Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Rand Paul tuyên bố ứng cử tổng thống



Ông là chính trị gia Cộng Hòa thứ nhì loan báo dự cuộc đua tiến về Tòa Bạch Ốc 2016.

Cũng giống như người đầu tiên - ông Ted Cruz của tiểu bang Texas, ông được xem là một trong những nhân vệt trẻ trung của đảng, mới đắc cử thượng nghị sĩ vài năm trước đây nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ của Tea Party. Có thể lập trường tranh cử của hai ông khác nhau nhưng điểm chắc chắn giống nhau là cả hai người đều thuộc thành phần bảo thủ.

rand paul 2Thượng Nghị Sĩ Rand Paul. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Xuất thân là một bác sĩ nhãn khoa trước khi tham gia sinh hoạt chính trị, ông Rand Paul từng khoe với cánh nhà báo “nghề nghiệp của tôi là phải nhìn cho thật rõ vấn đề.” Vấn đề mà ông gửi đến cử tri toàn quốc trong bài nói chuyện thông báo tin muốn trở thành người lãnh đạo quốc gia gồm 2 điều: thứ nhất “phải dẹp bỏ guồng máy ở Washington” (Defeat the Washington machine) và thứ nhì “phải cởi trói (tháo bỏ những cản trở đang gây khó khăn) cho giấc mơ của quốc gia” (Unleash the American Dream). Hai điểm này được ông gửi đến những người ủng hộ đi kèm với lời kêu gọi “đã đến lúc cần có một hướng đi mới cho quốc gia, cần có những ý tưởng mới để xây dựng đất nước, cần có một nhà lãnh đạo mới mà các bạn có thể tin tưởng, cần có một người sẵn sàng làm việc cho các bạn,” kèm theo hứa hẹn sẽ ghi danh tham gia các cuộc vận động và bầu cử sơ bộ ở khắp 50 tiểu bang, 5 vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ cũng như tại thủ đô Washington D.C.

Những gì ông Rand Paul trình bày trưa hôm qua ở thành phố Louisville của tiểu bang nhà Kentucky được các ủng hộ viên vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt, nhưng đồng thời cũng báo trước những khó khăn mà ông sẽ gặp phải trên đường đua tiến về Tòa Bạch Ốc.

“Tôi thấy những chính trị gia bảo thủ đi theo hướng Tea Party khó có thể thu hút lá phiếu cử tri toàn quốc,” là nhận xét của ông John Shuler, một quan sát viên bầu cử ở tiểu bang Maryland. “Muốn thành công, ứng cử viên phải là người được sự ủng hộ của mọi tầng lớp xã hội, chứ không thể chỉ trông mong vào một tập thể đại đa số là người da trắng có lập trường cứng rắn như tập thể Tea Party.” Ông Shuler nhìn nhận “đây là một lực lượng không thể bỏ quên, nhưng không phải là lực lượng chủ chốt để đưa người vào Tòa Bạch Ốc” vì “lập trường của họ và của ông Rand Paul không đi sát với lập trường mang tính dung hòa của đại đa số cử tri Mỹ ngày hôm nay, và khá xa vời với những mong muốn của 2 tập thể cử tri trẻ và cử tri thiểu số.”

Ngay trong đảng Cộng Hòa, “cũng có những nghi ngại về lập trường của những người cổ võ chủ nghĩa tự do cá nhân (libertarianism) như ông Rand Paul” là nhận định của chiến lược gia Mike Gray từng làm việc trong Ủy Ban Vận Ðộng John McCain hồi 2008. “Cánh bảo thủ Cộng Hòa ở Iowa sẽ đặt thẳng vấn đề với ông Rand Paul, đòi hỏi ông phải cam kết không ủng hộ hôn nhân đồng tính nếu muốn có lá phiếu của họ. Cánh bảo thủ Cộng Hòa khắp nơi cũng sẽ nêu thắc mắc về chủ trương không đưa quân can thiệp ở nước ngoài, cho rằng chủ trương này sẽ làm giảm bớt thế lực hùng mạnh về quân sự và chính trị của Hoa Kỳ trên bàn cờ thế giới.”

Những nhận xét nêu trên không phản ánh những điều ông trình bày trong bài diễn văn tuyên bố tranh cử, hoặc những gì ông từng nói trước công chúng. Trong bài diễn văn dài 26 phút đồng hồ đọc ngày hôm qua, ông thẳng thắn chỉ trích đảng Cộng Hòa phải chịu một phần trách nhiệm vì “chuyện thường xảy ra là khi đảng Cộng Hòa chiến thắng... chúng ta cuối cùng cũng trở thành một phần của guồng máy của Washington. Một chính phủ cồng kềnh, kiểm soát quyền tự do của người dân và khoản tiền nợ tăng gấp đôi (là điều) đã xảy ra dưới thời chính quyền Cộng Hòa (George W. Bush). Và bây giờ, khoản tiền nợ đó đã tăng gấp 3 dưới thời chính quyền (Dân Chủ) Obama.”

Hai tháng trước, trong bài nói chuyện đọc tại Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa nhóm họp ở ngoại ô thủ đô Washington D.C., ông khuyến cáo đảng Cộng Hòa phải mở rộng tầm hoạt động, đem lập trường và chính sách của đảng đến với mọi tầng lớp dân chúng, đến với người “da trắng, da đen, da vàng, đến với người giầu cũng như người nghèo, đến với những người xăm mình hay không xăm mình. Chúng ta phải đem đảng đến với mọi người, đến những nơi (mà trước đây chúng ta) chưa từng đến.”

Tại Thượng Viện, ông được xem là một trong những thượng nghị sĩ Cộng Hòa sẵn sàng bắt tay làm việc với đảng Dân Chủ, cùng với các chính trị gia thuộc cánh đối lập soạn thảo dự luật cải tổ hệ thống tư pháp và đưa ra kế hoạch tăng mức đầu tư để cứu thành phố Detroit, nơi phần lớn cư dân là người da đen. Tháng Ba vừa rồi khi nói chuyện với sinh viên da mầu ở đại học Bowie State University, ông nhìn nhận “vẫn còn những cách biệt về mầu da trong xã hội,” kêu gọi giới trẻ da trắng cũng như da đen “phải bắt tay nhau để xóa bỏ” những điều mà ông xem là “vết nhơ” của nước Mỹ. Có lẽ vì thế nên trong một cuộc thăm dò do đài truyền hình ABC thực hiện, số cử tri dưới 50 tuổi ủng hộ ông gấp 3 lần số cử tri trên 50 tuổi nói sẽ bỏ phiếu cho ông.

Nhưng sức thu hút đó có đủ để ông trở thành người lãnh đạo quốc gia hay chưa? Cuộc thăm dò cử tri mới nhất do Real Clear Politics thực hiện cho thấy nếu cuộc bầu cử sơ bộ diễn ra ngay trong lúc này, triển vọng thành công của ông Rand Paul không mấy sáng sủa: thua ông Thống Ðốc Scott Walker (Wisconsin) và ông Cựu Thống Ðốc Mike Huckabee (Arkansas) ở Iowa, đừng sau ông Cựu Thống Ðốc Jeb Bush (Florida) và ông Walker ở vòng bầu sơ bộ New Hampshire.

Phía Dân Chủ nghĩ gì về ông? Sau khi ông Rand Paul tuyên bố tranh cử, người đang điều hành hệ thống vận động tranh cử của đảng Dân Chủ là bà Debbie Wasserman Schultz nói rằng “ông ta bảo ông ta là một người hoàn toàn khác, nhưng nếu nhìn kỹ thì ông ta chẳng khác gì những ứng cử viên Cộng Hòa mà mọi người đã biết, tức là họ chỉ lo cho quyền lợi của một tập thể giầu có nhưng ít người, không màng gì đến tập thể trung lưu đông đảo, đồng thời lập trường của họ xa rời quần chúng, không đi sát những gì mà người dân Hoa Kỳ đang quan tâm.”

Switch mode views: