuba ở thượng đỉnh, nhưng lần này hoàn toàn khác: hai quốc gia thù nghịch đang thảo luận để lập tòa đại sứ, trước mắt mọi người hai nhà lãnh đạo sẽ tươi cười bắt tay nhau, không còn khuôn mặt bực bội hay lạnh nhạt khi nhìn thấy nhau như trước.

Ba ngày trước khi Tổng Thống Obama lên đường phó hội, ông Phụ Tá Cố Vấn An Ninh cho biết “tổng thống không có chương trình gặp riêng lãnh tụ Castro của Cuba,” nhưng “chắc chắn” 2 nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau trong những cuộc thảo luận tại thượng đỉnh. Ông Obama và ông Raul Castro đã từng gặp nhau hồi cuối năm 2013 ở Nam Phi khi tham dự lễ tưởng niệm Cố Tổng Thống Nelson Mandela, và trong cuộc gặp ngắn ngủi đó “hai ông chỉ bắt tay nhau, trao đổi vài câu hỏi thăm ngắn ngủi.” Các viên chức hành pháp Hoa Kỳ dự đoán cuộc gặp gỡ sắp tới “cũng tương tự như những gì đã xảy ra ở cuộc gặp ở Nam Phi” tức “sẽ không có gì đặc biệt tới mức phải quan tâm.”

Khi thông báo quyết định bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, Tổng Thống Obama nói rằng “nửa thế kỷ cấm vận không đem lại kết quả” và ông tin rằng “đối thoại là cách tốt nhất để giúp người dân Cuba có được tự do và dân chủ.” Chủ trương này tức khắc gặp sự phản đối của các vị dân cử Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, cho rằng nhà cầm quyền Cuba chỉ muốn bắt tay với Mỹ “để cứu vãn tình trạng kinh tế quá tồi tệ” chứ không thật sự muốn đổi mới chính trị. Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Marco Rubio, một chính trị gia gốc Cuba, cho rằng quyết định của Tổng Thống Obama “là một quyết định hoan toàn sai lầm,” nói rõ “bỏ cấm vận chỉ có lợi cho nhà cầm quyền và phe đảng cầm quyền, chẳng có lợi gì cho người dân Cuba đang mong muốn thấy tự do, dân chủ.” Vẫn theo Thượng Nghị Sĩ Rubio, “chính sách của Tổng Thống Obama và sự ủng hộ của Tòa Bạch Ốc để Raul Castro tham dự thượng đỉnh năm nay sẽ gửi một tín hiệu sai lầm cho những nước khác, cho các nước đó biết là dân chủ và nhân quyền không phải là những điều kiện bắt buộc phải làm nếu muốn có mặt ở thượng đỉnh.”

Tin ghi nhận được tại Washington D.C. nói rằng mặc dù Tổng Thống Obama chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán để 2 bên có thể mở tòa đại sứ, nhưng thủ tục này mất nhiều thì giờ vì “vẫn còn những khó khăn chưa thể giải quyết được.” Một viên chức Hoa Kỳ tham gia đàm phán nói rằng “trở ngại đến từ phía Cuba vì nhà cầm quyền Havana từ chối thảo luận về số phận của những tù nhân chính trị vẫn đang bị giam cầm,” đồng thời “trở ngại đến từ phía Hoa Kỳ vì chính phủ Mỹ chưa gạch tên Cuba khỏi danh sách những nước yểm trợ khủng bố.” Ðược biết đề nghị bỏ Cuba khỏi danh sách này sẽ được đệ trình cho tổng thống vào cuối tháng này, và theo ông phát ngôn viên Josh Earnest, “từ giờ đến cuối năm tổng thống sẽ chỉ thị tháo gỡ dần dần nhưng biện pháp cấm vận đi kèm,” chứ không thảo bỏ ngay một lúc.

Mặc dù gặp phải những khó khăn ngay từ ban đầu, nhưng trong những buổi trao đổi với giới truyền thông các viên chức hành pháp Mỹ đều tin “sớm muộn gì cũng sẽ giải quyết xong,” và việc Hoa Kỳ ủng hộ Cuba dự thượng đỉnh “là bước đầu trong tiến trình xây dựng niềm tin giữa 2 quốc gia.” Trong cuộc phỏng vấn trên đài NPR trước khi lên đường đi Panama, Tổng Thống Obama nhắc lại ông hy vọng sau khi mở cửa toa đại sứ ở Havana “chúng ta sẽ bàn thảo thường xuyên hơn (với chính phủ Cuba) về nhiều vấn để khác nhau, trong đó đương nhiên những vấn đề mà chính phủ Hoa Kỳ và người dân Cuba cùng quan tâm đến.” Ðiều này được ông Ben Rhodes giải thích thêm “tổng thống đã nói rõ di sản chính trị ông muốn để lại là xây dụng một Châu Mỹ đoàn kết, xóa bỏ hết những cách biệt đã có trong quá khứ, tìm những đường hướng hợp tác mới trong tinh thần xây dựng niềm tin, tôn trọng lẫn nhau để tất cả mọi quốc gia đều có lợi.” Cựu Tổng Thống Vicent Fox của Mexico chia sẻ quan điểm đó, qua lời phát biểu cho rằng “cả Hoa Kỳ lẫn Cuba đang đi bước đầu để tiến đến bình thường hóa quan hệ toàn diện” đặc biệt “quyết định của Tổng Thống Obama giúp Hoa Kỳ đến gần với các quốc gia Trung Mỹ và Nam Mỹ hơn, không còn bị những nước này chỉ trích về chuyện áp dụng cấm vận với Cuba nữa.”

Nhưng theo một số nhà quan sát, cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Obama và lãnh tụ Raul Castro “chỉ chứng tỏ cho thế giới thấy một mối quan hệ mới đang thành hình,” còn chuyện thành hình như thế nào, mất bao lâu thời gian “hoàn toàn tùy thuộc vào chính quyền Castro.” Ông Carl Meacham, giám đốc Chương Trình Mỹ Châu của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CISI) cho rằng Cuba đồng ý bắt tay thân thiện với Mỹ “vì Havana không còn thế nào khác, chứ không phải vì họ muốn lam điều đó,” tin tưởng sau cuộc gặp mặt ở Panama, “chính quyền Raul Castro sẽ tiếp tục làm những gì họ đã làm trong 50 năm qua, tức không đổi mới chính trị,” đồng thời “họ cũng sẽ tìm đủ mọi cách để cản trở bước tiến ngoại giao với Hoa Kỳ” vì lo ngại sự hiện diện của người Mỹ và chủ trương của chính phủ Mỹ “sẽ làm dấy lên một phong trào chống đối của người dân với chế độ cộng sản đang lãnh đạo họ.”

Người dân Cuba nghĩ gì về Hoa Kỳ?

Dân chúng Cuba tin tưởng kinh tế nước họ sẽ thay đổi nhanh sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama bãi bỏ cấm vận, giúp họ cơ hội có đời sống tốt đẹp hơn, có thể nghĩ đến chuyện sẽ có ngày mua được một chiếc xe hơi, xây lại căn nhà đang ở hoặc mở một cơ sở thương mại.

Cuộc thăm dò đầu tiên ở đảo quốc nhỏ bé nằm sát nước Mỹ với dân số 11 triệu người (do Univison và The Washington Post thực hiện) cũng cho thấy cảm tình người dân dành cho tổng thống Hoa Kỳ rất cao: tới 80%, tương đương với cảm tình họ dành cho Ðức Giáo Hoàng Phan Xi Cô, tức gần gấp đôi tỷ lệ 44% nói dành sự quý mến cho lãnh tụ đương thời Raul Castro hay anh trai của ông ta là Fidel Castro.

Về mặt chính trị, 39% hài lòng với chủ thuyết và chính quyền Cộng Sản, nói rằng dù hài lòng với chính sách bảo hiểm y tế (68%) và giáo dục miễn phí (72%) đang được hưởng nhưng 55% cho biết nếu có cơ hội đi một nước khác sinh sống họ sẽ gật đầu ngay.

Về đời sống, 61% người dân Cuba cho biết đang sử dụng cellphone nhưng chỉ có 1/6 có Internet.

Switch mode views: