Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ phải làm gì sau khi mất Yemen?

Cho đến tối Thứ Năm (22 Tháng Giêng 2015), các viên chức Tòa Bạch Ốc cũng như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn ngần ngại, chưa vội lên tiếng nói gì về tình hình chính trị ở Yemen.Ðây là điều khá ngạc nhiên vì nhiều giờ đồng hồ trước đó, cả thế giới đều biết tin chính quyền được Washington ủng hộ đã sụp đổ trước sức tấn công vũ bão của lực lượng dân quân võ trang Houthis gồm những tay súng của nhóm Hồi Giáo Shiite. Nói đúng hơn: sau 2 ngày bị lực lượng võ trang do Iran ủng hộ giam lỏng trong tư dinh, Tổng Thống Abed Rabbo Mansour Hadi và toàn thể nội các nộp đơn xin từ chức, thay vì phải tuyên bố đầu hàng.

abed rabbo mansour hadiTổng Thống Abed Rabbo Mansour Hadi. (Hình: AP Photo/Jason DeCrow, File)

Theo các nhà quan sát, chuyện ông Hadi bị buộc phải từ chức khiến tình hình trở thành rối ren hơn vì hầu như chắc chắn trận chiến tôn giáo giữa lực lượng Shitte thân Iran và lực lượng Sunni hoạt động sát cánh với khủng bố al-Qaeda sẽ xảy ra, đồng thời Hoa Kỳ không còn có một nhà lãnh đạo đồng minh lúc nào cũng sẵn sàng tiếp tay trong chiến dịch chống khủng bố toàn cầu. Trong những năm trời ông Hadi nắm quyền lãnh đạo quốc gia, tất cả mọi kế hoạch chống khủng bố al-Qaeda do Hoa Kỳ đề ra đều được thực hiện một cách triệt để, giúp Washington an tâm hơn, có cơ hội dồn nỗ lực vào những khu vực khác, bằng chứng là mới năm ngoái trong một buổi điều trần trước Ủy Ban Tình Báo Thượng Viện, giám đốc Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Mỹ là ông John Breenan hãnh diện nói “nhờ vào sự đồng hành của chính phủ Yemen nên bọn khủng bố al-Qaeda AQAP đang lẩn trốn trong vùng Bán Ðảo Ả Rập không thể ra tay hoạt động như chúng mong muốn.”

Chính phủ Yemen thân Mỹ sụp đổ chỉ 4 tháng sau ngày Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama dùng Yemen là thí dụ điển hình về những thành quả của chiến dịch hợp tác chống khủng bố toàn cầu. Trong bài diễn văn đọc hồi Tháng Chín năm ngoái để trình bày chiến lược dựng liên minh oanh kích Nhà Nước Hồi Giáo ISIS đang mở rộng địa bàn hoạt động tại Syria và Iraq, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói rằng ông tin tưởng liên minh quân sự quốc tế sẽ thành công “tương tự như sự hợp tác của Yemen và Somalia đã giúp chúng ta thành công ở cuộc chiến chống khủng bố trong những năm trời qua.”

“Bây giờ, tình thế đã đổi khác,” ông Mohammed Sadi, một cựu nhân viên Liên Hiệp Quốc hiện đang làm việc với Viện Nghiên Cứu Cato ở Washington D.C. nói. “Những người am hiểu tình hình Yemen đều biết rõ điều người dân quốc gia này sợ hãi là cuộc chiến tôn giáo xảy ra, sau đó bất kể bên nào thắng thì cũng dựng lên một chế độ độc tài y hệt như tình trạng trước năm 2012 tức trước khi Saleh Saleh bị lật đổ.” Ông Sadi nói thêm Houthis chủ trương chống Mỹ, cờ hiệu của chúng có hàng chữ “Giết Mỹ” (Death to America) “nên chuyện chúng đồng ý làm việc với Hoa Kỳ để diệt khủng bố al-Qaeda là điều sẽ chẳng bao giờ xảy ra.”

Ðiều nhà ngoại giao Sadi vừa nói là điều không sai. Tin rò rỉ từ Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cho hay trong những tuần lễ gần đây, nhiều cuộc dàn xếp để “đại diện Hoa Kỳ và đại diện của lực lượng dân quân Houthis gặp nhau đều không thành công,” thành phần lãnh đạo Houthis nói rõ “không bao giờ nói chuyện với Mỹ.” Nhưng theo nhà quan sát Kathrine Zimmerman của Viện Nghiên Cứu Cộng Hòa AEI, “bọn chúng theo đuổi lập trường đó lúc còn ở thế đối lập chống lại một chính phủ mà chúng gọi là bị Hoa Kỳ giật dây, bây giờ chúng đã chiếm được chính quyền, làm chủ đất nước Yemen, có thể chúng sẽ thay đổi.”

“Bất kể chúng (Houthis) có thay đổi quan điểm chính trị hay không, trách nhiệm của những nhà hoạch định chính sách ở Washington vẫn là phải rất thận trọng vì chúng có Iran đứng đằng sau,” theo nhận xét của cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton. Ông Bolton nhắc lại lực lượng Houthis không chỉ chiến đấu dưới chiêu bài chống Mỹ “mà chúng còn chiến đấu cho Iran” vì “Iran không muốn thấy bất kỳ lực lượng Hồi Giáo Sunni nào tạo được thanh thế ở Châu Phi hoặc ở bán đảo Ả Rập.” Ông Bolton tin rằng điều duy nhất Hoa Kỳ có thể làm “là ngồi yên chờ ngày chính quyền mới ở Yemen bắn tiếng xin làm bạn,” vì Yemen là nước nghèo nhất trong khối Ả Rập, “chúng biết chỉ có nước Mỹ mới giúp chúng vượt qua khó khăn kinh tế.”

Nhưng bao giờ điều này sẽ đến? Ðó chính là câu hỏi đang khiến những nhà hoạch định chính sách ở Washington nhức đầu. Trong một cuộc thảo luận trên đài truyền hình MSNBC, nhà phân tích Mike Driscoll tin rằng quả 2 bên đang cần có nhau, phía Yemen cần trợ giúp kinh tế, phía Hoa Kỳ mong có nơi làm bàn đạp để tiếp tục chiến lược chống khủng bố toàn cầu. Câu hỏi ông Driscoll đặt ra là “bên nào sẽ cất tiếng trước? Yemen hay là Hoa Kỳ?”

Ðó là câu hỏi lý thú nhất nghe được sau khi có tin chính phủ thân Mỹ ở Yemen sụp đổ. Cũng cần nhắc lại rằng đến tối Thứ Năm, Hoa Kỳ vẫn chưa bình phẩm gì về tin này, điều đó theo ông Driscoll “có nghĩa là các viên chức cao cấp hành pháp vẫn bàn thảo với nhau xem nên phát biểu những gì, và liệu những lời phát biểu đó có lợi thế nào khi phải bắt tay làm việc với tân chính phủ Yemen.”

Switch mode views: